MỞ RỘNG > Tài liệu môn Luật hình sự 1

Tài liệu môn Luật hình sự 1

BÀI 2

KHÁI NIỆM, NHIỆM VỤ, CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

I. KHÁI NIỆM LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Hiện nay, hệ thống pháp luật của Nhà nước bao gồm nhiều ngành luật khác nhau. Tuy nhiên, khi Nhà nước mới xuất hiện, hệ thống pháp luật còn rất sơ khai, chỉ bao gồm có một vài ngành luật. Luật hình sự được xem là một trong vài ngành luật ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người và giữ một vai trò rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Khái niệm luật hình sự xuất hiện từ thời cổ đại và có những cách hiểu khác nhau. Trong tiếng Anh, luật hình sự được gọi là “Criminal Law”, tiếng Pháp là “Droit Criminel” và tiếng Đức là “Criminalrecht”. Từ “criminal” xuất phát từ từ “crimen”, nghĩa là tội phạm hoặc sự kết án về một tội nào đó[1]. Như vậy, luật hình sự được hiểu là luật về tội phạm. Song song đó, người ta còn dùng các cụm từ “Penal Law” (tiếng Anh), “Droit Penal” (tiếng Pháp), hoặc “Strafrencht” (tiếng Đức) để chỉ luật hình sự. Từ “penal” xuất phát từ từ “poena”, nghĩa là hình phạt[2]. Trong trường hợp này, luật hình sự được hiểu là luật về hình phạt. Đây là cách hiểu về luật hình sự trong tiếng Việt.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội, trật tự xã hội, Nhà nước dùng nhiều biện pháp vừa có tính thuyết phục, vừa có tính cưỡng chế để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm. Khi hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cho xã hội chưa cao, Nhà nước có thể chỉ sử dụng các chế tài hành chính, dân sự... Nếu hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cao đối với xã hội thì Nhà nước cần áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ và nghiêm khắc nhất - chế tài hình sự, được quy định bởi luật hình sự. Thông qua hoạt động lập pháp hình sự, nhà làm luật đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hình sự để quy định tội phạm và hình phạt đối với các tội phạm đó.

Như vậy, có thể hiểu luật hình sự Việt Nam là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm, đồng thời quy định những biện pháp chế tài gọi là hình phạt cần áp dụng đối với những chủ thể phạm tội ấy. Nói như vậy không có nghĩa là luật hình sự chỉ quy định về tội phạm và hình phạt. Trái lại, bên cạnh tội phạm và hình phạt, luật hình sự còn quy định các nội dung liên quan đến cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự cũng như các chế định pháp luật hình sự khác liên quan đến trình tự, điều kiện, yêu cầu của quyết định hình phạt, các căn cứ và phạm vi của các biện pháp tha miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt, xóa án tích, v.v.

Như trên đã nêu, luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, do vậy nó sẽ có tất cả các đặc điểm đặc trưng của một ngành luật nói chung. Tuy nhiên, với tư cách là một ngành luật độc lập, luật hình sự có một số đặc điểm và các nguyên tắc đặc trưng của mình. Nói cách khác, luật hình sự có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng, phù hợp với đặc điểm của mình.

1. Đối tượng điều chỉnh của luật hình sự

Đối tượng điều chỉnh của bất kỳ một ngành luật nào cũng là một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định. Việc nghiên cứu đối tượng điều chỉnh của luật hình sự phải xuất phát từ chức năng, vai trò của nó. Luật hình sự trước hết có chức năng bảo vệ các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,... khỏi sự xâm hại của các hành vi phạm tội. Luật hình sự thực hiện chức năng này bằng cách quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt có thể áp dụng đối với những người đã thực hiện hành vi đó. Nói cách khác, luật hình sự điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có một tội phạm xảy ra. Theo một số quan điểm, quan hệ xã hội phát sinh trong điều kiện này là các quan hệ xã hội tiêu cực vì nó phát sinh khi có chủ thể thực hiện hành vi phạm tội[3].

Trong quan hệ pháp luật hình sự, có hai chủ thể với những địa vị pháp lý khác nhau là Nhà nước và chủ thể phạm tội.

Nhà nước là chủ thể có vị trí đặc biệt trong quan hệ pháp luật hình sự với tư cách là chủ thể bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Nhà nước, thông qua các cơ quan tư pháp hình sự nhân danh mình (cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án...) có quyền khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử chủ thể phạm tội, buộc họ phải chịu những hình phạt nhất định tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm mà họ đã gây ra hoặc tha miễn một số chủ thể thực hiện hành vi phạm tội nếu chủ thể này hội đủ những điều kiện do pháp luật hình sự quy định. Mặt khác, với tư cách là chủ thể đại diện cho công lý, Nhà nước đồng thời có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ thể phạm tội thông qua một loạt những quy định chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, người phạm tội, người bị kết án. Trong quan hệ pháp luật hình sự, Nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình thông qua các cơ quan chức năng chuyên trách, đại diện mình (cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án...).

Chủ thể thứ hai trong quan hệ pháp luật hình sự là chủ thể phạm tội[4] – chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự coi là tội phạm. Chủ thể phạm tội có trách nhiệm chấp hành các biện pháp cưỡng chế mà Nhà nước áp dụng đối với họ, đồng thời, họ cũng có quyền yêu cầu Nhà nước bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của mình, chỉ áp dụng các biện pháp chế tài trong giới hạn luật định và có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho hành vi phạm tội của mình.

Căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự là hành vi phạm tội diễn ra trên thực tế. Điều này có nghĩa là, khi nào có hành vi phạm tội được thực hiện thì quan hệ pháp luật hình sự sẽ phát sinh, bất chấp việc chủ thể phạm tội có bị phát hiện và xử lý hay chưa. Cụm từ “hành vi phạm tội diễn ra trên thực tế” bao gồm cả hành vi phạm tội đã hoàn thành, chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội mà thuộc những trường hợp bị Bộ luật hình sự quy định là chủ thể thực hiện phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quan hệ pháp luật hình sự sẽ chấm dứt khi có một trong những căn cứ sau:

- Chấp hành xong bản án đã tuyên, hoặc hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và được xóa án tích;

- Được miễn trách nhiệm hình sự;

- Chủ thể phạm tội đã chết.

Tóm lại, đối tượng điều chỉnh của luật hình sự Việt Nam là các quan hệ xã hội phát sinh giữa Nhà nước và chủ thể phạm tội khi chủ thể này thực hiện tội phạm. Thông qua việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh khi có tội phạm xảy ra, luật hình sự Việt Nam tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ phát triển, tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm. Bằng cách đó, luật hình sự Việt Nam góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các quyền và lợi ích của công dân cũng như bảo đảm việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội do Nhà nước đề ra.

2. Phương pháp điều chỉnh của luật hình sự

Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật nói chung là cách thức, phương thức mà hệ thống các quy phạm pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh nhằm vào các mục đích nhất định của ngành luật đó. Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật được xác định bởi tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó. Mặt khác, phương pháp điều chỉnh của một ngành luật thông qua một số hình thức tác động như: trình tự xác lập các quyền và nghĩa vụ chủ thể của quan hệ pháp luật, mức độ xác định các quyền, sự lựa chọn sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật, đặc điểm quan hệ giữa các bên, phương pháp bảo đảm thực hiện các quyền của chủ thể, v.v.. Do tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh cũng như các hình thức điều chỉnh (trình tự, mức độ xác định...) của mỗi ngành luật là khác nhau, nên có nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau.

Dựa trên tính đặc trưng của đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, các nhà lý luận luật hình sự Việt Nam gọi phương pháp điều chỉnh của luật hình sự là phương pháp quyền uy[5]. Đó là phương pháp sử dụng quyền lực Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ pháp luật hình sự, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Các cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp hình sự có quyền sử dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế mà pháp luật cho phép để giải quyết các yêu cầu về nội dung và mục đích của pháp luật hình sự. Quyền lực Nhà nước không bị hạn chế bởi thế lực của một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái nào. Chủ thể phạm tội, do thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội được Nhà nước bảo hộ và luật hình sự coi là tội phạm nên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tội phạm đã gây ra. Trách nhiệm này thuộc về cá nhân kẻ phạm tội, do chính kẻ phạm tội gánh chịu một cách trực tiếp chứ không thể “chuyển” hay uỷ thác cho một chủ thể nào khác. Chủ thể phạm tội không có quyền từ chối hình phạt hay thoả thuận với Nhà nước về mức hình phạt. Quan hệ giữa Nhà nước và người phạm tội là quan hệ gần như một chiều, chủ thể phạm tội phải luôn tuyệt đối tuân theo những quyết định của Nhà nước.

II. BẢN CHẤT CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1. Bản chất giai cấp

Pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng luôn mang tính giai cấp sâu sắc. Chúng xuất hiện cùng với Nhà nước và là sản phẩm của xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Ngay từ khi mới ra đời, luật hình sự đã là vũ khí sắc bén của giai cấp thống trị trong cuộc đấu tranh duy trì quyền lực Nhà nước và trật tự xã hội do giai cấp thống trị đặt ra.

Pháp luật nói chung và luật hình sự nói riêng là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp, duy trì quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền. Luật hình sự thông qua việc quy định tội phạm và hình phạt, bảo đảm việc thực hiện lợi ích của giai cấp. Trong bất kỳ xã hội có giai cấp nào cũng có quy định các hành vi phạm tội như giết người, hiếp dâm, cướp tài sản... Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong các quy định đó nhằm bảo vệ lợi ích nào, bảo vệ ai chính là vấn đề bản chất của luật hình sự.

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, luật hình sự mang tính chất đàn áp dã man thông qua việc quy định những hình phạt man rợ như lăng trì, giảo hình, khiêu hình, xuy hình, trượng hình, đồ hình... Nhà vua là người có quyền lực tối thượng, là người ban hành và có quyền “đứng trên” pháp luật. Nhà nước phong kiến đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hình sự để duy trì và bảo vệ lợi ích về mọi mặt của giai cấp thống trị.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, thực hiện chính sách chia để trị nhằm chia rẽ sự đoàn kết dân tộc, đàn áp các phong trào cách mạng, chúng đã chia nước ta ra làm Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Ở mỗi nơi, chúng ban hành một bộ luật hình sự khác nhau như Bộ luật hình sự Bắc kỳ năm 1923, Bộ luật hình sự Trung kỳ năm 1933. Điều đó chính là sự thể hiện bản chất của pháp luật hình sự thông qua mục đích của giai cấp thống trị trong thời kỳ này.

Dưới thời Mỹ - ngụy, chính quyền ngụy tay sai đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật hình sự mang tính phát xít cao độ nhằm khủng bố những người cộng sản Việt Nam, đàn áp phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ, vì sự thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công cụ sắc bén của nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh và có chủ quyền. Đồng thời, luật hình sự Việt Nam cũng là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, chống thực dân, chống đế quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là ngành luật mang bản chất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

2. Bản chất xã hội

Bên cạnh bản chất giai cấp, luật hình sự còn có tính xã hội sâu sắc. Luật hình sự không chỉ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, mà nó còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người trong xã hội. Thông qua Nhà nước, luật hình sự ghi nhận những cách xử sự hợp lý, khách quan, được số đông người chấp nhận và phù hợp với lợi ích của số đông trong xã hội. Nhà nước quy định những hành vi có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội là tội phạm để bảo vệ sự an toàn cho các quan hệ xã hội khác tránh khỏi sự xâm phạm của tội phạm, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Ngày nay, trong quá trình thực hiện dân chủ hoá xã hội chủ nghĩa, bản chất xã hội của pháp luật hình sự ngày càng được coi trọng.

III. NHIỆM VỤ CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, luật hình sự có một nhiệm vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm mà thực tiễn đã đặt ra. Chẳng hạn, trong giai đoạn 1945 - 1954, để bảo đảm nhiệm vụ lịch sử, pháp luật hình sự Việt Nam trong giai đoạn này đã đảm nhận nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bằng mọi cách phải bảo vệ chính quyền còn non trẻ mới được thiết lập. Để thực hiện nhiệm vụ đó, pháp luật hình sự đã được Nhà nước sử dụng như là công cụ sắc bén để đè bẹp sự phản kháng và âm mưu lật đổ của các thế lực chống đối. Chúng ta có thể thấy được điều đó thông qua hàng loạt các văn bản pháp luật hình sự ra đời trong giai đoạn này. Trong giai đoạn 1954 - 1975, nhiệm vụ của luật hình sự đã thay đổi. Trong giai đoạn này, nước ta đã bị chia thành hai miền Nam, Bắc. Các nhiệm vụ cấp bách cần tập trung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiến pháp 1959 nêu rõ: “Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất đất nước”. Vì vậy, khi nghiên cứu các văn bản pháp luật hình sự trong giai đoạn này, chúng ta có thể tìm thấy các quy định về tội phạm và hình phạt đáp ứng cho việc thực hiện các nhiệm vụ đó.

Có hai loại nhiệm vụ là nhiệm vụ chiến lược và nhiệm vụ trước mắt. Các nhiệm vụ chiến lược của luật hình sự được xác định trên cơ sở nhiệm vụ chiến lược của Nhà nước trong một khoảng thời gian dài và khá ổn định. Các nhiệm vụ cấp bách, trước mắt của luật hình sự là nhiệm vụ nổi lên trong từng thời điểm nhất định của đời sống đất nước. Cả hai loại nhiệm vụ trên luôn luôn gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau. Sự hoàn thành các nhiệm vụ trước mắt là tiền đề cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược. Trái lại, chỉ trên cơ sở nhiệm vụ chiến lược mới xác định được nhanh chóng nhiệm vụ trước mắt.

Trong giai đoạn hiện nay, pháp luật hình sự đã được xác định lại nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của đất nước trong xu thế mới. Tại Điều 1 - Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 quy định: “Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt.”

IV. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CHUNG CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Theo cách hiểu triết học, nguyên tắc là “những tư tưởng xuất phát điểm, có tính chủ đạo, định hướng, là quy tắc cơ bản của hành động”[6]. Như vậy, có thể hiểu rằng, các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo, có tính chất xuất phát điểm chi phối toàn bộ quá trình xây dựng, hoàn thiện và áp dụng các quy định của luật hình sự vào đấu tranh phòng chống tội phạm.

Pháp luật hình sự và các nguyên tắc của luật hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể hiểu và vận dụng tốt, có hiệu quả các quy định của pháp luật hình sự thông qua nội dung của các nguyên tắc của luật hình sự. Ngược lại, trong các quy định của pháp luật hình sự, trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự chính là nơi biểu hiện sống động nội dung các nguyên tắc của luật hình sự.

Các nguyên tắc của luật hình sự được chia thành hai nhóm: nhóm các nguyên tắc pháp lý chung và nhóm các nguyên tắc pháp lý chuyên ngành. Các nguyên tắc pháp lý chung là các nguyên tắc đặc trưng chung cho tất cả các ngành luật, trong đó có luật hình sự. Tuy nhiên, sự biểu hiện của nguyên tắc chung này trong luật hình sự sẽ không giống với các ngành luật khác thông qua đặc điểm đặc thù của ngành luật này. Các nguyên tắc pháp lý chung của luật hình sự có thể kể đến như: nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc kết hợp hài hoà chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết quốc tế, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc công bằng. Các nguyên tắc pháp lý chuyên ngành của luật hình sự là những nguyên tắc đặc trưng riêng cho ngành luật hình sự. Có thể kể đến các nguyên tắc thuộc loại này như: nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự và hình phạt, nguyên tắc trách nhiệm cá nhân, nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt, v.v.

Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ phân tích một số (trong số các) nguyên tắc pháp lý chung của luật hình sự. Những nguyên tắc khác sẽ được lồng vào các nội dung của từng chế định luật hình sự cụ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tham khảo thêm một số tài liệu có liên quan đến nội dung này[7].

1. Nguyên tắc pháp chế

Nguyên tắc pháp chế là một nguyên tắc hết sức quan trọng và cơ bản của quá trình xây dựng và đổi mới pháp luật ở Việt Nam. Nói đến pháp chế tức là nói đến sự triệt để tuân thủ pháp luật từ phía Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và của công dân. Nguyên tắc pháp chế có nguồn gốc từ nguyên lý không có tội nếu không có luật (La tinh: Nullum crimen sine lege”. Trong lĩnh vực hình sự, nguyên tắc pháp chế được coi là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt toàn bộ các hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự. Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Nghĩa là những gì có thể là cơ sở của trách nhiệm hình sự, của việc áp dụng hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cũng như việc áp dụng mọi hình thức trách nhiệm hình sự với tính cách là hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội đều phải do pháp luật hình sự quy định.

Những yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế cụ thể là:

- Về mặt lập pháp: việc sửa đổi, bổ sung, quy định tội phạm mới hay xoá bỏ một tội phạm phải được tiến hành một cách hợp pháp, theo đúng thủ tục luật định. Theo cơ chế này, mọi tội phạm và hình phạt phải được luật hình sự quy định, “có luật, có tội”. Ngoài ra, nguyên tắc pháp chế còn đòi hỏi pháp luật hình sự phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học, được xây dựng một cách hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Các quy định của luật hình sự phải được xây dựng một cách cụ thể, chính xác với các dấu hiệu của từng hành vi phạm tội và hậu quả pháp lý của nó.

- Về mặt áp dụng pháp luật: Nhà nước không chấp nhận một bản án hình sự về một tội nào đó, nếu như tội này không được quy định trong luật hình sự hiện hành. Việc xét xử phải đúng người[8], đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không để oan người vô tội. Hình phạt mà Toà án tuyên cho người phạm tội phải phù hợp với các quy định của luật hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải tuân theo đúng và đầy đủ các thủ tục luật định. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi sự chính xác và thống nhất trong việc áp dụng luật hình sự, trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và của bản thân người phạm tội. Điều đó có nghĩa là trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam, pháp luật hình sự phải được áp dụng như nhau, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, thành phần xã hội... của người phạm tội. Pháp luật phải được giải thích cụ thể bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nhằm tránh sự hiểu và vận dụng khác nhau đối với cùng một quy định nhưng ở những điều kiện khác nhau. Một nội dung quan trọng không kém nữa là không áp dụng pháp luật tương tự.

- Đối với công dân, nguyên tắc pháp chế đòi hỏi mỗi người dân đều phải tuân thủ pháp luật một cách triệt để, không ngừng tăng cường cảnh giác cao độ, nâng cao ý thức pháp luật, tích cực đấu tranh phòng và chống tội phạm.

2. Nguyên tắc dân chủ

Dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đây là một nguyên tắc hiến định. Trong luật hình sự, nội dung của nguyên tắc dân chủ thể hiện ở các điểm sau:

- Luật hình sự bảo vệ và tôn trọng các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm những quyền dân chủ của công dân. Quyền lợi của công dân đều được bảo vệ như nhau, không phân biệt nòi giống, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, tình hình kinh tế, tài sản; không quy định những đặc quyền, đặc lợi cho riêng một đối tượng, một tầng lớp, giai cấp nào.

- Luật hình sự bảo đảm cho nhân dân lao động tự mình hay thông qua các tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và áp dụng luật hình sự, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

- Luật hình sự coi việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là sự nghiệp của toàn dân. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định nội dung này tại Điều 4. Ngoài ra, Bộ luật hình sự hiện hành (gọi tắt là Bộ luật hình sự) còn có nhiều quy định khác tạo cơ sở pháp lý hình sự cho sự tham gia của mọi người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Chẳng hạn như: quy định về phòng vệ chính đáng (Điều 22), tình thế cấp thiết (Điều 23), việc thực hiện hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), án treo (Điều 65), v.v..

Trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc dân chủ có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng. Cùng với nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc này góp phần phát huy hiệu quả của luật hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm, duy trì kỷ cương và công lý xã hội. Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa góp phần định hướng phát triển của luật hình sự nói chung và hoạch định các chính sách hình sự nói riêng.

3. Nguyên tắc nhân đạo

Nhân đạo là đạo làm người. Đạo làm người thể hiện ở lòng thương yêu, với ý thức tôn trọng các giá trị danh dự, nhân phẩm của con người, không làm đau đớn con người. Pháp luật hình sự Việt Nam phản ánh ý thức pháp luật các quan niệm đạo đức của dân tộc ta, có mục đích, nội dung nhân đạo sâu sắc và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp rất nhân đạo. Trước hết, trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc nhân đạo luôn được thể hiện rõ nét trong các chính sách hình sự của Nhà nước, trong các quy định của Bộ luật hình sự. Nội dung này thể hiện cụ thể tại Điều 3 của Bộ luật hình sự. Đối với kẻ phạm tội, việc áp dụng hình phạt trong luật hình sự Việt Nam chủ yếu là nhằm mục đích cải tạo, giáo dục kẻ phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam không nhằm gây đau đớn về thể xác và không nhằm hạ thấp phẩm giá của con người.

Cụ thể, nguyên tắc nhân đạo có các nội dung sau:

- Luật hình sự Việt Nam khoan hồng với những người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.

- Luật hình sự không có mục đích trả thù, hạ thấp nhân phẩm người phạm tội mà nhằm tạo điều kiện để họ được cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, sống lương thiện.

- Luật hình sự Việt Nam có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo như quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, quy định về miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo), v.v..

- Trong hệ thống hình phạt của luật hình sự Việt Nam có nhiều loại hình phạt không tước tự do như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất.

Mặt thứ hai của nguyên tắc nhân đạo là phải nghiêm trị đối với những người phạm tội là những người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố... Vì vậy, Bộ luật hình sự đã quy định các hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân, tử hình. Tuy nhiên, các hình phạt này cũng chỉ được phép áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phạm vi áp dụng cũng có giới hạn nhất định: hình phạt tù chung thân và tử hình không được phép áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi phạm tội, hình phạt tử hình không được phép áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người già đủ 75 tuổi trở lên, v.v..

V. KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ VÀ CÁC NGÀNH KHOA HỌC KHÁC CÓ LIÊN QUAN

Khoa học luật hình sự là một ngành khoa học luật, nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện lý luận về tội phạm, hình phạt bao gồm các quan điểm, tư tưởng, quan niệm pháp lý hình sự cơ bản về luật hình sự. Khoa học luật hình sự là một bộ phận hợp thành của khoa học pháp lý, là một trong những ngành khoa học xã hội.

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa học luật hình sự bao gồm các lĩnh vực sau:

- Tội phạm và hình phạt với tư cách là những hiện tượng pháp lý - xã hội;

- Những chế định pháp lý hình sự khác có liên quan đến tội phạm và hình phạt;

- Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tư pháp hình sự;

- Các nguyên tắc của luật hình sự;

- Đạo luật hình sự, tính quyết định xã hội và hiệu quả của nó, các quy luật và khuynh hướng phát triển của Luật hình sự Việt Nam và vấn đề hoàn thiện pháp luật hình sự;

- Pháp luật hình sự của các nước trên thế giới. Qua nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước trên thế giới, khoa học luật hình sự Việt Nam tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm và thành tựu trong hoạt động xây dựng, nghiên cứu và áp dụng pháp luật hình sự.

Khoa học luật hình sự Việt Nam sử dụng các phương pháp nghiên cứu dựa trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, cụ thể như: phương pháp thống kê xã hội học, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp... Vì vậy, không phải khoa học luật hình sự nghiên cứu về tội phạm, hình phạt và những vấn đề có liên quan một cách trừu tượng mà trái lại, các đối tượng này được nghiên cứu với tính cách là những hiện tượng xã hội có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với các điều kiện cụ thể của xã hội. Từ đó, khoa học luật hình sự lý giải được các nguyên nhân, nhân tố, tiền đề quyết định việc ban hành đối với từng nội dung, chế định pháp luật hình sự trong từng điều kiện lịch sử cụ thể. Nội dung và hình thức của các khái niệm pháp lý hình sự được khoa học luật hình sự làm sáng tỏ dựa trên các phạm trù, quy luật, luận điểm của triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tội phạm và hình phạt.

Khoa học luật hình sự có mối liên quan mật thiết với nhiều ngành khoa học khác liên quan đến việc nghiên cứu các vấn đề về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đó là các ngành khoa học sau: Tội phạm học; Thống kê hình sự; Khoa học điều tra hình sự; Giám định pháp y; Tâm thần học tư pháp; Tâm lý học tư pháp.

Có thể nói, khoa học luật hình sự có cùng nhiệm vụ với các ngành khoa học nói trên. Tuy nhiên, khoa học luật hình sự lại có đối tượng nghiên cứu độc lập với các ngành khoa học này. Chẳng hạn, khi nghiên cứu tội phạm, khoa học luật hình sự nghiên cứu khái niệm, bản chất, đặc điểm pháp lý của tội phạm dựa trên các quy phạm pháp luật hình sự. Trong khi đó, tội phạm học lại nghiên cứu tội phạm ở góc độ xã hội đó là tình hình tội phạm, các nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa tội phạm. Cho nên, khi nghiên cứu đối tượng, khoa học luật hình sự sử dụng phương pháp lôgíc. Trong khi đó, tội phạm học sử dụng các phương pháp xã hội, như điều tra xã hội học, thống kê xã hội học...

 

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm, đối tượng, phương pháp điều chỉnh của luật hình sự Việt Nam.

2. Phân tích bản chất của luật hình sự Việt Nam.

3. Nhiệm vụ của luật hình sự Việt Nam là gì.

4. Phân tích những nguyên tắc cơ bản chung của luật hình sự Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Bryan A. Garner: Blacks Law Dictionary, 7th Edition.

3.   Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

4.   Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.

5. Kudriavtxev V.N., Lunhiôv V.V., Haumôv A.V: Luật hình sự Nga - phần chung, Nxb. Luật gia Mátxcơva, 2004.

6.   Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam, quyển I - Những vấn đề chung, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

7.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

 

[1]. Bryan A. Garner: Blacks Law Dictionary, 7th Edition, tr.379.

[2]. Bryan A. Garner: Sđd, tr.1177.

[3]. Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.147.

[4] Trước khi ban hành Bộ luật hình sự 2015, chủ thể thứ hai của quan hệ pháp luật hình sự chỉ là cá nhân. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 đã thừa nhận thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, nên quan niệm chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm không còn đúng nữa. Từ đây về sau, chủ thể phạm tội được hiểu là cá nhân và pháp nhân thương mại. (TG)

[5]. Một số tác giả gọi đây là phương pháp “cấm” và “quy định” (xem Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam (quyển I: Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.87-88; Kudriavtxev V.N., Lunhiôv V.V., Haumôv A.V, Luật hình sự Nga (Phần chung), Nxb. Luật gia, Mátxcơva, 2004, tr.13-19).

[6]. Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.20-21.

[7]. Xem Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.24-40; Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam (quyển I: Những vấn đề chung), Sđd, tr.216-290.

[8] Chữ “người” trong những trường hợp này được dùng để chỉ chủ thể phạm tội (cá nhân hoặc pháp nhân) (TG)

 

BÀI 3

NGUỒN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

I. KHÁI NIỆM NGUỒN CỦA LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Để diễn tả, ghi nhận các quan hệ pháp luật hình sự về cơ sở của trách nhiệm hình sự và việc áp dụng trách nhiệm hình sự, luật hình sự có những hình thức biểu hiện nhất định. Có thể có hình thức bên ngoài hoặc hình thức nội tại. Những hình thức biểu hiện bên ngoài là tất cả những gì có thể làm cơ sở để biểu hiện được nội dung các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, một văn bản pháp luật nào đó có chứa đựng quy định của pháp luật liên quan đến pháp luật hình sự. Những hình thức biểu hiện nội tại là các quy phạm pháp luật hình sự. Chẳng hạn, chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự; chế định đồng phạm được quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự, v.v..

Có hai cách hiểu về nguồn của luật hình sự Việt Nam. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, nguồn của luật hình sự Việt Nam được hiểu là tất cả những căn cứ có giá trị áp dụng trực tiếp đối với tất cả các phạm vi của việc thiết kế và thực hiện chính sách hình sự, cho việc lập pháp hình sự, cho việc áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan tố tụng hình sự, người tiến hành tố tụng hình sự, cho việc xây dựng và củng cố ý thức pháp luật của mọi công dân. Theo nghĩa này, nguồn của luật hình sự Việt Nam rất rộng, bao gồm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, Hiến pháp, các đạo luật và các văn bản dưới luật có liên quan đến pháp luật hình sự; các văn bản của các cơ quan tư pháp hình sự, như các văn bản hướng dẫn, đánh giá, tổng kết...; các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự mà Việt Nam có tham gia hoặc ký kết. Tuy nhiên, đa số các tài liệu nghiên cứu hiện nay cũng như các giáo trình luật hình sự đều hiểu nguồn của luật hình sự Việt Nam theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa này, nguồn của luật hình sự chỉ bao gồm những căn cứ trực tiếp tạo cơ sở cho việc xác định tội phạm và áp dụng hình phạt. Như vậy, nguồn của luật hình sự Việt Nam chỉ có thể là các đạo luật hình sự. Nếu trong giai đoạn hiện nay, đạo luật hình sự cũng chính là Bộ luật hình sự. Vì vậy, trong phạm vi của bài này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập những vấn đề liên quan đến đạo luật hình sự nói chung và Bộ luật hình sự nói riêng, với tư cách là nguồn theo nghĩa hẹp của luật hình sự Việt Nam.

Bộ luật hình sự của nước ta từ khi được ban hành đến nay đã liên tục phải sửa đổi, bổ sung, làm cho các quy định của Bộ luật hình sự không có tính ổn định cao. Từ khi Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước ta ra đời (1985), đã trải qua 8 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997, 1999, 2009, 2015 và gần đây nhất là 2017. Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự vào thực tiễn. Hơn nữa, mặc dù sửa đổi, bổ sung nhiều lần như vậy nhưng nhìn chung Bộ luật hình sự vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn. 

Từ năm 1986 đến nay, Bộ luật hình sự Việt Nam coi nguồn duy nhất của luật hình sự là Bộ luật hình sự. Tại Điều 2 của Bộ luật hình sự luôn khẳng định:

“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Và Bộ luật hình sự khi đưa ra khái niệm tội phạm đều khẳng định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội “được quy định trong Bộ luật hình sự”. Tức là một chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Như vậy, đối với bất kỳ hành vi nào dù có tính nguy hiểm cao cho xã hội mà không được quy định trong Bộ luật hình sự thì không thể coi là tội phạm. Đây là nguyên tắc nền tảng của luật hình sự từ khi được ban hành cho tới nay. Các chuyên gia pháp luật gọi đây là dạng “nguồn đóng”.

Nghĩa là, Bộ luật hình sự quy định tất cả các tội phạm thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tương đối ổn định song có lĩnh vực lại có tính biến động cao như các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ… Khi một lĩnh vực nào đó có sự thay đổi thì đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, nếu không sẽ nảy sinh bất cập. Từ đó tạo ra một áp lực không nhỏ về quy trình sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật hình sự. Công bằng mà nói, việc quy định chỉ Bộ luật hình sự mới quy định tội phạm có những ưu điểm nhất định như tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi khi áp dụng, đảm bảo nguyên tắc pháp chế. Tuy nhiên, thực tế này cũng tạo ra những hạn chế, đặc biệt, trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay. Việc quy định mang tính chất “đóng”, tội phạm chỉ quy định trong Bộ luật hình sự đã tạo ra sự thiếu linh hoạt trong việc đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh.

Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội mới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, trật tự an toàn xã hội, trật tự quản lý kinh tế, an toàn trong khoa học công nghệ, v.v.. nhưng do không được quy định trong Bộ luật hình sự nên các hành vi này không bị xử lý hình sự. Song song đó, trong điều kiện hiện nay, khi nước ta đang ngày càng hội nhập kinh tế, quốc tế mạnh mẽ, đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế liên quan đến phòng, chống tội phạm thì quy định “đóng”, tội phạm chỉ trong Bộ luật hình sự là cũng là một hạn chế, do không đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc nội luật hoá các yêu cầu về hình sự hoá khi việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và rất phức tạp.

Ngoài ra, việc quy định tội phạm trong Bộ luật hình sự dẫn tới hạn chế trong việc nghiên cứu, áp dụng các quy định về tội phạm do cần phải xem xét, đối chiếu để có cách hiểu thống nhất về những thuật ngữ, hành vi đã được quy định trong luật chuyên ngành. Chính điều này đã ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác đấu tranh và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành nhằm bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng thực tiễn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo sự thống nhất, thuận tiện trong việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật.

Mặt khác, quy định thống nhất từ thuật ngữ, hành vi bị cấm, cách thức quản lý của nhà nước và chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm trong cùng một luật tạo ra nhiều ưu điểm trong việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền pháp luật.  Nghiên cứu mở rộng việc quy định trong các luật chuyên ngành còn giúp tạo tính ổn định của Bộ luật hình sự.

Sau cùng, quy định mở rộng nguồn quy định tội phạm trong các luật chuyên ngành sẽ tạo sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về tội phạm.  Việc quy định rải rác tội phạm trong các đạo luật chuyên ngành cũng có thể gây khó khăn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về tội phạm, khó nắm bắt được một cách toàn diện các quy định về tội phạm, phát sinh chi phí trong việc nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật.

Việc cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản luật chuyên ngành khác ngoài Bộ luật hình sự (như các luật chuyên ngành về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ…) giúp chúng ta cập nhật kịp thời những dạng hành vi phạm tội mới phát sinh để có những chế tài xử lý, đồng thời có điều kiện để quy định cụ thể, chi tiết các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là những hành vi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, quản lý kinh tế… mà không phải sửa đổi Bộ luật hình sự. Như vậy, các quy định của pháp luật về tội phạm và hình phạt sẽ luôn theo kịp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong các lĩnh vực nhờ hệ thống các luật “vệ tinh” mà tính ổn định của Bộ luật hình sự vẫn được bảo đảm. Cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành không có nghĩa là sẽ thay thế toàn bộ các tội phạm cụ thể thuộc các lĩnh vực chuyên ngành hiện có trong Bộ luật hình sự mà quy định này làm cơ sở để cho phép sau này khi ban hành các luật chuyên ngành, nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định tội phạm mới trong từng lĩnh vực ngay trong đạo luật chuyên ngành đó mà không phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự. Về nguyên tắc là tập trung tối đa việc quy định tội phạm và hình phạt vào Bộ luật hình sự. Nhưng cũng có thể đến thời điểm xảy ra tội phạm mà Bộ luật hình sự chưa quy định thì sẽ xử lý theo luật chuyên ngành nhưng khi đó phải tuân thủ các nguyên tắc của Bộ luật hình sự.

Với những lý lẽ đó, lần sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015, các nhà làm luật đã đề xuất phương án mở rộng nguồn của luật hình sự theo hướng tội phạm không chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự mà có thể được quy định ở các văn bản khác. Định hướng này được nhiều chuyên gia về luật hình sự tán thành những vẫn còn không ít quan điểm chưa thống nhất.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay có xu thế phổ biến là mở rộng nguồn của luật hình sự nhưng nước ta cũng cần thận trọng và tính đến điều kiện thực tế của mình. Bây giờ tất cả các tội phạm và hình phạt đều nằm trong Bộ luật hình sự mà các Thẩm phán của chúng ta còn có những điểm không thống nhất. Nếu mở rộng nguồn của luật hình sự thì sẽ có những khó khăn gì? Về khách quan, có thể nảy sinh tình trạng quy định trong luật chuyên ngành một cách tuỳ tiện. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang làm không xuể việc ngăn chặn những văn bản pháp luật không có căn cứ, mở rộng nguồn của luật hình sự sẽ khó kiểm soát. Chính vì còn những ý kiến trái chiều như vậy nên lần sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015, các nhà làm luật vẫn chưa thể mở rộng nguồn của luật hình sự.

 

II. KHÁI NIỆM ĐẠO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

Đạo luật hình sự là một khái niệm chung dùng để chỉ một bộ luật hoàn chỉnh hoặc một văn bản quy phạm pháp luật (Pháp lệnh, Sắc luật, Sắc lệnh, Luật sửa đổi, bổ sung...) quy định về một vấn đề cụ thể liên quan đến tội phạm và hình phạt. Như vậy, đạo luật hình sự là một văn bản quy phạm pháp luật hình sự (luật thành văn). Đạo luật hình sự là văn bản quy phạm pháp luật có thể có mức độ điều chỉnh cao hoặc thấp khác nhau, quy định một nhóm tội phạm nhất định và hình phạt kèm theo các tội phạm đó. Đạo luật hình sự loại này ở nước ta chỉ tồn tại trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành. Ở nhiều quốc gia khác, loại này hiện nay vẫn còn tồn tại và tỏ ra có hiệu quả khi xác định được tính đặc thù của từng nhóm tội phạm trong từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và mức chế tài tương ứng kèm theo. Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng có ý kiến rằng luật hình sự Việt Nam nên thừa nhận quan điểm này, nhưng cơ quan lập pháp vẫn chưa đồng ý vì e ngại sự tuỳ tiện, không bảo đảm nguyên tắc pháp chế.[1] Đạo luật hình sự là bộ luật hoàn chỉnh, chính là Bộ luật hình sự, là hình thức pháp điển hoá cao nhất của pháp luật hình sự, chứa đựng hầu hết các quy định về những nội dung có liên quan đến tội phạm và hình phạt.

Cho đến nay, giới nghiên cứu luật hình sự Việt Nam vẫn chưa thống nhất về khái niệm đạo luật hình sự. Tuy nhiên, dù cách này hay cách khác, đạo luật hình sự có thể được hiểu thống nhất và đầy đủ với các đặc điểm vốn có của nó là văn bản quy phạm pháp luật hình sự, do cơ quan lập pháp ban hành theo trình tự luật định, xác định những hành vi nguy hiểm nào là tội phạm, xác định cơ sở và điều kiện của trách nhiệm hình sự, xác định hệ thống hình phạt, các biện pháp tác động hình sự, các chế định pháp lý hình sự khác cũng như những điều kiện, các căn cứ quyết định hình phạt và các biện pháp tha miễn trách nhiệm hình sự và hình phạt.

Dựa trên khái niệm này, chúng ta cần phân biệt một đạo luật hình sự với các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự (Thông tư, Thông tư liên ngành, Nghị quyết, v.v..) ở những điểm sau:

- Về nội dung: các đạo luật hình sự đều quy định về tội phạm và hình phạt. Đạo luật hình sự bắt buộc phải có hai phần: phần điều khoản cơ bản và phần những điều luật cụ thể kèm theo chế tài. Các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực hình sự chỉ giải thích một số điều khoản của đạo luật hình sự đó và không có chế tài.

- Về hình thức: đạo luật hình sự có kết cấu chuẩn mực, chặt chẽ hơn so với các văn bản hướng dẫn.

- Về thẩm quyền ban hành: đạo luật hình sự do cơ quan lập pháp (ở nước ta là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước (Quốc hội)) ban hành. Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự có thể do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, v.v.. ban hành.

- Giá trị pháp lý: đạo luật hình sự có tính bắt buộc đối với các hành vi của toàn bộ các cơ quan, tổ chức và các cá nhân và có tính ổn định lâu dài. Văn bản hướng dẫn thì tuỳ từng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, có cái chỉ có giá trị bắt buộc đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể trong từng giai đoạn nhất định và thường xuyên thay đổi.

Đạo luật hình sự là một phạm trù lịch sử, thay đổi theo sự phát triển của các điều kiện kinh tế, xã hội nhất định. Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ, do yêu cầu kháng chiến, kiến quốc, Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật hình sự quy định về tội phạm và hình phạt để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết đó. Đến năm 1985, Quốc hội ban hành Bộ luật hình sự năm 1985. Từ đó, đạo luật hình sự đã trở thành duy nhất là Bộ luật hình sự. Do sự thay đổi của điều kiện đất nước, Bộ luật này đã bốn lần được sửa đổi, bổ sung sau đó. Tuy nhiên, đến năm 1999, Bộ luật hình sự năm 1999 lại được ban hành, thay thế Bộ luật hình sự năm 1985 cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới của đất nước, năm 2009 được sửa đổi, bổ sung. Đến năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi ra đời, thay thế Bộ luật hình sự năm 1999 do những hạn chế của Bộ luật này trong tình hình mới.

III. CẤU TRÚC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1. Cấu trúc vĩ mô

Bộ luật hình sự được chia làm ba phần: Phần chung, Phần các tội phạm và Phần điều khoản thi hành. Phần chung là phần quy định về nhiệm vụ của luật hình sự, cơ sở của trách nhiệm hình sự, về tội phạm, hình phạt và các chế định liên quan đến việc xác định tội phạm và áp dụng hình phạt, v.v.. Phần các tội phạm là phần quy định về các loại tội phạm và các tội phạm cụ thể cũng như loại và mức hình phạt áp dụng đối với các tội phạm này, v.v.. Phần điều khoản thi hành quy định về thời điểm có hiệu lực của Bộ luật hình sự. Phần chung, phần các tội phạm và phần điều khoản cơ bản trong Bộ luật hình sự liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành hệ thống các quy phạm pháp luật hình sự. Chúng đều là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ án hình sự. Cả ba phần nói trên của Bộ luật hình sự đều được chia thành các chương. Tuỳ theo nội dung và tính chất của từng vấn đề được quy định, một số chương có thể chia thành mục và gồm nhiều điều luật. Nhìn chung, cấu trúc của Bộ luật hình sự khá hoàn chỉnh, nó cho phép nhà làm luật thực hiện đầy đủ các ý đồ, nội dung cần thiết của một đạo luật. Mặt khác, nó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác áp dụng pháp luật hình sự.

Sơ đồ cấu trúc vĩ mô của Bộ luật hình sự

 

        BỘ LUẬT HÌNH SỰ 

 

 

           PHẦN CHUNG     PHẦN CÁC TỘI PHẠM     PHẦN ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

 

CHƯƠNG

 

 

MỤC (CÓ Ở MỘT SỐ CHƯƠNG)

 

 

ĐIỀU

 

 

KHOẢN

 

 

ĐIỂM

2. Cấu trúc vi mô

Cấu trúc vi mô của Bộ luật hình sự là cấu trúc của một quy phạm pháp luật hình sự. Chúng ta cần phân biệt quy phạm pháp luật với một điều luật. Quy phạm pháp luật là đơn vị hoàn chỉnh nhỏ nhất của một đạo luật, nó có thể tách ra khỏi điều luật. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng cách áp dụng chế tài đối với người vi phạm. Theo đó, quy phạm pháp luật hình sự là quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng cách áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Chúng ta đều biết, mỗi quy phạm pháp luật gồm ba phần: phần giả định, phần quy định và phần chế tài. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, quy phạm pháp luật có thể thiếu phần này hoặc phần khác. Quy phạm pháp luật hình sự cũng tương tự như vậy. Trong Bộ luật hình sự, chúng ta có thể chia ra thành ba loại quy phạm pháp luật hình sự:

* Quy phạm pháp luật hình sự Phần chung mang tính chỉ dẫn (cho phép hoặc bắt buộc). Cấu trúc quy phạm pháp luật Phần chung có hai bộ phận là giả định và quy định, không có phần chế tài. Tuy nhiên không phải tất cả các quy phạm pháp luật đều chứa đựng hai bộ phận này. Chỉ những quy phạm mang tính chất nguyên tắc mới chứa đựng hai phần này. Phần quy định trong quy phạm Phần chung thường nêu lên quy tắc xử lý, quyền hạn, nghĩa vụ của các cơ quan áp dụng pháp luật, cụ thể là các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Chẳng hạn, theo Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: 1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

 2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự..

Trong quy định này, phần giả định là “người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định”, hoặc “pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này và phần quy định là “phải chịu trách nhiệm hình sự”.

* Quy phạm pháp luật Phần các tội phạm. Trong Phần các tội phạm, quy phạm pháp luật có đầy đủ ba phần: giả định, quy định và chế tài. Quy phạm pháp luật Phần các tội phạm quy định những chuẩn mực pháp lý cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Các chuẩn mực này gọi là cấu thành tội phạm. Nói về phần giả định có một số quan điểm cho rằng quy phạm pháp luật hình sự không có phần giả định hoặc phần giả định được coi là ẩn. Có thể nói, quan điểm này chưa chính xác. Phần giả định trong quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm được biểu hiện thông qua cụm từ “người nào..., công dân Việt Nam nào...”, “người đã thành niên nào...,người có chức vụ quyền hạn nào..., v.v..Ví dụ, “người nào vô ý làm chết người” là phần giả định của quy phạm pháp luật hình sự được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015.

Phần quy định là phần nêu lên các nguyên tắc xử sự bắt buộc đối với các chủ thể. Phần quy định trong phần các tội phạm là những quy định mang tính chất cấm chỉ. Sự cấm chỉ biểu hiện ở việc Nhà nước luôn đe doạ áp dụng hình phạt đối với bất kỳ một hành vi phạm tội nào. Có thể khẳng định phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự trong phần các tội phạm ẩn trong phần giả định. Chẳng hạn, quy định của quy phạm pháp luật tại Điều 128 có thể được tìm thấy ẩn chứa trong cụm từ “vô ý làm chết người”.

Thông qua phần giả định, có thể phân thành ba loại quy định trong phần các tội phạm như sau:

- Quy định giản đơn: là loại quy định chỉ nêu tên tội danh, không cần có những mô tả chi tiết về dấu hiệu pháp lý của tội danh hoặc chỉ nêu những dấu hiệu chung nhất trong số các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Chúng ta thường bắt gặp loại quy định này ở những trường hợp mà hành vi phạm tội quá rõ ràng, dễ nhận biết. Ví dụ: Điều 123 quy định “Người nào giết người..., Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản...”, v.v..

- Quy định mô tả: là loại quy định được áp dụng đối với những hành vi phạm tội có tính chất phức tạp, dễ bị nhầm lẫn với các hành vi khác. Quy định mô tả xác định trực tiếp trong luật các dấu hiệu đặc trưng của cấu thành tội phạm cụ thể. Ví dụ: Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...”.

- Quy định viện dẫn: là loại quy định trong đó nhà làm luật chỉ nêu tên gọi tội phạm hoặc chỉ nêu điều kiện để áp dụng chế tài mặc dù đây cũng là các tội phạm có tính chất phức tạp. Để xác định dấu hiệu pháp lý của tội phạm đó cần xem xét các điều luật khác. Các điều luật này có thể nằm trong Bộ luật hình sự, một đạo luật hoặc một văn bản luật điều chỉnh trong lĩnh vực khác. Ví dụ: Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt…” Hành vi, “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” rất đa dạng,  khó nhận biết và cần thiết phải được mô tả rõ ràng trong các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã không làm như thế là bởi vì họ đã mô tả hành vi này trong Luật giao thông đường bộ. Vì vậy, muốn xác định cấu thành tội phạm của tội này chúng ta phải tra cứu quy định tương ứng trong Luật giao thông đường bộ.

Phần chế tài là phần mang tính bắt buộc của quy phạm pháp luật phần các tội phạm (ngoại trừ một số quy phạm pháp luật mang tính chất hướng dẫn như Điều 352, 367, v.v.. Bộ luật hình sự năm 2015). Đó là phần thể hiện sự đánh giá của Nhà nước đối với hành vi phạm tội và được định lượng bằng mức và loại hình phạt. Có các loại chế tài sau:

- Chế tài tương đối dứt khoát: nêu lên mức thấp nhất và mức cao nhất của một khung hình phạt (có trường hợp chỉ nêu mức cao nhất). Loại chế tài này ít gặp trong các quy định của Phần riêng Bộ luật hình sự hiện hành, vì nó không tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật hình sự trong việc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt. Ví dụ, Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào giao cấu... thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

- Chế tài lựa chọn: là loại chế tài trong đó nhà làm luật nêu nhiều loại hình phạt để Toà án lựa chọn. Loại chế tài này thường gặp trong các quy định của phần riêng Bộ luật hình sự. Chẳng hạn, Điều 361 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khi quy định chế tài lựa chọn, thẩm quyền và khả năng của Toà án được mở rộng, có điều kiện thực hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt.

- Chế tài dứt khoát: luật hình sự Việt Nam hiện chưa có quy phạm pháp luật nào quy định chế tài dứt khoát. Chế tài này đã từng được quy định trong luật Hồng Đức, luật Gia Long, luật hình sự của chế độ Sài Gòn. Ví dụ, Điều 278 Bộ hình luật 1972 quy định: “Sẽ bị phạt khổ sai chung thân người nào làm giả ấn tín quốc gia hay dùng ấn tín giả ấy...”.

* Quy phạm pháp luật Phần điều khoản thi hành: quy phạm pháp luật này không có phần giả định và chế tài mà chỉ có phần quy định nhằm xác định Bộ luật hình sự có hiệu lực từ thời điểm nào và sẽ thay thế Bộ luật hình sự nào.

IV. HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Hiệu lực của Bộ luật hình sự là phạm vi tác động của Bộ luật hình sự được xác định trong giới hạn không gian và thời gian cụ thể. Hiệu lực của Bộ luật hình sự chính là sự hiện thực hoá những quy phạm pháp luật hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự. Việc quy định chính xác và xác định trong thực tiễn phạm vi tác động của Bộ luật hình sự về giới hạn không gian và thời gian có ý nghĩa vô cùng to lớn, vì nó có liên quan đến việc xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội nào là tội phạm hoặc không phải tội phạm, phạm vi trách nhiệm hình sự, với việc quy định áp dụng hình phạt hay không đối với từng hành vi cụ thể cũng như có liên quan đến nguyên tắc chủ quyền quốc gia.

1. Hiệu lực theo không gian

Hiệu lực của Bộ luật hình sự về không gian được xác định dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc quốc tịch. Nội dung của nguyên tắc lãnh thổ thể hiện ở mọi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc phạm vi áp dụng của Bộ luật hình sự Việt Nam. Nguyên tắc quốc tịch chỉ ra rằng, mọi công dân Việt Nam khi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam, dù họ phạm tội ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Cả hai nguyên tắc này đều được ghi nhận khái quát trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Về nguyên tắc, Bộ luật hình sự Việt Nam có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Điều 5 Bộ luật hình sự năm 2015). Đoạn 1, khoản 1 Điều này quy định: “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều này xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền toàn vẹn và tuyệt đối của luật quốc gia đã được luật quốc tế thừa nhận rộng rãi. Nghĩa là bất kỳ tội phạm nào thực hiện trên vùng đất, vùng nước, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (lãnh thổ Việt Nam) đều bị đưa ra xét xử theo luật hình sự Việt Nam.

Theo Điều 1 Hiến pháp năm 2013, Điều 1 Tuyên bố 7 điểm ngày 12-5-1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa, Điều 1 Tuyên bố ngày 5-6-1984 của Chính phủ Việt Nam về vùng trời Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam gồm:

- Vùng đất liền: bao gồm vùng đất và các hải đảo trong phạm vi biên giới quốc gia Việt Nam.

- Vùng trời: là khoảng không gian trên các vùng đất, vùng biển, trên các đảo và quần đảo mà Việt Nam có chủ quyền.

- Vùng nước: gồm toàn bộ phần nước nằm trong vùng biên giới quốc gia, như: vùng nước trên đất liền, nội thuỷ và lãnh hải. Vùng lãnh hải được tính từ đường cơ sở vuông góc ra biển rộng 12 hải lý và các đảo, quần đảo thuộc khu vực đó (thuộc chủ quyền toàn phần).

- Lòng đất: là phần nằm sâu bên dưới phần đất liền, dưới các vùng nước, hải đảo, quần đảo mà Việt Nam có chủ quyền toàn phần.

Luật biên giới quốc gia năm 2011, quy định tại Điều 1: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Điều 5: Luật biên giới quốc gia năm 2011 quy định:

“1. Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định.

2. Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.

3. Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

4. Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.

Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

5. Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.”

 

Tất cả các tàu bè quân sự mang Quốc kỳ Việt Nam và các thuyền cứu hộ của tàu này đang ở bất cứ nơi nào trên biển, kể cả đang neo đậu ở nước nào (nếu được phép của nước sở tại) cũng đều coi là lãnh thổ quốc gia di động của Việt Nam. Những tàu phi quân sự mang Quốc kỳ Việt Nam đang đi trên vùng biển quốc tế cũng được coi là lãnh thổ Việt Nam. Tất cả các máy bay quân sự của Việt Nam mang Quốc kỳ đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các máy bay dân dụng của Việt Nam hoặc mang Quốc kỳ Việt Nam đang trên đường bay quốc tế cũng xem là lãnh thổ Việt Nam. Các đường ngầm, cáp ngầm của Việt Nam trong lòng đất của vùng biển quốc tế cũng được xem là lãnh thổ di động của Việt Nam.

Một vấn đề cần được làm sáng tỏ ở đây là địa điểm phạm tội. Trong Bộ luật hình sự, địa điểm phạm tội không được đề cập nhưng chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề này vì khái niệm phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm áp dụng đúng đắn vấn đề hiệu lực của Bộ luật hình sự về không gian. Địa điểm phạm tội có thể được hiểu là nơi tội phạm kết thúc (về mặt pháp lý) hoặc nơi mà tội phạm bị ngăn chặn[2]. Căn cứ vào đặc điểm pháp lý của tội phạm, một tội phạm được coi là thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp sau:

- Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức (sẽ được đề cập sau), địa điểm phạm tội được coi là nơi xảy ra hành vi phạm tội hoặc hành vi phạm tội được chấm dứt mà không cần hậu quả xảy ra. Ví dụ, hành vi điều khiển máy bay đi vào, ra hoặc đi ngang qua vùng không phận Việt Nam mà vi phạm các quy định về hàng không của Việt Nam được xem là phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

- Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất (sẽ được đề cập sau), địa điểm phạm tội hiện nay vẫn là vấn đề tranh cãi trong khoa học luật hình sự. Có quan điểm cho rằng, địa điểm phạm tội là nơi mà hậu quả đối với tội phạm xảy ra[3]. Một số quan điểm khác lại cho rằng trong trường hợp này, địa điểm phạm tội được xác định là nơi mà hành vi phạm tội được thực hiện, không cần hậu quả của tội phạm có xảy ra hay không[4]. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Điều này là hợp lý vì nếu như quan điểm thứ nhất, có trường hợp hành vi phạm tội và người phạm tội không hề hiện diện ở nơi mà hậu quả xảy ra và nơi đó được xem là địa điểm phạm tội. Chẳng hạn, A đâm B tại Việt Nam nhưng B chưa chết. Sau đó, B được đưa sang Xingapo điều trị và chết ở đó. Trong trường hợp này, nếu xác định địa điểm phạm tội của A là Xingapo thì thật không hợp lý.

Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt, địa điểm phạm tội được xác định như sau:

- Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội hoặc tội phạm chưa đạt, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội bị ngăn chặn.

- Đối với tội phạm có đồng phạm, địa điểm phạm tội được xác định theo người thực hành.

- Đối với tội phạm kéo dài, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội lần đầu tiên (để sau đó kéo dài) được thực hiện.

- Đối với tội phạm liên tục, địa điểm phạm tội là nơi mà hành vi phạm tội cuối cùng (trong số loạt hành vi liên tục) được thực hiện.

Ngoài ra, đoạn 2 khoản 1 Điều 5 còn bổ sung: Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.. Nghĩa là, đối với những nơi đặc biệt này, Bộ luật hình sự Việt Nam chẳng những được áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện mà còn cả đối với hậu quả dù cho hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi đâu.

Bộ luật hình sự năm 1999 không có quy định như đoạn 2 khoản 1 Điều 5. Khi đó, các nhà nghiên cứu đã mặc nhiên thừa nhận, đối với những nơi đặc biệt này, nội dung áp dụng vẫn là “hành vi phạm tội được thực hiện”. Nghĩa là, đó cũng chỉ được xem là vùng lãnh thổ của Việt Nam, do vậy, chỉ áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam khi “hành vi phạm tội được thực hiện” ở những nơi đó. Khi hành vi phạm tội được thực hiện ở nơi khác, chẳng hạn, ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì việc áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam không dựa trên quy định này.

Phần bổ sung này của Bộ luật hình sự năm 2015 là cần thiết nhằm hoàn thiện Bộ luật hình sự thể hiện sự thừa nhận về mặt pháp lý hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những vùng lãnh thổ di động. Nội dung này chỉ được thừa nhận về mặt lý luận đối với Bộ luật hình sự năm 1999 trở về trước. Tuy nhiên, việc các nhà làm luật bổ sung nội dung “hậu quả” xảy ra ở những nơi đó cũng được áp dụng hiệu lực của Bộ luật hình sự thì e rằng chưa có căn cứ. Chẳng hạn, A là người Việt Nam, bị một công dân Mỹ chém ở Mỹ nhưng chưa chết. A được đưa về Việt Nam trên tàu mang quốc tịch Việt Nam, trên vùng biển quốc tế thì A chết. Như vậy, đâu thể áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam để xử lý người chém A.

Vì vậy, nếu đoạn 2 được bổ sung thì nội dung sau đây nên được thể chế hoá: “Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện trên tàu bay, tàu biển dân sự mang quốc kỳ của Việt Nam đang trên vùng trời, biển quốc tế hoặc tàu bay, tàu biển quân sự mang quốc kỳ Việt Nam ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.” Hai vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam không cần được thể hiện trong quy định này vì thực chất đây là hai vùng lãnh thổ cố định chứ không phải di động.

Những người nào có thể chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam đối với hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam? Người có thể chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là người Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch. Như vậy, theo nguyên tắc lãnh thổ, Bộ luật hình sự Việt Nam có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, dù người phạm tội là công dân Việt Nam, người nước ngoài, hay người không quốc tịch. Quy định này cũng áp dụng đối với pháp nhân. Bởi vì, Bộ luật hình sự năm 2015 đã thừa nhận pháp nhân là chủ thể của tội phạm nên hành vi phạm tội ở đây được hiểu là của cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện.

Nguyên tắc lãnh thổ có một biệt lệ với những người nước ngoài được hưởng các quyền đặc miễn tư pháp theo luật quốc tế. Nếu những người này phạm tội ở Việt Nam thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo con đường ngoại giao với chính phủ nước họ. Khoản 2 Điều 5 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”. Thông thường, những người được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp là những người đứng đầu Nhà nước, các thành viên của phái đoàn Quốc hội hoặc Chính phủ nước ngoài, những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao, các thành viên của đoàn ngoại giao như Đại sứ, Tham tán đại sứ, Bí thư, Tuỳ viên... Theo thông lệ quốc tế thì vợ chồng hoặc con cái chưa thành niên của họ cũng được hưởng quyền đặc miễn tư pháp. Những người thuộc cơ quan lãnh sự như Tổng lãnh sự, Lãnh sự, Bí thư, Tuỳ viên, Đại diện lãnh sự cũng được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự (có thể tham khảo Công ước Viên năm 1961 để hiểu thêm về vấn đề này).

Đối với những hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam, luật hình sự có quy định riêng tại Điều 6 Bộ luật hình sự hiện hành:

- Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam.

- Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định.

2. Hiệu lực theo thời gian

Hiệu lực theo thời gian của Bộ luật hình sự là khoảng thời gian kể từ thời điểm phát sinh cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực của Bộ luật đó. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Bộ luật hình sự được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự và hết hiệu lực kể từ khi có Bộ luật hình sự mới được ban hành thay thế có hiệu lực. Nội dung của hiệu lực của Bộ luật hình sự theo thời gian được quy định tại Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015: “Điều luật áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.

Hiện nay, chưa có một văn bản chính thức nào giải thích thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm nào. Tuy nhiên, có thể cho rằng, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội là thời điểm hành vi phạm tội thực sự chấm dứt trên thực tế hoặc thời điểm mà tội phạm được ngăn chặn (thời điểm tội phạm kết thúc). Riêng đối với tội phạm được thực hiện do đồng phạm, thời điểm phạm tội được xác định theo người thực hành. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng thời điểm phạm tội đối với những người đồng phạm được xác định theo từng vai trò khác nhau và không trùng nhau[5]. Chẳng hạn, thời điểm phạm tội của người xúi giục được xác định là thời điểm mà người xúi giục chấm dứt hành vi xúi giục của mình. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ.

* Hiệu lực hồi tố trong luật hình sự Việt Nam:

Thông thường, đạo luật hình sự chỉ có thể áp dụng đối với những tội phạm xảy ra sau khi đạo luật đó có hiệu lực thi hành và trước khi đạo luật đó hết hiệu lực. Về nguyên tắc, luật hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố. Điều đó xuất phát từ nguyên tắc của luật hình sự là có luật có tội. Nếu hành vi của một người được thực hiện trước khi đạo luật đó có hiệu lực thì không thể áp dụng đạo luật này để buộc họ phải chịu hình phạt. Quan điểm này không đồng nhất với thuyết “Không biết luật không có tội”. Bởi vì, yếu tố không biết luật không đồng nhất với yếu tố không có luật.

Khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực pháp luật.

Trước khi Bộ luật hình sự được ban hành, do điều kiện luật hình sự chưa hoàn chỉnh nên luật hình sự Việt Nam còn duy trì nguyên tắc hồi tố cho bất kỳ nội dung nào được cho là cần thiết. Việc duy trì nguyên tắc này xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của công dân. Ngày nay, trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo, xuất phát từ lợi ích của bị can, bị cáo, luật hình sự vẫn cho phép áp dụng hiệu lực hồi tố. Nhưng những điều kiện và những trường hợp được phép áp dụng hiệu lực hồi tố được luật quy định hết sức chặt chẽ, rõ ràng và chỉ nhằm mục đích mang lại quyền lợi cho bị can, bị cáo phù hợp với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự. Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định: “Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Tại Điều 1 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự nêu rõ:

1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, các bộ luật, luật sau đây có hiệu lực thi hành:

a) Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015);

b) Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;

c) Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13;

d) Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.

2. Các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2018”, thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2019” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2020”.

Điều 2 nêu:

1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:

a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;

b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 201mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích;

c) Tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212213, 214, 215, 216, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223224, 230, 234, 238, 285, 291293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 201mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 201để giải quyết;

d) Quy định tại điểm b và điểm c khoản này cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999);

đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”“số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”“thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”“đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”“giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”“quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01tháng 01 năm 2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm khoản 2 Điều này;

e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 201mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Toà án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;

g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

h) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;

i) Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma tuý ở thể rắn đã được hoà thành dung dịch, chất ma tuý ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma tuý làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.

2. Kể từ khi Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật số 12/2017/QH14) được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định sau đây:

a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;

b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Toà án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;

c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Toà án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;

d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

đ) Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa: nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

e) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;

g) Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản này thì đương nhiên được xóa án tích;

h) Thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều này;

i) Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội.

V. GIẢI THÍCH BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Giải thích Bộ luật hình sự là làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa của các điều luật. Giải thích Bộ luật hình sự là một trong những giai đoạn của việc áp dụng Bộ luật hình sự. Nếu không làm sáng tỏ được nội dung và ý nghĩa của điều luật thì không thể áp dụng được luật đúng đắn. Luật thường viết cô đọng, có khi sự diễn đạt của một điều luật chưa phản ánh được rõ ràng tinh thần của luật, cho nên công tác giải thích luật là cần thiết trong bất kỳ trường hợp nào. Điều luật chỉ nêu những nguyên tắc xử sự chung nhất. Cho nên, phải thông qua việc người có thẩm quyền hiểu điều luật như thế nào, tức là thông qua sự giải thích của họ luật sẽ được áp dụng như thế nào trong những trường hợp cụ thể. Yêu cầu này đáp ứng cho việc áp dụng luật được thống nhất.

Căn cứ vào nguồn gốc (chủ thể giải thích) và giá trị của sự giải thích, người ta phân biệt các mức độ giải thích sau:

1. Giải thích chính thức

Giải thích chính thức là giải thích của các cơ quan nhà nước được luật giao cho tiến hành giải thích luật. Theo khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Sự giải thích này có tính chất bắt buộc đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, và cá nhân.

2. Giải thích của các cơ quan xét xử (cơ quan áp dụng pháp luật)

Toà án nhân dân tối cao cũng như các Toà án nhân dân khác khi xét xử các vụ án cụ thể có trách nhiệm giải thích luật. Sự giải thích luật của Toà án khi xét xử một vụ án cụ thể có giá trị bắt buộc trong phạm vi hiệu lực của bản án. Luật hình sự Việt Nam không thừa nhận vai trò của án lệ. Án lệ được hiểu là sự giải thích của một bản án lại có giá trị bắt buộc đối với các bản án xử sau đó. Sự giải thích luật của Toà án nhân dân tối cao có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì đã được ghi trong luật. Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền: “Hướng dẫn các toà án áp dụng thống nhất pháp luật” (điểm b khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014). Giải thích của các cơ quan xét xử chỉ có tính chất bắt buộc đối với các cơ quan trong ngành Tư pháp, đặc biệt là các cơ quan xét xử.

Án lệ (tiếng Pháp-Jurisprudence) được hiểu là: Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự. Nói nôm na, xử theo án lệ là việc tòa cấp dưới vận dụng các phán quyết có từ trước của tòa cấp trên để đưa ra một phán quyết mới tương tự trong một vụ việc tương tự.

Theo quan điểm của các nhà luật học theo hệ thống luật Anh - Mỹ (Anglo – Sacxon), thì án lệ được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, án lệ bao gồm toàn bộ các quyết định, bản án được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật, đưa ra những nguyên tắc, nền tảng áp dụng cho các vụ việc xảy ra tương tự sau này, hay là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc xảy ra trong tương lai. Còn theo nghĩa rộng, án lệ là nguyên tắc bắt buộc đòi hỏi Thẩm phán trong hệ thống các cơ quan Toà án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án, các vụ việc trước đó, đặc biệt là các phán quyết của các Tòa cấp cao (Hight Court), Tòa phúc thẩm (Court of Appeal) và Tòa án tối cao (Supreme Court) hay là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tư pháp, hay là hệ thống những nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của Tòa án.

Với những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (hệ thống pháp luật Dân sự - Civil Law), tiêu biểu một số nước như Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản,… Án lệ được xem như một cách giải thích pháp luật. Những bản án này không được xem là luật, không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng tòa cấp dưới phải tham khảo, nếu không nguy cơ bị tòa cấp trên sửa án rất cao.

Cơ sở hình thành án lệ chính là những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. Khi có những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự do khiếm khuyết quy phạm hoặc chưa có dẫn chiếu quy phạm rõ ràng. Ở nước ngoài, khái niệm án lệ (Case Law) còn được gọi là tiền lệ pháp (Precedent) là một trong những nguồn luật chính thức và quan trọng trong hệ thống pháp luật của quốc gia và được áp dụng rộng rãi. Theo đó, những bản án, quyết định giải quyết vụ việc trong các tập san án lệ trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để tòa đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Tiền lệ pháp ở nước ngoài còn là quá trình làm luật của tòa trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới khi xét xử.

Với cách tiếp cận ở góc độ rộng nhất, có thể thấy thuật ngữ án lệ hàm chứa những nội dung cơ bản của thuật ngữ tiền lệ pháp và giữa chúng tuy có sự khác nhau về mặt thuật ngữ nhưng lại cùng chỉ về một khái niệm. Về bản chất, án lệ cũng chính là tiền lệ pháp, do cả hai đều xuất phát từ Tòa án và hình thành từ quá trình xét xử. Mặt khác, tiền lệ pháp là thuật ngữ dùng để chỉ về một hình thức pháp luật, còn án lệ dùng để chỉ về nguồn của pháp luật, mà nguồn của pháp luật cũng chính là hình thức pháp luật. Nói một cách khác, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật hay quá trình làm luật của tòa án, còn án lệ là những bản án, quyết định mà Toà án làm căn cứ để áp dụng sau này cho những vụ việc có tình tiết tương tự. Dù đây thật sự không phải là hai từ đồng nghĩa, nhưng thông thường, người ta gọi các bản án sau có giá trị áp dụng tương tự và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn lọc công bố và cho xuất bản phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và tham khảo gọi là những án lệ.

Tuy nhiên quan điểm khác cho rằng, tiền lệ pháp và án lệ là hai khái niệm độc lập với nhau. Tiền lệ pháp được hiểu là việc làm luật của Tòa án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử dựa trên cơ sở những vụ việc đã được quyết định trước đây cho những trường hợp và vấn đề tương tự. Còn án lệ (Case Law) là tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử, hay chỉ đơn thuần là các phán quyết của Tòa án (bản án), được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai.

Nói một cách khác, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật hay quá trình làm luật của Tòa án; Án lệ là những bản án, quyết định mà toà án làm căn cứ để áp dụng cho những vụ việc có tình tiết tương tự sau này. Đây không phải là hai từ đồng nghĩa và dẫn chiếu đến nhau. Trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, án lệ còn được hiểu theo nghĩa là tiền lệ án hay thực tiễn Tòa án. Mà theo đó, là các bản án hoặc quyết định của Tòa án mà trong đó thể hiện các quan điểm của Thẩm phán đối với các vấn đề pháp lý mang tính chất quyết định trong việc giải quyết các vụ việc nhất định và trong tương lai mang ý nghĩa giải quyết đối với các quan hệ tương ứng.

Ở Việt Nam việc sử dụng khái niệm “án lệ” có từ trước năm 1960, từ “án lệ” đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp luật chính thức công khai trên các tạp chí chuyên ngành, đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ năm 1960, khái niệm “án lệ” không thấy được sử dụng, thay vào đó thuật ngữ “luật lệ” được sử dụng nhiều. Từ sau năm 1975 đến trước năm 2006 thì khái niệm “án lệ” hầu như không được sử dụng một cách chính thức. Trong các sách, báo pháp lý khái niệm “án lệ” vẫn được bàn luận, nhưng chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật.

Khi tìm hiểu khái niệm án lệ trong lịch sử pháp luật Việt Nam, người ta hầu như không thấy từ án lệ được sử dụng trong lịch sử pháp luật thời kỳ phong kiến. Thời kỳ thực dân pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam từ năm 1858 đến 1945, án lệ chủ yếu được sử dụng trong đào tạo, giảng dạy luật tại Miền nam Việt Nam. Án lệ đã được áp dụng bởi hệ thống Tòa án của thực dân Pháp tại Việt Nam và Tòa án của chế độ Ngụy quyền ở Miền nam Việt Nam.

Từ sau năm 1945, từ “án lệ” đã được sử dụng trong các văn bản pháp luật, trên các tập san Luật học của chế độ ta, thể hiện như sau:

Tại Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 442/TTg, ngày 19-1-1955 về trừng trị một số loai tội phạm, đã nêu: … “Tới nay, các tòa án căn cứ vào những văn bản nói trên và chính sách trừng trị của Chính phủ mà xét xử đem lại kết quả tốt cho việc bảo vệ trật tự, an ninh. Kinh nghiệm xét xử về một số loại tội phạm đã được trở thành án lệ. Tuy nhiên, án lệ ấy còn khác nhau giữa các địa phương, do đó đường lối xét xử không được thống nhất. Cần phải thống nhất những án lệ ấy trong qui định chung sau đây để hướng dẫn các Tòa án trừng trị một số tội phạm thông thường…”.  

Tại Thông tư số 19-VHS ngày 30-6-1955 của Bộ Tư pháp về việc áp dụng luật lệ, có nêu: “Nếu chỉ có luật hình sự cũ, chưa có sắc lệnh mới, mà xét thấy cần trừng phạt, thì cũng không viện dẫn luật hình sự cũ, Tòa án sẽ căn cứ vào đường lối truy tố xét xử, vào các yêu cầu chung và cụ thể đối với từng sự việc, vào án lệ”

Tại Chỉ thị số 772-TATC, ngày 10-7-1959 của Tòa án nhân dân Tối cao về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc, phong kiến, đã nêu: “Để xét xử các cụ án hình sự và dân sự, cần áp dụng luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành từ trước đến giờ, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, án lệ của các Tòa án, của Tòa án Tối cao”.

Thông tư số 92-TC ngày 11-11-1959 của Bộ Tư pháp-TANDTC, giải thích và quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của các TAND phúc thẩm Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chỉ rõ: “TAND phúc thẩm chỉ đạo công việc xét xử của các TAND cấp dưới thông qua án lệ của mình”

Tập san Tư pháp (nay là Tạp chí TAND) số 3 năm 1964, trong mục “Thuật ngữ luật học” có giải thích: “Án lệ là một danh từ cũa đã được dùng từ thời Pháp thuộc. Án lệ là những qui tắc do các Tòa án trong khi vận dụng pháp luật để xét xử các vụ án cụ thể, đã hình thành dần dần bằng cách hiểu và có thái độ giải quyết giống nhau một số điểm pháp lý, áp dụng luật một cách giống nhau trong nhiều vụ án”.

Từ việc sử dụng khái niệm “án lệ” như đã nêu trên, có thể thấy trước năm 1960, từ án lệ đã tồn tại và được sử dụng trong các văn bản pháp lý chính thức, công khai trên các tạp chí chuyên ngành. Đường lối xét xử của Tòa án về những vụ việc cùng loại được tập hợp, phân tích, bình luận. Tuy nhiên, từ sau năm 1960, khái niệm án lệ không thấy được sử dụng, thay vào đó là thuật ngữ “ luật lệ” được sử dụng nhiều .

Từ sau năm 1975 đến trước năm 2006, khái niệm án lệ hầu như không được sử dụng chính thức trong các sách, báo pháp lý mà chỉ được bàn luận mang tính chất nghiên cứu học thuật. 

Gần đây, khái niệm án lệ đã tái xuất hiện trong pháp luật Việt Nam. Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.” Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010, xác định: “Tòa án nhân dân  tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Quy định về nhiệm vụ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tại Điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 ghi rõ: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Về bản chất, thừa nhận án lệ là thừa nhận thẩm quyền làm luật của Tòa án nhân dân tối cao. Hiện nay, các bộ, ngành đều muốn “làm luật” và sản phẩm như chúng ta đã biết, đều rất có lợi cho họ và mang nhiều thiệt hại đến xã hội, liệu Tòa án nhân dân tối cao đã vượt ra khỏi tầm đó để Quốc hội có thể tin tưởng giao cho trọng trách làm luật? Hơn nữa, việc trao thẩm quyền này cho Tòa án nhân dân tối cao thì cơ chế nào để Quốc hội có thể còn giữ được thẩm quyền làm luật theo hiến định? Theo cách thức tổ chức quyền lực hiện tại, Tòa án chỉ là một cơ quan phái sinh đối với Quốc hội; như vậy, về thẩm quyền để ra một bản án có cơ sở áp dụng lâu dài (án lệ) có lẽ là điều thiếu thực tế vì thẩm quyền ban hành luật và thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế đều nằm trong tay Quốc hội; do đó, việc sáng tạo luật chắc cũng khó có cơ chế dành cho Tòa án. Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa thấy viện dẫn được những trường hợp cụ thể về việc thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc xung đột pháp luật để làm cơ sở chính đáng cho việc ra đời một bản án lệ.

Mặt khác, tình tiết, tính chất của mỗi vụ án không hoàn toàn giống nhau, cho nên không thể áp dụng biện pháp giải quyết cứng nhắc theo quy định trong án lệ. Việc áp dụng án lệ có thể khiến các thẩm phán bị lệ thuộc, vô cảm và áp dụng máy móc các quy định trong án lệ vào những vụ án cụ thể. Do vậy, chỉ nên xây dựng hệ thống án lệ và áp dụng án lệ mang tính chất tham khảo đối với thẩm phán khi giải quyết các vụ việc cụ thể.

Bản chất là vậy, nhưng trên thực tế, hiện nay, Tòa án cấp dưới luôn có xu hướng tham khảo tính đúng đắn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các bản án đã tuyên, để đưa ra quyết định đối với vụ án cụ thể, có nội dung tương tự của mình. Các phán quyết của Tòa án thường hay quy chiếu đến các phán quyết có hiệu lực pháp luật đã tuyên trước đó, nhất là các phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nếu không muốn bản án của mình bị hủy.

Tóm lại, án lệ có thể được hiểu theo hai nghĩa: 1) Thẩm phán lập pháp và 2) Thẩm phán ban hành án mẫu dựa trên căn cứ pháp lý đã được quy định. Án lệ được sử dụng và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như là nguồn của Luật hình sự. Tuy nhiên, Ở Việt Nam, mọi phán quyết của tòa án liên quan đến tội phạm và hình phạt đều dựa trên quy định của Bộ luật hình sự. Dĩ nhiên, trong quá trình áp dụng Bộ luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền cấp trên luôn có những tổng kết, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan cấp dưới để việc áp dụng Bộ luật hình sự được thống nhất trong cả nước. Khi đó, án lệ được áp dụng theo nghĩa thứ hai.

Về việc quy định cụ thể để áp dụng trên thực tiễn, gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình, lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, bên cạnh đó công bố 6 án lệ đầu tiên sẽ được áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1/6/2016. Trong 6 án lệ đầu tiên có 1 án lệ hình sự - tội giết người,  2 án lệ trong lĩnh vực đất đai, 2 án lệ về thừa kế, 1 án lệ về ly hôn - giải quyết tài sản. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao còn ban hành nhiều án lệ khác trong các lĩnh vực khác nhau. Nhưng có thể khẳng định, án lệ trong lĩnh vực hình sự ở Việt Nam không phải là một nguồn mới của Luật hình sự Việt Nam mà chỉ là các “án mẫu” được ban hành tuân thủ các quy định của Bộ luật hình sự nhằm tạo điều kiện cho các tòa án cấp dưới khỏi mất thời gian về những vụ án tương tự, tạo nên sự công bằng trong xét xử các vụ án hình sự và tránh tùy tiện, chủ quan của các thẩm phán trong cả nước.

 

3. Giải thích có tính chất khoa học

Đây là sự giải thích của các luật gia, cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn trong các bài báo, báo cáo khoa học, sách giáo khoa... Sự giải thích này không có giá trị bắt buộc nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kiến thức của cán bộ tư pháp, trong việc phát triển khoa học luật hình sự, tổng kết thực tiễn xét xử và dự thảo luật.

Ngoài cách chia trên đây, một số nhà nghiên cứu còn dựa trên phương pháp giải thích để chia giải thích Bộ luật hình sự thành (1) giải thích văn phạm là dựa theo các quy tắc văn phạm để làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của điều luật trong Bộ luật hình sự; (2) giải thích theo logíc là việc xác định nội dung của quy phạm pháp luật hình sự xuất phát từ ý nghĩa và sự logíc của sự thể hiện đã được diễn đạt trong Bộ luật hình sự; (3) giải thích có hệ thống là dựa vào sự hiểu biết về hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống quy phạm pháp luật hình sự nói riêng như một chỉnh thể thống nhất biện chứng bên trong được xây dựng trên những nguyên tắc thống nhất; (4) giải thích theo lịch sử là việc giải thích Bộ luật hình sự căn cứ vào việc tìm hiểu, nghiên cứu các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội... trong giai đoạn mà Bộ luật hình sự ra đời để làm sáng tỏ nội dung của nó. Hoặc căn cứ vào phạm vi giải thích, giải thích Bộ luật hình sự được chia thành (1) giải thích theo nguyên văn Bộ luật hình sự là việc giải thích nội dung và ý nghĩa của Bộ luật hình sự phù hợp với từ ngữ của Bộ luật hình sự; (2) giải thích hạn chế Bộ luật hình sự là việc giải thích nội dung của Bộ luật hình sự hẹp hơn so với nguyên văn của nó; (3) giải thích mở rộng Bộ luật hình sự là việc giải thích rộng hơn so với nguyên văn của điều luật.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm đạo luật hình sự.

2. Phân tích cấu trúc của Bộ luật hình sự.

3. Hiệu lực của Bộ luật hình sự là gì.

4. Hiểu thế nào về hiệu lực hồi tố.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

3.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

4.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

5.   Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam (quyển I: Những vấn đề chung), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

6.   Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015.

7.   Cao Việt Thăng, Án lệ và án mẫu – những khả năng áp dụng ở nước ta hiện nay, https://luatminhkhue.vn/kien-thuc-luat-hinh-su/an-le-va-an-mau-nhung-kha-nang-ap-dung-o-nuoc-ta-hien-nay.aspx [Truy cập ngày 09/01/2017].

8. Lê Văn Sua, Án lệ và vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án, http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=7046 [Truy cập ngày 09/01/2017].

 

[1] Đã đề cập ở phần trên (TG).

[2]. Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự,
Sđd, tr.219.

[3]. Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.95.

[4]. Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Sđd, tr. 219-220.

[5]. Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam (quyển I: Những vấn đề chung), Sđd, tr.404.

 

BÀI 4

TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM TỘI PHẠM

1. Vài nét về khái niệm tội phạm trong luật hình sự

Tội phạm là một danh từ dùng để diễn tả một hành vi mà con người cho đó là xấu xa, tai hại, đáng bị lên án và trừng phạt. Cũng có thể gọi tội phạm là “hành vi phạm tội”, được ghép từ một danh từ, hành vi, và một tính từ, phạm tội. Vì vậy, sẽ là không chính xác khi nhiều người đã sử dụng cụm từ “hành vi tội phạm”. Tội phạm theo tiếng Anh là crime, xuất phát từ tiếng Latinh, crimen. Theo từ điển Hán - Việt, tội là làm phạm pháp luật phải bị phạt. Với cách hiểu theo từ điển Hán - Việt, pháp luật trước kia đã sử dụng khái niệm tội phạm cho phần lớn các hành vi vi phạm pháp luật. Xuất phát từ những thuộc tính khách quan thuộc về bản chất, khái niệm tội phạm được sử dụng trong pháp luật ngày nay không hoàn toàn giống khái niệm tội phạm trước kia. Theo luật hiện đại, tội phạm được xem là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự với đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của nó. Tội phạm là hành vi nguy hiểm nhất trong tất cả các loại hành vi vi phạm pháp luật nói chung.

Một câu hỏi đặt ra là, tội phạm có từ bao giờ? Có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Các luật gia phương Tây cho rằng, tội phạm là một hiện tượng xã hội xuất hiện từ khi có xã hội loài người, phát triển và tồn tại vĩnh viễn cùng với xã hội loài người. Trong khi đó, các quan điểm khác dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, tội phạm là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử và tính giai cấp. Tội phạm không xuất hiện cùng với xã hội loài người mà xuất hiện khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định - có sự tư hữu về tư liệu sản xuất, của cải vật chất, sự phân chia giai cấp - Nhà nước ra đời.

Quan điểm cho rằng tội phạm ra đời và tồn tại trong bất kỳ xã hội nào là không có cơ sở. Các Mác cho rằng, tội phạm không phải là hành vi của cá nhân đơn thuần chống lại cá nhân mà là hành vi chống lại quan hệ thống trị. Như vậy, trong xã hội công xã nguyên thuỷ không thể có tội phạm vì trong xã hội đó, con người sống trong sự bình đẳng, không có chế độ tư hữu, không có sự phân chia giàu nghèo, không có giai cấp, không có sự thống trị. Con người sống trong xã hội theo chế độ tự quản lý, không có pháp luật cũng như không có công cụ cưỡng chế. Do đó, trong xã hội này không có cái gọi là tội phạm. Điều này không có nghĩa trong xã hội đó không có một số hành vi của một vài cá nhân xâm phạm đến cá nhân khác. Tuy nhiên, chúng không được xem là tội phạm. Vì vậy, nói một cách biện chứng, tội phạm có nguồn gốc từ chế độ tư hữu, xã hội có sự phân chia giai cấp. Trong lịch sử, tội phạm xuất hiện từ khi xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ.

Việc nghiên cứu khái niệm tội phạm có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong luật hình sự. Bởi vì, qua đó sẽ thể hiện bản chất giai cấp, các đặc điểm kinh tế, chính trị, pháp lý của mọi quốc gia. Ở những nước khác nhau, khái niệm tội phạm không giống nhau. Các nhà lý luận luật hình sự phương Tây đưa ra một số quan điểm khác nhau về tội phạm nhưng ở họ có điểm chung là định nghĩa tội phạm dựa trên tính hình thức của tội phạm. Theo họ, tội phạm là hành vi do luật hình sự quy định và bị xử phạt, tính luật định được xem là dấu hiệu duy nhất của tội phạm. Bộ luật hình sự Pháp năm 1810 quy định tội phạm là “hành vi bị đạo luật hình sự cấm hoặc là hành vi bị đạo luật hình sự trừng trị". Bộ luật hình sự Thuỵ Sĩ năm 1937 quy định tội phạm là “hành vi do luật hình sự cấm bằng nguy cơ xử phạt", v.v.. Quan điểm này quá đề cao đặc tính luật định của tội phạm. Do đó, việc áp dụng luật hình sự được dễ dàng, chính xác, tránh tuỳ tiện. Nhưng cũng vì vậy mà nội dung chính trị, xã hội của tội phạm đã bị “bỏ quên” nên sự tuỳ tiện, chủ quan trong lập pháp có cơ hội gia tăng. Hành vi như thế nào bị xem là tội phạm, phần lớn phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật. Các quan điểm khác dựa trên quan điểm biện chứng, đứng trên nội dung chính trị, xã hội và hình thức pháp lý của tội phạm để định nghĩa tội phạm và cho rằng, nội dung chính trị, xã hội là quyết định. Hành vi như thế nào mới bị xem là tội phạm, phụ thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của nó. Bộ luật hình sự Liên bang Nga 1996 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện có lỗi và bị Bộ luật này quy định phải chịu hình phạt” (Điều 14). Bộ luật hình sự Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 1979 quy định: “Tất cả các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xâm phạm chế độ chuyên chính vô sản, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa gây nguy hại cho xã hội mà bị xử phạt về hình sự trong Bộ luật này đều là tội phạm” (Điều 10), v.v..

Pháp luật Việt Nam nổi bật trong thời kỳ phong kiến phải kể đến là Bộ luật Hồng Đức (1483) và Bộ luật Gia Long (l815). Tuy nhiên, pháp luật nước ta thời kỳ này dựa trên một quan niệm rất phổ biến về tội phạm. Phạm vi điều chỉnh của luật hình sự rất rộng, tràn lan, tuỳ tiện. Nói cách khác, họ có sự đồng nhất giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật thông thường (vi phạm pháp luật hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai...) hay thậm chí là hành vi vi phạm đạo đức, nghi lễ. Nhìn chung, dù pháp luật phong kiến có nhiều điểm hạn chế xuất phát từ nhận thức chủ quan của con người nhưng cũng đã góp phần ổn định xã hội trong một thời gian dài của lịch sử dân tộc.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, trở thành Nhà nước dân chủ, thực sự của dân. Để bảo vệ nền cộng hoà còn non trẻ, bảo vệ lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, trừng trị những hành vi chống lại nền hoà bình dân tộc, xâm hại đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật thay thế các văn bản cũ. Tuy chưa đưa ra được một định nghĩa về tội phạm, nhưng rải rác trong một số các văn bản ấy thể hiện rõ rằng tội phạm là “hành vi nguy hiểm cho các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa, chống đối pháp luật, có lỗi và phải chịu hình phạt.

Ngày 27-6-1985, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khoá VII đã thông qua Bộ luật hình sự đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc ban hành Bộ luật hình sự là sự ghi nhận những thành tựu và cố gắng vượt bậc của công tác lập pháp ở nước ta, là kết quả của việc pháp điển hoá toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật hình sự đã được Nhà nước ta ban hành trong các giai đoạn trước đó dựa trên tư duy lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với hoạt động áp dụng pháp luật trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bởi nó tạo ra hệ thống các cơ sở pháp lý thống nhất, cho phép khắc phục khó khăn, hạn chế sai sót và tuỳ tiện trong việc áp dụng các văn bản pháp luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định khái niệm tội phạm tại Điều 8. Lần đầu tiên, khái niệm tội phạm được khái quát thành chế định trong luật hình sự.

 Ngày 21-12-1999, Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự mới, có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Khái niệm tội phạm vẫn được quy định tại Điều 8 (cơ bản giống Bộ luật hình sự năm 1985 về khái niệm tội phạm) nhưng có bổ sung một số khách thể loại, nhằm khắc phục những thiếu sót và hạn chế mà khái niệm tội phạm của Bộ luật hình sự năm 1985 mắc phải.

Tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

So với Bộ luật hình sự năm 1985, khái niệm tội phạm trong Bộ luật hình sự hiện hành đã có sự sửa đổi, bổ sung thêm cụm từ “xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức. Việc làm này không chỉ đơn thuần là thêm hoặc bớt các loại khách thể. Một mặt, nó bổ sung những thiếu sót của Bộ luật hình sự năm 1985, mặt khác, nó thể hiện sự thay đổi trong tư duy lập pháp. Hầu như cụm từ “xã hội chủ nghĩa” không còn đứng riêng một mình để được pháp luật hình sự bảo vệ một cách độc lập mà được lồng vào cái chung trong xu thế không phân biệt chế độ Nhà nước, sở hữu tư nhân hay sở hữu xã hội chủ nghĩa. Đây là một định nghĩa có tính chất khoa học, thể hiện tập trung nhất quan điểm của Nhà nước ta về tội phạm trong thời kỳ này.

 

Hiện nay, có một số quan điểm tranh luận về cụm từ “tội phạm” và “phạm tội” và cho rằng chúng khác nhau về bản chất. Nghĩa là, họ cho rằng tội phạm là một hành vi có đầy đủ các đặc điểm (về mặt lý luận) và đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm (về mặt pháp lý). Còn phạm tội là một trạng thái của một người đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội mà không cần thiết hành vi của họ có đủ các yếu tố như tội phạm chưa. Ví dụ, một người chưa đủ 14 tuổi nhưng thực hiện hành vi giết người, nghĩa là người đó đã phạm tội mặc dù hành vi của người đó không phải là tội phạm. Quan điểm này đưa ra nhằm mục đích tháo gỡ những vướng mắc của Bộ luật hình sự, trong đó có trường hợp một người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm pháp, lấy được tài sản và người khác chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản đó. Khi đó, hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản vẫn cấu thành tội “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (Điều 323 Bộ luật hình sự hiện hành). Bởi vì, họ lý giải, mặc dù người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự  không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại cho xã hội của mình (hay nói cách khác, hành vi của họ không cấu thành tội phạm do không thoả mãn điều kiện chủ thể), nhưng họ cũng bị coi như đã “phạm tội”.

Tuy nhiên, theo tác giả, hai cụm từ này chỉ khác nhau về từ ngữ chứ bản chất là như nhau. Bản thân cụm từ “tội phạm” (danh từ) là hành vi thoả mãn đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Còn “phạm tội” là một tính từ hoặc động từ (tuỳ ngữ cảnh). Tính từ là khi ghép nó với một danh từ sẽ ra một danh từ. Chẳng hạn, ở đây, hành vi phạm tội được xem như đồng nghĩa với tội phạm. Cho nên, nếu chúng ta nói một ai đó đã phạm tội (phạm tội ở đây là động từ) thì có nghĩa hành vi của họ phải là tội phạm, thoả mãn đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Tuyệt đối không thể nói một ai đó đã phạm tội mà hành vi của họ chưa thoả mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm.

2. Khái niệm tội phạm trong luật hình sự Việt Nam hiện hành

Việc xác định khái niệm tội phạm trong luật hình sự có một vai trò hết sức quan trọng. Một mặt, nó thể hiện tập trung bản chất giai cấp, các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý của luật hình sự mỗi quốc gia. Mặt khác, nó là cơ sở khoa học thống nhất cho việc xác định các loại tội phạm cụ thể và tạo cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng đúng đắn những điều luật, quy định về từng tội phạm cụ thể. Ngày 27 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá 13, Quốc hội đã biểu quyết thông toàn văn qua Bộ luật hình sự (sửa đổi) năm 2015 (gọi tắt là Bộ luật hình sự năm 2015). Theo đó, tại khoản 1 Điều 8 nêu rõ: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

So với Bộ luật hình sự năm 1999, quy định này của Bộ luật hình sự năm 2015 có hai điểm mới: bổ sung nội dung tội phạm có thể được thực hiện bởi pháp nhân thương mại và tội phạm bị xử lý hình sự. Nội dung tội phạm có thể được thực hiện bởi pháp nhân thương mại được bổ sung cho phù hợp với việc pháp luật hình sự Việt Nam đã thừa nhận pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm.

Nhà làm luật quy định “người” phải “có năng lực trách nhiệm hình sự”, còn pháp nhân thương mại thì không cần dấu hiệu kèm theo. Nghĩa là, bất kỳ pháp nhân thương mại nào cũng có thể là chủ thể của tội phạm.  Điều này là hợp lý. Để được thừa nhận là pháp nhân, một tổ chức phải thoả mãn những điều kiện cụ thể do pháp luật chuyên ngành quy định. Bởi vậy, pháp nhân thương mại thì không cần kèm theo dấu hiệu “năng lực” mà chỉ cần thoả mãn được cái gọi là “hành vi nào, của ai được thực hiện, vì mục đích gì bị coi là hành vi của pháp nhân” (sẽ tiếp tục bàn thêm ở bài “Chủ thể của tội phạm”).

Nội dung bổ sung thứ hai khẳng định hậu quả pháp lý của hành vi bị coi là tội phạm, đó là bị xử lý hình sự theo Bộ luật hình sự.

Thật ra, quy định tội phạm phải bị xử lý hình sự là một nội dung không mới đứng ở góc độ lý luận, bởi vì dù có quy định này hay không, khi nghiên cứu về tội phạm, ai cũng hiểu tội phạm tất phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, việc nhà làm luật khẳng định tội phạm phải bị xử lý hình sự là sự thừa nhận về mặt pháp lý một thuộc tính của tội phạm mà từ trước đến nay chỉ tồn tại trong lý luận. Khi nó chỉ tồn tại trong lý luận, hậu quả pháp lý của tội phạm có thể được quan niệm khác nhau tuỳ theo mỗi nhà lý luận, mà phổ biến là tội phạm luôn gắn với hình phạt. Trong khi đó, trách nhiệm hình sự và hình phạt không hoàn toàn giống nhau. Mặt khác, thông qua đây, nhà làm luật muốn khẳng định thêm một lần nữa nguồn của luật hình sự Việt Nam chỉ có là Bộ luật hình sự. Tội phạm phải bị xử lý hình sự theo “Bộ luật này” chứ không phải theo một văn bản pháp luật nào khác hay án lệ.

 

3. Đặc điểm của tội phạm

Thế giới quan vật chất của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất. C. Mác cũng từng viết: ngoài hành vi của mình ra tôi hoàn toàn không tồn tại đối với pháp luật, hoàn toàn không phải là đối tượng của nó. Trên cơ sở đó, luật hình sự Việt Nam từ trước đến nay đã thừa nhận “nguyên tắc hành vi”. Chỉ bằng hành vi, con người mới có thể phạm tội. Tức là, chỉ có thể thông qua hành vi, con người mới “gây ra hoặc đe doạ gây ra” những sự “nguy hiểm đáng kể” cho xã hội. Những ý nghĩ, tư tưởng của con người dù lệch lạc đến đâu, thì cũng không phải là tội phạm nếu nó chưa được thể hiện ra thế giới khách quan bằng hành vi. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của con người được biểu hiện ra ngoài thế giới khách quan đều là tội phạm. Theo luật hình sự Việt Nam hiện hành, dựa trên khái niệm về tội phạm, hành vi bị xem là tội phạm phải có đủ các đặc điểm sau: tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi, tính chịu trách nhiệm hình sự. Những dấu hiệu này đồng thời cũng là những thuộc tính của tội phạm mà các hành vi khác không có được.

a) Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm:

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm, bởi nó là thuộc tính và là nội dung của tội phạm. Một hành vi sở dĩ bị quy định là tội phạm vì bản thân nó có “tính nguy hiểm”. Đây chính là điểm khác giữa pháp luật hình sự hiện hành với pháp luật hình sự của chế độ Sài Gòn trước đây cũng như pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, xem tính luật định là dấu hiệu quyết định. Bộ luật hình sự chế độ Sài Gòn năm 1972 xác định tính trái pháp luật là dấu hiệu cơ bản của tội phạm. Từ đó, các nhà lý luận luật hình sự thời đó đã định nghĩa: tội phạm là một hành vi do luật hình dự liệu và trừng phạt[1]. Điều 1 Bộ luật hình sự Thuỵ Điển quy định: “tội phạm là hành vi bị xử phạt theo quy định của Bộ luật này hoặc các Bộ luật và các Đạo luật khác. Điều 40 Bộ luật hình sự Malaixia quy định: “tội phạm là một hành vi bị xử phạt theo Bộ luật này’’, v.v..

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm về khách quan, có nghĩa là gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại cho các quan hệ xã hội. Đây là các quan hệ xã hội gắn liền với lợi ích của Nhà nước, mọi công dân và toàn xã hội; và khi bị xâm hại, có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội. Những quan hệ xã hội đó được quy định rất cụ thể tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành. Theo nghĩa đầy đủ, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm còn bao hàm cả yếu tố chủ quan, tức là lỗi. Tuy nhiên, để nhấn mạnh sự thừa nhận lỗi là một nguyên tắc cơ bản, pháp luật hình sự nước ta từ trước đến nay vẫn luôn xem lỗi là một dấu hiệu độc lập của tội phạm.

Bất kỳ một hành vi vi phạm các chuẩn mực chung của xã hội nào cũng có tính nguy hiểm, có nghĩa là có khả năng gây ra hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, so với các hành vi vi phạm khác, tội phạm có tính nguy hiểm “đáng kể” hơn cả. Ví dụ, hành vi chửi mắng ông bà, cha mẹ... bị xem là hành vi vi phạm đạo đức. Hành vi này về bản chất cũng có tính nguy hiểm nhất định cho xã hội, vì nó đã xâm phạm đến quan hệ tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, hành vi này chưa phải là tội phạm vì mức độ nguy hiểm vẫn còn hạn chế, chưa “đáng kể”. Trong trường hợp hành vi chửi mắng này diễn ra một cách liên tục, kèm theo những hành vi đối xử tàn ác về vật chất, tinh thần đối với ông bà, cha mẹ... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì hành vi đó bị coi là tội phạm (tội ngược đãi ông bà, cha mẹ…Điều 185 Bộ luật hình sự). Bởi vì, trong trường hợp đó, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã “đáng kể”.

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một phạm trù lịch sử, hoàn toàn có tính khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Nó thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố không gian và thời gian nhất định. Ví dụ, hành vi chứa mại dâm có thể là hành vi bình thường ở một số quốc gia khi nó được kiểm soát và thừa nhận. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hành vi này có tính nguy hiểm cao và bị coi là tội phạm (tội chứa mại dâm – Điều 327 Bộ luật hình sự) hoặc hành vi săn bắt thú dữ (như hổ, báo, sư tử...) nếu diễn ra vào những năm của thập niên 50-60 của thế kỷ XIX được xem là hành vi tích cực, được ca tụng vì nó trừ hại cho dân. Tuy nhiên, hiện nay, hành vi này có tính nguy hiểm đáng kể vì nó gây mất cân bằng sinh thái trong điều kiện các loài thú hoang dã, quý hiếm đang trên bờ tuyệt chủng và bị coi là tội phạm (tội vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã – Điều 234 Bộ luật hình sự).

Tính nguy hiểm cho xã hội có thể được con người nhận thức và nhận thức đúng. Do vậy, khi khẳng định một hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm thì không có nghĩa đó là sự áp đặt một ý muốn chủ quan của con người, mà đó chỉ là sự xác nhận một thực tế khách quan được nhận thức thông qua việc đánh giá tổng thể các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm của nhà làm luật. Các yếu tố này bao gồm:

* Tính chất và tầm quan trọng của khách thể (quan hệ xã hội) bị xâm hại:

Mỗi quan hệ xã hội đóng một vai trò nhất định trong việc duy trì và phát triển xã hội. Hành vi nào xâm hại đến các quan hệ xã hội có vai trò càng quan trọng thì càng nguy hiểm và cần được pháp luật hình sự xử lý nghiêm khắc. Chẳng hạn, các tội phạm đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia (khách thể là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ) rõ ràng nguy hiểm hơn các tội phạm xâm phạm sở hữu (khách thể là quyền sở hữu).

* Tính chất của hành vi khách quan:

Đây cũng là một yếu tố quan trọng quy định tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Thông qua diễn biến của hành vi khách quan, chúng ta có thể biết được trạng thái tâm lý của kẻ phạm tội khi thực hiện hành vi. Phương thức thực hiện hành vi càng nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, công cụ, phương tiện càng hiện đại thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng cao.

* Tính chất và mức độ thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội:

Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại thực tế hay khả năng gây ra thiệt hại, có thể là thiệt hại vật chất (xác định bởi số lượng, trọng lượng, phần trăm...) hoặc phi vật chất (uy tín, danh dự, các lợi ích tinh thần khác...). Thiệt hại hoặc khả năng gây thiệt hại càng lớn bao nhiêu thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng cao bấy nhiêu.

* Tính chất và mức độ lỗi:

Bất kỳ một hành vi phạm tội nào cũng được thực hiện với lỗi cố ý hay vô ý. Lỗi cố ý do tính tích cực chủ động trong ý thức kẻ phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội nên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cao. Lỗi vô ý xuất phát từ sự thụ động trong ý chí chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi, nên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm có hạn chế. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều như vậy, bởi vì có những trường hợp dù phạm tội với lỗi vô ý nhưng thiệt hại thực tế xảy ra lớn gấp nhiều lần so với hậu quả của tội phạm với lỗi cố ý.

Nhìn chung, hành vi phạm tội với lỗi vô ý thường ít nguy hiểm, nên luật hình sự chỉ coi là tội phạm khi hậu quả thực tế xảy ra (cấu thành vật chất) ngoại trừ một số hành vi xâm hại đến các khách thể đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật Nhà nước (Điều 338 Bộ luật hình sự), tội vô ý làm lộ bí mật công tác… (Điều 362 Bộ luật hình sự), v.v..

* Động cơ, mục đích phạm tội:

Động cơ, mục đích của kẻ phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Động cơ, mục đích càng đê hèn, xấu xa thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng cao. Chẳng hạn, cũng là hành vi giết người, nhưng A vì mục đích đoạt vợ rõ ràng nguy hiểm hơn B do muốn trừ hại cho dân khi giết kẻ lưu manh, càn quấy.

* Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm:

Điều kiện khách quan hay chủ quan để thực hiện hành vi phạm tội càng dễ dàng thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm càng cao. Bởi vì, trong những điều kiện ấy, thiệt hại sẽ dễ dàng đạt đến mức tối đa. Ví dụ, một người lợi dụng nhà bị hại vừa sau đám tang, mọi người đã mệt mỏi, ngủ say để trộm cắp tài sản, sẽ có tính nguy hiểm cao hơn người trộm cắp tài sản trong trường hợp bình thường.

* Nhân thân người phạm tội:

Hành vi của con người luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chính vì vậy, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng phụ thuộc một phần vào các đặc tính xã hội của người thực hiện hành vi. Cùng một hành vi nhưng có thể ở người này là một biểu hiện nhất thời, đột xuất nhưng ở người kia lại là kết quả của một quá trình nhận thức và tính toán sâu sắc. Điều này có ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi cũng như quyết tâm thực hiện tội phạm của người đó. Nhân thân càng xấu thì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm do người đó thực hiện càng cao. Chẳng hạn, hành vi gây thương tích cho người khác của một kẻ thất học, không nghề nghiệp và sống sa đoạ sẽ nguy hiểm hơn hành vi gây thương tích cho người khác của một người con ngoan, học giỏi, nhất thời phạm tội. Vì vậy, phải xem xét, đánh giá đúng đắn yếu tố nhân thân khi xử lý thì việc áp dụng hình phạt mới đạt được hiệu quả.

* Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự:

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết thuộc yếu tố khách quan hoặc chủ quan có tác dụng làm tăng hoặc giảm tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Đây là những tình tiết xuất phát từ chủ quan của người phạm tội (đa số xuất phát từ nhân thân) hoặc khách quan, ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Chẳng hạn, do hoàn cảnh khách quan đặc biệt khó khăn khiến A phải phạm tội. Điều này làm cho hành vi phạm tội của A giảm đi phần nào tính nguy hiểm cho xã hội.

Thật ra, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được coi là một đặc điểm của tội phạm được hiểu là ở mức độ “đáng kể”. Bởi vì, tất cả những hành vi sai trái hoặc gây ra thiệt hại, đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội đều có tính nguy hiểm. Tuy nhiên, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là cao hơn. Nội dung này đã tạo cho nó trở thành một đặc điểm của tội phạm.

Một vấn đề khác đặt ra đối với quy định tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự hiện hành, đó là: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Quy định này, theo tôi, chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận và lập pháp. Trước hết, nó làm cơ sở cho các nhà lý luận phân tích về nội dung tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm với tư cách là một đặc điểm của tội phạm. Nghĩa là, căn cứ trên quy định này, nhà lý luận luật hình sự có thể khẳng định, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là “đáng kể”, trong khi tính nguy hiểm cho xã hội của các hành vi không phải là tội phạm thì chưa đáng kể. Mặt khác, dựa trên quy định này, một hành vi nào đó có bị coi là tội phạm hay không, các nhà làm luật phải cân nhắc hết sức cẩn trọng, xem tính nguy hiểm cho xã hội của nó đã “đáng kể” hay chưa. Khi tính nguy hiểm cho xã hội của nó là “đáng kể” mới nên tội phạm hoá để xử lý hình sự nó.

Đứng ở góc độ thực tiễn áp dụng pháp luật, quy định này là không cần thiết. Khi một hành vi nào đó được nhà làm luật tội phạm hoá, nghĩa là mặc nhiên ai cũng biết tính nguy hiểm cho xã hội của nó đã “đáng kể”. Và chỉ khi hành vi đó được Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì mới bị coi là tội phạm và bị xử lý hình sự. Bất kể hành vi vi phạm khác chưa được quy định trong Bộ luật hình sự, khi xảy ra, đương nhiên không bị xử lý hình sự và có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác. Điều này không cần quy định.

 

b) Tính trái pháp luật hình sự:

Khoản 2 Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc khẳng định: “không ai bị kết án về một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không quy định là tội phạm. Vì vậy, tính trái pháp luật hình sự là một dấu hiệu được quy định trong luật hình sự của tất cả các nước trên thế giới. Theo luật hình sự Việt Nam, hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi nó được quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự nước ta thể hiện rất rõ điều này khi khẳng định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự...” (khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự), “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”, “chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2 Bộ luật hình sự), v.v..

Tính trái pháp luật hình sự theo cách hiểu của luật hình sự Việt Nam hiện hành là, hành vi phạm tội trái với quy định của Bộ luật hình sự. Nghĩa là, khi Bộ luật hình sự quy định một hành vi nào đó bị cấm thì người phạm tội thực hiện hành vi đó. Chẳng hạn, Điều 174 Bộ luật hình sự quy định người nào lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Nghĩa là hành vi này bị cấm theo Bộ luật hình sự, người phạm tội thực hiện nó. Ngược lại, khi Bộ luật hình sự quy định hành vi đó phải được làm thì người phạm tội không làm hoặc làm không hết trách nhiệm và khả năng của mình. Ví dụ, tại Điều 132 Bộ luật hình sự quy định trách nhiệm cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy, một người chứng kiến người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không có hành vi cứu giúp khi có khả năng và điều kiện cứu giúp, bị xem là trái Bộ luật hình sự.

Quy định tính trái pháp luật hình sự là một dấu hiệu của tội phạm không những là cơ sở bảo đảm cho đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm được thống nhất, bảo đảm quyền dân chủ của công dân không bị vi phạm bởi hành vi tuỳ tiện, mà còn thúc đẩy các cơ quan lập pháp kịp thời sửa đổi, bổ sung luật theo sát với sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Tính trái pháp luật hình sự tuy là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lý nhưng vẫn có tính độc lập tương đối và có ý nghĩa quan trọng. Nếu chỉ coi trọng dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện trong xử lý hình sự.

Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, ở nước ta, dấu hiệu này của tội phạm chưa được xem là bắt buộc. Trong những trường hợp đặc biệt, Nhà nước cho phép áp dụng “nguyên tắc tương tự” trong xét xử - dùng các văn bản pháp luật hiện có về tội phạm để xét xử các hành vi tương tự chưa được quy định trong luật hình sự. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp bất đắc dĩ, tạm thời xuất phát từ điều kiện khách quan là Nhà nước dân chủ nhân dân mới ra đời, chính quyền nhân dân mới thành lập, đấu tranh giai cấp cực kỳ căng thẳng, pháp luật chưa đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quan hệ xã hội chưa ổn định... Việc làm này là hết sức cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, những hành vi nguy hiểm xâm phạm độc lập, chủ quyền, chế độ Nhà nước. Hiện nay, luật hình sự nước ta đã bỏ “nguyên tắc tương tự”. Có như thế mới góp phần xây dựng được một xã hội công bằng, với nền pháp chế cao, một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh.

Tuy nhiên, việc quy định tuyệt đối tội phạm phải được quy định trong Bộ luật hình sự như luật hình sự hiện hành của Việt Nam là khá cứng nhắc và không cần thiết. Xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là, quy định tội phạm không những trong Bộ luật hình sự mà còn trong các đạo luật chuyên ngành khác, trong từng lĩnh vực đặc thù cụ thể, như: môi trường, giao thông, ngân hàng, công nghệ thông tin, buôn bán phụ nữ, ma tuý, v.v. Việc quy định các hành vi đặc thù trong các đạo luật chuyên ngành là phù hợp và cần thiết. Vì vậy, cụm từ “Bộ luật hình sự” trong trường hợp này nên thay bằng “đạo luật hình sự” hoặc “luật hình sự. Quy định như vậy thì tính trái pháp luật hình sự của tội phạm sẽ được hiểu là hành vi phạm tội phải trái với quy định của các đạo luật hình sự.

Giữa hai dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và tính trái pháp luật hình sự có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là thuộc tính khách quan, biểu hiện nội dung, bản chất chính trị, xã hội của tội phạm. Dấu hiệu này quyết định một hành vi có được quy định trong Bộ luật hình sự và bị coi là tội phạm hay không. Tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu biểu hiện hình thức pháp lý của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu kèm theo của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tuy nhiên, dù một hành vi có tính nguy hiểm cao đến đâu nhưng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự thì cũng chưa thể bị coi là tội phạm.

c) Tính có lỗi của tội phạm

Về bản chất, lỗi là một nội dung của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Cho nên, đúng ra, chúng ta phải xem lỗi là một nội dung của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tuy nhiên, để thừa nhận lỗi là một nguyên tắc cơ bản của luật hình sự, tất cả các nhà lý luận luật hình sự Việt Nam đều đã coi lỗi là một đặc điểm độc lập của tội phạm.

Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận hình thức quy tội khách quan, tức là không chấp nhận quy tội đối với một người mà chỉ căn cứ vào hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ chứ không xem xét hành vi đó có lỗi hay không. Hay nói cách khác, tội phạm phải là hành vi tổng hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, tội phạm là hành vi gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội. Về mặt chủ quan, hành vi phạm tội đó phải được kiểm soát bởi ý thức và ý chí của người thực hiện nó. Có nghĩa là, một hành vi bị coi là tội phạm khi về mặt khách quan, đã gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và về chủ quan là có lỗi. Như vậy, lỗi là gì? Lỗi hiểu theo nghĩa thông thường, là chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc hoặc điều sai sót không nên, không phải trong cách cư xử, trong hành động, khuyết điểm, v.v..

Theo quan điểm thống nhất của lý luận luật hình sự, lỗi là thái độ chủ quan của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Tại sao tội phạm phải có tính có lỗi?

Hoạt động tâm lý của con người được hình thành theo một quá trình từ nhu cầu, động cơ, mục đích, nhận thức các điều kiện khách quan, lựa chọn thực hiện hành vi. Hoạt động này luôn có sự tham gia của nhận thức và ý chí. Vì vậy, bất kỳ hành vi nào được biểu hiện ra thế giới khách quan cũng có sự thúc đẩy của một động cơ nào đó, nhằm đạt mục đích nhất định (ngoại trừ những hành vi được thực hiện bởi người đã mất những chức năng này). Cho nên, hành vi của con người, dù được quyết định bởi các điều kiện khách quan nhưng đó là một quá trình diễn ra rất phức tạp, không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào các điều kiện khách quan đó mà còn chịu ảnh hưởng của nhận thức và ý chí, với tư cách là những yếu tố độc lập tương đối và không kém phần quan trọng, mặc dù, suy cho cùng, nhận thức và ý chí cũng được quyết định bởi các yếu tố khách quan nhất định.

Ăngghen từng viết: Tự do không bao hàm một sự độc lập trừu tượng đối với các quy luật của tự nhiên mà tự do được thể hiện trong sự nhận thức các quy luật đó và trên cơ sở hiểu biết các quy luật của tự nhiên để có thể lần lượt bắt các quy luật đó tác động theo những mục tiêu đã được xác định. Điều này cho thấy, sự ảnh hưởng của các điều kiện khách quan đối với hành vi của con người phải gián tiếp thông qua sự nhận thức và ý chí của người thực hiện. Do đó, tội phạm một khi được thực hiện thì đó không phải là sự phản ứng trực diện của con người đối với hoàn cảnh mà là sự tương tác giữa điều kiện khách quan và bản thân người phạm tội. Vì vậy, trách nhiệm hình sự phải là hệ quả tất yếu của quá trình tương tác đó. Nói cách khác, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ có thể phải chịu hình phạt khi hành vi đó có tính có lỗi. Cần phải lưu ý phân biệt giữa “lỗi” và “tính có lỗi”. Lỗi là thái độ tâm lý, cho nên nó phải đi kèm với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, chúng ta có thể nói: anh A có lỗi. Đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội, chúng ta có thể khẳng định rằng nó có tính có lỗi hay không chứ không thể khẳng định một hành vi là có lỗi hay không.

Trở lại vấn đề một hành vi như thế nào bị xem là có tính có lỗi? Hành vi bị xem là có tính có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện lựa chọn và quyết định một xử sự khác phù hợp với yêu cầu của xã hội.

Như đã phân tích, bất kỳ một hoạt động tâm lý nào của con người cũng có sự tham gia của nhận thức và ý chí. Mọi hành vi đều xuất phát từ những động cơ và mục đích nhất định. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, hành vi được thực hiện dưới sự tác động của các yếu tố xúc cảm về tâm lý khác nhau (bình tĩnh, bị kích động, thoả mãn, bức bối...). Vì vậy, khi nghiên cứu về tội phạm, về lỗi, cần kết hợp các yếu tố này trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có như vậy, việc đánh giá lỗi mới chính xác và khách quan được.

Một vấn đề đặt ra là, “do người có năng lực trách nhiệm hình sự (NLTNHS) thực hiện” có phải là đặc điểm của tội phạm không? Có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số quan điểm cho rằng, do người có NLTNHS thực hiện là một đặc điểm độc lập của tội phạm[2]. Quan điểm này phù hợp với khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự hiện hành. Các quan điểm khác không đề cập nội dung này khi phân tích các đặc điểm của tội phạm. Có nghĩa là, họ coi nội dung này cùng với “tuổi chịu trách nhiệm hình sự” (TNHS) của người thực hiện hành vi là hai điều kiện cần và đủ để xem xét tính có lỗi của hành vi được thực hiện. Theo tác giả, dấu hiệu “người có NLTNHS khi thực hiện hành vi” và “tuổi chịu TNHS” là hai điều kiện của hành vi có tính có lỗi. Vì vậy, cần xem xét hai yếu tố này khi nghiên cứu các dấu hiệu của tội phạm nhưng không phải là dấu hiệu độc lập mà là điều kiện của dấu hiệu tính có lỗi.

Tóm lại, luật hình sự Việt Nam xem lỗi là một dấu hiệu của tội phạm để thừa nhận lỗi là một nguyên tắc cơ bản của luật hình sự. Khi xác định hành vi có phải là tội phạm hoặc không phải là tội phạm, chúng ta cần dựa trên cơ sở thống nhất các yếu tố khách quan và chủ quan. Bởi vì, chúng ta áp dụng hình phạt không phải chỉ để trừng trị người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà còn nhằm mục đích cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt sẽ không đạt mục đích, thậm chí, còn có tác dụng ngược lại nếu hình phạt được áp dụng đối với người không có lỗi.

d) Tính chịu trách nhiệm hình sự của tội phạm:

Quan điểm định nghĩa theo dấu hiệu hình thức xem tính chịu hình phạt là một dấu hiệu cơ bản của tội phạm. Chẳng hạn, Bộ luật hình sự Thuỵ Sĩ năm 1937 quy định: tội phạm là “hành vi do luật hình sự cấm bằng nguy cơ xử phạt; Bộ luật hình sự Malaixia quy định: “Tội phạm được hiểu là một hành vi bị xử phạt theo Bộ luật này” (Điều 40), v.v.. Thật ra, về bản chất, một hành vi bị coi là tội phạm bởi vì về nội dung nó có tính nguy hiểm cho xã hội và về hình thức nó trái pháp luật hình sự, có tính có lỗi và vì nó là tội phạm nên mới phải chịu hình phạt. Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện có lỗi và bị Bộ luật này quy định phải chịu hình phạt.

Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định tội phạm phải bị xử phạt mà thay vào đó là nội dung “bị xử lý hình sự” (khoản 1 Điều 8). Nghĩa là, người thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, chỉ đặt ra khi và chỉ khi có tội phạm xảy ra. Trách nhiệm hình sự không được đặt ra đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào khác ngoài tội phạm. Bởi vậy, có thể nói trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi phạm tội. Đây là một trong những đặc điểm của trách nhiệm hình sự. Ngược lại, việc chịu trách nhiệm hình sự trở thành một đặc điểm của tội phạm. Nói như vậy không có nghĩa là bất kỳ người nào thực hiện tội phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Có những người dù đã thực hiện hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm nhưng vì một hoặc một số căn cứ nhất định mà được miễn trách nhiệm hình sự.

Tính chịu trách nhiệm hình sự được xem là dấu hiệu của tội phạm bởi nó là một thuộc tính khách quan của tội phạm. Vì vậy, trên thực tế dù có những hành vi phạm tội bị xử lý hình sự, cũng có những hành vi phạm tội không bị xử lý hình sự - trường hợp miễn trách nhiệm hình sự không có nghĩa phủ nhận quan điểm xem tính chịu trách nhiệm hình sự là đặc điểm của tội phạm. Chúng ta nhận thấy rằng, dù trên thực tế có những trường hợp có hành vi phạm tội nhưng không bị xử lý hình sự, nhưng khả năng đe doạ bị xử lý hình sự là vẫn có. Hay nói cách khác, việc không xử lý hình sự trong trường hợp đó là không xử lý hình sự đối với người phạm tội, chứ không phải tội phạm đó không bị xử lý hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự. Mọi hành vi khác không phải là tội phạm thì không có nguy cơ đe doạ bị xử lý hình sự. Phải nhìn nhận như thế mới thấy được mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hình sự luôn gắn liền với tội phạm và chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội.

Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định nội dung “phải bị xử lý hình sự” trong khái niệm tội phạm. Khi đó, lý luận luật hình sự Việt Nam, được thể hiện trong Giáo trình luật hình sự của các cơ sở đào tạo luật, đề cập và cho rằng tính trái pháp luật là dấu hiệu bên ngoài của tội phạm và có tính quy kết kèm theo các dấu hiệu khác của tội phạm. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà lý luận luật hình sự Việt Nam nào cũng thừa nhận quan điểm này[3]. Quan điểm không coi tính chịu hình phạt là đặc điểm của tội phạm, vì trên thực tế không phải lúc nào người phạm tội cũng bị áp dụng hình phạt. Mặt khác, tính chịu hình phạt cũng không phải là một dấu hiệu bên trong tạo nên bản chất của tội phạm.

Mặc dù đại đa số các tài liệu về luật hình sự Việt Nam thừa nhận tội phạm có bốn đặc điểm nêu trên như là quan điểm chính thống, nhưng cũng không phải không có các quan điểm khác. Một trong số các quan điểm đó thừa nhận tội phạm có năm đặc điểm[4]. Các đặc điểm đó là: 1) Tính nguy hiểm cho xã hội; 2) Tính trái pháp luật hình sự; 3) Tính có lỗi; 4) Do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; 5) Do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện. Quan điểm này cơ bản cũng thừa nhận các đặc điểm thuộc về nội dung (tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi) và hình thức pháp lý (tính trái pháp luật hình sự) của tội phạm. Mặt khác, tác giả quan điểm này còn thừa nhận thêm hai nội dung thuộc bình diện chủ quan của tội phạm (người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Tuy nhiên, nếu thừa nhận hai nội dung chủ quan này là những yếu tố cấu thành nên “tính có lỗi” thì không cần thiết phải coi chúng như những đặc điểm độc lập của tội phạm. Tác giả quan điểm này cũng không thừa nhận tính chịu hình phạt - một dạng hậu quả pháp lý đặc trưng cho hình thức trách nhiệm hình sự mà chỉ có tội phạm mới phải gánh chịu.

Cũng có quan điểm cho rằng, tội phạm có bốn đặc điểm nhưng không hoàn toàn giống với các đặc điểm mà tác giả quyển sách này phân tích. Bốn đặc điểm đó là: 1) Tính có lỗi; 2) Tính gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (Tính nguy hiểm cho xã hội); 3) Tính trái pháp luật hình sự, 4) Do người đủ điều kiện chủ thể thực hiện[5]. Quan điểm này cũng không thừa nhận tội phạm có tính chịu hình phạt.

Cũng có tác giả theo quan điểm cũ coi tội phạm chỉ có hai đặc điểm, đó là: 1) Tính nguy hiểm cho xã hội; 2) Tính trái pháp luật hình sự[6]. Quan điểm này không thực sự đầy đủ khi chưa nêu lên được đặc điểm thuộc bình diện chủ quan của tội phạm dù thời điểm ra đời quan điểm này, Bộ luật hình sự Việt Nam đã định nghĩa tội phạm trong đó có nội dung “… do người có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”.

Như vậy, dù là quan điểm nào đi nữa cũng đều phải thừa nhận tội phạm với những đặc điểm đặc trưng vốn có của nó. Có thể có những cách hiểu khác nhau, nhưng quan điểm đúng đắn và đầy đủ phải nhìn nhận tội phạm với các đặc điểm thuộc bình diện khách quan, chủ quan và hình thức pháp lý của nó.

4. Ý nghĩa của khái niệm tội phạm

Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất của luật hình sự Việt Nam. Khái niệm này, một mặt là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong hệ thống phần các tội phạm Bộ luật hình sự, mặt khác cũng thể hiện một cách rõ nét những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Nội dung của khái niệm tội phạm được xem là điều kiện cần thiết có tính nguyên tắc để giới hạn giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữa trách nhiệm hình sự và các trách nhiệm pháp lý khác. Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng phần quy định những quy phạm phần riêng và đồng thời qua đó tạo cơ sở để xây dựng những khung hình phạt tương ứng cho từng loại tội phạm cụ thể.

Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự, các cơ quan có thẩm quyền tuy dựa vào những quy định phần riêng để xác định tội phạm cụ thể nhưng chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn và đầy đủ bản chất cũng như những đặc điểm của tội phạm, họ mới có thể áp dụng luật hình sự một cách chính xác, công bằng thông qua việc xác định đúng tội danh, đánh giá đúng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Khái niệm tội phạm được coi là khái niệm cơ bản nhất còn bởi lý do tất cả những khái niệm khác của luật hình sự tuy có tính độc lập nhưng cũng chỉ là những khái niệm có tính chất cụ thể hoá và hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của tội phạm.

II. BẢN CHẤT CỦA TỘI PHẠM

Tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực, mang tính lịch sử, thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Tội phạm được quy định xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị và vì lợi ích của giai cấp thống trị trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Vì vậy, tội phạm luôn mang bản chất giai cấp.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, lợi ích của giai cấp thống trị được xem là tối cao. Chỉ một sự vi phạm dù là không đáng kể của nô lệ đối với quyền hoặc lợi ích của chủ nô cũng đều bị xem là nghiêm trọng và sẽ bị trừng trị thích đáng. Chẳng hạn, theo Luật La Mã, nếu giết chết chủ nô, người nô lệ trực tiếp giết và tất cả các nô lệ của chủ nô đó sẽ bị xử tử. Trái lại, nô lệ không được bảo vệ như con người, mà như một loại hàng hoá. Chủ nô, vì vậy, có thể tự do giết chết nô lệ của mình như sự vứt bỏ một tài sản của mình mà không bị coi là tội phạm.

Pháp luật phong kiến bảo vệ tối đa lợi ích của giai cấp phong kiến. Bất kỳ hành vi nào xâm phạm, dù không đáng kể, đến lợi ích và sự tôn nghiêm của hoàng tộc đều bị coi là tội tử. Chẳng hạn, pháp luật hình sự phong kiến của Trung Quốc quy định “thập ác tội” với mức hình phạt luôn là tử hình. Đa số các tội phạm “thập ác” đều có liên quan đến hoàng tộc.

Pháp luật hình sự tư sản chủ trương bảo vệ nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân. Tuy nhiên, về bản chất, pháp luật tư sản vẫn thể hiện một sự bất bình đẳng khi dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho giai cấp tư sản, những người sở hữu phần lớn của cải trong xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy, ở thời kỳ này, các nước đế quốc luôn sử dụng các đạo luật hình sự như một công cụ hữu hiệu, nhằm đàn áp các phong trào dân chủ, tiến bộ ở các nước thuộc địa. Ngoài ra, luật hình sự tư sản cũng bảo vệ cao chế độ tư hữu, nền tảng của giai cấp thống trị trong xã hội tư sản.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, pháp luật hình sự bảo vệ chẳng những lợi ích của giai cấp thống trị mà bảo vệ lợi ích của toàn xã hội. Pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa không che giấu bản chất giai cấp của tội phạm. Nó công khai thừa nhận tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quan hệ xã hội có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội. Do vậy, không chỉ có các quan hệ xã hội xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị mới được bảo vệ nghiêm ngặt mà pháp luật hình sự xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích của tất cả các giai cấp trong xã hội.

III. PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

1. Lịch sử hình thành của chế định phân loại tội phạm ở Việt Nam

Tội phạm tuy có chung bốn dấu hiệu nhưng trên thực tế, tội phạm diễn ra rất đa dạng và phong phú về nguyên nhân, điều kiện phát sinh, tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm do hậu quả của hành vi xâm hại gây ra. Chính vì thế, vấn đề cần thiết đặt ra là phải phân chia tội phạm ra thành những nhóm khác nhau để thuận lợi cho việc xử lý.

Pháp luật phong kiến Việt Nam tuy chưa có cái nhìn khái quát về tội phạm nhưng ở mức độ nào đó, nhà làm luật cũng có ý thức phân chia tội phạm thành những nhóm khác nhau dựa vào khách thể của tội phạm, hình thức lỗi, chủ thể của tội phạm, giới tính... Có thể làm rõ nội dung này qua việc xem xét các quy định về tội phạm trong Bộ luật Hồng Đức.

Kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong các văn bản pháp luật hình sự đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tội phạm được phân chia thành hai nhóm khác nhau dựa vào thẩm quyền xét xử của toà án đối với từng loại tội phạm nhất định - Toà án quân sự và Toà án hình sự thường. Bên cạnh đó, quan điểm của một số nhà lý luận luật hình sự thời bấy giờ còn có khuynh hướng phân loại tội phạm thành ba nhóm: trọng tội (tội nặng), khinh tội (tội nhẹ) và vi cảnh (vi cảnh ở đây được xem là khái niệm của một loại tội phạm và phải chịu một trong hai loại chế tài là: giam từ 1 ngày đến 10 ngày hoặc phạt vạ tiền từ 200 đồng đến 600 đồng).

Do những hạn chế có tính lịch sử mà nước ta trong thời kỳ này không đặt nặng vấn đề phân loại tội phạm ở góc độ lập pháp. Vì thế, hoạt động áp dụng pháp luật phải tự tìm ra cho mình những cơ sở cần thiết cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự. Trong hoạt động xét xử, tội phạm được phân ra thành hai nhóm là trọng tội và khinh tội. Nhưng cơ sở của sự phân biệt này là mức án mà Toà án tuyên cho từng tội phạm cụ thể, mặc dù để áp dụng chế tài cho từng trường hợp này, toà án phải căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Điều này đã mở đường cho sự tuỳ tiện trong hoạt động áp dụng pháp luật.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, hàng loạt các văn bản pháp luật hình sự được ban hành, thể hiện rõ quan điểm mới trong vấn đề phân loại tội phạm. Theo quy định của các văn bản này, tội phạm được phân chia thành ba nhóm: các tội phản cách mạng (Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1967 và Sắc luật 03/SL ngày 15-3-1976), các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế (Sắc luật 03/SL ngày 15-3-1976) và tội phạm thường. Việc phân loại này chủ yếu dựa vào khách thể bị hành vi phạm tội xâm hại.

Nói chung, trước khi Nhà nước ta ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, việc phân loại tội phạm vẫn chưa trở thành một chế định của pháp luật, mà chỉ được tiến hành trong lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự. Sự phân loại tội phạm chủ yếu nhằm phân hoá trách nhiệm hình sự trên cơ sở một vài dấu hiệu biểu hiện bản chất giai cấp của tội phạm, trong đó quan trọng nhất là khách thể bị xâm hại.

Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành là sự kiện ghi nhận thành tựu và cố gắng vượt bậc của công tác lập pháp ở nước ta. Lần đầu tiên, việc phân loại tội phạm đã trở thành một chế định của pháp luật, được thừa nhận về mặt lập pháp. Căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, tội phạm được phân chia thành hai nhóm: tội phạm nghiêm trọng tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1985).

Không dừng lại ở đó, Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời đã sửa đổi chế định phân loại tội phạm. Thực trạng trước đây, tội phạm chỉ được phân chia thành hai nhóm, sự chênh lệch như vậy là khá lớn. Nhiều tội phạm có mức hình phạt từ năm năm tù trở xuống nhưng lại bao gồm các tội phạm có tính nguy hiểm cao (chẳng hạn, tội phạm quy định tại Điều 104, 112, v.v.. Bộ luật hình sự năm 1985) có cùng chính sách xử lý nên không được dư luận đồng tình. Mặt khác, các tội phạm nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình lại cũng có chính sách xử lý gần giống nhau (theo Bộ luật hình sự năm 1985) là khó bảo đảm nguyên tắc công bằng và nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự.

Theo xu hướng đó, tội phạm được chia thành bốn loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điểm sửa đổi này của Bộ luật hình sự năm 1999 là hết sức cần thiết trong tình hình mới, nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện triệt để nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, bởi vì chế định phân loại tội phạm được sửa đổi sẽ tạo cơ sở cho việc hoàn thiện nhiều quy định thuộc phần chung khác của Bộ luật hình sự (quy định về nguyên tắc xử lý hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, điều kiện áp dụng từng loại hình phạt...). Ngoài ra, phân loại tội phạm thành bốn loại còn tạo cơ sở xây dựng cấu thành tội phạm thành nhiều khung. Đồng thời, nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (chế định tạm giam, xét xử theo thủ tục rút gọn, v.v..).

Kế thừa Bộ luật hình sự năm 1999, các nhà làm luật đã giữ nguyên tinh thần của nội dung này nhưng tách chế định phân loại tội phạm thành một điều luật riêng (Điều 9) và nêu cụ thể nội dung phân loại tội phạm, tránh sự hiểu nhầm trong áp dụng.

2. Các căn cứ phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành

a) Phân loại tội phạm theo các căn cứ thuộc yếu tố chủ quan

- Phân loại tội phạm dựa vào hình thức lỗi, tội phạm được chia thành hai loại:

+ Tội phạm có lỗi cố ý. Ví dụ, tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự), tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự), v.v..

+ Tội phạm có lỗi vô ý. Ví dụ, tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự), tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180 Bộ luật hình sự), v.v..

- Phân loại tội phạm dựa vào mục đích hoặc động cơ của tội phạm, tội phạm được chia thành hai loại:

+ Những tội phạm không có dấu hiệu động cơ/mục đích là dấu hiệu bắt buộc. Chẳng hạn, tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự), tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật hình sự), v.v..

+ Những tội phạm có dấu hiệu mục đích/động cơ là dấu hiệu bắt buộc. Ví dụ, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật hình sự) bắt buộc phải có mục đích “chống chính quyền nhân dân, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357 Bộ luật hình sự) bắt buộc dấu hiệu động cơ trong cấu thành tội phạm là động cơ “vụ lợi” hoặc động cơ “cá nhân khác.

- Phân loại tội phạm dựa vào chủ thể của tội phạm, tội phạm được chia thành hai loại:

+ Tội phạm được thực hiện bởi chủ thể thường thực hiện. Chẳng hạn, tội mua bán trái phép chất ma tuý (Điều 251 Bộ luật hình sự), tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự), v.v., chỉ cần chủ thể có đủ NLTNHS.

+ Tội phạm được thực hiện bởi chủ thể đặc biệt. Ví dụ, tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải có “chức vụ, quyền hạn”; tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là người “đủ 18 tuổi, v.v..

b) Phân loại tội phạm theo các căn cứ thuộc yếu tố khách quan

- Phân loại tội phạm theo khách thể của tội phạm: tội phạm được phân chia thành 14 nhóm tương ứng với 14 chương của phần các tội phạm Bộ luật hình sự.

- Phân loại tội phạm theo tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm: tội phạm được chia thành bốn nhóm là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (theo Điều 9 Bộ luật hình sự).

3. Phân loại tội phạm theo Điều 9 Bộ luật hình sự hiện hành

Phân loại tội phạm dựa vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là hình thức phân loại tội phạm được quy định và áp dụng phổ biến nhất trong luật hình sự của các nước. Trong luật hình sự Việt Nam, hình thức phân loại này là hình thức phân loại cơ bản và quan trọng nhất. Cần nhấn mạnh rằng, quan điểm phân loại tội phạm dựa vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một quan điểm đúng đắn. Thực ra, phân loại tội phạm được thực hiện dựa trên nhiều căn cứ, tuỳ thuộc vào mục đích của việc phân loại. Nhưng dù dựa trên bất kỳ căn cứ nào cũng phải xuất phát từ những thuộc tính vốn có của tội phạm. Nếu áp đặt một tiêu chí bên ngoài theo ý chí chủ quan thì việc phân loại tội phạm sẽ mất đi tính khách quan và trở nên vô nghĩa. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một thuộc tính cơ bản quan trọng nhất của tội phạm có sự kết hợp giữa các yếu tố khách quan và chủ quan liên hệ với nhau, quyết định bản chất của mọi tội phạm - tính nguy hại cho xã hội. Phân loại tội phạm dựa vào tiêu chí này là cơ sở cho việc phân hoá và cá thể hoá trách nhiệm hình sự đối với tội phạm và người phạm tội. Những cách phân loại khác (dựa theo tiêu chí chủ quan, khách thể bị xâm hại...) dù ở khía cạnh nào đó cũng là cơ sở để phân hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt nhưng sự phân hoá không thể triệt để và đầy đủ được.

Trên cơ sở lý luận đó, khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự đã chia tội phạm thành bốn nhóm dành cho cá nhân phạm tội:

- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Ví dụ, Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159 Bộ luật hình sự) là tội phạm ít nghiêm trọng.

- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.

Chẳng hạn, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự) là tội phạm nghiêm trọng.

- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù.

Chẳng hạn, tội ra quyết định trái pháp luật (khoản 3 Điều 271 Bộ luật hình sự) là tội phạm rất nghiêm trọng.

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ, tội gián điệp (khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự) là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Cần nói thêm, phân loại tội phạm thành bốn nhóm như trên là hình thức phân loại tội phạm dựa vào nội dung chính trị - xã hội của tội phạm. Quan điểm cho rằng, việc phân loại này dựa trên cả hai dấu hiệu nội dung và hậu quả pháp lý là chưa thoả đáng. Bởi vì, căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, thuộc tính khách quan của tội phạm nhà làm luật sẽ quy định chế tài (loại, và mức hình phạt) cho mỗi loại tội phạm cụ thể, còn loại và mức hình phạt là đại lượng pháp lý đo lường tính nguy hiểm đó. Người áp dụng sẽ thông qua đại lượng đo lường này để nhận biết đâu là tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng... Về bản chất, để phân chia thành tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng, nhà làm luật vẫn phải dựa vào căn cứ duy nhất là tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Vì vậy, một tội phạm có thể đồng thời là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều này xuất phát từ thực tế là hành vi phạm tội khi đã thoả mãn cấu thành tội phạm cơ bản có thể tính nguy hiểm chỉ ở mức ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi tội phạm đó kèm theo một số tình tiết tăng nặng thì tính nguy hiểm cho xã hội của nó tăng lên đến mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự), tại khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng và khoản 4 là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, khoản 2 Điều 9 quy định:

Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.”.

Theo quy định này, việc phân loại tội phạm dành cho pháp nhân dựa theo quy định về phân loại tội phạm đối với cá nhân. Tuy nhiên, vì hình phạt, đối với pháp nhân thương mại không có các hình phạt như cá nhân nên việc phân loại tội phạm sẽ dựa vào các khung hình phạt tương ứng của cá nhân mà theo quy định tại các tội phạm cụ thể pháp nhân phải chịu các hình phạt. Ví dụ, đối với tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, tại khoản 1 Điều 191 là tội phạm ít nghiêm trọng nếu cá nhân phạm tội vì mức hình phạt cao nhất của nó là đến 3 năm tù. Cho nên, nếu pháp nhân thương mại phạm tội tại khoản 1 Điều này cũng bị coi là phạm tội ít nghiêm trọng dù hình phạt cao nhất dành cho pháp nhân khi đó là 1 tỷ đồng.

 

So với Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự hiện hành có bốn điểm mới trong chế định phân loại tội phạm. Thứ nhất, phân loại tội phạm được tách ra thành một điều luật riêng. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, phân loại tội phạm được quy định chung với chế định tội phạm với tên gọi khái niệm tội phạm (Điều 8). Điều này là không chính xác vì hai chế định này có tính độc lập về nội dung và bản chất. Bộ luật hình sự hiện hành đã khắc phục nhược điểm này để mọi người thống nhất nhận thức rằng tội phạm và phân loại tội phạm là hai chế định độc lập, phân loại tội phạm không phải là nội dung “con” của “khái niệm tội phạm”. Thứ hai, khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 nêu tiêu chí phân loại tội phạm và giới thiệu tiêu đề là tội phạm được chia thành bốn loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điều này là không cần thiết vì khoản 3 Điều 8 đã lặp lại bốn loại tội phạm này với nội dung phân loại với từng loại tội phạm. Bộ luật hình sự hiện hành đã loại bỏ nội dung không cần thiết này. Thứ ba, nội dung phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm đó đối với loại và mức hình phạt nghiêm khắc nhất. Phần còn lại, nhà làm luật để người áp dụng ngầm hiểu. Ví dụ, Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Như vậy, người áp dụng phải tự hiểu tội ít nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù hoặc các hình phạt thấp hơn, như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Hoặc, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù. Người áp dụng phải tự hiểu tội nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 3 năm tù đến 7 năm tù. Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định rõ những nội dung “ngầm hiểu” này nhằm làm cho quy định trở nên sáng tỏ, tránh sự lờ mờ trong áp dụng. Việc Bộ luật hình sự hiện hành không quy định hình phạt cảnh cáo trong khoản 1 Điều 9 về tội phạm ít nghiêm trọng là vì trên thực tế, không có mức cao nhất của khung hình phạt nào là cảnh cáo cả. Thứ tư, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 bổ sung việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội dựa theo việc phân loại tội phạm dành cho cá nhân phạm tội.

4. Ý nghĩa của việc phân loại tội phạm theo Điều 9 Bộ luật hình sự

a) Ý nghĩa lý luận:

Chính sách hình sự của Nhà nước ta là chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính sách này chỉ mang lại hiệu quả, phục vụ tích cực cho công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm khi chúng được xây dựng xuất phát từ thực tế đa dạng, phong phú của tội phạm và tình hình phạm tội. Phân loại tội phạm là cơ sở để xác định và xây dựng các biện pháp pháp lý hình sự tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, xác định chính sách hình sự cụ thể đối với từng hành vi phạm tội cụ thể (chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội - chương XII Bộ luật hình sự, chính sách xử lý hành vi phạm tội chưa đạt - Điều 15 Bộ luật hình sự, v.v..). Mặt khác, phân loại tội phạm cũng có vai trò quan trọng trong việc triển khai chính sách hình sự, thông qua sự nhận thức và phản ứng của Nhà nước đối với các tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì có biện pháp xử lý khác nhau. Nó chi phối hầu hết các quy định của pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự về tội phạm, hình phạt, thẩm quyền điều tra, xét xử, v.v..

Trong hoạt động lập pháp, phân loại tội phạm là cơ sở để xây dựng các chế định về tội phạm và hình phạt, là cơ sở thống nhất để xây dựng các khung hình phạt cho các tội phạm cụ thể.

Ngoài ra, phân loại tội phạm còn là cơ sở xác định đường lối đấu tranh đối với các loại tội phạm khác nhau cũng như các ngành luật có liên quan về các quy định thể hiện sự phân hoá trách nhiệm hình sự. Xuất phát từ sự đa dạng và phong phú về tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, mà yêu cầu phân hoá trách nhiệm hình sự được đặt ra và trở thành nguyên tắc của luật hình sự. Phân loại tội phạm thành các nhóm khác nhau là biểu hiện của sự phân hoá trách nhiệm hình sự ở góc độ lập pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu chế định phân loại tội phạm trong mối quan hệ thống nhất các chế định khác sẽ tạo tiền đề cho việc nhận thức đúng bản chất của tội phạm, đánh giá đúng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là cơ sở để hoàn thiện pháp luật hình sự.

b) Ý nghĩa thực tiễn:

Phân loại tội phạm thành bốn nhóm có ý nghĩa trước hết đối với việc áp dụng nhiều quy phạm phần chung và phần các tội phạm Bộ luật hình sự, như: chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chế định các giai đoạn phạm tội, chế định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự... Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật hiện hành người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm được quy định kèm theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào việc người đó đã phạm loại tội gì (Điều 27 Bộ luật hình sự); áp dụng những hình phạt không tước tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) phụ thuộc vào việc người đó đã phạm loại tội gì (Điều 34, 35, 36), v.v..

Ngoài ra, việc phân loại tội phạm còn có ý nghĩa chi phối đối với việc áp dụng một số chế định của luật tố tụng hình sự. Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; các quy định về thời hạn đưa vụ án ra xét xử hoặc ra các quyết định cụ thể đối với từng loại tội phạm cụ thể, v.v..

IV. TỘI PHẠM VÀ CÁC HÀNH VI VI PHẠM KHÁC

1. Tội phạm và hành vi vi phạm đạo đức

Đạo đức là tất cả những quan niệm, quy tắc, yêu cầu hình thành trong ý thức của các tầng lớp nhân dân nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội về cái tốt, xấu, chính nghĩa, phi nghĩa, v.v.. Đạo đức bảo đảm được thực hiện bởi dư luận xã hội, tập thể hoặc một giai cấp nhất định. Trong xã hội, những quan điểm, quan niệm về đạo đức rất khác nhau do ảnh hưởng của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Đạo đức không bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhưng một khi nó đã trở thành niềm tin nội tâm thì tương đối ổn định và được tuân thủ bằng ý thức tự giác của con người.

Pháp luật hình sự nói chung và luật hình sự nói riêng là những quy tắc xử sự chung cho xã hội, được giai cấp thống trị thông qua Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế. Đạo đức xuất hiện cùng với sự hình thành của xã hội loài người còn luật hình sự chỉ xuất hiện khi xã hội có sự phân chia giai cấp, Nhà nước xuất hiện. Trong một quốc gia, có thể tồn tại nhiều hệ thống đạo đức nhưng chỉ duy nhất một hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành.

Nhìn chung, tội phạm và hành vi vi phạm đạo đức cũng có những điểm giống nhau nhất định: đều là những hành vi vi phạm các yêu cầu của xã hội, quan niệm sống của con người, bị xã hội lên án... Chính vì thế, pháp luật thời phong kiến có nhiều trường hợp lẫn lộn giữa tội phạm và vi phạm đạo đức. Chẳng hạn, Quốc triều Hình luật quy định: “Gian dâm với vợ kế, vợ lẽ của ông cha, với mẹ nuôi, mẹ kế... đều xử tội chém” (Điều 6 chương Hộ hôn). Thực ra, đối với các hành vi này, nếu không đến mức nghiêm trọng (vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như ngày nay) sẽ được điều chỉnh bằng các quy phạm đạo đức.

Tuy nhiên, về bản chất, tội phạm và hành vi vi phạm đạo đức có những điểm khác nhau rất cơ bản. Về hình thức, tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự với đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Hành vi vi phạm đạo đức là hành vi trái với phong tục tập quán, quan điểm, tư tưởng của cộng đồng về cái tốt, xấu, thiện, ác, v.v.. Về nội dung, tội phạm có tính nguy hiểm cao hơn rất nhiều so với hành vi vi phạm đạo đức thông qua các yếu tố khách quan và chủ quan. Về mặt hậu quả, tội phạm phải chịu các chế tài hình sự - cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, theo những thủ tục tố tụng rất chặt chẽ. Hành vi vi phạm đạo đức chỉ chịu sự phê phán, đánh giá, lên án của dư luận xã hội.

Phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm và vi phạm đạo đức có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng đúng đắn pháp luật hình sự. Một hành vi nguy hiểm cho xã hội nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì dù người thực hiện hành vi đó có “đạo đức” tốt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, dù hành vi đó có vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, bị dư luận lên án nhưng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự thì không thể xem là tội phạm. Ví dụ, hành vi chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng nếu chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục lén lút hoặc những biểu hiện khác nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chỉ bị coi là vi phạm đạo đức chứ không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự.

2. Tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác

Vi phạm pháp luật nói chung là một khái niệm bao gồm vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm), vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật dân sự, v.v.. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều gây nguy hại cho xã hội, bởi nó phá vỡ trật tự xã hội, trực tiếp hoặc đe doạ gây thiệt hại vật chất hay phi vật chất cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, cần thiết phải có sự phản ứng từ phía Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ sự tồn tại của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật này có mức độ tiêu cực khác nhau trong việc gây thiệt hại nên cần có những biện pháp xử lý khác nhau để điều chỉnh các nhóm hành vi tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội trong từng lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. Các ngành luật ra đời xuất phát từ thực tế đó.

Giữa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có một số điểm chung sau đây:

- Là những hành vi vi phạm các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành;

- Là những hành vi có lỗi (cố ý hoặc vô ý) và đều có tính nguy hiểm cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ;

- Phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

Tuy nhiên, xét về bản chất, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác có nhiều điểm khác nhau cơ bản. Ta hãy xem xét sự khác nhau giữa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật hành chính và dân sự (luật hành chính và luật dân sự là hai ngành luật điều chỉnh những hành vi gần giống với tội phạm). Trước hết, ta hãy xem xét tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Xét về mặt hình thức, tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, khi đó, vi phạm pháp luật hành chính được quy định bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau (Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Chỉ thị...). Dấu hiệu mấu chốt để phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính là tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tội phạm bao giờ cũng có tính nguy hiểm cao hơn hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Để đánh giá chính xác tính nguy hiểm cho xã hội của một hành vi vi phạm pháp luật, chúng ta phải xem xét một cách toàn diện từ các yếu tố khách quan và chủ quan cụ thể. Chẳng hạn, hành vi trộm cắp tài sản của người khác nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên thì bị coi là tội phạm, nếu dưới 2 triệu đồng thì chỉ vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, nếu giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý hành chính, hoặc đã bị kết án về các tội chiếm đoạt mà còn tái phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại thì cũng là tội phạm (Điều 173 Bộ luật hình sự).

Do sự khác nhau về tính nguy hiểm cho xã hội nên dẫn đến sự khác nhau về đường lối xử lý, thẩm quyền giải quyết và hậu quả pháp lý. Vi phạm pháp luật hành chính chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý hành chính, quá trình giải quyết sẽ tuân theo thủ tục tố tụng hành chính. Trong khi đó, tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Toà án, theo thủ tục tố tụng hình sự. Chế tài (hình phạt) áp dụng đối với tội phạm nghiêm khắc hơn nhiều so với các chế tài hành chính (ví dụ, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình).

Tội phạm và vi phạm pháp luật dân sự cũng có những điểm khác nhau rất cơ bản. Vi phạm pháp luật dân sự là tất cả những việc làm trái với quy định của Bộ luật dân sự. Tội phạm luôn có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn vi phạm pháp luật dân sự. Chế tài dân sự luôn có mục đích nhằm khắc phục hậu quả xảy ra. Khi đó, chế tài hình sự nhằm cải tạo giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Để phân biệt tội phạm và vi phạm pháp luật dân sự không phải lúc nào cũng dễ, nhất là đối với những hành vi có sự giống nhau về hình thức pháp lý. Đôi lúc, chúng ta cũng cần dựa vào yếu tố chủ quan để xem xét đó là hành vi phạm tội hay vi phạm pháp luật dân sự.

Ví dụ trong vụ án sau đây: Do quen biết, chị Đoàn Thị Hoan đã nhiều lần vay tiền của chị Lương Thị Vinh và lần nào cũng trả đủ cả gốc lẫn lãi đúng hạn. Nhưng từ tháng 12-1991 đến tháng 01-1992, Hoan vay tổng cộng là 345 triệu đã trả gốc là 102 triệu đồng, còn lại 243 triệu đồng. Hoan trả lãi 157.500.000 đồng. Số còn lại, Hoan không trả được là vì Hoan cho Thìn vay lại, mà nay Thìn đã bỏ trốn và bị Cục cảnh sát Điều tra Bộ Nội vụ ra lệnh truy nã nhưng chưa bắt được. Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định Thìn đã chiếm đoạt số tiền của Hoan (vay của Vinh) nhưng vẫn kết án Hoan về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân (Điều 158 Bộ luật hình sự - theo Bộ luật hình sự năm 1985). Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm và tuyên án Hoan không phạm tội mà đây chỉ là quan hệ dân sự, bởi vì, Hoan không có ý định chiếm đoạt số tiền vay đó mà do Thìn bỏ trốn nên Hoan không thể có tiền để trả cho Vinh.

Tóm lại, việc phân biệt tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nói chung là rất khó. Nhiệm vụ của những người làm công tác pháp luật là phải nhận thức đúng đắn bản chất của chúng để xác định đường lối xử lý phù hợp, tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi cụ thể. Có như thế, pháp luật mới phát huy được tác dụng của nó trong công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm tội phạm.

2. Phân tích các đặc điểm của tội phạm.

3. Bản chất của tội phạm là gì.

4. Phân loại tội phạm theo Điều 9 Bộ luật hình sự.

5. Hãy phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm khác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Ngọc Anh (chủ biên), Đỗ Đức Hồng Hà: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011.

2.      Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

3.      Lê Văn Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

4.      Đặng Hoàng Dũng: Tìm hiểu pháp luật - luật hình sự, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 1995.          

5.      Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

6.      Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

7.      Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

8.      Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

9.      Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.150

10.    Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

11.    Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973, tr.111.

[2]. Viện Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.150; Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999, Nxb. Thành phố
Hồ Chí Minh, 2000, tr.62.

[3]. Xem Viện Nhà nước và pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Sđd, tr.144; Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.17.

[4]. Lê Văn Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Sđd, tr.298-306.

[5]. Nguyễn Ngọc Anh (chủ biên), Đỗ Đức Hồng Hà: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.28-29.

[6]. Đặng Hoàng Dũng: Tìm hiểu pháp luật - luật hình sự, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 1995, tr.20-21.

 

BÀI 5

CẤU THÀNH TỘI PHẠM

I. KHÁI QUÁT VỀ CẤU THÀNH TỘI PHẠM

Cấu thành tội phạm là một ngữ danh từ chỉ những yếu tố cấu thành nên một tội phạm. Thỉnh thoảng, người ta cũng sử dụng cụm từ “cấu thành tội phạm” như một ngữ động từ chỉ hành vi của một chủ thể nào đó đã thỏa mãn các yếu tố của một tội phạm cụ thể. Chẳng hạn, khi nói hành vi của A đã cấu thành tội phạm nghĩa là hành vi của A là tội phạm. Tuy nhiên, cấu thành tội phạm trong phạm vi bài này được nghiên cứu như một ngữ danh từ.

Khái niệm cấu thành tội phạm xuất hiện đầu tiên tại các tòa án ở phương Tây trong khi chứng minh tội phạm. Dần dần, nó xuất hiện trong các học thuyết. Theo tiếng La tinh, nó được gọi là “corpus delicti”, có nghĩa là cái “thân” của tội phạm hoặc cơ sở lập luận của tội phạm. Cấu thành tội phạm có vai trò cực kỳ quan trọng vì trên thực tế, các toà án phải chứng minh được hành vi của người bị xét xử có đủ các yếu tố cấu thành của một tội phạm thì tòa án mới có thể bắt anh ta gánh chịu hình phạt. Cấu thành tội phạm quan trọng là vậy nhưng từ xưa đến nay chưa từng có một điều luật nào quy định về khái niệm cấu thành tội phạm mà chỉ tìm thấy trong các học thuyết luật hình sự.

Cấu thành tội phạm là một khái niệm chung nhất được các nhà luật học rút ra từ khái niệm tội phạm và nhiều quy định của phần chung cũng như quy định về từng tội phạm cụ thể của pháp luật hình sự. Do đó, dù cấu thành tội phạm không được quy định thành một điều luật nhưng là cơ sở pháp lý bắt buộc để xác định tội phạm. Với ý nghĩa là các dấu hiệu cần và đủ của một tội phạm cụ thể, các yếu tố cấu thành tội phạm được các nhà lý luận luật hình sự xác định dựa trên pháp luật hình sự hiện hành trong tùy từng giai đoạn và địa điểm cụ thể khác nhau.

Nghiên cứu cổ luật Việt Nam ta thấy, các nhà luật học thời này đã xác nhận có ba yếu tố của cấu thành tội phạm, đó là yếu tố pháp luật, yếu tố tâm lý và yếu tố thực thể[1]. Yếu tố pháp luật đòi hỏi hành vi bị xem là tội phạm khi có điều luật quy định hành vi đó là tội phạm. Yếu tố tâm lý bắt buộc hành vi phạm tội phải là hành vi được thực hiện với sự tự do ý chí của người phạm tội (có yếu tố lỗi). Một số người theo quan điểm thực nghiệm chủ trương trừng phạt tất cả những hành vi gây ra hậu quả chứ không cần thiết chú ý đến yếu tố tâm lý của tội phạm, nhưng quan điểm này đã không được chấp nhận. Yếu tố thực thể giải thích rằng, chỉ xảy ra tội phạm khi có hành vi được thực hiện hoặc sự mưu toan đã được bộc lộ khiến người khác nhận biết. Ví dụ, Điều 415 Quốc triều Hình luật quy định: “Những kẻ mưu giết người, thì xử tội lưu đi châu gần....

Các nhà nghiên cứu hình luật Việt Nam những năm của thập niên 60 thế kỷ XX cũng xác định một hành vi trở thành tội phạm khi hội đủ ba yếu tố. Yếu tố luật định bắt buộc hành vi phạm tội phải được luật quy định và phải chịu hình phạt. Yếu tố vật chất thể hiện ở chỗ, mọi hành vi phạm tội phải được biểu hiện một cách cụ thể hoặc ít nhất cũng đã bắt đầu được thực hiện. Yếu tố tinh thần đòi hỏi hành vi phạm tội phải là hành vi được thực hiện bởi chủ thể có đủ ý chí tự do và sáng suốt, ý thức rõ việc mình làm[2].

Thực ra, không có sự khác biệt lớn giữa hai quan niệm về cấu thành tội phạm của các nhà luật học trên đây. Cả hai trường phái đều tập trung nhấn mạnh ba yếu tố luật định, yếu tố khách quan và chủ quan của tội phạm.

Bản chất của tội phạm không thay đổi trong những điều kiện lịch sử khác nhau, nhưng quan niệm của con người về nó thì mang tính lịch sử. Tội phạm bao giờ cũng bao hàm các yếu tố về khách quan, chủ quan, khách thể bị xâm hại và chủ thể thực hiện hành vi khách quan. Tuỳ yêu cầu đấu tranh, sự cần thiết loại trừ hành vi phạm tội ra khỏi đời sống xã hội trong từng thời kỳ cụ thể mà luật quy định tội phạm phải đủ các yếu tố vốn có của nó hay không.

Nghiên cứu Bộ luật hình sự Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Điều l0), Bộ luật hình sự Liên bang Nga (Điều 14), khái niệm tội phạm thể hiện rõ các yếu tố cấu thành tội phạm phải có đủ các yếu tố hành vi khách quan, khách thể (quan hệ xã hội) bị xâm hại, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi và chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.

Pháp luật hình sự của Anh, Mỹ, Nhật Bản hay một số nước khác lại không có khái niệm về tội phạm một cách khái quát đầy đủ. Trong lý luận luật hình sự, người ta đưa ra khái niệm chung rằng tội phạm là hành vi bị đưa ra xét xử theo pháp luật, pháp luật đó đang có hiệu lực lúc thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự nước Anh chỉ cần có đủ hai cơ sở:

- Có hành vi phạm tội với những dấu hiệu được luật mô tả;

- Có sự cố ý hoặc vô ý khi thực hiện hành vi.

Trong các yếu tố cấu thành tội phạm, ở những điều kiện khác nhau lại có sự khác nhau về nội dung. Chẳng hạn, hiện nay nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Xingapo, Ôxtrâylia, Pháp... đã xem pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Ở Việt Nam, pháp nhân cũng được đưa vào chủ thể của tội phạm theo Bộ luật hình sự năm 2015. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới chỉ coi cá nhân mới là chủ thể của tội phạm. Về tuổi của chủ thể của tội phạm là cá nhân, người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự Liên bang Nga, Trung Hoa, Việt Nam là đủ 14 tuổi, ở Anh là từ 8 tuổi, ở Mỹ và các nước đạo Hồi (Ai Cập, Irắc, Libăng, v.v.) là từ 7 tuổi, ở Thụy Điển từ 15 tuổi, ở Canađa từ 12 tuổi…

Tóm lại, tội phạm là một hiện tượng xã hội ổn định về bản chất nhưng quan niệm của con người về nó là thay đổi. Cấu thành tội phạm là một khái niệm xuất phát từ cơ sở khái niệm tội phạm được quy định trong luật hình sự, trở thành cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự. Các yếu tố của cấu thành tội phạm cũng như nội dung của nó mang tính lịch sử, phụ thuộc vào yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm trong những điều kiện khác nhau.

II. CẤU THÀNH TỘI PHẠM THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH

1. Khái niệm cấu thành tội phạm

Trong khoa học luật hình sự, có rất nhiều định nghĩa về cấu thành tội phạm. Chẳng hạn như, cấu thành tội phạm là hệ thống các dấu hiệu khách quan và chủ quan được quy định trong pháp luật hình sự đặc trưng cho hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm[3]. Hoặc cấu thành tội phạm là sự mô tả tội phạm trong luật qua các dấu hiệu thuộc bốn yếu tố có tính đặc trưng, phản ánh được đầy đủ nội dung chính trị - xã hội của tội phạm[4]. Cũng có quan điểm cho rằng, cấu thành tội phạm là hệ thống các dấu hiệu cần và đủ đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự[5]. Ngoài ra, cũng có quan điểm định nghĩa, cấu thành tội phạm là sự tổng hợp những dấu hiệu pháp lý đặc trưng không thể thiếu được của một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm[6].

 Dù các quan điểm định nghĩa về cấu thành tội phạm là khác nhau, nhưng chúng đều có những điểm chung ở chỗ xem cấu thành tội phạm là hệ thống các dấu hiệu có tính đặc trưng cho hành vi bị coi là tội phạm. Do vậy, có thể khái quát thành một khái niệm chung nhất sau đây:

Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự.

Cấu thành tội phạm được xem như là sự mô tả khái quát đối với từng loại tội phạm cụ thể. Chúng ta có thể hình dung rằng, tội phạm là hiện tượng xã hội cụ thể và cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý mô tả hiện tượng đó. Hay nói khác đi, quan hệ giữa chúng là quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm. Nói như thế không có nghĩa là mọi tội phạm đều phải thoả mãn hết tất cả các yếu tố của cấu thành tội phạm. Có hai loại nhóm dấu hiệu cấu thành tội phạm là nhóm dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc và nhóm dấu hiệu cấu thành tội phạm không bắt buộc.

- Nhóm các dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc bao gồm:

+ Dấu hiệu hành vi (mặt khách quan của tội phạm);

+ Dấu hiệu quan hệ xã hội bị xâm hại (mặt khách thể của tội phạm);

+ Dấu hiệu lỗi (mặt chủ quan của tội phạm);

+ Dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi (mặt chủ thể của tội phạm).

Đây là những dấu hiệu mà thiếu một trong số chúng, hành vi sẽ không cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, một người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không có lỗi thì hành vi của anh ta không bị coi là tội phạm.

- Nhóm các dấu hiệu cấu thành tội phạm không bắt buộc:

+ Hậu quả của tội phạm;

+ Động cơ, mục đích của tội phạm;

+ Dấu hiệu đặc biệt của chủ thể đặc biệt.

Những dấu hiệu của cấu thành tội phạm không bắt buộc chỉ có ở những tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự chứ không bắt buộc có ở mọi tội phạm. Ví dụ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ luật hình sự) cần phải có dấu hiệu “gây hậu quả chết người, hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tài sản” mới cấu thành tội phạm. Hay tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357 Bộ luật hình sự) cần có dấu hiệu động cơ “vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân” mới cấu thành tội phạm.

Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể có thể được tìm thấy cả trong phần quy định chung và phần quy định các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự. Đa số các dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể được tìm thấy trong các quy định của phần các tội phạm cụ thể, như: dấu hiệu hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm, quan hệ xã hội bị xâm hại, dấu hiệu lỗi, mục đích, động cơ phạm tội, dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội phạm đó. Chẳng hạn, Điều 266 quy định tội đua xe trái phép với các dấu hiệu cấu thành tội phạm là: quan hệ xã hội bị xâm hại (an toàn công cộng, sức khỏe, sở hữu tài sản,...), hành vi phạm tội (đua xe trái phép), lỗi (cố ý). Ngoài ra, các dấu hiệu cấu thành của tội phạm cụ thể còn được tìm thấy trong Phần chung Bộ luật hình sự, như: dấu hiệu tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự, nội dung các loại lỗi. Ví dụ, trong tội phạm trên, dấu hiệu cấu thành tội phạm được tìm thấy trong phần chung tại Điều 12 yêu cầu chủ thể phải đủ 16 tuổi hoặc đủ 14 tuổi (nếu tội phạm được định khung tại khoản 3, 4 Điều 266) (nội dung này sẽ được đề cập ở bài sau).

Mối quan hệ giữa tội phạm và cấu thành tội phạm là mối quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm, quan hệ giữa nội dung và hình thức pháp lý của tội phạm. Tội phạm là hiện tượng xã hội có thực, xảy ra trong thực tế với đầy đủ tính nguy hiểm, chi phối các đặc điểm khác của tội phạm. Từ cơ cấu của tội phạm đã quy định nội dung của cấu thành tội phạm mang những dấu hiệu khái quát, đặc trưng cho một tội phạm cụ thể. Vì mang tính khái quát, đặc trưng nên cấu thành tội phạm không thể thể hiện hết tất cả các yếu tố phong phú của tội phạm mà chỉ thể hiện được các yếu tố cần và đủ để xác định hành vi đó có phạm tội hay không và phân biệt giữa hành vi phạm tội này với hành vi phạm tội khác. Cấu thành tội phạm là một phạm trù chủ quan được nhà làm luật xây dựng trên cơ sở hành vi phạm tội khách quan. Tội phạm là hiện tượng xã hội khách quan với nhiều tình tiết phong phú, đa dạng.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa tội phạm và cấu thành tội phạm có ý nghĩa lý luận vô cùng to lớn. Nó khẳng định quan điểm cho rằng, cấu thành tội phạm là khuôn mẫu duy nhất của tội phạm là sai, bởi vì cấu thành tội phạm là một khái niệm chủ quan, tự nó không thể làm cơ sở phát sinh trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh khi trên thực tế tội phạm được thực hiện. Nó xác định nhiệm vụ của khoa học luật hình sự là nghiên cứu các yếu tố cấu thành tội phạm, chứ không phải các yếu tố của tội phạm. Các yếu tố của từng tội phạm cụ thể vô cùng phong phú và có ý nghĩa pháp lý ở mức độ khác nhau, chỉ có thể xem xét tội phạm đó trong trường hợp cụ thể. Khoa học luật hình sự chỉ có thể nghiên cứu các tình tiết đặc trưng, chung nhất đối với từng loại tội phạm cụ thể đó mà thôi. Bên cạnh đó, nghiên cứu sự tương quan giữa tội phạm và cấu thành tội phạm cho phép chúng ta hình thành phương pháp định tội trong quá trình xét xử. Quá trình định tội là quá trình giải quyết đồng thời hai vấn đề: nhận thức các yếu tố của cấu thành tội phạm và xác định các tình tiết của hành vi phạm tội.

2. Đặc điểm của cấu thành tội phạm

a) Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm do luật định

Một đặc điểm của tội phạm là được quy định trong luật hình sự. Luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội trong phần các tội phạm, cũng như quy định những dấu hiệu khác trong phần chung Bộ luật hình sự, từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận mới khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là cấu thành tội phạm. Chính vì thế, Điều tra viên, Kiểm sát viên, hoặc Thẩm phán, khi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự một người nào đó đã thực hiện hành vi phạm tội, họ phải căn cứ vào quy định của luật hình sự, chứ không được giải thích nội dung các dấu hiệu cấu thành tội phạm một cách tùy tiện. Cho nên, để kết luận một hành vi nào đó có phải là tội phạm hay không chỉ cần xác định hành vi đó đã thoả mãn hết tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm quy định đối với loại tội phạm đó chưa. Nếu một trong số các dấu hiệu đó không thoả mãn thì hành vi đó không phải là hành vi phạm tội. Tất cả các yếu tố của cấu thành tội phạm là bắt buộc khi xác định tội phạm. Điều này là cần thiết để bảo đảm nguyên tắc pháp chế.

b) Các dấu hiệu của cấu thành tội phạm có tính phổ biến, đặc trưng

Cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý của tội phạm cụ thể nên nó phải bao gồm tất cả những dấu hiệu cần và đủ để đặc trưng cho từng loại tội phạm cụ thể. Các dấu hiệu này vừa khái quát vừa rõ ràng, đồng thời, phản ánh được những nội dung thể hiện tính chất đặc trưng của một loại tội và đủ để phân biệt giữa loại tội phạm này với loại tội phạm khác, giữa tội phạm với các hành vi không phải là tội phạm.

Tính phổ biến của các yếu tố cấu thành tội phạm thể hiện ở chỗ khi kết hợp với nhau, các yếu tố này sẽ phản ánh đầy đủ bản chất xã hội của một loại tội phạm cụ thể. Nghĩa là, các dấu hiệu của cấu thành tội phạm hiện diện trong tất cả các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, thiếu đi một dấu hiệu thì không thể có tội phạm. Chẳng hạn, tội cố ý gây thương tích cho người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự) phải thỏa mãn dấu hiệu khách thể bị xâm hại, dấu hiệu hành vi phạm tội, dấu hiệu lỗi, dấu hiệu chủ thể (người có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự). Đây là những dấu hiệu bắt buộc phải có ở bất kỳ tội phạm nào được quy định trong Bộ luật hình sự.

Tính đặc trưng của cấu thành tội phạm cho phép phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác, bởi vì, không thể có hai cấu thành tội phạm giống nhau. Nhưng không có nghĩa một dấu hiệu nào đó đã có ở cấu thành tội phạm của tội phạm này thì không có ở tội phạm khác. Cũng với dấu hiệu đó nhưng khi kết hợp với các dấu hiệu đặc thù khác sẽ cấu thành một tội phạm khác. Ví dụ, hành vi làm chết người khác nếu với lỗi cố ý thì bị coi là phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự), nếu lỗi vô ý thì bị coi là phạm tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự) (nếu do vi phạm quy tắc an toàn chung của xã hội). Trong trường hợp sự vô ý đó là do người phạm tội vi phạm một lĩnh vực đặc thù cụ thể nào đó mà dẫn đến làm chết người thì bị coi là phạm tội vi phạm trong lĩnh vực cụ thể đó, ví dụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây chết người (Điều 260 Bộ luật hình sự).

Mặt khác, có thể các dấu hiệu này là giống nhau nhưng những dấu hiệu này cũng sẽ có bản chất khác nhau trong những trường hợp khác nhau. Ví dụ, cũng với dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” nhưng ở Điều 353 Bộ luật hình sự với mục đích là “chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi tham ô, ở Điều 358 Bộ luật hình sự là “gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, Điều 377 Bộ luật hình sự là “giam, giữ người trái pháp luật... Trong sự kết hợp với các yếu tố khác nhau đó, dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” đã không còn giữ nguyên bản chất nguy hiểm ở những tội phạm khác nhau.

3. Phân loại cấu thành tội phạm

a) Căn cứ theo tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Tùy thuộc vào các dấu hiệu đặc trưng cho các dấu hiệu cấu thành tội phạm có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà nhà làm luật sẽ cân nhắc để xây dựng các cấu thành tội phạm. Dựa trên căn cứ này, cấu thành tội phạm được phân thành 3 loại:

- Cấu thành tội phạm cơ bản: là cấu thành tội phạm chứa đựng các dấu hiệu đặc trưng, có ở mọi trường hợp phạm tội của một loại tội. cấu thành tội phạm cơ bản thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đó và cho phép phân biệt với loại tội phạm khác. Cấu thành tội phạm cơ bản chứa đựng yếu tố định tội, nhằm xác định tội phạm (hành vi đã đến mức là tội phạm) và phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác. Ví dụ, khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào sản xuất trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” là cấu thành tội phạm cơ bản của "tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Để xác định một người phạm vào tội này, hành vi của người đó phải thỏa mãn các dấu hiệu cơ bản trên đây. Đồng thời, các dấu hiệu này cũng là cơ sở để phân biệt tội sản xuất trái phép chất ma túy với các tội phạm khác. Có thể dùng mô hình sau đây để chỉ CTTP cơ bản:

[các dấu hiệu] Khách thể + Mặt khách quan + Chủ thể +
Mặt chủ quan = r

Trong đó, r là giá trị tối thiểu của tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà hành vi phạm tội phải đạt được để thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản.

- Cấu thành tội phạm giảm nhẹ: là cấu thành tội phạm được hình thành dựa trên các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản cùng với những yếu tố khác khiến cho tội phạm giảm đi tính nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm quy định tại Điều 108 Bộ luật hình sự là: “Công dân Việt Nam nào câu kết với người nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn các dấu hiệu này, đồng thời còn có “nhiều tình tiết giảm nhẹ” (khoản 2 Điều 108) thì hành vi phạm tội được xem là thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP giảm nhẹ. Gọi r là giá trị tính nguy hiểm có ở cấu thành tội phạm cơ bản, có thể mô tả cấu thành tội phạm giảm nhẹ như sau:

r + rg = r1

Trong đó:

+ rg là giá trị tính nguy hiểm cho xã hội của các dấu hiệu làm giảm tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm (rg < 0).

+ r1 là giá trị tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm sau khi đã cộng thêm một số dấu hiệu làm giảm tính nguy hiểm (r1 < r).

- Cấu thành tội phạm tăng nặng: là cấu thành tội phạm được hình thành dựa trên các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản cùng với những yếu tố khác khiến cho tội phạm tăng tính nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật hình sự) được quy định như sau: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn các dấu hiệu này, đồng thời có thêm một hoặc một số dấu hiệu khác như “có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng (khoản 2 Điều 365) sẽ được xem là thỏa mãn cấu thành tội phạm tăng nặng. Gọi r là giá trị tính nguy hiểm có ở cấu thành tội phạm cơ bản, có thể mô tả cấu thành tội phạm tăng nặng như sau:

r + rt = r2

Trong đó:

+ rt là giá trị tính nguy hiểm cho xã hội của các dấu hiệu làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm (rt > 0).

+ r2 là giá trị tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm sau khi đã cộng thêm một số dấu hiệu làm tăng tính nguy hiểm (r2 > r)

Trong nhiều trường hợp, nhà làm luật đã quy định thêm một hoặc nhiều cấu thành tăng nặng “thứ cấp”, dựa trên cấu thành tội phạm tăng nặng. Ví dụ, các dấu hiệu tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự là cấu thành tội phạm cơ bản, dấu hiệu tại khoản 2 Điều 173 là cấu thành tội phạm tăng nặng, khoản 3, 4 là chứa đựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng “thứ cấp”. Trong Bộ luật hình sự hiện hành, không có cấu thành tội phạm giảm nhẹ “thứ cấp” như trường hợp của cấu thành tội phạm tăng nặng. Thỉnh thoảng chúng ta thấy trong một điều luật, có hai cấu thành tội phạm giảm nhẹ nhưng đó thực chất không phải là cấu thành tội phạm giảm nhẹ và cấu thành tội phạm giảm nhẹ thứ cấp. Ví dụ, khoản 1 Điều 178 quy định cấu thành tội phạm cơ bản của  tội phản bội Tổ quốc, khoản 2 Điều này quy định cấu thành tội phạm giảm nhẹ, khoản 3 không phải là cấu thành tội phạm giảm nhẹ thứ cấp mà là cấu thành tội phạm hỗ trợ của tội phạm này khi người phạm tội mới chuẩn bị phạm tội.

Tóm lại, để xây dựng cấu thành tội phạm giảm nhẹ, cấu thành tội phạm tăng nặng, nhà làm luật cần thiết phải dựa vào cấu thành tội phạm cơ bản, đồng thời, căn cứ yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm cũng như tình hình phạm tội trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Những dấu hiệu có trong cấu thành tội phạm giảm nhẹ hoặc tăng nặng được gọi là dấu hiệu định khung vì khi thoả mãn được các yếu tố đó sẽ cho phép chuyển khung hình phạt. Ví dụ, với hành vi phạm tội được quy định tại khoản 1 Điều 373 Bộ luật hình sự, Toà án có thể áp dụng mức hình phạt từ “sáu tháng đến ba năm. Nếu có thêm dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng” thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt từ “hai năm đến bảy năm” (khoản 2 Điều 373).

b) Căn cứ theo đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm, cấu thành tội phạm được phân thành hai loại:

- Cấu thành tội phạm hình thức: là cấu thành tội phạm có dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đối với những tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức, hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ cần được thực hiện, kết hợp với các yếu tố cần và đủ khác là đã đủ yếu tố xác định tội phạm hoàn thành. Các tội phạm tại các điều 108, 110, 111, 112... Bộ luật hình sự là các tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức. Ví dụ, để xem là tội phạm hoàn thành đối với tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 111 Bộ luật hình sự), người phạm tội chỉ cần có hành vi xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà không cần phải gây ra hậu quả nào cũng đã bị coi là tội phạm.

- Cấu thành tội phạm vật chất: là cấu thành tội phạm có dấu hiệu của mặt khách quan không chỉ là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà còn đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó. Đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, hành vi bị xem là tội phạm khi nó thực tế gây ra một hậu quả cụ thể, thoả mãn yêu cầu của điều luật quy định về tội phạm đó, giữa hành vi và hậu quả phải có mối quan hệ nhân quả. Nếu có hành vi nhưng hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả không có mối quan hệ nhân quả với hành vi thì tội phạm coi như chưa hoàn thành. Các tội phạm tại các Điều 123, 124, 125, 126... Bộ luật hình sự là các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Chẳng hạn, để tội phạm hoàn thành đối với tội giết con mới đẻ (Điều 124 Bộ luật hình sự), người phạm tội phải có hành vi giết đứa trẻ và hậu quả là đứa trẻ phải chết.

Việc phân loại cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức phụ thuộc vào chính sách hình sự của một quốc gia, trên cơ sở xác định mức độ can thiệp cần thiết của luật hình sự đối với tính nguy hiểm của từng loại tội phạm. Đối với loại tội phạm có tính nguy hiểm càng cao thì Nhà nước cần thiết phải ngăn chặn càng sớm, tránh xảy ra thiệt hại (các tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức). Mặt khác, việc phân chia này còn chịu chi phối của việc xác định tính chất của sự thiệt hại, đó là thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần hay chính trị. Chẳng hạn, hành vi tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta không thể xác định được mức độ ảnh hưởng của việc tuyên truyền đó, hay nói khác hơn chúng ta không thể xác định được hậu quả xảy ra ở mức độ nào. Và những trường hợp này, nhà làm luật thường quy định cho nó cấu thành tội phạm hình thức. Cũng có trường hợp ngoại lệ việc quy định cấu thành tội phạm vật chất hay hình thức không theo lý luận trên. Ví dụ, Điều 123 quy định tội giết người cần có hậu quả chết người tội phạm mới được coi là hoàn thành mặc dù hành vi giết người là rất nguy hiểm, cần thiết phải quy định hoàn thành sớm từ thời điểm thực hiện hành vi chứ không đòi hỏi dấu hiệu hậu quả.

Ngoài ra, dựa trên đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm, có quan điểm cho rằng còn có một cấu thành tội phạm thứ ba, đó là cấu thành tội phạm cắt xén[7]. Thực ra, đây là một dạng đặc biệt của cấu thành tội phạm hình thức. Cấu thành tội phạm loại này không bắt buộc hậu quả xảy ra và tính đặc biệt của nó thể hiện ở chỗ hành vi khách quan không phải phản ánh hành vi phạm tội mà chỉ là những “hoạt động nhằm” thực hiện hành vi phạm tội mà thôi. Ví dụ, hành vi “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật hình sự), hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực... nhằm chiếm đoạt tài sản” trong tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự), v.v..

Việc phân chia thành cấu thành tội phạm vật chất và hình thức có ý nghĩa dùng để xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm. Việc xác định này có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng một số chế định khác như: đồng phạm, quyết định hình phạt, các giai đoạn thực hiện tội phạm. v.v..

Một số quan điểm dựa trên phương thức mô tả cấu thành tội phạm đã chia cấu thành tội phạm thành cấu thành tội phạm đơn và cấu thành tội phạm phức hợp[8]. Cấu thành tội phạm đơn là cấu thành tội phạm mô tả một hành vi phạm tội xâm hại đến một khách thể trực tiếp (sẽ đề cập ở bài tiếp theo). Ví dụ, cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự). Cấu thành tội phạm phức hợp là cấu thành tội phạm mô tả nhiều dấu hiệu hoặc nhiều yếu tố. Các dấu hiệu hoặc yếu tố đó có thể là hai loại hành vi, hai khách thể trực tiếp bị xâm hại, hai hình thức lỗi, hai loại hậu quả... Chẳng hạn, tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (khoản 3, 4 Điều 134 Bộ luật hình sự) được quy định có hai hình thức lỗi: lỗi cố ý đối với hậu quả thương tích, lỗi vô ý đối với hậu quả chết người.

Dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, cho đến bây giờ, khoa học luật hình sự Việt Nam đã thừa nhận ba loại cấu thành tội phạm là, cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm giảm nhẹ, cấu thành tội phạm tăng nặng. Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng, đối với các tội phạm có lỗi cố ý, còn có hai loại cấu thành tội phạm nữa là cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành và cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm[9].

Đối với cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành có hai trường hợp là cấu thành tội phạm của hành vi chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa đạt. Dấu hiệu của hai loại cấu thành tội phạm này được mô tả trong quy định của Phần chung (tại các điều 14, 15 Bộ luật hình sự) và tại các điều luật quy định các tội phạm cụ thể. Đối với trường hợp đồng phạm, cần bổ sung ba loại cấu thành tội phạm của các hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức bên cạnh cấu thành tội phạm cơ bản (dành cho người thực hành). Dấu hiệu của các cấu thành tội phạm bổ sung dành cho những người đồng phạm được quy định trong phần chung Bộ luật hình sự và tại các điều luật quy định các tội phạm cụ thể. Phải thừa nhận các loại cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành và cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm mới lý giải được việc Bộ luật hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự của các hành vi này, bởi vì theo nguyên tắc “cấu thành tội phạm là cơ sở của trách nhiệm hình sự”.

III. MỘT SỐ CẶP QUAN HỆ CẤU THÀNH TỘI PHẠM THƯỜNG GẶP TRONG THỰC TẾ

Như chúng ta đã biết, cấu thành tội phạm có tính đặc trưng, có nghĩa là không có hai cấu thành tội phạm hoàn toàn giống nhau. Trong Bộ luật hình sự, có nhiều tội phạm có cấu thành tội phạm tương tự nhau ở một số dấu hiệu và nếu không nhận thức đúng đắn về nó, chúng ta có thể nhầm lẫn rằng chúng trùng nhau và chúng ta có thể định tội nào cũng được khi hành vi phạm tội rơi vào các cấu thành tội phạm kiểu như thế. Thật ra, vấn đề không phải như vậy. Nếu được phân tích và nhận thức đúng đắn, các cấu thành tội phạm này vẫn có những điểm đặc trưng, khác biệt của mình. Như vậy, một hành vi chỉ có thể được định tội này hoặc tội khác chứ không thể “định tội nào cũng được”. Để nhận thức đúng đắn vấn đề, chúng ta sẽ phân tích các cặp quan hệ cấu thành tội phạm thường gặp được Bộ luật hình sự quy định đối với các tội phạm cụ thể.

a) Cặp cấu thành tội phạm có quan hệ giữa cái chung và cái đặc biệt (riêng): là quan hệ giữa những hành vi tổng quát có ở nhiều tội phạm và những hành vi đặc biệt chỉ có ở một loại tội phạm. Ví dụ, cũng với hành vi làm chết người được thực hiện với lỗi vô ý thì ở Điều 128 Bộ luật hình sự quy định khái quát trường hợp vô ý làm chết người mà không nói rõ bằng cách nào. Trong khi đó, tội phạm quy định ở Điều 129 Bộ luật hình sự là gây chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Điều 295 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại (nhiều loại thiệt hại nhưng trong đó có chết người) do vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; Điều 298 Bộ luật hình sự là gây thiệt hại (nhiều loại thiệt hại nhưng trong đó có chết người) do vi phạm quy định về xây dựng... Cấu thành tội phạm ở Điều 128 là cấu thành tội phạm chung, cấu thành tội phạm ở các Điều 129, 295, 298... là các cấu thành tội phạm đặc biệt.

Từ những dấu hiệu của hành vi tổng quát, người ta tách riêng thành những hành vi đặc biệt và cấu thành những tội phạm độc lập. Quá trình xác định tội danh trong những trường hợp này là xác định sự phù hợp giữa hành vi và cấu thành tội phạm . Cấu thành tội phạm riêng bao giờ cũng đáp ứng được dấu hiệu của cấu thành tội phạm chung kết hợp với các dấu hiệu đặc thù của nó. Vì vậy, trong quá trình xác định tội danh, cần thiết phải tìm kiếm các dấu hiệu đặc thù hiện diện trong cấu thành tội phạm và ở hành vi phạm tội cụ thể đó thì việc định tội mới chính xác được. Nghiên cứu thấu đáo cặp quan hệ này sẽ giúp chúng ta xác định được ranh giới giữa các tội phạm có mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc biệt.

b) Cặp cấu thành tội phạm có quan hệ hỗ trợ: là trường hợp một cấu thành tội phạm có tính chất như một cấu thành tội phạm phụ có thể thay thế cho cấu thành tội phạm chính trong trường hợp cấu thành này chưa thoả mãn. Ví dụ, cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 260. Nếu có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và gây hậu quả nghiêm trọng thì thoả mãn khoản 1 Điều này. Nhưng nếu trên thực tế đã có hành vi vi phạm mà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa xảy ra hậu quả thực tế vì đã được ngăn chặn kịp thời thì thoả mãn khoản 5 Điều này. Cấu thành tội phạm quy định tại khoản 5 là cấu thành tội phạm hỗ trợ cho cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1. Nghiên cứu cặp quan hệ này giúp ta xác định tội danh một cách chính xác và đầy đủ khi tội phạm không đầy đủ các hành vi thoả mãn cấu thành tội phạm chính nhưng đã đáp ứng được điều kiện của cấu thành tội phạm phụ.

Trong Bộ luật hình sự hiện hành, loại cấu thành tội phạm hỗ trợ không được quy định nhiều. Loại cấu thành tội phạm kiểu này chỉ được sử dụng trong những trường hợp phạm tội có lỗi vô ý mà xét thấy tiềm ẩn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đối với những tội phạm có lỗi cố ý, nhà làm luật không quy định cấu thành tội phạm hỗ trợ vì đã có cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội chưa hoàn thành (theo một số quan điểm) thay thế. Chẳng hạn, đối với tội giết người, nếu hành vi giết người (với lỗi cố ý trực tiếp) chưa gây ra hậu quả chết người thì được xem là tội phạm chưa hoàn thành chứ không phải hành vi được xem là thoả mãn cấu thành tội phạm hỗ trợ vì đối với tội phạm này, nhà làm luật không quy định cấu thành tội phạm hỗ trợ.

Việc nhà làm luật quy định cấu thành hỗ trợ trong Bộ luật hình sự hiện nay có một số điểm tỏ ra bất cập. Trước hết, việc nhà làm luật quy định cấu thành tội phạm hỗ trợ đối với những hành vi vi phạm nhưng chưa gây ra hậu quả, nhưng thực tế có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến cho người áp dụng gặp khó khăn và ít có giá trị thực tế. Thực tế, hậu quả của hành vi vi phạm chưa xảy ra. Để truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm trong trường hợp này cần phải dựa vào sự đánh giá của người tiến hành tố tụng, dựa trên các tình tiết khách quan liên quan đến hành vi vi phạm. Việc đánh giá này không phải lúc nào cũng chính xác. Vì thế, trên thực tế, rất hiếm có trường hợp người có hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cấu thành tội phạm hỗ trợ.

Ngoài ra, việc nhà làm luật không quy định cấu thành tội phạm hỗ trợ đối với hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp là một thiếu sót. Nếu như hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi chưa gây ra hậu quả (hoặc chưa thoả mãn cấu thành tội phạm cơ bản) bị cho là chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, thì hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp trong những trường hợp có khả năng gây ra hậu quả không bị điều chỉnh. Trong khi đó, hành vi phạm tội với lỗi vô ý lại được các nhà làm luật điều chỉnh bởi cấu thành tội phạm hỗ trợ. Đây là một điểm bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu để có thể sửa đổi hoàn thiện Bộ luật hình sự.

c) Cặp cấu thành tội phạm có quan hệ thu hút: là trường hợp những dấu hiệu của một cấu thành tội phạm trong sự so sánh với một cấu thành tội phạm khác được xem như một phần của cấu thành tội phạm này. Ví dụ, hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ… ở Điều 185 Bộ luật hình sự chưa gây ra một hậu quả cụ thể nào, nhưng cũng với hành vi ấy ở Điều 130 Bộ luật hình sự đã gây ra hậu quả “tự sát”. Chính vì vậy ta thấy, hành vi được quy định ở Điều 130 là nguy hiểm hơn hành vi quy định tại Điều 185. Cho nên, cấu thành tội phạm ở Điều 185 đã bị thu hút bởi cấu thành tội phạm ở Điều 130. Xét ở góc độ lập pháp, các nhà làm luật đã có ý thức phân biệt mức xử lý khác nhau đối với các hành vi có mức độ nguy hiểm khác nhau. Điều này đã thể hiện rõ qua việc quy định hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm cao hơn sẽ thu hút hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm thấp hơn. Về mặt thực tiễn ta thấy, cấu thành tội phạm này đã bị thu hút bởi một cấu thành tội phạm khác nặng hơn, cho nên không bao giờ cho phép đặt ra vấn đề phạm nhiều tội để tổng hợp hình phạt trong trường hợp này. Như ví dụ trên đây, không thể xảy ra trường hợp chia thành hai tội phạm là “tội bức tử” và “tội ngược đãi…” để xử lý bị cáo về hai tội.

IV. Ý NGHĨA CỦA CẤU THÀNH TỘI PHẠM

1. Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự

Một hành vi bị xem là tội phạm và phải chịu hình phạt khi hành vi đó được luật hình sự quy định. Điều 2 Bộ luật hình sự thể hiện rất rõ cơ sở pháp lý này. Luật hình sự quy định tội phạm thông qua việc quy định các hành vi nguy hiểm cho xã hội có đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm. Chính vì vậy, một hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng không thoả mãn một trong số các dấu hiệu của cấu thành tội phạm sẽ được xem là không có tội phạm xảy ra và trách nhiệm hình sự không được đặt ra.

2. Cấu thành tội phạm là cơ sở để định tội

Định tội là việc xác định hành vi phạm tội cụ thể đã phạm vào tội gì trong số những tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự (xác định tội danh cho hành vi phạm tội đã thực hiện). Quá trình định tội là quá trình xác lập sự phù hợp giữa hành vi và các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Hành vi phạm tội thoả mãn cấu thành tội phạm nào thì được xem là phạm tội đó. Việc định tội có vai trò rất quan trọng trong xử lý hình sự. Xác định đúng tội danh thì mới có thể chọn khung hình phạt và lượng hình phạt đối với hành vi phạm tội đó, cơ sở để quyết định hình phạt đúng đắn.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm cấu thành tội phạm.

2. Phân tích các đặc điểm cấu thành tội phạm.

3. Hãy phân loại cấu thành tội phạm theo các tiêu chí thường gặp.

4. Phân tích một số cặp quan hệ cấu thành tội phạm thường gặp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và Cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

3.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

4.   Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.150.

5.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

6.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Vũ Văn Mẫu: Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, quyển thứ 2, Sài Gòn, 1973, tr.46.

[2]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.113.

[3]. Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.143.

[4]. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Sđd, tr.112.

[5]. Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.158.

[6]. Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, tr.76.

[7]. Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.73-74; Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.157-158.

[8]. Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.158.

[9]. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Sđd, tr.121-124; Lê Thị Sơn: Hoàn thiện chế định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, Tạp chí Luật học, 6/1996.

 

BÀI 6

KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM

1. Sơ lược về khách thể của tội phạm

Khách thể của một quan hệ pháp luật nói chung là những lợi ích vật chất, tinh thần và những lợi ích xã hội khác có thể thoả mãn những nhu cầu, đòi hỏi của các tổ chức hoặc cá nhân...[1]. Khi tham gia vào bất kỳ quan hệ pháp luật nào, cá nhân hay tổ chức đều nhằm đạt tới những lợi ích đó. Tội phạm là một dạng hành vi hết sức đặc biệt vì nó tham gia vào quan hệ pháp luật không phải với tính tích cực mà là tiêu cực, không phải đem lại lợi ích cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật mà là để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội. Dù sao chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, hành vi phạm tội trong những điều kiện nhất định là nhằm vào những lợi ích cụ thể của chủ thể khi tham gia quan hệ đó.

Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị bao giờ cũng thông qua Nhà nước và pháp luật để xác lập và củng cố các quan hệ xã hội cơ bản, phù hợp trước tiên là với lợi ích của giai cấp thống trị và sau đó là với lợi ích chung của toàn xã hội. Các quan hệ xã hội đó có tính chất, tầm quan trọng và ý nghĩa khác nhau nên được Nhà nước bảo vệ ở những mức độ khác nhau thể hiện sự cưỡng chế cao hoặc thấp đối với hành vi xâm hại đến các quan hệ đó. Đối với tội phạm, để mang lại lợi ích cho mình, chủ thể phạm tội đã gây ra những thiệt hại “đáng kể” cho lợi ích của xã hội (lợi ích chung của cộng đồng và lợi ích của giai cấp thống trị mà Nhà nước là người đại diện với tư cách là một bên trong quan hệ pháp luật hình sự), là hệ thống các quan hệ xã hội có ý nghĩa quan trọng nhất, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự tồn tại của giai cấp thống trị. Hệ thống các quan hệ xã hội đó chính là khách thể của tội phạm.

Tính nguy hiểm của từng hành vi phạm tội khác nhau sẽ được xem là khác nhau tuỳ thuộc vào hành vi đó xâm phạm đến những quan hệ xã hội nào, quan hệ xã hội đó ảnh hưởng ở mức độ nào đối với lợi ích và sự tồn tại của giai cấp thống trị.

Bộ Quốc triều Hình luật được xem là tinh hoa của pháp luật nước ta thời phong kiến, dù không khái quát được phạm vi khách thể của tội phạm nhưng nếu chịu khó nghiên cứu ta sẽ thấy phạm vi này là rất lớn từ trật tự quản lý hành chính đến tôn ti trật tự trong xã hội phong kiến (đạo đức), việc sử dụng ruộng đất, sự an toàn của quốc gia, bất khả xâm phạm thân thể. Điều này có thể được lý giải bởi sự ảnh hưởng của pháp luật bởi Nho giáo cũng như tính nghiêm khắc của pháp luật hình sự lúc bấy giờ. Ngoài ra, nghiên cứu hệ thống “Thập ác tội” (mười tội ác) tại Điều 2 ta thấy, nhà làm luật thời bấy giờ đã có ý thức xếp các hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội được cho là nguy hiểm nhất lên hàng đầu để xử lý trước với hình phạt nghiêm khắc nhất. Đó là: sự an nguy của xã tắc (mưu phản), an toàn nơi hoàng cung (mưu đại nghịch), trung với nước (mưu chống đối), an toàn thân thể của người thân (ác nghịch).

Các công trình nghiên cứu luật cổ của những luật gia vào những năm thập niên 70 của thế kỷ XX hầu như không mấy quan tâm đến khách thể của tội phạm. Đối với một tội phạm, họ chỉ đặc biệt quan tâm đến ba yếu tố: yếu tố pháp định, yếu tố thực thể và yếu tố tâm lý[2]. Có lẽ họ cho rằng, không cần phải khái quát thành lý luận khách thể của tội phạm vì trong phần chung không thấy có quy định khái quát về phạm vi khách thể mà chỉ quy định trong từng điều luật cụ thể về tội phạm (thể hiện qua đối tượng phạm tội của từng tội phạm cụ thể). Quan điểm này thật sai lầm. Không thể nghiên cứu tội phạm mà thiếu đi một yếu tố hết sức quan trọng là khách thể của nó. Mặt khác, đi sâu phân tích mặt khách thể của tội phạm về lý luận sẽ cho ta những kết quả bổ ích nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự, không bỏ sót tội phạm cũng như không hình sự hoá các hành vi vi phạm pháp luật khác thông qua việc xác định phạm vi của khách thể.

Tìm kiếm trong các quy định của Bộ hình luật chế độ Sài Gòn năm 1972 cũng không thấy khái quát về phạm vi khách thể của tội phạm, mà khách thể được thể hiện trực tiếp trong các Thiên, như Thiên thứ nhất về “an ninh quốc gia”, Thiên thứ hai về “chính quyền, Thiên thứ ba về “trật tự công cộng...

Luật hình sự một số nước trên thế giới không giống nhau về việc quy định khái quát phạm vi khách thể của tội phạm. Bộ luật hình sự Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1979 liệt kê rất cụ thể khách thể của tội phạm, gồm: chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chế độ chuyên chính vô sản, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội... (Điều l0). Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 dù có quy định khái quát thế nào là tội phạm nhưng không liệt kê cụ thể khách thể của tội phạm (Điều 14). Bộ luật hình sự Nhật Bản không quy định khái quát thế nào là tội phạm nên cũng không cụ thể phạm vi khách thể mà được thể hiện trực tiếp trong từng chương về tội phạm, v.v..

2. Khách thể của tội phạm theo Luật hình sự Việt Nam hiện hành

Như trên đã phân tích, khách thể của tội phạm là hệ thống các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến lợi ích và sự tồn tại của giai cấp thống trị được Nhà nước (đại diện cho giai cấp thống trị) bảo vệ bằng các quy phạm pháp luật hình sự.

Theo luật hình sự Việt Nam, hệ thống các quan hệ đó được liệt kê tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự, đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi gây thiệt hại đến các quan hệ đó đều là hành vi phạm tội. Nội dung của hành vi gây thiệt hại phải đến mức “nguy hiểm đáng kể” mới bị coi là tội phạm.

So với Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự hiện hành đã có một sự điều chỉnh về khách thể của tội phạm, đó là, sử dụng “quyền con người” để thay cho “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản” và bỏ từ “khác” trong các “quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân”. Việc bổ sung “quyền con người” vào hệ thống khách thể của tội phạm là việc làm nhằm thừa nhận một nhóm quan hệ xã hội xuất phát từ nhân thân của con người vốn có mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận (Chương II) sau quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.

Quyền con người (nhân quyền – human rights) được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người.[3] Có thể nói, quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Tuy nhiên, trong lịch sử pháp luật thế giới, có hai trường phái trái ngược nhau về vấn đề này. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) – mà tiêu biểu là các tác giả như Zeno (333-264 TCN), Thomas Hobbes, Thomas Paine (1731–1809)... cho rằng nhân quyền là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng, chỉ đơn giản bởi họ là thành viên của gia đình nhân loại. Các quyền con người, do đó, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào; và không một chủ thể nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền con người. (1588–1679), John Locke (1632-1704), Ngược lại, những người theo học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) – mà tiêu biểu là các tác giả như Edmund Burke (1729-1797), Jeremy Bentham (1748-1832)...cho rằng các quyền con người không phải là những gì bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, theo học thuyết này, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa...của các xã hội. 

Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết kể trên vẫn còn tiếp tục. Việc phân định tính chất đúng, sai, hợp lý và không hợp lý của hai học thuyết này là không đơn giản do chúng liên quan đến một phạm vi rộng lớn các vấn đề triết học, chính trị, xã hội, đạo đức, pháp lý…Mặc dù vậy, dường như quan điểm cực đoan phủ nhận hoàn toàn bất cứ học thuyết nào đều không phù hợp, bởi lẽ trong khi về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý, thì trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, một số văn kiện pháp luật và văn kiện chính trị pháp lý ở một số quốc gia, nhân quyền được khẳng định một cách rõ ràng là các quyền tự nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân.[4]

Quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không đồng nhất. Quyền công dân (citizen’s rights) là một khái niệm xuất hiện cùng cách mạng tư sản. Cách mạng tư sản đã đưa con người từ địa vị những thần dân trở thành những công dân (với tư cách là những thành viên bình đẳng trong một nhà nước) và pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân. Như vậy, về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình.

 Tuy nhiên, quyền công dân không phải là hình thức cuối cùng và toàn diện của quyền con người. Với ý nghĩa là một khái niệm gắn liền với nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, được xác định thông qua một chế định pháp luật đặc biệt là chế định quốc tịch, quyền công dân là tập hợp những quyền tự nhiên được pháp luật của một nước ghi nhận và bảo đảm, nhưng chủ yếu dành cho những người có quốc tịch của nước đó. Không phải ai cũng được hưởng các quyền công dân của một quốc gia nhất định, và không phải hệ thống quyền công dân của mọi quốc gia đều giống hệt nhau, cũng như đều hoàn toàn tương thích với hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Ở nhiều góc độ, quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân. Về tính chất, quyền con người không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước mà thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng nhân loại. Về phạm vi áp dụng, do không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, chủ thể của quyền con người là tất cả các thành viên của gia đình nhân loại, bất kể vị thế, hoàn cảnh, quốc tịch...Nói cách khác, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể quyền.

Một cá nhân, ngoại trừ những người không quốc tịch, về danh nghĩa đồng thời là chủ thể của cả hai loại quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên, sự phân biệt trong thụ hưởng hai loại quyền này chỉ được thể hiện trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ, một người nước ngoài sẽ không được hưởng một số quyền công dân (và cũng là những quyền con người) đặc thù, chẳng hạn như quyền bầu cử, ứng cử...tuy nhiên, người đó vẫn được hưởng các quyền con người phổ biến (mà đồng thời cũng là các quyền công dân) áp dụng cho mọi thành viên của nhân loại trong mọi hoàn cảnh, cụ thể như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân.

Như vậy, việc Bộ luật hình sự năm 2015 đưa cả hai nhóm “quyền con người” và “quyền công dân” vào với tư cách là khách thể của tội phạm là đúng đắn vì hai nhóm quyền này không hoàn toàn đồng nhất. Tuy nhiên, phần lớn chúng có mối quan hệ với nhau và về bản chất, chúng trùng nhau ở phần lớn các quyền. Bởi vậy, việc nhà làm luật bỏ từ “khác” trong cụm từ các quyền và lợi ích hợp pháp khác” của công dân là chưa chính xác. Điều này khiến cho người đọc hiểu rằng “quyền con người” và “quyền công dân” là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Khi sử dụng từ “khác” ở đây, chúng ta sẽ hiểu rằng, những quyền công dân đã đồng thời là quyền con người đã được bảo vệ với tư cách là quyền con người. Những quyền công dân khác được đưa vào nhóm “quyền và lợi ích khác”.

 

Các luật gia đứng trên quan điểm chính thống đều công nhận rằng, khái niệm khách thể của tội phạm nêu trên là không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm khác không hoàn toàn bác bỏ quan điểm chính thống mà họ khẳng định rằng, quan hệ xã hội chỉ là khách thể chung và khách thể loại, khách thể trực tiếp có thể không phải là các quan hệ xã hội mà đôi lúc nó giống như là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: khách thể loại của các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ là các quan hệ xã hội mà con người là chủ thể, còn khách thể trực tiếp là con người, cũng như tài sản là khách thể trực tiếp của các tội phạm xâm phạm sở hữu. Ủng hộ quan điểm này, nhiều sách báo pháp lý đôi lúc dùng khái niệm “các tội phạm xâm phạm tài sản”.

Để tránh sự nhầm lẫn về khái niệm, chúng ta cần làm sáng tỏ nội dung và cơ chế của việc gây thiệt hại của hành vi phạm tội đối với các quan hệ xã hội. Hành vi gây thiệt hại có thể được thể hiện ở nhiều mặt, hoặc là gây thiệt hại cho các chủ thể của quan hệ xã hội hoặc gây thiệt hại cho các nội dung của quan hệ xã hội hoặc gây thiệt hại cho điều kiện phát sinh và tồn tại của các mối quan hệ xã hội. Chính vì thế, khi nói đến các tội phạm xâm phạm về tài sản chẳng hạn, tài sản dù bị chiếm đoạt nhưng không hề bị thay đổi về lượng và chất mà chỉ thay đổi nội dung của quyền sở hữu (thay đổi chủ sở hữu). Ở các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ cũng vậy, tính mạng, sức khoẻ là một dạng của tồn tại xã hội, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ là xâm phạm đến chủ thể của tồn tại xã hội. Dù tội phạm có giết ai đi nữa thì vẫn là tội phạm giết người. Một con người cụ thể (đối tượng của tội phạm) không có giá trị đối với việc định tội.

Trên cơ sở này, cũng không nên xem khách thể của tội phạm là các quy phạm pháp luật. Nếu có nói rằng, tội phạm xâm phạm pháp luật hình sự là muốn ám chỉ tội phạm trái với pháp luật hình sự. Trên thực tế, các quy phạm pháp luật hình sự không chịu thiệt hại từ hành vi phạm tội, vì vậy nó không phải là khách thể của tội phạm.

II. PHÂN LOẠI KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM

Khoa học luật hình sự dựa trên mức độ khái quát của các quan hệ xã hội đã chia khách thể thành ba loại:

1. Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp tất cả các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được luật hình sự bảo vệ. Theo luật hình sự Việt Nam, khách thể chung của tội phạm là những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây phương hại đến khách thể chung là một trong những quan hệ xã hội được xác định tại khoản 1 Điều 8. Chính vì vậy, thông qua khách thể chung, chúng ta có thể thấy được nhiệm vụ của Bộ luật hình sự và bản chất giai cấp của nó. Hay nói đúng hơn là thấy được chính sách hình sự của một quốc gia.

2. Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ và bị một nhóm tội phạm xâm hại. Khách thể loại có vai trò quan trọng về mặt lập pháp. Nó là cơ sở để Bộ luật hình sự xây dựng các chương trong Phần các tội phạm. Tội phạm trên thực tế dù rất đa dạng về các mặt chủ thể, chủ quan, khách quan nhưng nếu xâm hại đến các quan hệ xã hội có cùng tính chất sẽ được xếp chung vào một chương. Thông qua việc xem xét các nhóm khách thể nhất định, chúng ta có thể đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể khi trực tiếp xâm hại đến một trong số các khách thể của nhóm. Việc sắp xếp các chương trong Phần các tội phạm dựa theo khách thể loại là hết sức hợp lý và khoa học. Nếu chúng ta sắp xếp theo các cơ sở khác (chủ quan, chủ thể...) thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tội phạm có bản chất rất khác nhau lại nằm cùng một chương. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm và việc xử lý chúng.

Danh mục các khách thể loại được nhà làm luật xác lập và quy định tuỳ thuộc vào tính chất và tầm quan trọng của chúng trong xã hội ở từng điều kiện cụ thể. Nếu chúng càng phát triển và trở thành một nhóm các quan hệ xã hội có ý nghĩa quan trọng thì sẽ được xác định là một khách thể loại độc lập. Chẳng hạn, các tội phạm về ma tuý được Bộ luật hình sự 1985 quy định rải rác trong các chương khác nhau. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự 1999, chúng được quy định thành một chương các tội phạm về ma tuý. Nghĩa là, các quan hệ xã hội nảy sinh trong việc sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ... chất ma tuý hiện tại đã trở thành một khách thể loại. Nội dung sắp xếp tội phạm theo khách thể loại của tội phạm cũng được Bộ luật hình sự năm 2015 kế thừa đầy đủ.

Các tội phạm được quy định trong cùng một chương phần các tội phạm (có cùng khách thể loại) bao giờ cũng xâm hại đến khách thể loại của chúng. Tuy nhiên, từng tội phạm trong một chương đó không phải luôn xâm hại cùng khách thể trực tiếp. Điều đó có nghĩa là mỗi tội phạm có khách thể trực tiếp riêng của nó.

3. Khách thể trực tiếp của tội phạm

Khách thể trực tiếp của tội phạm là một hoặc một số quan hệ xã hội cụ thể bị hành vi phạm tội cụ thể xâm hại. Thông qua việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại (xâm hại) đối với khách thể trực tiếp mà tội phạm đã gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại của tội phạm. Ví dụ: A trộm cắp tài sản của B. A đã xâm hại đến khách thể trực tiếp là quyền sở hữu tài sản của B và gây phương hại đến khách thể chung và khách thể loại là quyền sở hữu của công dân.

Một tội phạm có thể xâm hại đến nhiều khách thể nhưng không phải lúc nào tất cả các khách thể đó đều được xem là khách thể trực tiếp. Khách thể trực tiếp khi đó là quan hệ xã hội mà tội phạm gây thiệt hại thể hiện được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Ví dụ: Hành vi trộm cắp dây điện thoại đang sử dụng vừa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu xã hội chủ nghĩa vừa gây thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc. Nhưng rõ ràng, thiệt hại cho an toàn thông tin liên lạc mới thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do đó, hành vi phạm tội phải được xác định tại Điều 303 Bộ luật hình sự (tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia) chứ không phải Điều 173 Bộ luật hình sự (tội trộm cắp tài sản). Trong nhiều trường hợp, nếu một tội phạm xâm phạm đến nhiều khách thể mà xâm phạm đến khách thể nào cũng thể hiện được bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, chúng ta cần xem xét dấu hiệu thứ hai để xác định khách thể loại. Đó là: khách thể đó phải luôn bị tội phạm cụ thể đó xâm hại trong mọi trường hợp, hoặc người phạm tội muốn xâm hại khách thể nào (lỗi)... Chẳng hạn, hành vi giật túi xách của người đi đường, làm cho chủ sở hữu ngã dẫn đến thương tích. Ở đây có hai khách thể bị xâm hại là quyền sở hữu và sức khoẻ. Tuy nhiên, quyền sở hữu đúng là khách thể trực tiếp của hành vi “cướp giật tài sản”, sức khoẻ không là khách thể trực tiếp của hành vi này.

Một tội phạm có thể có một khách thể trực tiếp hoặc nhiều khách thể trực tiếp. Tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp khi hành vi phạm tội xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội mà việc xem xét sự gây thiệt hại đối với bất cứ một quan hệ xã hội nào cũng không thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và nhiều khách thể đó luôn bị xâm hại ở mọi trường hợp phạm tội. Ví dụ: hành vi cướp tài sản vừa xâm hại đến quan hệ nhân thân vừa xâm hại đến quan hệ sở hữu. Bản chất nguy hiểm của hành vi cướp tài sản chỉ được thể hiện đầy đủ qua cả việc xâm hại quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Chính vì thế, cả hai khách thể đều là khách thể trực tiếp của tội phạm.

Khách thể trực tiếp là cơ sở thể hiện rõ nhất bản chất của tội phạm cụ thể. Nó giúp xác định đúng tội danh và đánh giá đúng đắn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mô hình các loại khách thể của tội phạm

 

III. Ý NGHĨA CỦA KHÁCH THỂ CỦA TỘI PHẠM

Với tính cách là các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại (gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại), khách thể là một trong bốn yếu tố của cấu thành tội phạm nói chung và khách thể trực tiếp là một trong những dấu hiệu cấu thành của tội phạm cụ thể. Việc nghiên cứu khách thể có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn lập pháp và áp dụng pháp luật hình sự.

Khách thể của tội phạm là cơ sở để đánh giá đúng đắn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khách thể càng quan trọng, ảnh hưởng càng lớn đến lợi ích chung của toàn xã hội cũng như lợi ích và sự tồn tại của Nhà nước thì tội phạm xâm hại khách thể đó càng nguy hiểm. Căn cứ vào đó, phần các tội phạm Bộ luật hình sự một mặt sắp xếp các tội phạm theo từng nhóm nhất định, mặt khác xếp các nhóm theo thứ tự của tính nguy hiểm của chúng. Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành đã căn cứ vào tính chất giống nhau của các khách thể mà xếp chúng thành từng nhóm tương ứng với các chương (có 14 chương trong phần các tội phạm Bộ luật hình sự hiện hành). Việc sắp xếp theo thứ tự trước sau cho chúng ta thấy rõ tính nguy hiểm của từng nhóm tội phạm, từ nhóm các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đến nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân... Ngoài ra, nghiên cứu khách thể của tội phạm sẽ cho chúng ta thấy được nhiệm vụ và bản chất giai cấp của luật hình sự.

IV. ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG CỦA TỘI PHẠM

Một số luật gia đã lẫn lộn giữa khách thể của tội phạm và đối tượng tác động của tội phạm. Điều này cũng dễ hiểu vì khách thể của tội phạm được hợp thành bởi ba yếu tố là (1) chủ thể của các quan hệ xã hội, (2) hoạt động của các chủ thể khi tham gia quan hệ xã hội hay trạng thái của chủ thể khi tham gia quan hệ xã hội, (3) các vật, hiện tượng của thế giới khách quan nhằm thoả mãn nhu cầu của con người. Quan hệ xã hội không thể tồn tại bên ngoài các bộ phận hợp thành nó, do vậy, khi tội phạm xâm hại đến các bộ phận hợp thành các quan hệ xã hội (đối tượng của tội phạm) tức là đã xâm hại đến nó. Tuy nhiên, chúng ta không thể đồng nhất các bộ phận hợp thành quan hệ xã hội với quan hệ xã hội (khách thể).

Như vậy, có thể hiểu, đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm mà chỉ có thông qua việc tác động đến nó tội phạm mới có thể xâm hại được đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Ví dụ: A gây thương tích B thì B là đối tượng tác động của tội phạm mà A gây ra và “tính mạng, sức khoẻ của con người” là khách thể của tội phạm “cố ý gây thương tích”.

Tội phạm thông thường tác động đến các đối tượng sau:

- Chủ thể của các quan hệ xã hội;

- Nội dung của các quan hệ xã hội;

- Đối tượng của các quan hệ xã hội.

Bất cứ tội phạm nào cũng tác động và làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động. Sự làm biến đổi này là phương thức gây phương hại đến khách thể của tội phạm.

1. Con người với tư cách là chủ thể của các quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm

Con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội, là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội, trong đó có những quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của chính con người - quan hệ nhân thân. Ví dụ, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự... là khách thể đại diện cho những đối tượng bị tác động thuộc loại này.

2. Nội dung của các quan hệ xã hội là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể cũng có thể là đối tượng tác động của tội phạm

Chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội là nhằm đạt tới những quyền và lợi ích nhất định, đồng thời, phải thực hiện những nghĩa vụ để đem lại quyền lợi cho các chủ thể khác được thể hiện thông qua hoạt động bình thường của các chủ thể. Tác động đến nội dung của các quan hệ xã hội là làm biến đổi tình trạng bình thường của các hoạt động của chủ thể. Ví dụ, hành vi đưa hối lộ (Điều 364) làm biến đổi xử sự của người có chức vụ, quyền hạn, hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332) là hành vi làm mất tình trạng bình thường của chính mình...

3. Đối tượng của các quan hệ xã hội (vật thể) có thể là đối tượng tác động của tội phạm

Đối tượng của các quan hệ là vật thể, biểu hiện cụ thể của các quyền và lợi ích của các chủ thể. Tác động đến đối tượng các quan hệ là tác động đến các vật thể cụ thể tồn tại trong thế giới khách quan. Ví dụ, quyền sở hữu là khách thể bị xâm hại khi tác động đến các đối tượng thuộc loại này. Tác động đến các đối tượng vật chất không phải lúc nào hành vi phạm tội cũng chỉ gây ra hậu quả tiêu cực đối với vật chất đó mà có khi tạo biến đổi tích cực. Chẳng hạn, hành vi trộm cắp tài sản, kẻ trộm thường không gây hư hỏng cho đối tượng mà muốn làm tăng giá trị của vật chất đó lên.

Cần phân biệt đối tượng tác động với khái niệm công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ, phương tiện phạm tội là những đối tượng mà kẻ phạm tội dùng để tác động đến đối tượng phạm tội, gây thiệt hại cho khách thể.

Đối tượng tác động trong nhiều trường hợp là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cơ bản. Ví dụ, Điều 114 Bộ luật hình sự, đối tượng bắt buộc là cơ sở vật chất - kỹ thuật... Trường hợp này, đối tượng tác động có ý nghĩa đối với việc định tội. Khi đó, đối tượng tác động đóng vai trò như khách thể của tội phạm nhưng bản chất, chúng không phải là khách thể của tội phạm.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm khách thể của tội phạm.

2. Hãy phân loại khách thể của tội phạm.

3. Phân tích đối tượng tác động của tội phạm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội: Hỏi đáp về quyền con người, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010.

3.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

4.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

5.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998.

6.   Viện Luật học, Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

7.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.449.

[2]. Xem Vũ Văn Mẫu: Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử và Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát.

[3] United Nations, Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006, tr.4.

 

[4] Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (đoạn 1, Lời nói đầu) nêu rằng: …thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Ở góc độ quốc gia, Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) nêu rằng: ..mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…Những tuyên bố này về sau được tái khẳng định trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền 1789 của nước Pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập 1946 của Việt Nam.

 

BÀI 7

MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM

1. Cơ sở lý luận của việc quy định mặt khách quan là yếu tố cấu thành tội phạm

Khách quan là những gì tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người[1]. Pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung chỉ điều chỉnh đối với những hành vi cụ thể của con người được thể hiện ra ngoài thế giới khách quan, không điều chỉnh những gì thuộc về ý nghĩ, tư tưởng của con người. Điều này rất đúng, phù hợp với quy luật. C. Mác đã nói: ... lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất. Pháp luật hình sự bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng nhất, nhằm duy trì trật tự và sự ổn định xã hội. Các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ chỉ có thể bị xâm hại khi có một “lực lượng vật chất” tác động vào nó.

Luân lý hay tôn giáo vì mục đích cải tạo con người theo một ý nghĩa cao siêu, thần thánh nên trừng phạt cả những ý nghĩ, tư tưởng bất lương, xấu xa. Pháp luật bảo vệ những trật tự xã hội và cải tạo con người với những thái độ cụ thể biểu hiện qua hành vi khách quan đối với xã hội. Những tư tưởng, ý nghĩ dự toán tồn tại trong ý thức của con người không có khả năng gây ra sự xáo trộn trật tự xã hội nên không cần phải điều chỉnh bằng pháp luật. Mặt khác, con người cũng không thể nào nhận biết được những gì diễn biến trong tư tưởng của người khác để điều chỉnh bằng pháp luật. Trong những trường hợp này, chỉ có thể điều chỉnh nhận thức của con người thông qua giáo dục nhằm định hướng cho nhận thức đó theo hướng tốt.

Đứng ở góc độ khác, chúng ta có thể thấy hành vi của con người được thực hiện trong thế giới khách quan có các dấu hiệu bên ngoài và các dấu hiệu bên trong. Tội phạm cũng là một dạng của hành vi con người nên cũng được biểu hiện thông qua cơ chế đó. Tuy nhiên, để nghiên cứu những biểu hiện thuộc mặt khách quan (bên ngoài) của tội phạm một cách sâu sắc, toàn diện, khoa học luật hình sự đã tách chúng ra khỏi những biểu hiện chủ quan (bên trong) thành một yếu tố tương đối độc lập. Và trong quy trình lập pháp, tội phạm cũng được các nhà làm luật mô tả với những biểu hiện của yếu tố khách quan một cách độc lập với tư cách là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

2. Mặt khách quan của tội phạm theo lý luận luật hình sự Việt Nam hiện hành

Nghiên cứu pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, khoa học luật hình sự nêu ra các biểu hiện bên ngoài của tội phạm tạo thành mặt khách quan của tội phạm bao gồm:

- Hành vi nguy hiểm cho xã hội;

- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội;

- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả;

- Các điều kiện bên ngoài khác của tội phạm (công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm... phạm tội).

Bất cứ tội phạm nào khi được thực hiện cũng diễn ra và có thể tồn tại các yếu tố ấy và tổng hợp các yếu tố đó tạo thành mặt khách quan của tội phạm. Như vậy, mặt khách quan của tội phạm là tổng hợp tất cả những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Dĩ nhiên, không phải mọi trường hợp phạm tội, các biểu hiện này đều hiện diện trên thực tế. Vì vậy, các biểu hiện khách quan của tội phạm không phải lúc nào cũng được thể hiện trong cấu thành tội phạm mang tính bắt buộc. Có biểu hiện được thể hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản của tất cả các tội phạm (hành vi nguy hiểm cho xã hội), có biểu hiện chỉ được phản ánh trong cấu thành tội phạm của một số tội phạm cụ thể hoặc trong cấu thành tội phạm tăng nặng, giảm nhẹ (hậu quả nguy hiểm cho xã hội), có biểu hiện đôi lúc được thể hiện như một tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ... Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải thấy rằng, mặt khách quan của tội phạm là một yếu tố của cấu thành tội phạm. Không có mặt khách quan thì không có tội phạm xảy ra, dù có thể các mặt khác của tội phạm đã hội đủ. Chẳng hạn, một người trong suy nghĩ rất mong muốn một người khác chết và trên thực tế người đó đã chết. Tuy nhiên, người này chết không phải do bị giết mà do bệnh. Như vậy, không có tội phạm xảy ra trên thực tế trong trường hợp này.

3. Ý nghĩa của mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan với tư cách là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của mặt khách quan của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nó là cơ sở để xác định tội danh. Việc quy định tội phạm trong Bộ luật hình sự là dựa vào đặc điểm của hành vi khách quan để định cho nó là tên gọi gì. Do đó, chỉ cần chúng ta xác định được các đặc điểm của hành vi (phạm tội) thì có thể dễ dàng xác định hành vi đó phạm tội gì. Chẳng hạn, hành vi “dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự đượcchiếm đoạt tài sản...” đó là tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự), hành vi “lén lút lấy tài sản của người khác” thì đã phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự), v.v..

Mặt khách quan của tội phạm còn được thể hiện trong các cấu thành tội phạm tăng nặng, khi ấy mặt khách quan giữ vai trò là tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ, hành vi “sử dụng vũ khí hoặc phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm” là tình tiết có thể chuyển khung hình phạt từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự. Trong tất cả các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có nhiều biểu hiện thuộc mặt khách quan. Ví dụ, “phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra, phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn... là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51 Bộ luật hình sự). Vì vậy, nghiên cứu những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm còn có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cơ sở để xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Ngoài ra, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan còn có ý nghĩa xác định nội dung tâm lý bên trong của người phạm tội qua việc xác định lỗi và mức độ lỗi của người phạm tội. Ví dụ, một người đã cố ý thực hiện tội phạm thì hành vi rất dứt khoát và cương quyết, chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ, kế hoạch để có thể thực hiện tội phạm đến cùng.

II. CÁC DẤU HIỆU THUỘC MẶT KHÁCH QUAN CỦA TỘI PHẠM

1. Hành vi khách quan của tội phạm[2]

a) Khái niệm:

Các nhà lý luận luật hình sự trước kia quan niệm mặt khách quan là yếu tố vật chất của tội phạm. Vì thế, họ đồng nhất hành vi khách quan là mặt khách quan của tội phạm. Theo họ, yếu tố vật chất của tội phạm là một hành vi tích cực hay tiêu cực nhưng không cần thiết là hành vi ấy phải gây hậu quả[3].

Lý luận luật hình sự Việt Nam hiện hành xem hành vi khách quan của tội phạm là sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan (nghĩa rộng) hay là những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan qua những hình thức cụ thể nhằm đạt những mục đích đã định trước (nghĩa hẹp).

Hành vi khách quan của tội phạm là yếu tố quan trọng nhất của mặt khách quan của tội phạm, không có hành vi thì tất cả những yếu tố khác như hậu quả, phương tiện, công cụ, phương pháp phạm tội... không có ý nghĩa gì cả. Ngoài ra, những biểu hiện của mặt chủ quan như lỗi, mục đích, động cơ phạm tội cũng luôn gắn liền với hành vi khách quan cụ thể. Những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan về thực tế nó được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển. Chính vì thế, chỉ khi có hành vi nguy hiểm được thực hiện thì vấn đề lỗi mới được đặt ra. Tuy nhiên, một hành vi có thể có lỗi hoặc không có lỗi. Biểu hiện ra bên ngoài của con người sẽ không được xem là hành vi khách quan (với tư cách là một biểu hiện của mặt khách quan) nếu nó không được ý thức kiểm soát hoặc không phải là hoạt động ý chí. Ví dụ, phản xạ không điều kiện, những biểu hiện trong tình trạng bộ não mất khả năng nhận thức, điều khiển.

Trường hợp biểu hiện gây thiệt hại do bị cưỡng bức về thể chất là một biểu hiện không phải là hành vi khách quan. Dù rằng về mặt thực tế, biểu hiện của con người đã dẫn đến gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ thông qua pháp luật hình sự nhưng đó không phải là hành vi phạm tội vì nó không phải là kết quả của hoạt động ý chí của chính họ mà là kết quả của sự tác động bên ngoài. Chẳng hạn, hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (trong quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự), dù có đủ mọi điều kiện nhưng bị giữ chặt bởi một người khác không thể thoát ra, hoặc bị một người dùng sức mạnh nắm tay “điểm chỉ” vào một tờ đơn tố cáo sai sự thật (trong quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự). Hai hành vi nói trên đều không phải là hành vi khách quan của tội phạm theo quy định của luật hình sự hiện hành. Để một hành vi trở thành hành vi khách quan của tội phạm cần có ba đặc điểm sau đây:

- Hành vi khách quan của tội phạm phải có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Đây là đặc điểm cơ bản của dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm. Nó giúp phân biệt giữa hành vi khách quan của phạm tội với các hành vi khác. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan thể hiện ở chỗ, hành vi gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phụ thuộc vào tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi đó xâm hại (đã nghiên cứu nội dung này ở bài Tội phạm).

- Hành vi khách quan của tội phạm là hoạt động có ý thức và ý chí. Hành vi được thực hiện chỉ được coi là hành vi khách quan của tội phạm khi nó được biểu hiện trong sự thống nhất với ý thức và ý chí. Không có sự kiểm soát của ý thức và ý chí thì hành vi không được coi là hành vi khách quan của tội phạm.

- Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự. Hành vi khách quan của bất cứ tội phạm nào cũng đều được quy định trong luật hình sự. Do vậy, đã gọi là hành vi phạm tội thì bắt buộc hành vi đó phải trái pháp luật hình sự, nghĩa là hành vi đó được luật hình sự quy định.

Tóm lại, hành vi khách quan của tội phạm có thể được hiểu là tất cả những xử sự của con người được biểu hiện ra thế giới khách quan dưới những hình thức nhất định, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.

b) Các dạng biểu hiện của hành vi khách quan:

Hành vi khách quan có thể được biểu hiện thông qua hành động hoặc không hành động.

- Hành vi khách quan biểu hiện qua hành động (hành động phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng cách chủ thể phạm tội thực hiện một việc mà pháp luật hình sự cấm. Ví dụ, giết người bằng cách bóp cổ, dùng súng bắn, dao đâm..., trộm xe đạp bằng cách dùng tay bẻ khoá, dẫn đi, v.v..

+ Hành động phạm tội có thể chỉ là một hành vi đơn giản diễn ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ, dùng tay đấm một đấm gây thương tích, lái xe giật dây chuyền vàng trên cổ người khác...

+ Hành động phạm tội có thể tổng hợp nhiều hành vi khác nhau, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài. Chẳng hạn, hành vi phạm tội tham ô được tiến hành bằng cách thủ quỹ mỗi ngày lấy trong ngân quỹ một số tiền nhất định, sau nhiều năm mới bị phát hiện.

+ Hành động phạm tội có thể dùng trực tiếp bằng các bộ phận của cơ thể người phạm tội. Ví dụ, dùng vũ lực bằng tay hoặc thực hiện hành vi giao cấu bằng dương vật.

+ Hành động phạm tội cũng có thể thông qua các phương tiện, công cụ. Chẳng hạn, dùng chất nổ để phá huỷ công trình, phương tiện thông tin liên lạc.

+ Hành động phạm tội có thể thông qua việc làm bằng tay chân... hoặc cũng có thể thực hiện thông qua lời nói. Ví dụ, tố cáo sai sự thật, tuyên truyền chống phá cách mạng bằng lời nói.

- Hành vi khách quan biểu hiện qua không hành động (không hành động phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể của nó bằng việc chủ thể không thực hiện một việc mà pháp luật yêu cầu hoặc làm không đến mức yêu cầu dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện.

Tính trái pháp luật hình sự trong không hành động phạm tội thể hiện ở chỗ chủ thể đã không thực hiện những nghĩa vụ pháp lý (dù có đủ khả năng và điều kiện thực hiện). Các nghĩa vụ pháp lý đó phát sinh từ một số căn cứ sau:

+ Do luật định: Luật quy định trong những trường hợp cụ thể đó, chủ thể phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định cần thiết đối với xã hội. Ví dụ, nghĩa vụ phải cứu giúp người trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132), nghĩa vụ tố giác tội phạm (Điều 390)...

+ Do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Ví dụ, hành vi không chấp hành bản án của Toà án (Điều 380), hành vi không thi hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ (Điều 333)...

+ Do nghề nghiệp: Đây là nghĩa vụ của chủ thể phát sinh khi làm một nghề nhất định. Chẳng hạn, bác sĩ có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho bệnh nhân, nhân viên bảo vệ phải bảo vệ tài sản của cơ quan...

+ Do hợp đồng: Ví dụ, hợp đồng giữ tài sản làm phát sinh nghĩa vụ phải trông giữ tài sản.

+ Do xử sự trước đó của chủ thể: Ví dụ, hành vi sử dụng tài sản vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả (Điều 175).

Tất cả các nghĩa vụ phát sinh đều dựa trên cơ sở quy định của pháp luật (có thể quy định trong luật hoặc các văn bản dưới luật quy định về nghề nghiệp cụ thể). Pháp luật không quy định thì không hành động không thể xem là hành vi phạm tội. Do đó, hai điều kiện cần và đủ buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không hành động phạm tội là:

+ Người đó phải có nghĩa vụ hành động (theo quy định của pháp luật);

+ Người đó có đủ khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ này.

Trong tất cả các tội phạm, có tội phạm chỉ thực hiện được bằng hành động phạm tội. Ví dụ, tội cố ý gây thương tích (Điều 134), tội hiếp dâm (Điều 141)... Có tội phạm chỉ thực hiện bằng không hành động phạm tội. Chẳng hạn, tội cố ý không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 132), tội không tố giác tội phạm (Điều 390). Cũng có tội phạm vừa thực hiện được bằng không hành động và cả hành động. Ví dụ, tội huỷ hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178) (không hành động là trường hợp người có trách nhiệm bảo vệ tài sản nhưng đã không ngăn cản tài sản đang bị huỷ hoại khi có khả năng, điều kiện làm điều đó).

Trước Bộ luật hình sự 2015, nhiều quan điểm chống lại việc quy tội đối với pháp nhân đa phần xuất phát từ việc cho rằng pháp nhân không thể thực hiện hành vi vì nó là một tổ chức chứ không phải con người. Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng, pháp nhân dù không thể thực hiện hành vi nhưng khi tham gia vào quan hệ pháp luật, pháp nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua (những) người đại diện của nó. Nếu không, pháp nhân sao có thể trở thành là chủ thể của quan hệ pháp luật khác. Như vậy, về bản chất, pháp nhân có thể thực hiện hành vi khách quan của tội phạm và đó chính là hành vi của người đại diện pháp nhân nếu thỏa mãn các điều kiện theo pháp luật (sẽ đề cập ở bài chủ thể của tội phạm).

c) Các dạng cấu trúc đặc biệt của hành vi khách quan:

- Dạng hành vi khách quan ghép (tội ghép, tội kép) được tạo thành bởi nhiều hành vi khách quan, mỗi hành vi xâm hại đến một khách thể nhất định nhưng chúng lại hợp thành một tội phạm. Ví dụ, tội cướp tài sản bao gồm hành vi tấn công vào người quản lý tài sản (quan hệ nhân thân) và hành vi chiếm đoạt tài sản (quan hệ sở hữu). Dù hành vi gây phương hại đến nhiều khách thể trực tiếp nhưng ta chỉ xem xét về một tội phạm.

Hành vi khách quan dạng ghép cần được phân biệt với tội danh ghép. Tội danh ghép được tạo ra do kỹ thuật lập pháp, nghĩa là cùng một điều luật quy định nhiều hành vi với nhiều tội phạm khác nhau. Tuy nhiên, do những tội phạm đó có cùng đối tượng phạm tội và khách thể của tội phạm nên nhà làm luật đã quy định chúng trong cùng một điều luật. Ví dụ, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật hình sự) có hai tội phạm là sản xuất hàng cấm và buôn bán hàng cấm. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai tội phạm là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này. Trong Bộ luật hình sự 1999, tội ghép thường bắt gặp trong nhiều điều luật, như Điều 155 (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm), Điều 194 (tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy), Điều 230 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), v.v.. Tuy nhiên, tội danh ghép không phải là ưu điểm của pháp luật hình sự vì nó không thể hiện được sự phân hóa trách nhiệm hình sự ở góc độ lập pháp. Hành vi phạm tội dù tác động đến cùng đối tượng và xâm hại cùng khách thể nhưng bản chất tính nguy hiểm cho xã hội của chúng rất khác nhau. Chẳng hạn, hành vi tàng trữ, vận chuyển vũ khí quân dụng không thể nguy hiểm ngang với hành vi sản xuất, sử dụng vũ khí quân dụng. Việc quy định nhiều hành vi phạm tội trong cùng một điều luật với khung hình phạt như nhau không thể coi là đúng đắn để phân hóa tội phạm và phân hóa trách nhiệm hình sự người phạm tội. Vì lý do đó, Bộ luật hình sự 2015 đã tách ra nhiều tội danh ghép để quy định ở những điều luật khác nhau với hình phạt khác nhau phù hợp với bản chất nguy hiểm cho xã hội của chúng.

- Dạng hành vi khách quan kéo dài (tội kéo dài) là tội phạm mà hành vi khách quan có khả năng diễn ra không gián đoạn trong một thời gian dài. Ví dụ, tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép (Điều 304). Tội kéo dài chỉ bị coi là một tội, có xem xét trên tổng số thời gian phạm tội để lượng hình.

- Dạng hành vi khách quan liên tục (tội liên tục) là tội phạm có hành vi khách quan gồm nhiều hành vi cùng loại xảy ra kế tiếp nhau về mặt thời gian, cùng xâm hại đến một khách thể và đều bị chi phối bởi một ý định phạm tội cụ thể thống nhất. Ví dụ, thủ quỹ lấy tiền của cơ quan 2 triệu mỗi tháng, kéo dài trong ba năm (cấu thành tội tham ô tài sản, Điều 353). Trong trường hợp này, tội liên tục cũng có thể bị coi là phạm tội nhiều lần. Một trường hợp khác, các hành vi phạm pháp mỗi lần chưa cấu thành một tội phạm độc lập, nhưng nhiều lần, dựa trên tổng số thiệt hại thì cấu thành tội phạm. Ví dụ, một tên trộm mỗi lần trộm một chiếc xe đạp trị giá 1 triệu đồng, nhưng trong 3 ngày trộm được 3 chiếc xe đạp (tổng trị giá là 3 triệu đồng). Tội phạm liên tục cũng chỉ xem xét xử một tội nhưng có cân nhắc trên tổng số tài sản thiệt hại để xác định khung hình phạt và lượng hình.

Việc nhà làm luật chưa đề cập đến vấn đề hành vi khách quan dạng liên tục trong Bộ luật hình sự là một thiếu sót. Vì không có quy định nên việc áp dụng nội dung này trên thực tế không thống nhất và do đó tính pháp chế trong xử lý hình sự không được tuân thủ triệt để. Như ví dụ trên đây, hành vi của kẻ trộm cắp tài sản trong ba ngày trộm được 3 chiếc xe đạp, mỗi chiếc trị giá 1 triệu đồng. Có nơi truy cứu trách nhiệm hình sự người này dựa trên lý thuyết về hành vi khách quan dạng liên tục. Tuy nhiên, cũng có nơi không truy cứu trách nhiệm hình sự vì cho rằng kẻ trộm mỗi lần lấy chỉ có một chiếc xe đạp trị giá 1 triệu đồng, dưới mức tối thiểu định lượng của tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 173 Bộ luật hình sự 2015). Cách xử lý nào cũng có cái lý nhất định nhưng chỉ có một cách xử lý đúng đắn. Truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ trộm là cách làm đúng với bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vì tổng giá trị trộm cắp là 3 triệu đồng. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ này lại phù hợp với pháp luật hình sự vì Bộ luật hình sự không có quy định trường hợp này. Việc nhà làm luật quy định hành vi trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên ám chỉ mỗi lần trộm cắp phải đạt mức tối thiểu này. Vì thế, mỗi lần chỉ trộm được dưới 2 triệu đồng đương nhiên hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi phạm tội dạng này, nhà làm luật cần có quy định cụ thể về trường hợp hành vi khách quan của tội phạm dạng liên tục. Tức là cần định nghĩa thế nào là hành vi khách quan dạng liên tục. Trong trường hợp Bộ luật hình sự không thuận lợi đưa ra khoảng thời gian giữa hai hành vi khách quan để bị coi là hành vi khách quan liên tục thì cần có văn bản hướng dẫn khoảng cách thời gian giữa các hành vi đó. Theo tôi, khoảng cách đó không phải một tháng, hai tháng…mà cần phải bằng với thời hiệu xử lý hành chính đối với hành vi đó trong từng trường hợp cụ thể. Có như thế, Bộ luật hình sự mới trở thành công cụ hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

2. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

a) Khái niệm:

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho các quan hệ xã hội - khách thể của tội phạm.

Thiệt hại gây ra đối với khách thể của tội phạm thể hiện qua sự làm biến đổi tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội là khách thể của luật hình sự. Chẳng hạn, người chết, bị thương tật, tài sản (trị giá bao nhiêu) bị thay đổi sở hữu hoặc hư hại... Bất cứ một tội phạm nào cũng đều có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động. Trong cấu thành tội phạm, không phải lúc nào dấu hiệu hậu quả cũng được phản ánh. Chỉ có các cấu thành tội phạm vật chất thì dấu hiệu hậu quả mới được thể hiện trong cấu thành tội phạm cơ bản. Xác định hậu quả của tội phạm được thực hiện thông qua việc xác định, đánh giá các đặc điểm của đối tượng tác động hoặc sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.

b) Các loại hậu quả của tội phạm:

- Hậu quả vật chất là những thiệt hại mà con người trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện kỹ thuật có thể xác định được một cách chính xác mức độ của nó. Thiệt hại loại này có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thể chất:

+ Thiệt hại về vật chất thường được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của các đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội. Ví dụ, tài sản bị phá huỷ, bị chiếm giữ, bị sử dụng trái phép...

+ Thiệt hại về thể chất biểu hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên con người. Nó có thể là tính mạng, sức khoẻ...của con người.

- Hậu quả phi vật chất là những thiệt hại không thể tính toán một cách chính xác bằng các phương tiện đo lường. Sự thiệt hại này chỉ được đánh giá thông qua hoạt động tư duy của con người. Thiệt hại loại này có thể kể đến như danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người, chính trị, xã hội, đạo đức...

Ngoài ra, tình trạng nguy hiểm cho xã hội cũng được một số nhà lý luận luật hình sự xem là một dạng hậu quả của tội phạm. Theo người viết, điều này cũng có cơ sở. Tình trạng nguy hiểm này không phải tự nhiên có mà phải là kết quả của một sự tác động nào đó với vai trò là nguyên nhân trong mối quan hệ nhân quả. Tình trạng nguy hiểm ở đây được hiểu là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm gây ra. Nếu khả năng nguy hiểm đó không được ngăn chặn tất yếu nó sẽ dẫn đến hậu quả trên thực tế. Trong Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta vẫn có một số tội phạm quy định dấu hiệu hậu quả loại này. Ví dụ, khoản 5 Điều 260, khoản 5 Điều 261, khoản 4 Điều 267, khoản 5 Điều 268, v.v..

Trong thực tiễn, việc xác định hậu quả của tội phạm luôn là vấn đề phức tạp. Thực tế này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc định tội danh hoặc xác định khung hình phạt về những vấn đề liên quan đến hậu quả. Khó khăn trước hết phải kể đến là loại hậu quả phi vật chất. Đây là dạng hậu quả mà việc xác định mức độ của nó không được thực hiện thông qua trực giác hoặc các phương tiện, công cụ, máy móc vô thức hoặc một tiêu chuẩn cứng nhắc nào. Nó chỉ được xác định thông qua sự nhận thức, đánh giá bằng tư duy của con người một cách linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể phụ thuộc vào đối tượng được đánh giá, chủ thể đánh giá. Ví dụ, khi một người bị đưa hình khỏa thân lên mạng. Tùy thuộc người đó là người nào mà danh dự, nhân phẩm của họ có thể bị mất hoặc tăng thêm, tùy vào quan niệm của người đánh giá mà kết quả có thể khác nhau. Vì thế, việc đòi hỏi một kết quả thống nhất trong sự đánh giá sẽ là vô cùng khó khăn. Giải pháp cho vấn đề này không thể đến từ cơ quan lập pháp hay cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ. Hướng giải quyết cầu may là lập ra hội đồng đánh giá trong từng trường hợp cụ thể có xảy ra tranh chấp quan điểm với ý kiến đa số. Vướng mắc tiếp theo trong xác định hậu quả là đối với những quy định dạng khái quát về hậu quả, như: hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu nhập bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, v.v…Đối với vấn đề này, các cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, v.v..) đã từng đưa ra những tiêu chuẩn làm căn cứ để xác định đối với một số đối tượng cụ thể. Ví dụ, thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ, diện tích rừng, v.v..Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Muốn có giải pháp triệt để trong vấn đề này, cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ cần phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan rà soát tất cả các đối tượng có thể làm căn cứ xác định hậu quả để đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất cho từng đối tượng cụ thể. Đây là việc làm không dễ nhưng nếu cố gắng thì vẫn có thể làm được. Vướng mắc cuối cùng xảy ra đối với vấn đề hậu quả dạng “khả năng”. Bởi vì hậu quả dạng này được đánh giá khi nó chưa xảy ra nên không biết thế nào mà lường. Ví dụ, một người điều khiển xe khách chở vài chục hành khách, chạy quá tốc độ, khiến xe lao xuống sông nhưng được trục vớt kịp thời nên không có thương vong. Giải pháp cho vấn đề chỉ có thể là lập hội đồng đánh giá theo đa số với những gợi ý về các nội dung có thể đánh giá, như hành vi vi phạm, các biện pháp ngăn chặn hậu quả, các điều kiện khách quan khác, v.v..

c) Ý nghĩa của việc nghiên cứu hậu quả của tội phạm:

Về mặt lý luận, dấu hiệu hậu quả của tội phạm có vai trò trong việc xây dựng cấu thành tội phạm trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Trên thực tế, các trường hợp phạm tội của cùng một loại tội rất khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào hậu quả của tội phạm xảy ra ở mức độ nào. Vì vậy, hậu quả của tội phạm trong nhiều trường hợp được phản ánh trong cấu thành tội phạm, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, hậu quả có thể thuộc cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng, cấu thành tội phạm giảm nhẹ. Bên cạnh đó, hậu quả của tội phạm còn là cơ sở để đánh giá tính nguy hiểm về mặt chính trị - xã hội của tội phạm. Từ cơ sở đó, nó trở thành căn cứ để thực hiện nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở hậu quả của tội phạm, nhà làm luật xây dựng các cấu thành tội phạm (cơ bản, tăng nặng, giảm nhẹ) tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Về mặt thực tiễn, hậu quả của tội phạm có ý nghĩa trước hết là cơ sở rất quan trọng để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa đối với tội phạm có cấu thành vật chất. Bởi vì, các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, luật đòi hỏi phải có dấu hiệu hậu quả xảy ra. Ví dụ, tội phạm quy định tại Điều 134 yêu cầu mức độ thương tích phải đạt từ 11% trở lên (trừ những trường hợp quy định từ điểm a đến điểm o khoản 1), tội phạm Điều 260 yêu cầu phải có dấu hiệu hậu quả thì hành vi mới bị xem là tội phạm... Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu hậu quả đóng vai trò là tình tiết định khung hình phạt. Ví dụ, tội phạm Điều 394 về tội chống mệnh lệnh ở khoản 2 phải có tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”... Nhiều trường hợp khác, hậu quả có ý nghĩa quan trọng để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, là cơ sở để quyết định hình phạt.

3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc phải có để cấu thành tội phạm (đối với tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất) mặc dù dấu hiệu này không được thể hiện trong cấu thành tội phạm. Về nguyên tắc, một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình nếu giữa hành vi đó và hậu quả của tội phạm có mối quan hệ nhân quả. Chính vì vậy, khi xác định tội phạm ngoài việc xác định hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi khách quan, chúng ta còn phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chúng ta cần dựa vào các cơ sở có tính nguyên tắc sau:

- Hành vi được coi là nguyên nhân phải là hành vi trái pháp luật hình sự và xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian. Nguyên nhân phải xảy ra và vận động kết hợp với những điều kiện nhất định cần thiết mới có thể dẫn đến phát sinh hậu quả. Vì vậy, giữa nguyên nhân và hậu quả bao giờ cũng có một khoảng thời gian nhất định mà nguyên nhân là cái diễn ra trước. Chẳng hạn, A bị phát hiện là treo cổ chết. Tuy nhiên, qua khám nghiệm tử thi không cho thấy các dấu hiệu của chết treo cổ (thè lưỡi, xuất tinh, tiểu...). Mặt khác, trong dạ dày A có một loại chất độc và theo kết luận, A chết do loại chất độc đó. Như vậy, hành vi treo cổ xảy ra sau hậu quả chết người. Hành vi treo cổ không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả này.

- Giữa nguyên nhân và hậu quả phải có mối quan hệ nội tại và tất yếu. Một nguyên nhân bao giờ cũng chứa đựng mầm mống nội tại nhằm phát sinh kết quả nhất định. Đối với hành vi (với tư cách là nguyên nhân) cũng thế. Trong những điều kiện nhất định, hành vi đó phải tất yếu dẫn đến kết quả nhất định nào đó chứ không phải là kết quả khác. Chúng ta cần hết sức chú ý khi xem xét nguyên nhân chứa đựng mối quan hệ nội tại và tất yếu bởi vì có trường hợp vẫn có nguyên nhân tất yếu nhưng thực tế hậu quả xảy ra là do một nguyên nhân khác. Chính vì thế, cần xem xét hậu quả nguy hiểm xảy ra phải là sự hiện thực hoá khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả của hành vi trái pháp luật. Ví dụ, Nguyễn Thị A có mang ngoài giá thú, sợ xấu hổ nên tìm đến một nhóm chuyên phá thai bất hợp pháp. Nhóm người này thực hiện công việc vô trách nhiệm, vả lại bào thai quá to dẫn đến A bất tỉnh. Họ ngỡ A đã chết nên phát hoảng đem thi thể A ném xuống dòng sông. Khi phát hiện thì A đã chết và nhóm người thực hiện việc phá thai này bị bắt. Biên bản khám nghiệm tử thi xác định A bị chết do ngạt thở, cổ họng có nhiều đất bùn, chứng tỏ khi bị ném xuống sông, A vẫn còn sống. Như vậy, A chết không phải vì nguyên nhân phá thai mà là vì hành vi ném xuống sông. Hành vi ném xuống sông là nguyên nhân có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người dù rằng hành vi phá thai vẫn có khả năng dẫn đến hậu quả tử vong.

Cần phân biệt trường hợp trên đây với trường hợp hành vi tiếp sau không phải là nguyên nhân độc lập mà chỉ có tác dụng thúc đẩy hậu quả do hành vi đầu sớm xảy ra. Khi đó, hành vi đầu tiên vẫn có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Ví dụ, C lái xe tông vào G gây trọng thương G và được đưa đi cấp cứu nhưng do bệnh viện chậm trễ nên dẫn đến G chết vì vết thương đó. Hành vi của C vẫn có mối quan hệ nhân quả với cái chết của G.

Trong thực tế, một sự vật, hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và có thể một nguyên nhân sinh ra nhiều sự vật hiện tượng. Vì vậy, trong sự đa dạng của tội phạm, một hậu quả có thể được sinh ra từ nhiều nguyên nhân và tất cả những nguyên nhân đó đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả ấy. Chẳng hạn, T vào trộm tài sản của cơ quan X, B là bảo vệ của cơ quan phát hiện nhưng không đuổi bắt T dẫn đến tài sản bị mất. Vậy, hậu quả mất tài sản của cơ quan là nguyên nhân của hành vi trộm cắp của T và hành vi thiếu trách nhiệm của B.

Tương tự như thế, một nguyên nhân cũng có thể gây ra nhiều hậu quả mà mỗi hậu quả đều có quan hệ nhân quả với nguyên nhân ấy. Ví dụ, N đặt chất nổ để phá toà nhà là cơ quan nhà nước (chống chính quyền) và thực tế, toà nhà bị phá huỷ và một số người trong toà nhà chết và bị thương. Như vậy, hành vi đặt chất nổ của N là nguyên nhân gây ra hậu quả công trình công cộng bị phá huỷ và gây chết người, gây thương tích cho người khác.

Trong thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả của tội phạm tồn tại dưới các dạng sau đây:

- Dạng quan hệ nhân quả đơn trực tiếp là quan hệ nhân quả mà chỉ có một hành vi trái pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả tội phạm. Bản thân sự vận động nội tại của hành vi trái pháp luật này độc lập đã có khả năng trực tiếp đưa đến hậu quả. Ví dụ, hành vi bóp cò súng bắn chết người, lén lút vào nhà người khác trộm tài sản...

- Dạng quan hệ nhân quả kép trực tiếp là quan hệ nhân quả trong đó nhiều hành vi trái pháp luật cùng đóng vai trò là nguyên nhân của hậu quả của tội phạm. Trong thực tế, chúng ta rất khó xác định dạng quan hệ nhân quả thuộc loại này. Ví dụ, một người thợ săn bắn nhầm một người (người này núp trong bụi cây, thợ săn ngỡ là thú) thủng dạ dày, đầu đạn đã được lấy ra, coi như an toàn, thoát chết. Không may, người nhà không biết nên cho ăn không đúng quy định của thầy thuốc, dạ dày bị nhiễm trùng mà chết. Hậu quả chết người do hai nguyên nhân là bắn nhầm và cho ăn cơm (người thợ săn phạm tội “vô ý gây thương tích nặng”, người nhà không có tội).

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhà lý luận luật hình sự còn đưa ra khái niệm quan hệ nhân quả dây chuyền là trường hợp có một hành vi đóng vai trò là nguyên nhân một đưa đến hành vi nguyên nhân hai và làm phát sinh hậu quả. Cả hai hành vi đều được xem là có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Ví dụ, Q cho P mượn súng và biết rằng P không biết sử dụng súng. Hậu quả P gây chết người. Như vậy, cả Q và P đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người. Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay chưa được giới nghiên cứu luật hình sự chấp nhận rộng rãi.

Việc nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có tội phạm xảy ra không, xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa, xác định mức độ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong từng trường hợp cụ thể, cũng như xác định hậu quả xảy ra là của hành vi nào.

Trong nhiều trường hợp, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả không phải dễ. Đã có những quan điểm xác định không chính xác, dẫn đến định tội sai, làm oan cho người vô tội, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chẳng hạn trong vụ án sau đây:

Phan Thông và Phan Văn Sum đang phơi lúa trên đường quốc lộ (dài khoảng 30m, lấn chiếm mỗi bên lộ khoảng 1m). Trần Văn Quốc chở anh Tài đi trên xe Honda, do không cẩn thận, không làm chủ được tốc độ, bất ngờ phát hiện anh Thông đang quay đảo lúa bên đường của quốc lộ nên tránh sang bên trái đường đâm vào anh Đoàn Hưng chở Mai Xuân Thành (đi ngược chiều) gây tai nạn. Kết quả giám định anh Mai Xuân Thành bị thương phải cắt 1/3 đùi trái, tỷ lệ thương tật là 61%, anh Hồ Ngọc Tài bị thương tỷ lệ thương tật 12%.

Trong vụ án này, không ít quan điểm cho rằng, hành vi của Phan Thông và Phan Văn Sum phạm tội cản trở giao thông (Điều 261 Bộ luật hình sự 2015) vì hành vi phơi lúa trên quốc lộ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của anh Thành và anh Tài. Như vậy, quan điểm này cho rằng giữa hành vi phơi lúa của Phan Thông và Phan Văn Sum có mối quan hệ nhân quả với hậu quả nói trên. Thật ra, hành vi của Phan Thông và Phan Văn Sum không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả này vì việc phơi lúa trên quốc lộ (dài khoảng 30m, lấn chiếm mỗi bên lộ khoảng 1m) vẫn còn nhiều khoảng trống để lưu thông. Mặc dù hành vi đó đã gây mất an toàn giao thông nhưng không phải trong mọi trường hợp nó làm phát sinh hậu quả là tại nạn. Trong trường hợp cụ thể của anh Quốc, nguyên nhân gây ra tai nạn là do lỗi của anh này đã không cẩn thận và không làm chủ tốc độ. Hành vi này hàm chứa mối quan hệ nội tại và tất yếu làm phát sinh tai nạn, trực tiếp gây thiệt hại cho sức khoẻ của anh Thành và anh Tài. Hành vi của Phan Thông và Phan Văn Sum rõ ràng đã cản trở giao thông nhưng hành vi này không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả đã xảy ra nên chỉ có thể bị xử phạt hành chính chứ không cấu thành tội phạm theo Điều 261.

4. Những biểu hiện khác của mặt khách quan của tội phạm

Bên cạnh các mặt biểu hiện đã nêu, mặt khách quan của tội phạm còn được biểu hiện qua các nội dung khác như phương pháp, phương tiện, công cụ phạm tội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội... Phương tiện phạm tội như phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, tiền... Công cụ phạm tội như gậy gộc, súng, chất độc... là những đối tượng được chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Phương tiện phạm tội trong một số trường hợp là dấu hiệu định tội và định khung hình phạt. Ví dụ, tội phạm tại khoản 2 Điều 168, Điều 260, v.v..

Phương pháp, thủ đoạn phạm tội là cách thức thực hiện hành vi phạm tội, cách thức sử dụng các công cụ, phương tiện phạm tội. Phương pháp, thủ đoạn phạm tội trong một số trường hợp cũng có ý nghĩa định tội hoặc định khung hình phạt. Chẳng hạn, Điều 181 quy định thủ đoạn phạm tội là dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản (hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác), khoản 2 Điều 168 quy định thủ đoạn nguy hiểm là tình tiết định khung (điểm d khoản 1)... Trong trường hợp phương pháp, thủ đoạn không được thể hiện trong cấu thành tội phạm thì nó trở thành là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm (xem điểm n khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự).

Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội đôi lúc được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản, tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình. Ví dụ, Điều 124 (quy định người mẹ giết con mới sinh), v.v..

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm và ý nghĩa của mặt khách quan của tội phạm.

2. Phân tích những biểu hiện thuộc mặt khách quan của tội phạm.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

3.   Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

4.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

5.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1998.

6.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

7.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr.489.

[2] Một số tác giả gọi đây là hành vi phạm tội (Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.183). Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc đồng nhất hành vi khách quan của tội phạm với hành vi phạm tội khiến cho nhiều người không phân biệt được hành vi phạm tội (thỏa mãn bốn yếu tố của cấu thành tội phạm) và hành vi khách quan của tội phạm với tư cách là một trong những biểu hiện của mặt khách quan của tội phạm (TG).

[3] Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.166.

 

BÀI 8

CHỦ THỂ CỦA TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM CHỦ THỂ CỦA TỘI PHẠM

1. Sơ lược về chủ thể của tội phạm

Tội phạm trước hết là một hành vi. Chính vì thế, tội phạm bao giờ cũng được thực hiện bởi chủ thể xác định. Không thể có hành vi xuất hiện ngoài thế giới khách quan mà không có chủ thể. Các tác động trong thế giới vật chất gây ra những thiệt hại “đáng kể, như sấm sét, lũ lụt, động đất, núi lửa, v.v. xảy ra từ tự nhiên thì không được gọi là hành vi. Theo từ điển, hành vi được hiểu là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử biểu hiện ra bên ngoài của một con người trong một hoàn cảnh cụ thể[1]. Theo nghĩa rộng, hành vi còn bao gồm cả những biểu hiện của tất cả các loài vật nói chung khi chúng ta quan sát chúng. Như vậy, tội phạm phải có chủ thể thực hiện. Luật hình sự trong mọi thời điểm lịch sử đều xây dựng trên nguyên tắc này. Tuy nhiên, trong những điều kiện lịch sử khác nhau, chủ thể của tội phạm có thể được xem là khác nhau, phụ thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị.

Thời cổ đại, không chỉ người mà cả súc vật hay những vật vô tri cũng có thể là chủ thể của tội phạm. Thời trung cổ, ta vẫn còn thấy những súc vật hay đồ vật bị lên án và trừng phạt khi chúng gây thiệt hại cho người. Một vài di tích của thời đại này đã để lại ở một số bộ tộc chưa được khai hoá tồn tại cả ở thời hiện đại. Tại miền Trung đảo Mađagaxca có tục trừng phạt cá sấu khi nó ăn thịt người. Con vật thủ phạm bị kéo lên bờ sông, rồi họ tổ chức một buổi lễ long trọng, lên án và xử tử con cá sấu đó[2].

Thời cận đại và hiện đại, ngoại trừ một số bộ tộc chưa tiếp cận với thế giới văn minh, loài người thường chỉ thừa nhận hành vi phạm tội phải thông qua con người. Bộ Quốc triều Hình luật của nước ta vào thế kỷ XV đã quy định chủ thể của tội phạm là cá nhân con người. Tất cả mọi người khi có hành vi phạm tội thì phải bị xét xử. Mặc dù luật có quy định quy chế miễn, giảm áp dụng hình phạt đối với người phạm tội đã lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi nhưng không giới hạn tuổi phải gánh chịu hình phạt. Nghĩa là con người từ khi mới sinh ra đã có thể là chủ thể của tội phạm (Điều 16 Quốc triều Hình luật). Nói như thế không phải ta khẳng định rằng, các nhà làm luật thời Hồng Đức không quan tâm đến vấn đề mục đích của việc xử lý hành vi phạm tội và lỗi của chủ thể. Suy cho cùng, pháp luật được Nhà nước đặt ra là để điều chỉnh các mối quan hệ, những hành vi chống đối xã hội, giảm và có thể được thì loại trừ chính chủ thể đã có hành vi đi ngược với ý chí của Nhà cầm quyền. Các nhà làm luật Hồng Đức thời hậu Lê cũng không thoát ra khỏi mục đích đó khi đưa ra Bộ Quốc triều Hình luật. Điều 14 Bộ luật này quy định: “Những quan viên quân dân phạm tội nếu vì sự sơ suất lầm lỗi từ tội lưu trở xuống thì cho chuộc tội bằng tiền.... Điều đó cho thấy, nhà làm luật vẫn hết sức chú ý đến yếu tố lỗi của chủ thể.

Hiện nay, pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới không chỉ dừng lại ở việc xem xét chủ thể của tội phạm là cá nhân con người mà họ còn xem xét các tổ chức (organisation). Theo họ, các tổ chức mà pháp luật gọi là pháp nhân (legal person) cũng có đủ tư cách và điều kiện trở thành chủ thể của tội phạm và phải chịu hình phạt. Trên thực tế, hiện nay nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hồng Kông, Xingapo, Ôxtơrâylia, Pháp... đã xem pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Việt Nam cũng đã nghiên cứu trong một quá trình lâu dài, và mới đây, các nhà làm luật đã chính thức thừa nhận chủ thể mới của tội phạm là pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự 2015.

2. Khái niệm chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành

 

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đã thực hiện tội phạm mà theo Bộ luật hình sự họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành xác định chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân con người hoặc pháp nhân (pháp nhân thương mại).

Đối với cá nhân, không phải mọi cá nhân đều có thể là chủ thể của tội phạm. Chỉ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự mới có thể là chủ thể của tội phạm[3]. Dấu hiệu này được rút ra từ các thuộc tính của tội phạm. Năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực tự ý thức ý nghĩa xã hội của hành vi nguy hiểm cho xã hội, khả năng điều khiển hành vi đó của mình cũng như khả năng gánh lấy hậu quả là trách nhiệm hình sự từ hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình. Con người từ khi mới sinh ra có thể đã có năng lực nhận thức về thế giới. Tuy nhiên, phải đạt đến độ tuổi nhất định thì con người mới có năng lực hành vi hình sự. Yêu cầu này phù hợp với nguyên tắc lỗi mà luật hình sự Việt Nam đã xác định khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, đồng thời, cũng phù hợp với nguyên tắc quyết định hình phạt và chính sách hình sự của nước ta. Chỉ có con người cụ thể, phát triển bình thường đến một độ tuổi nhất định thì mới có thể nhận thức được những gì mình làm (lỗi) và việc áp dụng hình phạt đối với họ mới mang lại hiệu quả (cải tạo, giáo dục) được. Bên cạnh các dấu hiệu chung của chủ thể của tội phạm như đã nêu, một số tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự còn đòi hỏi các dấu hiệu đặc biệt. Trong khoa học luật hình sự, chủ thể đó gọi là chủ thể đặc biệt.

Đối với pháp nhân thương mại, Bộ luật hình sự không yêu cầu thêm dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự. Những dấu hiệu của một chủ thể được coi là pháp nhân thương mại do các luật chuyên ngành quy định (dân sự, thương mại). Chỉ cần đạt được các dấu hiệu trong các luật chuyên ngành đó, một pháp nhân có thể trở thành là chủ thể của tội phạm.

Theo một số quan điểm, để là chủ thể của tội phạm, một chủ thể cần có đủ 5 dấu hiệu: (1) Có năng lực trách nhiệm hình sự, (2) Đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, (3) Đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, (4) Hành vi đã thực hiện bị pháp luật hình sự cấm, và (5) Có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó.[4] Chưa kể đến việc xác định dấu hiệu thứ 4 là chưa chính xác, quan điểm coi chủ thể của tội phạm như thế không mang tính khái quát mà lại vượt ra khỏi phạm vi chủ thể của tội phạm vì các dấu hiệu 3, 4, và 5 thuộc những dấu hiệu độc lập khác của cấu thành tội phạm (dấu hiệu mặt khách quan, chủ quan). Khi đề cập đến việc người đó đã thực hiện hành vi bị pháp luật hình sự cấm, có lỗi có nghĩa muốn ám chỉ người đó đã thực hiện tội phạm. Trong phạm vi của nội dung chủ thể của tội phạm, chúng ta chỉ nên nghiên cứu những điều kiện nào để một chủ thể có thể là chủ thể của tội phạm khi thực hiện những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

II. CÁ NHÂN

Như đã đề cập ở trên, năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình, khả năng điều khiển hành vi đó và khả năng gánh lấy hậu quả pháp lý là trách nhiệm hình sự từ hành vi nguy hiểm do mình gây ra. Như vậy, năng lực trách nhiệm hình sự được hợp thành từ hai yếu tố: (1) khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, và (2) tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

1. Khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi

Một người có thể là chủ thể của tội phạm phải có khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi đó (khả năng kiềm chế hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và lựa chọn một hành vi khác trong khi có đủ điều kiện lựa chọn) theo những yêu cầu chung của xã hội. Chỉ “trong tự ý thức, con người tách mình và độc lập mình với thế giới xung quanh, xác định vị trí của mình trong những quan hệ tự nhiên và xã hội. Từ đó, hình thành nên những cá nhân, những chủ thể có ý thức đầy đủ về hoạt động của mình, chịu trách nhiệm về hành vi của mình”[5]. Năng lực nhận thức có ở mỗi con người từ khi mới sinh ra. Nó phát triển và hoàn thiện theo sự phát triển của cấu tạo sinh học cơ thể con người qua quá trình lao động và giáo dục trong xã hội. Đến một thời điểm nhất định trong đời sống của con người thì năng lực này mới được xem là tương đối đầy đủ. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định dựa trên cơ sở này. Như vậy, năng lực trách nhiệm hình sự hình thành trên hai cơ sở: sự phát triển sinh học của cơ thể và đời sống xã hội. Con người sống trong xã hội trong một thời gian xác định sẽ nhận thức được những yêu cầu tất yếu của xã hội. Những yêu cầu đó là những đối tượng mà luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, sự phát triển sinh học của con người cũng rất quan trọng vì đôi khi nó loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn năng lực nhận thức (do các bệnh gây rối loạn hoạt động của bộ não). Vì vậy, Bộ luật hình sự đã quy định các trường hợp mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi tại Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành coi đó là những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự (sẽ đề cập trong bài “Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự”).

Bộ luật hình sự không quy định một người như thế nào là thoả mãn điều kiện về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi mà chỉ đề cập trường hợp người mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi. Theo suy lý ngược, pháp luật hình sự Việt Nam đã chính thức thừa nhận một người khi đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi là chủ thể của tội phạm.

2. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Con người từ khi sinh ra đã có ý thức nhưng không phải có ý thức là có năng lực trách nhiệm hình sự mà phải qua một quá trình phát triển về tâm, sinh lý trong điều kiện xã hội nhất định thì năng lực đó mới hình thành. Chúng ta đã biết, năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực tự nhận thức về tính nguy hiểm của hành vi và khả năng điều khiển hành vi của con người. Mỗi người có sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý đến một giai đoạn nhất định trong đời sống sẽ hoàn thiện năng lực này và khi đó họ được coi là chủ thể của tội phạm. Giai đoạn hoàn chỉnh này trong đời sống của mỗi cá nhân được luật hình sự mỗi nước trên thế giới quy định không giống nhau. Việc làm này phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý (thể chất, trí tuệ) của con người ở mỗi quốc gia vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể cũng như chính sách hình sự của quốc gia đó. Dưới đây là tuổi chịu trách nhiệm hình sự của một số quốc gia trên thế giới:

 

Quốc gia

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Mexico

6-12

Bangladesh

7

Ấn Độ

7

Myanmar

7

Nigeria

7

Pakistan

7

Nam Phi

7

Sudan

7

Tanzania

7

Thái Lan

7

Hoa Kỳ

7

Indonesia

8

Kenya

8

Vương quốc Anh (Scotland)

8

Ethiopia

9

Iran

9

Nepal

10

Vương quốc Anh (Anh)

10

Vương quốc Anh (xứ Wales)

10

Ukraine

10

Hàn Quốc, Rep .

12

Morocco

12

Uganda

12

Algeria

13

Pháp

13

Ba Lan

13

Uzbekistan

13

Trung Quốc

14

Đức

14

Ý

14

Nhật Bản

14

Liên bang Nga

14

Ai Cập

15

Argentina

16

Brazil

18

Colombia

18

Peru

18

 

Điều 12 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Theo quy định này, người từ chưa đủ 14 tuổi sẽ được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được xem là năng lực trách nhiệm hình sự còn hạn chế và chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định do Bộ luật hình sự quy định. Người từ đủ 16 tuổi trở lên được xem là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ và phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (trừ những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt).

* VẤN ĐỀ CHỦ THỂ ĐẶC BIỆT

Thông thường, một người không mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (quy định tại Điều 21) và đạt độ tuổi nhất định (quy định tại Điều 12) được xem là có năng lực trách nhiệm hình sự và có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Những người đạt các điều kiện chung đó được xem là chủ thể thường của tội phạm. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự, có một số tội phạm mà, nếu chỉ thoả mãn các điều kiện của chủ thể thường của tội phạm thì không thể trở thành chủ thể của các tội phạm đó mà đòi hỏi phải có thêm một số dấu hiệu đặc biệt tuỳ theo tội phạm đó là tội phạm gì. Những chủ thể như thế lý luận luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt của tội phạm.

Chủ thể đặc biệt = Chủ thể thường +
(những) dấu hiệu đặc biệt

Những dấu hiệu đặc biệt có thể thuộc một trong các dạng sau:

- Các dấu hiệu liên quan đến chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt của chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản.

- Các dấu hiệu liên quan đến nghề nghiệp, công việc. Ví dụ, tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội khai báo gian dối (Điều 382 Bộ luật hình sự) yêu cầu chủ thể phải là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa.

- Các dấu hiệu liên quan đến nghĩa vụ. Ví dụ, tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ (Điều 333 Bộ luật hình sự) yêu cầu chủ thể phải là quân nhân dự bị.

- Các dấu hiệu liên quan đến tuổi. Ví dụ, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là người đã đủ 18 tuổi.

- Các dấu hiệu liên quan đến quan hệ, họ hàng. Ví dụ, tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái (Điều 185 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu.

- Các dấu hiệu khác. Ví dụ, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là bà mẹ mới sinh trong vòng 7 ngày tuổi.

Các đặc điểm của chủ thể đặc biệt là bắt buộc và có ý nghĩa quyết định trong việc định tội. Tuy nhiên, đối với các vụ phạm tội do đồng phạm, các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi đối với người thực hành, những người khác không cần các dấu hiệu đặc biệt của tội phạm đó. Ví dụ, A là người xúi giục B (người có chức vụ) tham ô tài sản của cơ quan mà B đang công tác thì A vẫn bị xem là phạm tội tham ô tài sản với vai trò xúi giục, mặc dù A không thoả mãn dấu hiệu chức vụ, quyền hạn.

* VẤN ĐỀ NHÂN THÂN NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG LUẬT HÌNH SỰ

Nhân thân người phạm tội là một phạm trù rất phức tạp, được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ khác nhau (Triết học, Xã hội học, Tâm lý học, Tội phạm học...). Theo luận điểm C. Mác thì nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, đặc tính khác nhau thể hiện bản chất xã hội, cá biệt và tính không lặp lại của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Các đặc điểm, đặc tính này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt, ảnh hưởng lớn đến cải tạo, giáo dục và phòng ngừa người phạm tội. Những đặc điểm, đặc tính đó mang tính chất chính trị xã hội, tâm lý, đạo đức, sinh lý của người phạm tội. Nó có thể là: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự, v.v..

Nhân thân người phạm tội có liên quan chặt chẽ với chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là một con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có năng lực trách nhiệm hình sự, và có thể cần một số đặc điểm đặc biệt khác (đối với chủ thể đặc biệt). Bên cạnh đó, chủ thể của tội phạm còn có một số các đặc điểm khác tuy không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án, thực hiện triệt để nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Đó là những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội. Trong một số trường hợp, nhân thân người phạm tội cũng tham gia vào việc định tội khi cấu thành tội phạm có phản ánh. Ví vụ, tội trộm cắp (Điều 173 Bộ luật hình sự) có trường hợp đòi hỏi chủ thể phải có đặc điểm là “đã bị kết án... chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” (tái phạm).

Tuy nhiên, chúng ta cần có thái độ đúng đắn để phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm “nhân thân người phạm tội” và “chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và theo pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự, là một yếu tố của cấu thành tội phạm. Nhân thân người phạm tội là đặc điểm, đặc tính của cá nhân, là căn cứ quyết định hình phạt, cơ sở quan trọng cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, không có ý nghĩa định tội. Trong trường hợp, các đặc điểm nhân thân được thể hiện trong cấu thành tội phạm (có ý nghĩa định tội) thì nó không được xem là một dấu hiệu của nhân thân để cân nhắc trong quyết định hình phạt.

 

III. PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

 

1. Cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Các quốc gia thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân đều sử dụng thuyết đồng nhất hoá trách nhiệm để lý giải cho vấn đề này.[6] Tư tưởng chính của học thuyết đồng nhất hoá thể hiện cơ bản ở chỗ học thuyết này coi hành vi và lỗi của những người quản lý (chỉ đạo, điều hành) pháp nhân như chính là hành vi, lỗi của pháp nhân. Nói cách khác, hành vi, lỗi của pháp nhân được đánh giá thông qua hành vi, lỗi của cá nhân những người chỉ huy, quản lý, điều hành pháp nhân đó. Ví dụ Điều 47 Luật công ty của Israel năm 1999 quy định: “Những hành vi và những ý định của một cơ quan hoặc cá nhân quản lý cũng chính là hành vi, ý định của công ty”. Do đó, khi nhân viên quản lý của công ty thực hiện hành vi phạm tội thì đồng thời hành vi đó cũng được coi là hành vi phạm tội của công ty. Thuyết đồng nhất hoá xác định pháp nhân không phải là một trừu tượng pháp lý, mà là một thực thể xã hội mà “bộ não” của nó chính là người lãnh đạo, chỉ huy.

Pháp nhân được hưởng lợi từ những quyết định, hành động của người lãnh đạo, chỉ huy thì nó cũng phải chịu trách nhiệm từ quyết định, hành vi của những người đó. Tuy nhiên, học thuyết đồng nhất hoá trách nhiệm này chỉ được sử dụng thống nhất trong các quốc gia thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa và các nước châu Á, còn các quốc gia theo hệ thống luật Anh Mỹ lại sử dụng thêm các học thuyết khác nhau như thuyết trách nhiệm thay thế, thuyết văn hoá pháp nhân. Ngay trong một nước cũng đồng thời sử dụng các học thuyết khác nhau. Ví dụ, trong luật hình sự Anh, thuyết trách nhiệm thay thế được sử dụng trong quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội được truy cứu theo nguyên tắc buộc tội khách quan, còn thuyết đồng nhất hoá trách nhiệm được sử dụng trong quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội được truy cứu theo nguyên tắc lỗi. Hay trong Bộ luật hình sự mẫu của Hoa Kỳ cũng vậy. Đối với các hành vi phạm tội đòi hỏi phải có ý định phạm tội và các tội phạm đòi hỏi có dấu hiệu lỗi, Bộ luật này chấp nhận áp dụng thuyết đồng nhất hoá trách nhiệm nhưng đối với các tội phạm không yêu cầu ý định phạm tội thì lại được dựa trên nguyên tắc trách nhiệm thay thế. Học thuyết trách nhiệm thay thế áp đặt trách nhiệm lên người đứng đầu hoặc tổ chức, pháp nhân đối với hành vi của người làm công hoặc đại lý. Theo đó, bất kỳ điều gì mà người làm công, người làm đại lý cho tổ chức, pháp nhân thực hiện trên cơ sở mối quan hệ giữa tổ chức, pháp nhân với nhân viên theo quy định của pháp luật đều được coi là chính do tổ chức, pháp nhân thực hiện. Người làm công, làm đại lý phải thực hiện những công việc mà người chủ (hoặc tổ chức, pháp nhân) giao, đồng thời phải tuân thủ những nội quy, quy định mà người chủ (tổ chức, pháp nhân) đề ra. Cho nên, khi có sai phạm của người làm công, người làm đại lý thì người chủ (tổ chức, pháp nhân) phải gánh chịu trách nhiệm.

Ở Australia, cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân được lý giải bằng thuyết văn hoá pháp nhân. Theo học thuyết này, pháp nhân được coi là đã uỷ quyền cho phép nhân viên của mình thực hiện hành vi phạm tội nếu chứng minh được rằng văn hoá pháp nhân đó đang duy trì đã tạo ra ở người thực hiện hành vi phạm tội tâm lý cho rằng pháp nhân khuyến khích, hoặc ít nhất là chấp nhận những hành vi như vậy. Ví dụ, Điều 12.3 Bộ luật hình sự Australia quy định rằng ý định, nhận thức hay sự khinh xuất sẽ được quy kết cho pháp nhân nếu chúng được thể hiện một cách rõ ràng hoặc ngầm hiểu trong việc uỷ quyền hoặc cho phép thực hiện hành vi phạm tội.

 

1. Các điều kiện của pháp nhân

Pháp nhân là một khái niệm để chỉ một loại chủ thể của quan hệ pháp luật độc lập với các chủ thể khác và thành viên của pháp nhân. Pháp nhân ra đời đáp ứng điều kiện của đời sống kinh tế-xã hội và hoạt động lập pháp. Chế định pháp nhân là chế định phức tạp trong hệ thống pháp luật nói chung và có liên quan trực tiếp đến các luật như: Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Dầu khí, Luật Xuất bản, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng, Luật Xây dựng, Luật Luật sư, Bộ luật Hàng hải, Luật Giao thông đường bộ, Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Viễn thông, Luật Điện lực, Luật Hợp tác xã…v.v. Hoặc liên quan gián tiếp đến các luật, như: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu, Luật Dạy nghề, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Trọng tài thương mại...v.v. Tuy nhiên, chỉ có Bộ luật dân sự mới cụ thể hoá các điều kiện của một tổ chức có thể trở thành pháp nhân. Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”

Qua quy định vừa nêu có thể nhận thấy pháp nhân trong Bộ luật dân sự Việt Nam chỉ có một loại là tổ chức. Tổ chức là một tập thể người được sắp xếp dưới một hình thái nào đó (doanh nghiệp, công ty, bệnh viện, trường học, hợp tác xã…) phù hợp với chức năng và lĩnh vực hoạt động, bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của loại hình tổ chức đó[7].

Và một tổ chức để được công nhận là pháp nhân, một tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện, bao gồm:

Một là, tổ chức được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan, hay nói cách khác tổ chức phải được thành lập hợp pháp. Một tổ chức được xem là thành lập hợp pháp là khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc thừa nhận trên cơ sở tuân thủ các trình tự, thủ tục do luật quy định. Ở nước ta hiện nay, trình tự, thủ tục thành lập mỗi loại hình pháp nhân được điều chỉnh bởi những văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt như công ty cổ phần thành lập theo Luật doanh nghiệp năm 2014, hợp tác xã thành lập theo Luật hợp tác xã năm 2012. Ngoài ra, tổ chức phải có mục tiêu hoạt động không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội, tổ chức hoạt động trong phạm vi đăng ký thành lập. Trên cơ sở quy định về trình tự, thủ tục cũng như những điều kiện trong việc thành lập pháp nhân, Nhà nước chi phối các tổ chức, đoàn thể tồn tại trong xã hội, kiểm soát tính hợp pháp của pháp nhân và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Được thành lập hợp pháp còn là điều kiện pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định một tổ chức được hưởng quy chế pháp nhân, có nghĩa là khi pháp nhân chưa được khai sinh về mặt pháp lý thì chưa có sự chuyển dịch về nghĩa vụ giữa những cá nhân thành lập pháp nhân và pháp nhân khi phát sinh nghĩa vụ trong giai đoạn pháp nhân chưa hình thành.

Hai là, tổ chức phải có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật dân sự. Cơ cấu tổ chức là điều kiện nhằm biến một tập thể người thành một chủ thể đơn nhất. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân được thể hiện thông qua hệ thống bộ máy, mà bên trong đó là một sự liên kết chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận góp phần hình thành nên một đơn vị thống nhất. Đứng đầu trong tổ chức của pháp nhân là cơ quan điều hành. Tuỳ thuộc vào từng loại hình pháp nhân, mục đích, nhiệm vụ mà tương ứng với mỗi loại hình pháp nhân là một cách thức tổ chức hợp lý, theo quy định của pháp luật thì tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành trong pháp nhân phải được quy định trong điều lệ của pháp nhân trong quyết định thành lập pháp nhân. Cơ quan điều hành, quản lý của pháp nhân hoạt động thông qua người đại diện, chính người đại diện này sẽ nhân danh pháp nhân tham gia vào các quan hệ giao dịch trong xã hội.

Ba là, tổ chức phải có tài sản riêng của mình độc lập với tài sản của các thành viên và có khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Tài sản của tổ chức có thể được hiểu là tất cả những gì thuộc về quyền sở hữu của tổ chức đó, như: vốn góp của thành viên, tài sản tích luỹ từ hoạt động kinh doanh, tài sản được tặng, cho, thừa kế và bao gồm tài sản vay[8]. Một tổ chức được xem là có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác khi tổ chức đó có một lượng tài sản nhất định phân biệt với tài sản của cá nhân, tổ chức khác, đồng thời có quyền hạn nhất định chi phối khối lượng tài sản đó. Khi pháp nhân có tài sản riêng, độc lập thì pháp nhân được quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ tài sản. Các chủ thể khác khi tham gia quan hệ tài sản với pháp nhân sẽ được đảm bảo trong phạm vi toàn bộ tài sản của pháp nhân đó. Chế độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân là chế độ trách nhiệm tài sản hữu hạn[9]. Có nghĩa là pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi toàn bộ tài sản của mình mà thôi, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm thay cho thành viên của mình đối với các nghĩa vụ mà thành viên xác lập hay thực hiện không nhân danh pháp nhân.

Bốn là, tổ chức nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Trong mọi hoạt động của mình, tổ chức tham gia vào các quan hệ dân sự thông qua người đại diện của tổ chức đó, cụ thể khi tham gia vào các quan hệ liên quan đến hoạt động của tổ chức thì người của tổ chức phải nhân danh chính tổ chức của mình chứ không phải trên danh nghĩa cá nhân. Việc sở hữu khối tải sản riêng độc lập với các thành viên trong pháp nhân cho phép pháp nhân được tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Hơn nữa, khi tiến hành thành lập pháp nhân, các thành viên trong pháp nhân đã có sự thống nhất về việc chuyển quyền sở hữu tài sản của mình dịch chuyển vào khối tài sản chung của pháp nhân, vì vậy cần một sự thống nhất về mặt ý chí trong việc sử dụng khối tài sản này. Sự thống nhất ý chí này được xem là ý chí của pháp nhân. Do đó, khi pháp nhân có một ý chí thống nhất cùng với khả năng định đoạt khối tài sản riêng đã đáp ứng điều kiện trở thành chủ thể độc lập tham gia vào các quan hệ pháp luật.

Ra đời và tồn tại từ đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội, pháp nhân không chỉ đơn thuần là những con người riêng lẻ tập hợp lại với nhau mà nó là một thực thể thống nhất, ràng buộc lẫn nhau giữa các thành viên. Tuy nhiên, sự xuất hiện và tồn tại của pháp nhân được quyết định bởi sự phát triển của quan hệ sản xuất, bởi những nhu cầu của xã hội về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…trong đó pháp luật đóng vai trò là một công cụ tạo điều kiện cho sự hình thành và củng cố nó, thừa nhận nó với tư cách là chủ thể của pháp luật[10]. Pháp nhân dù được tổ chức dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vừa nêu. Các điều kiện quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 là một thể thống nhất, hoàn chỉnh, không tách rời nhau tạo thành tư cách chủ thể của pháp nhân.

Theo quy định tại điều 86 Bộ luật dân sự năm 2015, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấp dứt pháp nhân.

Để tham gia vào các quan hệ pháp luật, pháp nhân phải thông qua hoạt động của chính mình. Tuy nhiên, pháp nhân là một tập thể người nên không thể cùng một lúc tất cả các thành viên hay bất kỳ thành viên nào của pháp nhân tham gia vì vậy các hoạt động của pháp nhân đều được thực hiện thông qua hành vi của những người đại diện trong pháp nhân đó, họ là những người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, người đại diện của pháp nhân không tạo ra quyền và nghĩa vụ của mình mà hành vi của người đại diện được xem là hành vi của pháp nhân, vì pháp nhân và nhân danh pháp nhân. Người đại diện của pháp nhân gồm, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân phải có điều lệ. Điều lệ của pháp nhân được xem là hợp pháp phải chứa đựng những nội dung cần thiết do pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong phạm vi đề tài nghiên cứu người viết không phân tích chi tiết những nội dung điều lệ của pháp nhân mà chỉ nêu ra những nội dung cơ bản của một điều. Cụ thể, pháp nhân khi xác lập điều lệ phải đảm bảo các nội dung cơ bản bao gồm: tên gọi của pháp nhân; mục đích và phạm vi hoạt động của pháp nhân; trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu có; vốn điều lệ, nếu có; đại diện theo pháp luật của pháp nhân; cơ cấu tổ chức, thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành và các cơ quan khác; điều kiện trở thành thành viên hoặc không còn là thành viên của pháp nhân, nếu là pháp nhân có thành viên; quyền, nghĩa vụ của thành viên, nếu là pháp nhân có thành viên; thể thức thông qua quyết định của pháp nhân, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ; điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân[11].

Pháp nhân có thể chấm dứt sự tồn tại của mình thông qua nhiều hình thức. Pháp nhân có thể tiến hành giải thể theo quy định của điều lệ, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc hết thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[12]. Khi giải thể, pháp nhân có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài sản như: chi phí giải thể, nộp thuế, bảo hiểm, các khoản nợ, tiền lương người lao động…Bên cạnh đó, pháp nhân có thể tiến hành tổ chức lại tổ chức của mình cũng làm chấm dứt pháp nhân, tuy nhiên các quyền và nghĩa vụ của nó sẽ được chuyển giao cho pháp nhân mới thành lập. Mức độ chuyển giao sẽ phụ thuộc vào hình thức tổ chức lại pháp nhân, bao gồm: hợp nhất pháp nhân, sáp nhập pháp nhân, chia pháp nhân, tách pháp nhân, chuyển đổi mô hình pháp nhân. Ngoài ra, phá sản cũng là một hình thức chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân.

Pháp nhân được thành lập do nhu cầu của quản lý nhà nước hoặc do nhu cầu của sản xuất, kinh doanh nên có nhiều loại hình pháp nhân trên thực tế. Được thành lập do nhu cầu khách quan, vì vậy pháp nhân có những nhiệm vụ, mục đích hoạt động khác nhau và tồn tại bằng nhiều hình thức khác nhau. Tính khác biệt của các loại pháp nhân khác nhau có thể do mục đích, nhiệm vụ, tính chất sở hữu[13]. Điều 75, Điều 76 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các loại pháp nhân bao gồm:

  • Pháp nhân thương mại: Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
  • Pháp nhân phi thương mại: Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

Như vậy, pháp nhân là một tổ chức có cơ cấu thống nhất, chặt chẽ, được thành lập một cách hợp pháp, có tài sản riêng và chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật và có thể trở thành nguyên đơn, bị đơn trước Toà án[14].

Pháp nhân là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, về bản chất là một phương thức đặc thù về tổ chức hoạt động kinh tế, thể hiện ở sự tách bạch, cá thể hoá tài sản, nghĩa là tách ra một phần tài sản riêng biệt để tạo nên một chủ thể riêng biệt, độc lập. Chính sự cá thể hoá tài sản đã tạo cho pháp nhân sự độc lập về mặt pháp lý trong quan hệ với cá nhân những người sáng lập ra pháp nhân và có khả năng tham gia một cách độc lập trong các giao dịch dân sự, chịu trách nhiệm một cách độc lập về tài sản với các đối tác của mình[15].

Chế định pháp nhân là một chế định phức tạp trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, vì có rất nhiều luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thành lập và hoạt động của pháp nhân. Tuy nhiên, cách hiểu cũng như cách quy định về chế định này còn chưa rõ ràng và gây tranh cãi. Quy định của Bộ luật dân sự hiện hành chưa đưa ra một cách hiểu chung nhất về pháp nhân mà mới chỉ nêu ra các điều kiện để được coi là một pháp nhân.  Cách quy định này đã và đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, với quy định “pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình” thì liệu hình thức “công ty hợp danh”,[16] “công ty con” theo Luật Doanh nghiệp có được coi là pháp nhân hay không vẫn chưa được làm rõ.[17] Hoặc điều kiện “pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập” cũng được một số chuyên gia cho là không cần thiết.

 

3. Loại pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm

Bộ luật dân sự phân chia pháp nhân ra thành hai loại: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm chỉ có thể là pháp nhân thương mại.  Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015 nêu rõ khái niệm pháp nhân thương mại:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Pháp nhân thương mại là một trong các loại hình pháp nhân. Tuy nhiên, nét đặc trưng của pháp nhân thương mại là đó chính là tìm kiếm lợi nhuận thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và dùng lợi nhuận tìm kiếm được để phân chia cho các thành viên trong pháp nhân. Từ góc độ kinh tế, người ta xem doanh nghiệp như một cái áo khoác để thực hiện ý tưởng kinh doanh[18]. Các doanh nghiệp được thành lập nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại và lấy hoạt động kinh doanh thương mại là nghề nghiệp thường xuyên của mình. Pháp nhân thương mại phải có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, có nghĩa vụ đăng ký việc làm nghề thương mại của mình. Ở đây cần lưu ý giữa hành vi thương mại và hành vi dân sự, hành vi thương mại hiểu theo nghĩa đơn giản là hành vi được thực hiện bởi thương nhân nhằm mục đích sinh lợi, trong khi đó hành vi dân sự đơn thuần là hành vi được thực hiện bởi các chủ thể của pháp luật nhằm mục đích tiêu dùng. Pháp nhân thương mại thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại bao gồm các hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh và các hoạt động khác phục vụ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại. Sự kiếm lợi là một đặc tính của việc thành lập nên pháp nhân thương mại, là nguyên nhân thúc đẩy việc liên kết góp vốn, là mục đích mà người góp vốn theo đuổi bằng việc gia nhập pháp nhân thương mại. Cuối cùng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh thương mại sẽ được phân chia cho các thành viên, thông thường được căn cứ trên cơ sở phần vốn góp của mỗi thành viên.

Vấn đề thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các pháp nhân thương mại, ngoài việc được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự, còn chịu sự điều chỉnh rất chặt chẽ của các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm; Luật luật sư; Luật chứng khoán…Do đó, có thể nói điều lệ, quy chế hoạt động của mỗi loại hình pháp nhân thương mại cụ thể sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật chung và những quy phạm pháp luật cá biệt trong việc thành lập, hoạt động được áp dụng riêng cho mỗi loại hình pháp nhân thương mại.

Pháp nhân thương mại cũng như các loại hình pháp nhân khác, yêu cầu phải có điều lệ. Điều lệ của pháp nhân thương mại, ngoài việc có ý nghĩa là “kim chỉ nam” cho hoạt động của pháp nhân, nó còn thể chế hoá các thoả thuận về lợi ích của các thành viên, là hình thức thể hiện đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận. Điều lệ là văn bản khởi đầu cho quá trình đầu tư của pháp nhân. Ngoài ra, điều lệ cũng là văn bản pháp lý của pháp nhân nhằm đảm bảo quyền lợi với bên thứ ba khi quan hệ với pháp nhân đó, bởi khi nhìn vào điều lệ của pháp nhân sẽ xác định được chủ thể là đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người được quyền nhân danh pháp nhân tham gia xác lập và thực hiện các quan hệ giao dịch vì lợi ích pháp nhân.[19]

Doanh nghiệp là một chủ thể pháp luật, có năng lực để tham gia vào các quan hệ pháp luật, trong đó trước hết và chủ yếu là các quan hệ kinh doanh thông qua những người đại diện[20]. Vì thế, ý chí và hành vi của những thể nhân nhất định giữ cương vị trong doanh nghiệp được xem là ý chí và hành vi của doanh nghiệp[21]. Người đại diện của pháp nhân thương mại là người nhân danh pháp nhân thương mại tham gia vào các quan hệ pháp luật, vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Người đại diện của pháp nhân thương mại có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc là người đại diện uỷ quyền. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại có thể thay mặt pháp nhân thương mại tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, điều lệ pháp nhân thương mại quy định, khi tham gia quan hệ với bên thứ ba, họ chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng nhận chức vụ, nhân thân mà không cần phải có giấy uỷ quyền. Người đại diện theo pháp luật là người đại diện đương nhiên thường xuyên của pháp nhân thương mại trong các mối quan hệ với người thứ ba. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại được ghi nhận trong điều lệ của pháp nhân thương mại. Cụ thể, đối với các loại hình doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phẩn có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong điều lệ của những doanh nghiệp này phải ghi nhận rõ số lượng, chức năng quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp[22]. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể khái quát rằng: người đại diện theo pháp luật là người quản lý doanh nghiệp. Về số lượng, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật; còn lại các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, người đại diện theo pháp luật chỉ là một người. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được ghi nhận trong điều lệ của doanh nghiệp.

Bên cạnh người đại diện theo pháp luật, pháp nhân thương mại còn có thể xác lập và thực hiện các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo uỷ quyền. Việc uỷ quyền phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật dân sự. Văn bản uỷ quyền phải xác định rõ thẩm quyền của người được uỷ quyền, nội dung và thời hạn uỷ quyền. Nếu hành vi của người uỷ quyền vượt quá phạm vi uỷ quyền mà không có sự chấp thuận của pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại sẽ không phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với phần vượt quá phạm vi uỷ quyền đó. Về nguyên tắc, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi được xem là hành vi của pháp nhân thương mại, còn những hành vi thực hiện với tư cách cá nhân không làm phát sinh trách nhiệm ở pháp nhân thương mại.

Với tư cách là chủ thể pháp luật, các pháp nhân thương mại có năng lực chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật, trong đó trước hết và chủ yếu là các quan hệ kinh doanh. Tính chất chủ thể pháp lý độc lập của pháp nhân thương mại cho phép pháp nhân thương mại có quyền tự chủ, đồng thời phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ tài sản trong kinh doanh. Mỗi loại hình pháp nhân thương mại thuộc hình thức sở hữu khác nhau có nguồn gốc tài sản khác nhau. Trong đó, tài sản của doanh nghiệp nhà nước được hình thành từ tài sản thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước chuyển giao, từ hoạt động sản xuất kinh doanh; tài sản của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế do các thành viên tự nguyện đóng góp, được tặng cho chung…Trong pháp nhân thương mại, các thành viên của pháp nhân thương mại sẽ không chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình thay cho pháp nhân thương mại và ngược lại, pháp nhân thương mại cũng không phải dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để chịu trách nhiệm thay cho các thành viên của pháp nhân thương mại.

4. Năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Bộ luật hình sự không quy định những nội dung liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như quy định đối với cá nhân. Để tham gia quan hệ pháp luật dân sự, pháp nhân cần phải có năng lực pháp luật dân sự. Như vậy, để tham gia vào bất kỳ một quan hệ pháp luật nào, pháp nhân thương mại cũng phải có năng lực pháp luật. Do các ngành luật cụ thể không quy định về năng lực pháp luật của pháp nhân nên có thể dựa vào quy định về năng lực pháp luật dân sự để hiểu về năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Nói cách khác, có thể hiểu năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại có được từ khi nó có năng lực pháp luật dân sự. Theo Điều 86 Bộ luật dân sự hiện hành, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Phân tích chủ thể của tội phạm theo luật hình sự Việt Nam hiện hành.

2. Phân tích dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự của chủ thể của tội phạm.

3. Chủ thể đặc biệt của tội phạm là gì?

4. Hiểu thế nào về nhân thân người phạm tội?

5. Phân tích chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2017.

2.   Lê Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2005, tr. 358-359.

3.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

4. Vũ Hoài Nam, Tìm hiểu học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong khoa học luật hình sự, http://moj.gov.vn/mobile/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6039.

5.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

6.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

7. Triết học Mác - Lênin: Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1983.

8.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

9.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr.423.

[2]. Levy Bruth: “La responsabilité dans les sociétés primitive” dans I’ourage collecttif édité par, J. Léauté “La responsabilité pénale”, Paris, Dalloz, 1961, tr.40.

[3]. Tất cả các nhà nghiên cứu luật hình sự trong nước đều tách hai điều kiện cơ bản của chủ thể của tội phạm là: NLTNHS và tuổi chịu TNHS. Điều này là đương nhiên vì Bộ luật hình sự hiện hành cũng quy định hai nội dung này tại hai điều luật khác nhau. Theo quan điểm tác giả, NLTNHS phải bao gồm cả tuổi chịu TNHS (TG).

[4] Lê Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2005, tr. 358-359.

[5]. Triết học Mác - Lênin: Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1983, tr.75.

[6] Vũ Hoài Nam, Tìm hiểu học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong khoa học luật hình sự, http://moj.gov.vn/mobile/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6039 [Truy cập ngày 15/10/2017]

 

[7] Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.108.

[8] Nguyễn Ngọc Điện (2004), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (Tập 1), Đại học Cần Thơ, Cần Thơ, tr.83.

[9] Phan Huy Hồng, Lê Nết (2006), Trách nhiệm tài sản của pháp nhân: hữu hạn hay vô hạn, Tạp chí khoa học pháp lý số 7/2006.

[10] Bùi Thị Thanh Hằng (2002), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 99.

[11] Điều 77 Bộ luật dân sự năm 2015.

[12] Điều 93 Bộ luật dân sự năm 2015.

[13] Đinh Văn Thanh, Phạm Văn Tuyết  (2005), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Nxb Tư Pháp, Hà Nội, tr.194.

[14] Phan Hữu Thư (2007), Giáo trình Luật Dân sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.105.

[15] Phan Hữu Thư (2007), Giáo trình Luật dân sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr 104-105.

[16] Trong Luật Doanh nghiệp 2014, tại khoản 1(b) Điều 172 quy định “thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”. Tại khoản 2 của Điều này quy định “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân”.

[17] Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó”.

[18] Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo Luật kinh tế, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.250.

[19] Bùi Thị Thanh Hằng (2002), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.111.

[20] Đồng Ngọc Ba (2003), Quan niệm về Doanh nghiệp – Một số vấn đề phương pháp luận, Tạp chí Luật học số 2/2003.

[21] Cao Đình Lanh (2009), Một vài ý kiến về quyền được thông tin của cổ đông trong công ty cổ phần, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 6/2009.

[22] Điều 13, Luật doanh nghiệp năm 2014.

 

BÀI 9

MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM

1. Cơ sở lý luận về mặt chủ quan của tội phạm

Hành vi của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa những biểu hiện cụ thể bên ngoài thế giới khách quan và những nội dung tâm lý bên trong (ý chí) của chủ thể thực hiện hành vi chi phối hành vi đó. Tội phạm được biểu hiện bởi hành vi, do đó nó cũng là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội luôn gắn liền với các biểu hiện bên ngoài của tội phạm. Hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ được coi là tội phạm, nếu hành vi đó được thực hiện trong một thái độ tâm lý nhất định của con người đối với hành vi đó và hậu quả do hành vi đó gây ra hay đối với khả năng phát sinh hậu quả từ hành vi đó. Chính vì vậy, thiếu mặt chủ quan, hành vi sẽ không cấu thành tội phạm.

Pháp luật từ xưa đến nay, bao giờ cũng quan tâm đến yếu tố chủ quan của hành vi vi phạm. Hành vi vi phạm pháp luật dù được thể hiện, gây ra thiệt hại nhưng không có sự thống nhất với mặt chủ quan của người gây thiệt hại sẽ không bị bắt gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Ta đã biết rằng, học phái cổ điển rất chú trọng đến sự tự do của con người khi phạm tội và lấy nó làm căn bản cho sự trừng phạt. Cả học phái thực luận cũng quan tâm đến yếu tố tinh thần, vì yếu tố này biểu lộ tính cách nguy hiểm của can phạm đối với xã hội. Nghĩa là, từ giai đoạn sơ khởi, các nhà làm luật đã có sự quan tâm đến yếu tố chủ quan trong việc thực hiện hành vi phạm tội.

Con người tồn tại trong thế giới bị chi phối bởi những quy luật khách quan và hoạt động của con người bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Tất cả những động cơ thúc đẩy con người hành động không phải bộc phát một cách ngẫu nhiên trong ý thức của con người mà được hình thành một cách có quy luật. Đó là kết quả giao tiếp của người đó với người khác, sự phát triển tâm lý trước đây, sự phản ánh những sự vật, hiện tượng tác động trực tiếp đến người ấy. Thông qua hoạt động tâm lý, con người hoạt động có ý thức, từ đó quyết định sự hình thành và phát triển xã hội[1].

Xử sự của con người có tính quy luật nhưng không phải mang tính tuyệt đối. Khi sống trong cùng một xã hội, cùng một điều kiện nhưng có người vi phạm các chuẩn mực xã hội, có người thực hiện tốt các trách nhiệm của một thành viên trong xã hội, có người phạm tội, có người không phạm tội, có người phạm tội một lần, có người phạm tội nhiều lần... Chủ nghĩa Mác - Lênin công nhận tính quy luật của xử sự con người nhưng cũng công nhận sự tự do ý chí của con người. Hoạt động của con người bị chi phối bởi các quy luật khách quan nhưng nhờ hoạt động ý thức, con người đã nhận thức và vận dụng các quy luật đó vào việc thực hiện các mục đích của mình. Đó chính là sự tự do ý chí. Tuy nhiên, tự do trong ý chí của con người không phải là sự suy nghĩ tuyệt đối độc lập, mà nó bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên, tự do ý chí là năng lực quyết định của một người khi nhận thức được nó. Hêghen nói: “Tự do là nhận thức được cái tất yếu, tất yếu sẽ mù quáng khi con người chưa nhận thức được nó[2]. Tất cả những gì tác động đến con người, thúc đẩy hành vi đều phải thông qua bộ óc của con người. Hoạt động của con người không phải là kết quả tác động trực tiếp của các điều kiện lịch sử mà chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tâm lý bên trong con người. Con người có sự tự do của mình, nghĩa là có quyền lựa chọn một xử sự phù hợp với các quy luật, đó là sự tự do thực sự. Ngược lại, con người sẽ tự tước bỏ sự tự do của mình khi xử sự không phù hợp với quy luật. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin thì chỉ có sự tự do tương đối trong khuôn khổ các điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể và phụ thuộc vào bản chất của chế độ xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân trong xã hội dựa trên cơ sở sự tự do của mình phải đáp ứng những đòi hỏi có tính quy luật của xã hội là pháp luật và đạo đức xã hội. Đó là vấn đề trách nhiệm của cá nhân trong xã hội, phù hợp với sự tự do của cá nhân nhằm bảo đảm tôn trọng sự tự do của cá nhân khác.

Tóm lại, con người có khả năng nhận thức và vận dụng tốt các quy luật của xã hội để giành lấy tự do cá nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng làm như vậy. Đôi lúc, họ vẫn nhận thức được các quy luật đó, nhưng không phải họ vận dụng nó để thực hiện hành vi một cách phù hợp với tự do của người khác mà ngược lại, họ hành động sai với quy luật. Đó là ý chí của cá nhân muốn tự tước bỏ tự do của người khác và hậu quả cũng tự tước bỏ sự tự do của mình. Pháp luật buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó của họ là phù hợp.

2. Mặt chủ quan của tội phạm theo luật hình sự Việt Nam

Tội phạm là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Vì vậy, luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào những biểu hiện của hành vi nguy hiểm cho xã hội, không kể hành vi đó bắt nguồn từ đâu, diễn biến tâm lý của người thực hiện hành vi ra sao. Hoạt động định tội phải là sự kết hợp giữa mặt khách quan và chủ quan, giữa hành vi biểu hiện và thái độ bên trong của người thực hiện hành vi. Mặt chủ quan của tội phạm biểu hiện thông qua ba yếu tố: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Mỗi yếu tố có ý nghĩa khác nhau trong việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội:

- Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó.

- Mục đích phạm tội là kết quả cuối cùng mà người phạm tội muốn đạt được khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nó xác định khuynh hướng ý chí và khuynh hướng hành động của người phạm tội.

- Động cơ phạm tội là động lực thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.

Bộ luật hình sự 2015 thừa nhận thêm pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm. Bởi vì pháp nhân là một tổ chức, không phải là con người cụ thể, không có nhận thức và ý chí nên mặt chủ quan của tội phạm được xác định là của người đại diện pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội.

      3. Ý nghĩa mặt chủ quan của tội phạm

Với tư cách là một bộ phận của cấu thành tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm giúp phân biệt hành vi phạm tội với hành vi không phải là tội phạm. Chẳng hạn, một hành vi gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng người thực hiện hành vi không có lỗi thì hành vi đó không bị xem là tội phạm; hoặc một người không có mục đích, động cơ trong việc thực hiện một hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là phải có mục đích, động cơ nào đó thì không bị xem là phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm cũng là dấu hiệu để phân biệt các cấu thành tội phạm có mặt khách quan giống nhau. Chẳng hạn, nếu một người làm chết người khác một cách cố ý là cấu thành tội phạm của tội giết người (Điều 123), nếu là vô ý thì có thể là tội vô ý làm chết người (Điều 128), cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), hoặc một số tội phạm khác tuỳ theo biểu hiện cụ thể.

Nội dung của mặt chủ quan, ở mức độ nào đó giúp xác định tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự và hình phạt của người phạm tội.

II. NỘI DUNG MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI PHẠM

1. Lỗi

a) Khái niệm về lỗi:

Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Trong luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc lỗi là nguyên tắc cơ bản. Một người phải chịu trách nhiệm hình sự không chỉ đơn thuần vì họ có hành vi khách quan đã gây ra thiệt hại cho xã hội, mà còn vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi khách quan đó. Một người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn hoặc quyết định một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Sơ đồ biểu hiện người gây thiệt hại có lỗi

 

 
 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việc thừa nhận nguyên tắc lỗi trong luật hình sự Việt Nam chính là sự thừa nhận và tôn trọng tự do ý chí của con người. Đó là cơ sở bảo đảm cho trách nhiệm hình sự được khách quan và thực hiện được mục đích của việc truy cứu trách nhiệm này. Bởi vì, chỉ có thể đạt được mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới nếu việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội trên cơ sở lỗi của họ trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Lỗi trong luật hình sự trước hết được hiểu là quan hệ giữa cá nhân người phạm tội với xã hội, thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của luật hình sự. Lỗi bao giờ cũng đi với hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định, không có lỗi độc lập với hành vi nguy hiểm. Lỗi trong luật hình sự là lỗi cá nhân cụ thể của người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tức là chủ quan người phạm tội tự lựa chọn và quyết định thực hiện một xử sự khách quan gây thiệt hại cho xã hội và trái pháp luật hình sự. Trong trường hợp này, chủ thể có nhiều khả năng để xử sự, khả năng xử sự gây thiệt hại hoặc khả năng xử sự phù hợp với lợi ích xã hội. Những khả năng này, chủ thể đều có khả năng lựa chọn và quyết định thực hiện nhưng chủ thể đã lựa chọn xử sự gây thiệt hại cho xã hội.

Như vậy, theo luật hình sự, một hành vi bị xem là có tính có lỗi (tức là người thực hiện hành vi bị xem là có lỗi) khi có đủ hai điều kiện:

+ Hành vi trái pháp luật hình sự;

+ Hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của người thực hiện hành vi trong khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái pháp luật hình sự.

Ví dụ, A chở B (say rượu) bằng xe gắn máy và trên đường đã để B rớt xuống đường gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Hành vi của A là trái pháp luật hình sự (Điều 260 Bộ luật hình sự). Đây cũng là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của A trong khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái với pháp luật hình sự (không chở B khi B đang say rượu). Vì vậy, trong hành vi gây ra hậu quả này, A có lỗi.

Lỗi là một phạm trù xã hội, bởi vì, lỗi thể hiện thái độ của người phạm tội đối với các giá trị quan trọng nhất của xã hội. Quan hệ giữa cá nhân người phạm tội và xã hội là nội dung của lỗi, luôn được thể hiện và tồn tại như một quan hệ tâm lý nhất định của chủ thể với hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Nội dung tâm lý ở đây bao gồm yếu tố lý trí và yếu tố ý chí, hai yếu tố cần thiết để tạo nên lỗi. Hai yếu tố này vừa thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan vừa thể hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại khách quan. Trong trường hợp xử sự gây thiệt hại bị coi là có lỗi thì quá trình lý trí và ý chí phải có những đặc điểm nhất định phản ánh được rằng, xử sự đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi chủ thể có đủ điều kiện để lựa chọn một xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Bản chất của quá trình ý chí trong việc thực hiện các tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp thể hiện ở định hướng có ý thức của các hành động nhằm đạt được mục đích đã đặt ra. Trong việc thực hiện các tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp hoặc vô ý, quá trình ý chí thể hiện ở sự không thận trọng, lơ là biểu hiện trong hành vi của con người xảy ra trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Đặc trưng của các loại lỗi thể hiện ở chỗ chủ thể không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa các hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, dù có khả năng và điều kiện để làm điều đó.

Ngoài ra, trong hoạt động tâm lý của người phạm tội còn bao gồm cả yếu tố tình cảm. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội có thể ở trong trạng thái vui, buồn, giận, lo lắng, sợ... Tuy nhiên, tình cảm không là yếu tố quyết định trong việc xác định nội dung và hình thức lỗi nên nó không là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm.

b) Điều kiện để xác định tính có lỗi của tội phạm:

Xác định tính có lỗi của tội phạm đồng nghĩa với việc xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó. Dựa trên sự phân tích các yếu tố cấu thành lỗi, điều kiện để một người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội có lỗi, phù hợp với quy định của pháp luật hình sự hiện hành, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị xem là có lỗi khi họ có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi đó. Điều đó có nghĩa là, khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, họ phải thoả mãn hai điều kiện:

+ Không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;

+ Đạt độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành.

c) Các hình thức lỗi:

Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Sự khác nhau đó xuất phát từ nhiều cơ sở, có thể là nguyên nhân, điều kiện phát sinh phạm tội, tính chất của khách thể bị xâm hại, tính nguy hiểm của hành vi phạm tội... Trong đó, phải kể đến một yếu tố hết sức quan trọng là yếu tố chủ quan. Nó là cơ sở làm tiền đề cho việc triển khai và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, bảo đảm áp dụng hình phạt đạt hiệu quả.

Nội dung cơ bản của lỗi được hợp thành bởi hai yếu tố cơ bản là: lý trí và ý chí. Sự kết hợp khác nhau giữa ý thức và ý chí tạo nên các hình thức khác nhau của lỗi. Một người phạm tội với lỗi cố ý thể hiện sự chống đối xã hội cao hơn trường hợp lỗi vô ý và do đó hình phạt áp dụng đối với họ sẽ nghiêm khắc hơn. Không thể buộc hai người cùng phạm một loại tội nhưng với lỗi khác nhau phải chịu chung một hình phạt. Điều này sẽ rất bất công và không thể đạt mục đích của hình phạt. Muốn có được sự đúng đắn trong hoạt động này, trước tiên ta phải phân loại lỗi.

Để phân loại lỗi, chúng ta cần xác định một tiêu chí thống nhất cho việc phân loại. Thực ra, để phân loại một sự vật, hiện tượng, chúng ta có rất nhiều tiêu chí nhưng chúng ta cần xác định một tiêu chí phổ biến nhất nhằm đạt mục đích của sự phân loại. Theo cách phân chia lỗi của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, các nhà làm luật đã dựa vào tiêu chí là mối liên hệ giữa lý trí và ý chí (khả năng nhận thức của người đó đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và ý chí của họ đối với hậu quả do hành vi đó gây ra). Đây là tiêu chí đúng đắn bởi nó xuất phát từ nội dung cơ bản của lỗi.

Trên cơ sở đó, lỗi được chia thành bốn loại:

c1) Lỗi cố ý trực tiếp (khoản 1 Điều 10 Bộ luật hình sự):

Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Như vậy, về lý trí, đối với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ, đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như thấy trước hậu quả sẽ xảy ra nếu thực hiện hành vi đó. Đó là sự nhận thức các tình tiết khách quan, tạo nên tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Việc thấy hậu quả là sự dự kiến của người phạm tội về sự phát triển của hành vi. Đối với các tội phạm có CTTP vật chất, hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc. Vì vậy, sự dự kiến này có thể là dự kiến hậu quả tất nhiên sẽ xảy ra. Trong trường hợp các tội phạm có CTTP hình thức thì vấn đề thấy trước hay không thấy trước hậu quả không được đặt ra. Nếu hậu quả là tình tiết định khung trong CTTP tăng nặng thì việc khẳng định người phạm tội phạm lỗi cố ý trực tiếp cũng phải đòi hỏi người phạm tội thấy trước được hậu quả.

Về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh. Hậu quả được thấy hoàn toàn phù hợp với mục đích và sự mong muốn ban đầu của người phạm tội. Ở các tội phạm có CTTP vật chất thì việc kiểm tra ý chí của người phạm tội đối với hậu quả đã thấy trước là cần thiết để xác định người đó phạm lỗi cố ý trực tiếp. Ở các tội phạm có CTTP hình thức thì hậu quả nguy hiểm cho xã hội không là dấu hiệu bắt buộc, nên việc xác định ý chí đối với hậu quả là không cần thiết. Muốn xác định người đó phạm lỗi cố ý trực tiếp, chỉ cần xác định người đó đã nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó. Nếu hậu quả của tội phạm là tình tiết định khung trong cấu thành tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng thì việc xác định lỗi cố ý trực tiếp cũng cần xác định ý chí đối với hậu quả đã thấy trước.

Sơ đồ lỗi cố ý trực tiếp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

c2) Lỗi cố ý gián tiếp (khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự):

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Về lý trí, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp cũng ý thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra. Việc xảy ra hậu quả không có ý nghĩa gì. Hậu quả xảy ra hay không người phạm tội vẫn chấp nhận. Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả đã được thấy trước, do hành vi mình gây ra có thể xảy ra. Khi thực hiện hành vi, người phạm tội nhằm vào một mục đích khác và chấp nhận cả những hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi mình gây ra có thể xảy ra để đạt mục đích mà mình đã đặt ra. Xét sâu hơn về phương diện lý trí, người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp chỉ tồn tại trường hợp nhận thức được hậu quả có thể xảy ra. Nếu người phạm tội nhận thức được hậu quả tất yếu sẽ xảy ra thì không thể có ý chí để mặc cho hậu quả xảy ra (như lỗi cố ý trực tiếp). Như vậy, nếu trong khi thực hiện hành vi, người phạm tội dù không mong muốn hậu quả xảy ra do hành vi của mình nhưng khi đó trong ý thức nhận thấy rằng hậu quả tất yếu xảy ra thì đó là trường hợp lỗi cố ý trực tiếp. Dựa vào nhận thức của can phạm là thấy trước hậu quả “tất yếu” xảy ra so với khả năng “có thể” xảy ra mà tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp sẽ nguy hiểm hơn tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp.

Sơ đồ lỗi cố ý gián tiếp

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngoài ra, trong lý luận luật hình sự, một số nhà nghiên cứu còn có cách phân loại lỗi cố ý khác như: cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất, cố ý xác định và cố ý không xác định. Nếu giữa việc xuất hiện ý định phạm tội và việc thực hiện ý định đó trong thực tế có một khoảng thời gian nhất định thì đó là cố ý có dự mưu. Trong khoảng thời gian đó, người phạm tội củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm, lựa chọn phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm, xây dựng kế hoạch thực hiện tội phạm... Đối với cố ý đột xuất, chủ thể thực hiện ý định phạm tội của mình ngay tức khắc hoặc sau một khoảng thời gian không đáng kể, sau khi nảy sinh ý định phạm tội. Cố ý xác định có điểm đặc trưng là người phạm tội có sự hiểu biết về lượng và chất của thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra. Ngược lại, cố ý không xác định khi người phạm tội không có một hiểu biết mang tính cá thể, mà chỉ có quan niệm khái quát về các thuộc tính khách quan của hành vi. Ví dụ, khi dùng chân đá vào bụng người khác, người thực hiện hành vi nhận thức được có thể bằng hành vi của mình sẽ gây thương tích cho người khác nhưng không nhận thức được mức độ tổn hại.

c3) Lỗi vô ý vì quá tự tin (khoản 1 Điều 11 Bộ luật hình sự):

Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.

Về lý trí, người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, nhận thức được hậu quả từ hành vi của mình có thể xảy ra, tuy nhiên, họ tin rằng hậu quả nguy hiểm đó sẽ không xảy ra tương ứng với hành vi họ thực hiện (theo nhận thức của họ). Thực tế, hành vi mà họ thực hiện nguy hiểm hơn nhiều so với sự nhận thức của họ về hành vi của chính mình. Ở điểm này, chúng ta dễ dàng thấy được sự khác nhau giữa lỗi vô ý vì quá tự tin với lỗi cố ý gián tiếp. Mặc dù cả hai đều là trường hợp người phạm tội thấy trước được hậu quả có thể xảy ra nhưng ở lỗi vô ý vì quá tự tin, người phạm tội tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra. Điều đó có nghĩa là, sự nhận thức của người phạm tội trong trường hợp vô ý vì quá tự tin không đầy đủ về sự phát sinh hậu quả đó. So với lỗi cố ý gián tiếp, quá trình lý trí ở lỗi vô ý vì quá tự tin có phần giống vì cả hai đều nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng khác nhau ở chỗ là, lỗi vô ý vì quá tự tin quá trình nhận thức các tình tiết khách quan chưa đầy đủ nên đã cho rằng hậu quả không xảy ra. Về phương diện ý chí, người phạm tội không mong muốn hành vi của mình gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Sự không mong muốn hậu quả xảy ra thể hiện ở chỗ người phạm tội loại trừ khả năng xảy ra hậu quả dựa trên cơ sở sự tự tin vào những điều kiện khách quan và chủ quan nhất định. Những cơ sở đó, theo ý thức chủ quan của người phạm tội là có cơ sở nhưng thực tế là những cơ sở không vững chắc. Ví dụ, một bác sĩ biết thuốc đã quá hạn sử dụng có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn tin vào kinh nghiệm của mình, rằng dù thuốc quá hạn nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân, do đó, bác sĩ đã phát thuốc cho bệnh nhân và bệnh nhân đã bị ngộ độc. Xét ở phương diện ý chí, trường hợp lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi cố ý gián tiếp có sự khác nhau. Ở lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội tuy không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức để mặc cho nó xảy ra và chấp nhận hậu quả đó. Ở lỗi vô ý vì quá tự tin, người phạm tội đã loại trừ khả năng hậu quả sẽ xảy ra nên đã thực hiện hành vi, nếu họ ý thức được hậu quả thực tế có thể xảy ra thì họ không thực hiện hành vi. Đó là yếu tố khiến lỗi cố ý gián tiếp có tính nguy hiểm cao hơn lỗi vô ý vì quá tự tin.

Sơ đồ lỗi vô ý vì quá tự tin

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

c4) Lỗi vô ý do cẩu thả (khoản 2 Điều 11 Bộ luật hình sự):

Lỗi vô ý do cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả đó mặc dù điều kiện khách quan buộc họ phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Đây là trường hợp mà người phạm tội không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Có thể xảy ra hai trường hợp người phạm tội không nhận thức trước được hậu quả. Trường hợp thứ nhất, người phạm tội không nhận thức được mặt thực tế của hành vi của mình và cũng không nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra. Ví dụ, thủ kho đưa nhầm chìa khoá và dẫn đến kho bị mất trộm. Trường hợp thứ hai, người phạm tội tuy thấy được mặt thực tế của hành vi nhưng không ý thức được hậu quả sẽ phát sinh từ hành vi. Chẳng hạn, một người ném cục đá to ra cửa sổ khi đường vắng nhưng không may có người đi nên bị trúng.

Dấu hiệu kế tiếp để xác định lỗi vô ý do cẩu thả là người phạm tội bị buộc phải thấy và có thể thấy trước được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó. Điều này có nghĩa là, người phạm tội có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả đó. Hay nói đúng hơn, trong những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể, bất kỳ một người bình thường nào cũng có thể thấy trước được hậu quả mà người phạm tội đã không thấy được.

Tóm lại, có hai dấu hiệu để xác định lỗi vô ý do cẩu thả là:

- Người phạm tội không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình;

- Người phạm tội phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Như vậy, điểm khác cơ bản giữa lỗi vô ý do cẩu thả với các lỗi khác là ở chỗ người phạm tội không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình. Vì vậy, lỗi vô ý do cẩu thả có tính nguy hiểm thấp nhất trong tất cả các loại lỗi hình sự khác.

Sơ đồ lỗi vô ý do cẩu thả

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d) Trường hợp hỗn hợp lỗi:

Trường hợp hỗn hợp lỗi là trường hợp trong cùng một cấu thành tội phạm có hai loại lỗi (cố ý và vô ý) đối với những tình tiết khách quan khác nhau.

Lỗi là biểu hiện của mặt chủ quan, lỗi luôn là lỗi của tất cả các tình tiết khách quan được phản ánh trong cấu thành tội phạm cơ bản. Không có những lỗi khác nhau đối với cùng các tình tiết khách quan được mô tả trong một cấu thành tội phạm cơ bản. Không thể nào có trường hợp cố ý đối với hành vi mà vô ý đối với hậu quả, bởi vì trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc do cẩu thả. Ngược lại, cũng không thể có trường hợp vô ý đối với hành vi mà cố ý đối với hậu quả vì khi thực hiện hành vi với lỗi vô ý, người phạm tội không thể nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì làm sao có thể hình dung được khả năng gây ra nguy hiểm và thấy được tính nguy hiểm xảy ra cho xã hội.

Cấu thành tội phạm cơ bản chỉ có lỗi cố ý hoặc vô ý. Hỗn hợp lỗi chỉ xảy ra trong trường hợp có cấu thành tội phạm tăng nặng của các tội phạm cố ý với tình tiết định khung tăng nặng là hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, khoản 4 Điều 134 về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Hậu quả “chết người” là tình tiết định khung tăng nặng, hậu quả này do lỗi vô ý của người phạm tội, và hành vi gây thương tích (tình tiết khách quan quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản) được thực hiện với lỗi cố ý.

Cần phân biệt “hỗn hợp lỗi” với “lỗi hỗn hợp”. Lỗi hỗn hợp là trường hợp có hành vi gây thiệt hại nhưng đó là kết quả của nhiều bên có lỗi, có thể có lỗi của người phạm tội, người bị hại hoặc của những người thứ ba. Chẳng hạn, tai nạn giao thông xảy ra, có thể do lỗi của người lái xe, người bị hại bất cẩn, hoặc có một người nào đó gây ra chướng ngại.

2. Động cơ phạm tội

Động cơ phạm tội được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội (có thể hiểu là nguyên nhân tinh thần của tội phạm). Ví dụ, người phạm tội trộm cắp tài sản có thể do động cơ nghèo, thù ghét người bị hại hoặc để chia cho người nghèo khác...

Cần phân biệt khái niệm động cơ phạm tội và động cơ xử sự hành vi. Hành vi của con người trong trạng thái bình thường nói chung đều được thực hiện do sự thúc đẩy của một hoặc một số động cơ nhất định. Không những trong trường hợp phạm tội do cố ý mà cả trong trường hợp phạm tội vô ý, người phạm tội cũng đều xuất phát từ những động cơ nhất định. Tuy nhiên, trong các tội phạm có lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp, chúng ta không thể đề cập động cơ phạm tội mà chỉ có động cơ xử sự hành vi. Bởi vì, những trường hợp này, người phạm tội không có mong muốn thực hiện hành vi phạm tội hoặc không tin hành vi của mình trở thành hành vi phạm tội. Như vậy, động cơ phạm tội chỉ có thể xuất hiện trong mặt chủ quan của các tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, không phải mọi tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp, cấu thành tội phạm đều bắt buộc phải có động cơ phạm tội.

Động cơ phạm tội là một dấu hiệu của mặt chủ quan vì nó là nguyên nhân tinh thần của tội phạm. Nhìn chung, động cơ phạm tội trong một số trường hợp có ý nghĩa xác định tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, do đó, cũng là căn cứ để xác định hành vi phạm tội hay hành vi không phạm tội, phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Ngoài ra, nó có thể làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trong luật hình sự Việt Nam, động cơ phạm tội rất ít được phản ánh trong cấu thành tội phạm với ý nghĩa định tội. Ví dụ, tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu động cơ “vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc. Động cơ phạm tội có thể được phản ánh trong cấu thành tăng nặng hoặc giảm nhẹ là dấu hiệu định khung. Chẳng hạn, “động cơ đê hèn” là dấu hiệu định khung tăng nặng của tội giết người (Điều 123). Mặt khác, động cơ phạm tội cũng có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51, 52 Bộ luật hình sự.

3. Mục đích phạm tội

Mục đích phạm tội là điểm cuối cùng mà người phạm tội đặt ra cho hành vi phạm tội phải đạt tới (kết quả mà kẻ phạm tội mong muốn đạt được).

Mọi hành vi của một người bình thường đều nhằm vào mục đích nhất định. Tuy nhiên, mục đích phạm tội chỉ đặt ra đối với các tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp, vì trong trường hợp này, người phạm tội mới có sự mong muốn gây ra hậu quả nhằm đạt tới những mục đích phạm tội nhất định. Đối với các tội phạm trong những trường hợp khác, mục đích là mục đích của hành vi. Khi ấy, người phạm tội không mong muốn thực hiện hành vi phạm tội hoặc không tin rằng hành vi của mình trở thành hành vi phạm tội. Do đó, mục đích mà người phạm tội muốn đạt tới không phải là mục đích thực tế mà người phạm tội đã đạt được sau khi đã thực hiện hành vi.

Cần phân biệt mục đích phạm tội với hậu quả của tội phạm. Mục đích phạm tội hình thành trước khi người đó bắt đầu thực hiện tội phạm. Hậu quả của tội phạm là một hiện tượng khách quan có quan hệ với mục đích phạm tội. Nó là kết quả thực tế mà người phạm tội đạt được sau khi đã thực hiện hành vi. Hậu quả đạt được ở mức độ nào so với mục đích đặt ra là tuỳ thuộc vào khả năng chủ quan của người phạm tội và những điều kiện khách quan khác. Có tội phạm, hậu quả xảy ra thể hiện đầy đủ mục đích phạm tội nhưng có những tội phạm hậu quả chỉ thể hiện một phần mục đích phạm tội.

Trong luật hình sự, mục đích phạm tội không được thể hiện trong cấu thành tội phạm ở tất cả các tội phạm. Tuy nhiên, ở một số tội phạm, dấu hiệu mục đích là bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Ví dụ, các tội xâm phạm an ninh quốc gia bắt buộc phải có mục đích “chống chính quyền nhân dân”. Khi đó, để chứng minh tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, chúng ta cần chứng minh khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội phải có mục đích đó.

III. SAI LẦM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA SAI LẦM ĐỐI VỚI TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Sai lầm là quan niệm (nhận thức) không đúng đắn của một người về hiện tượng khách quan nào đó. Sai lầm trong luật hình sự được hiểu là quan niệm không đúng đắn của con người về tính chất pháp lý và về những tình tiết thực tế khác của hành vi mà người đó đã thực hiện. Trong Bộ luật hình sự hiện hành, vấn đề sai lầm không được đặt ra. Dựa trên thực tiễn xét xử, các nhà lý luận đã khái quát vấn đề này trong các giáo trình luật hình sự. Có hai dạng sai lầm, đó là, sai lầm về pháp luật và sai lầm về sự việc.

1. Sai lầm về pháp luật

Sai lầm về pháp luật là sự hiểu lầm của một người về tính chất pháp lý của hành vi của mình. Sự sai lầm này có thể xảy ra trong hai trường hợp sau:

- Người có hành vi hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội nhưng thực tế luật hình sự không quy định hành vi đó là tội phạm. Trường hợp này người thực hiện hành vi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Người có hành vi cho rằng, hành vi của mình không phải là tội phạm nhưng thực tế luật hình sự lại có quy định hành vi đó là tội phạm. Trường hợp này, người có hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự nếu họ nhận thức được và có nghĩa vụ phải nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

2. Sai lầm về sự việc

Sai lầm về sự việc là sự hiểu lầm của một người về những tình tiết thực tế của hành vi của mình. Có một số dạng sai lầm về sự việc sau đây:

- Sai lầm về khách thể: là sai lầm liên quan đến mặt khách thể của tội phạm:

+ Người phạm tội có hành vi nhằm xâm hại đến khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã không xâm hại được vì đã có hành vi tác động sai vào đối tượng tác động không thuộc khách thể đó. Ví dụ, định giết người nhưng thực tế không giết được vì đã đâm vào một đối tượng không phải là người. Trường hợp này, dựa vào ý chí chủ quan của người phạm tội (mục đích, ý định phạm tội...), can phạm có thể bị xử lý về tội phạm mà họ đã dự tính ở giai đoạn chưa đạt.

+ Người có hành vi phạm tội nhằm xâm hại đến khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã không xâm hại được khách thể đó mà xâm hại đến một khách thể khác. Theo thuyết chủ quan, dựa vào khách thể mà can phạm định xâm hại để xét xử. Ví dụ, A cướp giật tài sản trong tay B (A nghĩ rằng tài sản hiện tại là của B), không may tài sản B đang giữ là của cơ quan B. A sẽ bị xử lý về tội cướp giật tài sản (của công dân chứ không phải tài sản của Nhà nước - tình tiết tăng nặng).

+ Người có hành vi phạm tội không định xâm hại đến khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng thực tế đã xâm hại do tác động nhằm vào đối tượng thuộc khách thể được luật hình sự bảo vệ. Trường hợp này, người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm với lỗi vô ý. Chẳng hạn, một người giăng điện bắt chuột, có cảnh báo người qua lại nhưng có người vào và bị điện giật chết.

- Sai lầm về đối tượng: là sai lầm của một người về đối tượng tác động khi thực hiện tội phạm:

Sai lầm về đối tượng khác với sai lầm về khách thể. Trong sự sai lầm về khách thể, chủ thể cũng có sự sai lầm về đối tượng nhưng ngược lại thì không, sai lầm về đối tượng không có trường hợp sai lầm về khách thể. Ví dụ, định trộm tiền nhưng thực tế đã trộm được vàng. Sai lầm về đối tượng không ảnh hưởng gì đến trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Có điều, đối tượng mà người phạm tội bị xác định là đối tượng mà người phạm tội dự kiến ban đầu.

- Sai lầm về quan hệ nhân quả: là trường hợp người phạm tội có sự nhầm lẫn trong việc đánh giá sự phát triển của hành vi mà mình đã thực hiện: Chẳng hạn, A định gây thương tích cho B nhưng đã làm cho B chết. Trường hợp này, A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi với lỗi cố ý và vô ý đối với hậu quả.

- Sai lầm về công cụ, phương tiện: là trường hợp người phạm tội muốn xâm hại đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ nhưng không thực hiện được vì sử dụng nhầm công cụ, phương tiện. Ví dụ, dùng lựu đạn giết người nhưng nhầm lựu đạn “lép” nên không giết được ai cả. Họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm định thực hiện ở giai đoạn chưa đạt.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu cơ sở lý luận của mặt chủ quan của tội phạm.

2. Mặt chủ quan của tội phạm và ý nghĩa của nó trong luật hình sự Việt Nam như thế nào?

3. Phân tích nội dung mặt chủ quan của tội phạm.

4. Phân tích sai lầm và trách nhiệm hình sự.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016.

2.  Ph. Ăngghen: Chống Đuyrinh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971.

3. Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm và Cấu thành tội phạm, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.

4.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

5.   Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

6.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

7. Triết học Mác - Lênin: Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Sách giáo khoa Mác - Lênin, Hà Nội, 1983.

8.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

9.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.190.

[2]. Ph. Ăngghen: Chống Đuyrinh, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.195.

 

BÀI 10

CÁC GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN TỘI PHẠM

I. KHÁI NIỆM

Hoạt động phạm tội cũng như bất kỳ hoạt động nào khác của con người trong xã hội, nó diễn ra theo một quá trình và trong một khoảng thời gian dài, ngắn nhất định. Người cố ý thực hiện tội phạm bao giờ cũng mong muốn thực hiện trọn vẹn quá trình đó để đạt được kết quả mong muốn. Nhưng trong thực tế có những trường hợp vì nguyên nhân ngoài ý muốn, người phạm tội đã không thực hiện được toàn bộ quá trình đó mà phải dừng lại ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những hành vi này không nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, với mục đích phòng ngừa tội phạm trong việc xử lý hình sự, pháp luật hình sự đã đặt ra trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp này. Do đó, để đánh giá mức độ thực hiện tội phạm và qua đó có cơ sở để xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của người phạm tội, luật hình sự Việt Nam phân biệt ba mức độ thực hiện tội phạm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 14, Điều 15 Bộ luật hình sự) và tội phạm hoàn thành.

Về bản chất, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Đối với những tội có lỗi cố ý gián tiếp hay vô ý chỉ có thể có tội phạm hoàn thành vì những trường hợp đó, người phạm tội không mong muốn tội phạm xảy ra, nên không thể quy định có việc “chuẩn bị” hay “chưa đạt” để buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về điều chưa xảy ra và họ cũng không mong muốn nó xảy ra.

Đối với các tội phạm có lỗi vô ý hoặc các tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội thực hiện các hành vi của mình nhằm vào các mục đích khác chứ không phải mục đích của tội phạm. Do đó, khi họ chuẩn bị hoặc thực hiện các hành vi của mình thì đó không phải là các hành vi hướng tới việc thực hiện tội phạm. Chỉ khi có hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các hành vi đó xảy ra, tội phạm mới bị coi là hoàn thành. Xét ở góc độ chủ quan, khi hậu quả chưa xảy ra, người thực hiện hành vi không ý thức được là mình đang thực hiện tội phạm. Vì vậy, không thể đặt ra trách nhiệm hình sự đối với họ. Chẳng hạn, một người đang điều khiển xe gắn máy trên đường, dù có vi phạm nhưng chưa gây tai nạn, chúng ta không thể xem là họ phạm tội chưa đạt.

Đối với tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, nhận thức được hậu quả từ hành vi đó sẽ xảy ra và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Vì vậy, khi họ bắt tay thực hiện một hành vi nào đó có liên quan đến tội phạm, họ ý thức được rằng mình đang hướng đến việc thực hiện tội phạm đến cùng, nhằm đạt được những gì mình đặt ra khi phạm tội. Việc họ không thực hiện được tội phạm đến cùng không phải do họ mong muốn mà vì những trở lực khách quan ngăn cản họ. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ nhằm cải tạo, giáo dục họ từ bỏ ý định phạm tội khi họ có ý định “thua keo này, bày keo khác.

Như vậy, các giai đoạn thực hiện tội phạm là các bước trong quá trình cố ý (trực tiếp) thực hiện tội phạm bao gồm chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt còn được gọi là tội phạm chưa hoàn thành.

Luật hình sự Việt Nam chỉ coi là có hành vi phạm tội và đặt ra trách nhiệm hình sự khi một người đã bước vào giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Những gì xảy ra trước đó như hình thành ý định phạm tội, biểu lộ ý định phạm tội có thể là đối tượng nghiên cứu của luật hình sự chứ không thể là đối tượng của trách nhiệm hình sự.

Một tội phạm có thể phải dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt hoặc có thể đã hoàn thành. Theo luật hình sự Việt Nam, vấn đề trách nhiệm hình sự được đặt ra ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt tuy là những trường hợp chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì về mặt khách quan, người phạm tội đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, về mặt chủ quan, việc dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị hay chưa đạt là do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội, còn bản thân họ vẫn có ý chí là mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng. Như vậy, vấn đề trách nhiệm hình sự đặt ra đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là có cơ sở và cần thiết.

II. CHUẨN BỊ PHẠM TỘI

Điều 14 Bộ luật hình sự quy định: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

Thời điểm sớm nhất của giai đoạn phạm tội này là thời điểm người phạm tội bắt đầu có hành vi tạo ra những điều kiện vật chất hoặc tinh thần giúp cho việc thực hiện hành vi phạm tội có thể xảy ra và xảy ra được thuận lợi, dễ dàng hơn. Những suy nghĩ, tính toán của con người diễn ra trong đầu của họ không phải là chuẩn bị phạm tội dù đó là ý định phạm tội. Pháp luật hình sự Xôviết và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia cũng theo quan điểm này[1]. Thời điểm muộn nhất là thời điểm trước lúc người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được phản ánh trong cấu thành tội phạm. Đó là thời điểm giới hạn giữa chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.

Tóm lại, hành vi chuẩn bị phạm tội phải thể hiện được ba dấu hiệu:

- Người phạm tội có hành vi chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho việc thực hiện tội phạm;

- Hành vi chuẩn bị dừng lại trước khi người phạm tội bắt đầu thực hiện các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc hành vi đi liền trước các hành vi đó;

- Việc dừng lại ở giai đoạn này là do nguyên nhân khách quan.

Như vậy, tất cả các hành vi chuẩn bị phạm tội đều chưa trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể của loại tội định thực hiện. Nhưng với tính chất là hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, hành vi chuẩn bị phạm tội hợp thành một thể thống nhất với hành vi thực hiện tội phạm, là hành vi trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động và qua đó gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm được luật hình sự bảo vệ. Sự gây thiệt hại cho khách thể có thể xảy ra hay không xảy ra và xảy ra như thế nào, rõ ràng có sự phụ thuộc nhất định vào hành vi chuẩn bị phạm tội. Chính vì vậy, hành vi chuẩn bị cũng được coi là một giai đoạn của quá trình thực hiện tội phạm.

Trong thực tế, hành vi chuẩn bị phạm tội có thể thể hiện ở một số dạng như:

- Chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội;

- Chuẩn bị kế hoạch phạm tội;

- Thăm dò địa điểm phạm tội;

- Thăm dò, làm quen với nạn nhân hoặc người bị hại;

- Loại trừ trước những trở ngại khách quan cho việc phạm tội;

- Thành lập nhóm phạm tội;

- Tham gia nhóm phạm tội; v.v..

Trong những dạng chuẩn bị này, hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện là dạng phổ biến nhất, vì nói chung đó là điều kiện cần thiết cơ bản cho quá trình thực hiện tội phạm. Chính vì vậy, Điều 14 Bộ luật hình sự định nghĩa: chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm…Đối với việc thành lập hoặc tham gia nhóm phạm tội, điều luật loại trừ ba trường hợp bị coi là chuẩn bị phạm tội, đó là:

- Điều 109 - tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;

- Điểm a, khoản 2 Điều 113 - tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;

- Điểm a, khoản 2 Điều 299 - tội khủng bố.

Đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, dấu hiệu “thành lập  hoặc tham gia tổ chức phạm tội” là tình tiết định tội của tội này chứ không phải là sự “chuẩn bị phạm tội” nữa. Đối với hai tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và tội khủng bố, dấu hiệu “thành lập hoặc tham gia tổ chức phạm tội” cũng là cấu thành cơ bản (tội phạm hoàn thành) của các tội phạm này.

Theo luật hình sự Việt Nam, không phải hành vi chuẩn bị phạm tội nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người chuẩn bị phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 14):

a) Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 109 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 115 (tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội), Điều 116 (tội phá hoại chính sách đoàn kết), Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);

b) Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

c) Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);

d) Điều 207 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền).

Riêng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, khoản 3 Điều 14 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Để xác định mức độ trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội, ngoài những căn cứ chung phải xét các tình tiết sau:

- Tính chất và mức độ chuẩn bị;

- Những tình tiết khiến người phạm tội chưa thực hiện được tội phạm.

Chú ý, nếu hành vi chuẩn bị phạm tội đã cấu thành một tội độc lập khác thì người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó. Ví dụ, vì có ý định giết B nên A đã tìm kiếm súng quân dụng giữ trong nhà. Sau khi có súng, nhưng chưa kịp tiến hành việc giết B thì A đã bị bắt. Trong trường hợp này, hành vi tìm kiếm và tàng trữ vũ khí là hành vi chuẩn bị giết người nhưng bản thân hành vi này đã cấu thành tội độc lập khác là tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép (Điều 304 Bộ luật hình sự).

So với Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật hình sự 2015 có sự thay đổi rõ nét trong chế định này. Thứ nhất, Điều 14 Bộ luật hình sự 2015 bổ sung trường hợp “thành lập hoặc tham gia nhóm phạm tội” cũng bị xem là chuẩn bị phạm tội mà trong Bộ luật hình sự 1999 không có nêu. Dĩ nhiên, nếu phân tích Điều 17 Bộ luật hình sự 1999 cũng có thể rút ra được nội dung này thông qua cụm từ “tạo ra các điều kiện khác để thực hiện tội phạm”. Tuy nhiên, điều đó không chính xác như khi Bộ luật hình sự 2015 quy định hẳn nội dung này.

Thứ hai, Bộ luật hình sự 2015 liệt kê các tội phạm mà việc chuẩn bị phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là các tội phạm thuộc năm nhóm: xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Trong khi đó, Bộ luật hình sự 1999 quy định chung là việc chuẩn bị phạm tội các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, có thể thấy, Bộ luật hình sự 2015 ít nghiêm khắc hơn trong chính sách đối với người chuẩn bị phạm tội khi giới hạn nhóm tội mà việc chuẩn bị phạm nó phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, nếu theo Điều 17 Bộ luật hình sự 1999, người chuẩn bị phạm tội hiếp dâm từ khoản 2 Điều 111 trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, hành vi này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015.

Riêng đối với nhóm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Bộ luật hình sự 2015 còn ưu ái hơn khi quy định họ chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với việc chuẩn bị phạm một số tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ và sở hữu. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng, ý thức về chính trị, kinh tế của nhóm người này chưa rõ nét cho nên đối với những tội thuộc nhóm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hoặc các tội thuộc nhóm xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng có tính chất chính trị không buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội. Bởi vì, khi họ có thực hiện điều đó cũng là do người lớn rủ rê, lôi kéo chứ không phải bản thân họ tự ý thức đầy đủ và thực hiện.

Đối với pháp nhân thương mại, duy nhất chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207). Lẽ ra, Bộ luật hình sự 2015 không có quy định về chuẩn bị phạm tội đối với pháp nhân thương mại vì phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể này không bao gồm các tội phạm mà Điều 14 Bộ luật hình sự hiện hành liệt kê là phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội. Những tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể chịu trách nhiệm hình sự là những tội phạm thuộc hai chương: các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và môi trường. Trong khi đó, các tội phạm mà Bộ luật hình sự 2015 quy định là có thể chuẩn bị phạm tội là các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ; các tội xâm phạm sở hữu; và các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 đã bổ sung việc chuẩn bị phạm tội đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Bởi vậy, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội này.

 

III. PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT

1. Khái niệm

Điều 15 Bộ luật hình sự quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Theo pháp luật hình sự Việt Nam, có ba dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt:

Một là, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Đây là dấu hiệu phân biệt chuẩn bị phạm tội với phạm tội chưa đạt. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ: người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Ví dụ, kẻ giết người đã bắt đầu thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng người khác như đã đâm, chém, bắn... là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự). Cũng coi là đã bắt đầu thực hiện tội phạm khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi đi liền trước hành vi khách quan. Đó là những hành vi mà về mặt khách quan và chủ quan đã thể hiện rằng, đó là sự bắt đầu của hành vi khách quan và tiếp ngay sau đó hành vi khách quan sẽ xảy ra. Ví dụ, hành vi nhặt dao để đâm, lắp đạn để bắn trong trường hợp phạm tội giết người được coi là những hành vi đi liền trước. Những hành vi này chưa phải là hành vi khách quan, chưa phải là hành vi tước đoạt sinh mạng của người khác nhưng đó là sự bắt đầu của hành vi khách quan, và kế tiếp ngay sau đó tất yếu hành vi khách quan sẽ xảy ra. Những hành vi đi liền trước như vậy tuy thể hiện sự chuẩn bị nhưng nó rất gần với hành vi khách quan, không tách ra được nên cũng được coi là hành vi thực hiện tội phạm.

Hai là, người phạm tội chưa thực hiện tội phạm đến cùng (về mặt pháp lý). Nghĩa là, hành vi của họ chưa thoả mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Những trường hợp này có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây:

+ Chủ thể chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới chỉ thực hiện được hành vi đi liền trước;

+ Chủ thể đã thực hiện hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm;

+ Chủ thể đã thực hiện hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm (ở những tội phạm có cấu thành vật chất);

+ Chủ thể đã thực hiện hành vi khách quan, có hậu quả xảy ra nhưng không có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan mà chủ thể thực hiện hoặc hậu quả chưa đạt mức tối thiểu được quy định trong điều luật về tội phạm đó (ở tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất);

Ba là, người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành được là có thể do:

+ Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được;

+ Người khác đã ngăn chặn được;

+ Có những trở ngại khác như bắn nhưng đạn không nổ, thuốc độc dùng để đầu độc không đủ liều lượng hoặc thuốc giả...

2. Các dạng phạm tội chưa đạt

- Căn cứ vào mục đích thực hiện của hành vi phạm tội, người ta phân biệt hai trường hợp phạm tội chưa đạt:

+ Chưa đạt chưa hoàn thành (về hành vi): người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi phạm tội cần thiết để gây hậu quả. Ví dụ, đối với tội hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự), về mặt khách quan được mô tả là: “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”. Trong trường hợp này, nếu người phạm tội chỉ mới dùng một trong những hành vi tiền đề (dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực...) nhưng chưa giao cấu được với nạn nhân thì được xem là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

+ Chưa đạt đã hoàn thành: người phạm tội đã thực hiện được những hành vi cần thiết cho rằng để đạt được mục đích (hậu quả), nhưng hậu quả không xảy ra do những nguyên nhân ngoài ý muốn. Ví dụ, đối với tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự), mặt khách quan đòi hỏi phải có hành vi tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật và hậu quả phải có người chết từ hành vi đó. Nếu chỉ có hành vi tước đoạt sinh mạng một cách trái pháp luật (đầu độc, bắn, đâm, chém... vào những vùng trên cơ thể được người phạm tội cho rằng chắc chắn dẫn đến chết người...) nhưng hậu quả chưa xảy ra thì được xem là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Việc xác định giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành hay chưa đạt đã hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét một người có phải là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không. Điều kiện của một người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trước hết, chỉ xảy ra đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Nếu một người đang ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành thì không còn cơ hội để thực hiện việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nữa. Bởi vì, chưa đạt đã hoàn thành, về bản chất, nguy hiểm hơn chưa đạt chưa hoàn thành.

- Căn cứ vào nguyên nhân khách quan cản trở tội phạm thực hiện đến cùng, người ta cũng có thể chia phạm tội chưa đạt thành:

+ Chưa đạt vô hiệu: là trường hợp phạm tội chưa đạt do sử dụng công cụ, phương tiện vô hiệu.

+ Chưa đạt do nguyên nhân khác: là trường hợp phạm tội chưa đạt do đối tượng tác động của tội phạm không có hoặc do những nguyên nhân khác.

3. Trách nhiệm hình sự của giai đoạn phạm tội chưa đạt

Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, luật hình sự Việt Nam quy định mọi trường hợp phạm tội chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự vì trong trường hợp này kẻ phạm tội đã có hành vi trực tiếp xâm hại đến khách thể, đã trực tiếp đe doạ gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Phạm tội chưa đạt nguy hiểm hơn chuẩn bị phạm tội. Cho nên, hình phạt đối với giai đoạn phạm tội chưa đạt cũng cao hơn giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Theo Điều 15 Bộ luật hình sự, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Quy định này thường được hiểu là bất kỳ tội phạm nào mà người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp mà dừng lại ở giai đoạn chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Trong lý luận luật hình sự không thấy đề cập vấn đề này và cách hiểu trên hình như là mặc nhiên.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp được quy định trong Bộ luật hình sự, không phải lúc nào người phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Ví dụ, người có hành vi trộm cắp tài sản nhưng giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng mà không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về các tội chiếm đoạt chưa được xoá án tích…. Trường hợp này, người có hành vi trộm cắp có thể bị xem là phạm tội chưa đạt (như quy định và lý luận về tội phạm chưa đạt (Điều 15) đối với tội trộm cắp tài sản). Tuy nhiên, trong trường hợp này, người có hành vi trên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn chưa đạt mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi này. Vì vậy, khi nghiên cứu lý luận về phạm tội chưa đạt và trách nhiệm hình sự của giai đoạn phạm tội này nên chú ý chỉ những hành vi nào mà pháp luật không quy định là bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật khi hành vi chưa thỏa mãn cấu thành tội phạm thì hành vi phạm tội chưa đạt mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 15 Bộ luật hình sự.

Về sự mâu thuẫn này, nếu quy định về phạm tội chưa đạt theo cách quy định của chuẩn bị phạm tội thì sẽ khắc phục được. Có nghĩa là, khi điều luật liệt kê cụ thể các tội phạm có phạm tội chưa đạt, nhà làm luật sẽ loại bỏ những tội phạm mà hành vi chưa cấu thành tội phạm chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính chứ không bị xử lý hình sự về phạm tội chưa đạt.

IV. TỘI PHẠM HOÀN THÀNH

Một tội phạm được coi là hoàn thành khi hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Điều đó có nghĩa là khi một tội phạm hoàn thành thì hành vi phạm tội đã có đủ các dấu hiệu nói lên được đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội đó. Với quan niệm này, luật hình sự Việt Nam khẳng định: thời điểm tội phạm hoàn thành không phụ thuộc vào việc người phạm tội đã đạt được mục đích của mình hay chưa. Khái niệm tội phạm hoàn thành ở đây được hiểu theo nghĩa hoàn thành về mặt pháp lý, tức là tội phạm đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Một tội phạm khi đã hoàn thành về mặt pháp lý, có thể dừng lại, không xảy ra nữa trong thực tế, nhưng cũng có thể tiếp tục xảy ra. Trái lại, một tội phạm có thể tuy đã dừng lại nhưng chưa hoàn thành.

Trong thực tiễn áp dụng, khi xác định một trường hợp phạm tội cố ý cụ thể đã hoàn thành hay chưa, chỉ cần kiểm tra hành vi phạm tội đó đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm hay chưa. Sẽ là trường hợp phạm tội hoàn thành nếu hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Và ngược lại, sẽ là trường hợp phạm tội chưa hoàn thành nếu hành vi phạm tội chưa thoả mãn hết các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm.

Như vậy, việc quy định thời điểm hoàn thành của từng tội phạm được thực hiện qua việc xây dựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Thời điểm hoàn thành sớm hay muộn là tuỳ thuộc vào việc xây dựng các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Dĩ nhiên, việc đưa dấu hiệu nào vào cấu thành tội phạm không phải là tuỳ ý thích chủ quan của các nhà làm luật mà phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Những dấu hiệu đó phải phản ánh được bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và bảo đảm thời điểm hoàn thành của tội phạm phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như các đặc điểm của tội phạm.

Căn cứ vào định nghĩa chung về tội phạm hoàn thành và dựa vào đặc điểm cấu trúc của các loại cấu thành tội phạm, có thể rút ra được kết luận về thời điểm hoàn thành của các loại tội có cấu thành vật chất, có cấu thành hình thức và cấu thành cắt xén như sau:

- Những tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất hoàn thành khi người phạm tội đã gây ra hậu quả của tội phạm phù hợp với yêu cầu của điều luật. Ví dụ, tội giết người là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên tội phạm này hoàn thành khi hậu quả chết người đã xảy ra.

- Những tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện xong hành vi phạm tội. Ở những các loại tội này, dấu hiệu hành vi có thể chỉ là một hành vi như tội cướp tài sản của công dân (dùng vũ lực...) nhưng cũng có thể bao gồm nhiều hành vi khác nhau như tội hiếp dâm (dùng vũ lực... và giao cấu...). Trong trường hợp này, tội phạm hoàn thành khi tất cả các hành vi đó đều đã xảy ra.

- Những tội phạm có cấu thành tội phạm cắt xén hoàn thành khi người phạm tội đã có những hoạt động bất kỳ nhằm thực hiện hành vi phạm tội.

Thời điểm tội phạm hoàn thành cần phải được phân biệt với thời điểm tội phạm kết thúc. Tội phạm kết thúc là thời điểm hành vi phạm tội đã thực sự chấm dứt trên thực tế. Hai thời điểm này có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Mọi hành vi phạm tội đều có thể dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt và ngược lại, một tội phạm tuy đã hoàn thành nhưng có thể tiếp tục vẫn xảy ra.

Trong khi áp dụng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, việc xác định thời điểm tội phạm kết thúc sẽ có ý nghĩa đối với những trường hợp giữa thời điểm tội phạm hoàn thành và thời điểm tội phạm kết thúc có khoảng cách như ở những trường hợp tội kéo dài hoặc tội liên tục. Đối với những trường hợp này, việc tính thời hạn phải kể từ ngày tội phạm kết thúc. Ngoài ra, thời điểm kết thúc của một hành vi phạm tội cũng có ý nghĩa trong việc xác định có đồng phạm hay không. Nếu trên thực tế, hành vi phạm tội đã kết thúc thì không thể có đồng phạm, nhưng nếu hành vi phạm tội chỉ mới hoàn thành mà chưa kết thúc thì vẫn có thể có xảy ra đồng phạm.

V. TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI

1. Điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Điều 16 Bộ luật hình sự quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Theo đó, chúng ta chỉ coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi có đủ các điều kiện sau:

- Việc chấm dứt hành vi phạm tội phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị để phạm tội hoặc giai đoạn đang phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.

Khi tội phạm đã ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành thì cũng có nghĩa là kẻ phạm tội đã thực hiện được hết những hành vi mong muốn và do vậy không thể có việc tự ý dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm. Tại thời điểm chưa đạt đã hoàn thành, hậu quả của tội phạm tuy chưa xảy ra nhưng sẽ xảy ra mà không cần có hành vi gì tiếp nữa (theo ý thức chủ quan của chủ thể phạm tội). Do vậy, việc chủ thể dừng lại không thực hiện tiếp rõ ràng không ảnh hưởng gì đến việc hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ xảy ra. Ví dụ, do A thù B nên A tiêm thuốc vào những con cá rô và mang đi mắc vào lưới của B để B mang về ăn mà chết. Tuy nhiên, khi B mang về ăn, phát hiện có mùi lạ nên đã ném cho chó ăn và chó chết. Sau khi biết chuyện, A đã đi tự thú. Trường hợp này, A không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vì trường hợp này là chưa đạt đã hoàn thành.

Một khi tội phạm đã hoàn thành thì cũng không thể có việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được, vì khi đó, hành vi phạm tội đã có đầy đủ những đặc điểm thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Việc dừng lại lúc này hoàn toàn không làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện. Chẳng hạn, H sau khi đã chém T gây thương tích với tỷ lệ thương tật 25%, đã ăn năn hối cãi và đưa T đi bệnh viện băng bó vết thương. Hành vi của H có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không được miễn trách nhiệm hình sự về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm cố ý gây thương tích.

- Việc chấm dứt hành vi phạm tội phải tự nguyện và dứt khoát: Để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, trước hết đòi hỏi việc chủ thể dừng lại, không thực hiện tiếp tội phạm phải hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện tiếp tội phạm. Việc dừng lại, không thực hiện tiếp tội phạm trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải là sự thể hiện của việc từ bỏ hẳn ý định phạm tội chứ không phải là thủ đoạn để tiếp tục thực hiện tội phạm.

Vẫn có trường hợp người phạm tội đang thực hiện tội phạm và có trở lực khách quan, nhưng trở lực đó không đủ để ngăn cản người phạm tội thực hiện tiếp tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội đã dừng lại hẳn hoặc chuyển sang một hành vi khác, có thể là hành vi phạm tội khác. Như vậy, tội phạm mà người phạm tội định phạm ban đầu cũng được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Ví dụ, M dùng vũ lực, đã khống chế được L, đè xuống đất và bị L chống cự. Khi đó, M đã nằm được lên mình của L, cởi được hai nút áo trên cổ của L và phát hiện sợi dây chuyền vàng. M nghĩ việc hiếp dâm có phần khó khăn nên đã bứt sợi dây chuyền và bỏ đi. Trong trường hợp này, tội hiếp dâm có thể được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, dù việc ngừng lại không thực hiện tiếp tục hành vi hiếp dâm có sự ngăn cản của nạn nhân, nhưng yếu tố quyết định cho hành vi này dừng lại là mang tính chủ quan. Bởi vì, dù bị chống cự của nạn nhân, nhưng nếu M quyết tâm thì sự chống cự đó không đủ ngăn cản M hiếp dâm L.

Từ thực tiễn này cho thấy, điều luật có nội dung “tuy không có gì ngăn cản” xem ra chưa chính xác. Nếu căn cứ theo nội dung này, trên thực tế, bắt buộc khi phạm tội, người phạm tội phải không gặp bất kỳ một trở lực khách quan nào mà vẫn dừng lại thì việc dừng lại đó mới được miễn trách nhiệm hình sự. Cách hiểu này không khuyến khích tối đa những trường hợp cố tình phạm tội mà nửa chừng có suy nghĩ lại với tác động của một vài trở ngại khách quan dù không là yếu tố quyết định, nhưng khi kèm theo với diễn biến nội tâm của người phạm tội, họ đã tự nguyện dừng lại việc phạm tội.

2. Trách nhiệm hình sự của những người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Theo Điều 16 Bộ luật hình sự, “người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Ví dụ, một người dự định phạm tội giết người nhưng mới đâm gây thương tích cho nạn nhân đã tự nguyện dừng lại và không thực hiện tội phạm nữa. Khi đó, người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng sẽ bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích nếu hậu quả đã đủ cấu thành tội phạm này.

Miễn trách nhiệm hình sự do đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thuộc thẩm quyền áp dụng của bất kỳ cơ quan tư pháp hình sự nào căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể (cơ quan Điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc Toà án). Đây là dạng miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc đối với tất cả các cơ quan tư pháp hình sự khi có đủ cơ sở cho thấy người phạm tội đã thực sự “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản” và đây chính là căn cứ pháp lý duy nhất được quy định trong luật. Tuy nhiên, nhược điểm cần phải được khắc phục của luật hình sự Việt Nam là mới chỉ quy định việc áp dụng dạng miễn trách nhiệm hình sự này đối với một người đồng phạm - người thực hành (khi sử dụng thực ngữ “việc phạm tội”), mà chưa quy định cụ thể và rõ ràng việc áp dụng nó với ba loại người đồng phạm còn lại - người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức.

Dạng miễn trách nhiệm hình sự này chỉ tồn tại trong trường hợp tội phạm đã thực hiện ở hai giai đoạn đầu của hoạt động phạm tội sơ bộ - chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành, đồng thời cũng không phụ thuộc đó là loại tội phạm nào.

Do pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành không hề quy định một căn cứ pháp lý nào bắt buộc các cơ quan tư pháp hình sự phải hạn chế phạm vi áp dụng chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nên dạng miễn trách nhiệm hình sự này có thể được áp dụng đối với tất cả những trường hợp tội phạm chưa đạt. Có nhận thức thống nhất và đúng đắn như vậy thì mới có thể thấy rõ bản chất nhân đạo của chế định này và góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng ngăn ngừa việc thực hiện tội phạm.

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ miễn trách nhiệm hình sự nhưng không phải là không có sự việc phạm tội, miễn tức là có trách nhiệm hình sự nhưng Nhà nước miễn trách nhiệm hình sự. Về ý nghĩa xã hội, miễn trách nhiệm hình sự cũng giống như loại trừ trách nhiệm hình sự (không còn trách nhiệm hình sự) nhưng về mặt pháp lý, họ vẫn có thể bị xử lý bằng biện pháp khác. Do đó, miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thực chất là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu thành tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự và trong trường hợp này thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm các giai đoạn thực hiện tội phạm.

2. Chuẩn bị phạm tội là gì?

3. Phạm tội chưa đạt là gì?

4. Tội phạm hoàn thành là gì?

5. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là gì?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016.

2.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991.

3.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

4.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

5.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

6.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Xem Luật hình sự Xôviết (sách dùng cho các Hội thẩm nhân dân), Nxb. Pháp lý, Mátxcơva, 1973 (tiếng Nga).

 

BÀI 11

ĐỒNG PHẠM

I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ ĐỒNG PHẠM

1. Khái niệm về đồng phạm

Đồng phạm là một khái niệm có ý nghĩa vô cùng to lớn trong Bộ luật hình sự, thể hiện ở chỗ nó là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ đối với những người trực tiếp thực hiện tội phạm (thực hiện những hành vi thoả mãn trong cấu thành tội phạm) mà cả những người khác có liên quan đến tội phạm đó. Chúng ta đã biết, tội phạm trên thực tế diễn ra rất đa dạng, nhiều trường hợp không chỉ đơn thuần có một người thực hiện mà có nhiều người tham gia thực hiện một tội phạm. Trong số họ, khi thực hiện tội phạm, không phải ai cũng trực tiếp tham gia thực hiện các hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm, nhưng sự tham gia của họ thực tế đóng một vai trò nhất định trong việc thực hiện tội phạm, làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Việc nghiên cứu và làm sáng tỏ điều kiện áp dụng chế định này trong khoa học pháp lý hình sự không chỉ làm phong phú thêm kho tàng lý luận luật hình sự mà còn tạo cơ sở cho việc vận dụng triệt để, đúng đắn nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự trong thực tiễn xử lý hình sự.

Đồng” theo từ điển tiếng Việt nghĩa là cùng như nhau, không thể khác được. “Phạm” là làm tổn hại đến cái cần tôn trọng, mắc phải điều cần tránh. Đồng phạm là cùng phạm tội hiểu theo nghĩa của luật hình sự.

      2. Vài nét về lịch sử chế định đồng phạm

Lịch sử phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam đến thế kỷ thứ XI (thời Lý - Trần), khi luật thành văn đầu tiên ra đời (Bộ Hình thư), cũng như pháp luật các triều đại phong kiến khác đã thấy có áp dụng nguyên tắc trừng trị tập thể, đặc biệt đối với các tội thuộc Thập ác tội (“mưu phản” chẳng hạn), phải giết hết thân tộc. Bên cạnh đó, dưới thời Lý - Trần, nhà vua còn quy định 10 hộ họp lại thành một báo để kiểm soát nhau. Nếu một người trong báo đó phạm tội thì cả báo phải chịu trách nhiệm. Ở đây, về mặt hình thức, chúng ta có thể thấy rằng, việc truy cứu trách nhiệm đối với một tội có thể được tiến hành đối với nhiều người. Mặc dù quy định trên chưa thể hiện rõ cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm là hành vi của họ có liên quan đến tội phạm mà họ bị truy cứu trách nhiệm nhưng đó là những tiền đề đầu tiên của pháp luật thời phong kiến, cho phép truy cứu trách nhiệm đối với nhiều người cùng phạm một tội phạm.

Bộ luật Hồng Đức được xem là đi đầu trong việc đưa ra cơ sở pháp lý cho việc truy cứu trách nhiệm của nhiều người cùng phạm một tội. Điều 35 Bộ luật này quy định: “Nhiều người cùng phạm một tội, thì lấy người khởi xướng làm đầu, người a tòng được giảm một bậc. Nếu tất cả người trong một nhà cùng phạm tội, chỉ bắt tội người tôn trưởng. Điều 169 quy định: “Đồng mưu đánh người bị thương, thì kẻ nào đánh nhiều đòn nặng, là thủ phạm, kẻ chủ mưu cũng phải cùng một tội, còn người tòng phạm thì được giảm tội một bậc; đánh đến chết thì xét xem chết vì thương tích nào, kẻ đánh thương tích ấy nặng tội. Nếu không xét được rõ ràng thì kẻ hạ thủ sau cùng xử nặng tội. Nếu đánh loạn xạ không biết ai đánh trước sau, nhiều ít, thì kẻ chủ mưu nặng tội nhất, còn kẻ khác đều xử giảm tội một bậc. Có thể thấy, nhà làm luật đã chú ý phân biệt
kẻ thủ phạm và tòng phạm, có sự xác định trách nhiệm tuỳ thuộc vào vai trò của từng người trong vụ phạm tội. Về điểm này, nhà làm luật của Hồng Đức đã tiếp nhận một cách có chọn lọc các quy định của Bộ luật nhà Đường (Trung Quốc). Điều 9 chương Đạo tặc Bộ luật nhà Đường quy định: “Chủ mưu sát nhân giả, đồ tam niên; dĩ thương giả, giảo; dĩ sát giả, trảm; tòng nhi gia công giả, giảo; bất gia công giả, lưu tam thiên lý; tạo ý giả tuy bất hành nhưng vi thủ (cố nhân sát giả vi đồng). Nghĩa là phàm mưu giết người thì bị đồ ba năm; đã làm người ta bị thương, bị tội giảo; đã giết người, bị tội chém; tòng phạm một cách tích cực, (gia công - thêm công) bị tội giảo; tòng phạm một cách tích cực (bất gia công), bị tội lưu 3.000 lý; người tạo ý, tuy không hành động cũng coi là chủ mưu (thuê người giết cũng thế).

Nói chung, nhà làm luật thời kỳ này đã lẫn lộn giữa hai khái niệm đồng phạm và tòng phạm. Tuy nhiên, có một sự thống nhất ở chỗ là trong đồng phạm hay tòng phạm thì đều có sự tham gia phạm tội của chính phạm, chủ mưu và người tòng phạm. Chính phạm (thủ phạm) là người đã thực hiện những hành vi cụ thể gây nên tội phạm. Luật hiện hành thời kỳ này gọi họ là thủ phạm thực tế (auteur metériel). Thủ phạm tinh thần (người chủ mưu) là người không tự mình thực hiện các hành vi phạm tội nhưng có thể coi là nguyên nhân của tội phạm ấy về phương diện tinh thần (auteur intellectuel)[1]. Trong Bộ luật Hồng Đức, khái niệm tòng phạm không được định nghĩa rõ ràng như trong Bộ luật nhà Đường. Nghiên cứu điều luật nhà Đường được trích dẫn ở trên, ta thấy, họ đã phân biệt ba hình thức tòng phạm, đó là: (1) tòng phạm gia công hay tích cực tham dự vào sự phạm pháp; (2) tòng phạm bất gia công hay không tích cực; (3) tòng phạm bất hành nghĩa là không hành động.

Luật hình sự Pháp lúc bấy giờ phân biệt bốn trường hợp tòng phạm:

- Tòng phạm thực hiện bằng sự xúi giục (complicité par provocation);

- Tòng phạm thực hiện bằng sự chỉ dẫn (complicité par instructions);

- Tòng phạm thực hiện bằng sự cung cấp phương tiện (complicité par foumiture);

- Tòng phạm thực hiện bằng sự trợ giúp (complicité par aide et assistance).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, pháp luật hình sự nước ta quy định cụ thể hơn về những trường hợp đồng phạm. Chẳng hạn, Sắc lệnh số 233 - SL (17-11-1946) quy định: “Người phạm tội đưa hối lộ và nhận hối lộ có thể bị tịch thu nhiều nhất là đến 3/4 tài sản. Những người đồng phạm cũng bị xử phạt như trên”; Sắc lệnh số 133 - SL (20-01-1953) đã quy định trường hợp phạm tội của nhiều người, trong đó gồm bọn chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, xúi giục bọn tham gia tổ chức phản cách mạng, v.v..

Trong Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như Bộ luật hình sự hiện hành đều quy định một cách khái quát khái niệm đồng phạm và chỉ rõ ra những loại người bị xem là đồng phạm. Đồng thời, luật cũng nêu cụ thể vai trò của từng loại người trong đồng phạm.

3. Đồng phạm trong pháp luật hình sự một số nước

Ngày nay, luật hình sự của nhiều nước trên thế giới đều có quy định về trường hợp tội phạm do nhiều người cùng thực hiện.

Điều 22 Bộ luật hình sự Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1979 quy định: “Hai hoặc nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm. Hai hoặc nhiều người vô ý cùng thực hiện một tội phạm không phải là đồng phạm.

Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 quy định: “Hai hay nhiều người cùng cố ý tham gia thực hiện một tội cố ý là đồng phạm” (Điều 33).

Bộ luật hình sự một số nước (Mỹ, Nhật Bản, Đức, v.v.) lại không quy định rõ thế nào là đồng phạm mà họ quy định trách nhiệm hình sự trực tiếp đối với những người cùng tham gia thực hiện tội phạm. Điều 2385 Bộ tổng luật của Hoa Kỳ quy định: “... người nào tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hoặc có ý định tổ chức một hiệp hội, một nhóm người hoặc tập hợp nhiều người để dạy dỗ, tuyên truyền, khuyến khích việc lật đổ hoặc tiêu diệt Chính phủ bị phạt đến 20.000 đô la. Nếu hai hoặc nhiều người câu kết với nhau thực hiện một trong những hành vi nói trên đây thì mỗi người trong họ bị phạt đến 20.000 đô la hoặc bị phạt tù đến 20 năm.... Điều 107 Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định: “Khi đám đông được tụ tập nhằm mục đích dùng vũ lực hoặc đe doạ và không giải tán thậm chí sau khi công chức có thẩm quyền đã ra lệnh giải tán ba lần hoặc hơn thì người cầm đầu bị phạt tù có hoặc không có lao động bắt buộc đến ba năm và những người khác bị phạt tiền đến 100.000 yên.

Về các loại người đồng phạm, các nhà làm luật có sự chú ý phân biệt vai trò của người thực hành với các loại người đồng phạm khác. Điều 47, 48, 49 Bộ luật hình sự Cộng hoà Liên bang Đức đề cập vấn đề này như sau:

Điều 47 quy định: “Nhiều người thực hiện một hành vi phạm tội, mỗi người trong số họ sẽ bị trừng phạt với vai trò người thực hành. Khái niệm người xúi giục được quy định tại Điều 48: “Sẽ bị trừng phạt với vai trò người xúi giục tất cả những ai bằng quà tặng, lời hứa, sự đe doạ, lạm quyền lợi dụng lỗi lầm của người khác cũng như các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác thực hiện hành vi phạm tội. Điều 49 Bộ luật này quy định về tòng phạm như sau: “Sẽ bị trừng phạt với vai trò người tòng phạm những ai cố ý cộng tác với người thực hành bằng sự chỉ dẫn hoặc bằng hành động để nhằm phạm trọng tội hoặc khinh tội.

Bộ luật hình sự Áo không phân biệt từng loại người trong đồng phạm mà chỉ phân biệt giữa người thực hành với những đồng phạm khác. Điều 5 Bộ luật hình sự Áo quy định: “Bị coi là người đồng phạm không chỉ người thực hành trực tiếp mà cả những người đã ra lệnh, khuyên bảo, chỉ dẫn, khích lệ việc chuẩn bị phạm tội, cố ý khích động, giúp sức, góp phần vào việc thực hiện tội phạm thông qua việc cấp phương tiện, loại bỏ những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm hoặc thực hiện những hành vi khác trên cơ sở sự thoả thuận trước với người thực hành về việc giúp sức người thực hành sau khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.

Bộ luật hình sự Bỉ không quy định về người xúi giục, người giúp sức mà chỉ có quy định phân biệt người thực hành, người tòng phạm với những người đồng phạm khác. Điều 66 Bộ luật hình sự Bỉ quy định: “Sẽ bị trừng phạt như người thực hành một trọng tội hoặc khinh tội:

- Những người thực hiện hành vi hoặc cộng tác trực tiếp với người thực hiện hành vi;

- Những người có hành vi giúp sức việc thực hiện hành vi phạm tội mà nếu thiếu sự giúp sức đó, tội phạm không thể được thực hiện;

- Những người dùng quà tặng, lời hứa, sự đe doạ, lạm quyền, mưu mẹo nhằm trực tiếp kích động việc thực hiện tội phạm;

- Những người bằng diễn văn trong các cuộc họp, chỗ đông người hoặc các bài viết, ấn phẩm, tranh vẽ, biểu tượng đã được quảng cáo, phân phát, bán, trưng bày cho quần chúng xem nhằm kích động việc thực hiện tội phạm.

Về khái niệm người tòng phạm, Điều 67 Bộ luật hình sự Bỉ quy định: “Sẽ bị trừng phạt với vai trò người tòng phạm một trọng tội hoặc khinh tội:

- Những người chỉ dẫn việc thực hiện trọng tội hoặc khinh tội;

- Những người cung cấp vũ khí, phương tiện hoặc các thiết bị khác sử dụng để phạm trọng tội hoặc khinh tội;

- Những người ngoài trường hợp đã dự liệu ở điểm 3 Điều 66, cố ý giúp sức người thực hành hoặc những người đồng thực hành phạm một trọng tội hoặc khinh tội ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn thực hiện.

Bộ luật hình sự Nhật Bản dành cả chương XI để quy định về đồng phạm nhưng vẫn không đề cập đến định nghĩa thế nào là đồng phạm mà chỉ có khái niệm về đồng chính phạm, người xúi giục, người giúp sức ở Điều 60, 61, 62. Về đồng chính phạm, Điều 60 quy định: “Hai hoặc nhiều người cùng thực hiện một tội phạm đều là chính phạm. Khái niệm người xúi giục được quy định tại Điều 61: “Người thông qua sự xúi giục của mình mà làm cho người khác thực hiện một tội phạm sẽ bị xử lý như người chính phạm. Quy định này cũng áp dụng đối với người đã xui người khác xúi giục. Về khái niệm người giúp sức, Điều 62 quy định: “Người giúp sức là người đã giúp đỡ chính phạm. Người đã xui người giúp sức bị xử lý như người giúp sức.

4. Đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam hiện hành

Xuất phát từ thực tế đa dạng của trường hợp phạm tội do nhiều người thực hiện, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của lịch sử pháp luật Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc những giá trị pháp luật của thế giới, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, trên cơ sở định nghĩa của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã nêu định nghĩa một cách khái quát và xác định rõ phạm vi chủ thể đồng phạm, nguyên tắc xử lý cho các trường hợp phạm tội do đồng phạm.

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật này quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Trên cơ sở định nghĩa này, có thể rút ra các dấu hiệu của đồng phạm như sau:

a) Dấu hiệu về mặt khách quan:

- Có từ hai người trở lên và những người này phải có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm (có năng lực trách nhiệm hình sự):

Điều này là tất nhiên vì chỉ khi có ít nhất hai người thì mới có cái gọi là “cùng phạm tội. Hai hay nhiều người trong đồng phạm đòi hỏi phải có đủ những điều kiện của chủ thể của tội phạm. Nghĩa là, mỗi người trong số họ đều phải đạt tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật hình sự và phải không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi theo Điều 21 Bộ luật hình sự (không đề cập dấu hiệu của chủ thể đặc biệt đối với những người không phải là người thực hành).

Cùng thực hiện” gồm nhiều hành vi, có thể là tổ chức, xúi giục, thực hành, giúp sức. Nếu có nhiều người thực hiện tội phạm nhưng không cùng nhau phạm tội thì không thể có đồng phạm. Chẳng hạn, khi phát hiện anh Hải và Hùng bị tai nạn xe và được mọi người cứu chữa, Hiền và Nguyên (hai tên không nghề nghiệp, không gặp nhau trước) đã xuất hiện. Lợi dụng mọi người đang loay hoay đưa anh Hải và Hùng lên xe lôi đi bệnh viện, Hiền thò tay vào cặp của anh Hải lấy đi 2 triệu đồng và bỏ đi. Còn Nguyên phát hiện có một hộp gì bằng gói thuốc văng ra tại nơi xảy ra tai nạn liền nhặt bỏ túi. Về nhà, Nguyên mở ra xem mới biết đó là 1 kg vàng 24 K. Trong trường hợp này, cả hai có phạm tội nhưng không có đồng phạm vì mỗi người phạm tội theo ý riêng của mình.

Trong đồng phạm, có thể có đủ bốn loại hành vi tổ chức, xúi giục, thực hành, giúp sức tương ứng với bốn vai trò của những người trong đồng phạm hoặc không và cũng có thể một người thực hiện nhiều hành vi để đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, có thể tham gia từ đầu hoặc tham gia khi tội phạm đã xảy ra nhưng chưa kết thúc. Mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó được thực hiện trong mối liên hệ thống nhất. Hành vi của mỗi cá nhân trong đồng phạm đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra. Trong vụ đồng phạm, có thể tất cả mọi người đều có hành vi phạm tội và tổng hợp những hành vi phạm tội đó sẽ đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ một hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội, còn những người khác đóng vai trò hỗ trợ cho hành vi phạm tội.

Một vấn đề đặt ra đã gây ra sự tranh luận trong giới nghiên cứu luật hình sự là liệu có sự tham gia đồng phạm bằng không hành động không. Chúng ta đã biết, tội phạm cũng có thể được thực hiện bằng không hành động. Như vậy, đồng phạm cũng có thể được thực hiện bằng không hành động. Trường hợp này xảy ra khi một người có trách nhiệm phải tiến hành các hoạt động để ngăn ngừa người khác thực hiện tội phạm nhưng đã không làm điều đó. Và, việc không tiến hành hoạt động ngăn ngừa đó đã loại trừ các rào cản cần thiết đối với người thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, việc không tiến hành các hoạt động cần thiết để ngăn cản tội phạm chỉ trở thành người giúp sức trong đồng phạm khi điều đó đã được thoả thuận với người thực hiện tội phạm (có thể là biểu hiện ra hoặc ngầm hiểu). Nếu không thoả mãn đồng thời hai điều kiện đó thì không thể có đồng phạm.

Khoảng 16 giờ ngày 22-10-2004, Trung đi qua phố N, đến đoạn bến xe K, thấy chị Trần Nguyễn Tường Vân bị ngã xe máy, mọi người xúm quanh đỡ chị đứng dậy đưa vào lề đường. Trung đến gần thấy trong túi xách của chị Vân có tiền liền thò tay vào lấy một xấp 5 triệu đồng rồi bỏ đi. Khi Trung lấy tiền thì Trần Quang Hồng và Mai Xuân Hà cũng thấy nên đi theo Trung và không nói gì. Đến chỗ không có ai nhìn thấy, Trung dừng lại đưa cho Hồng và Hà mỗi người 500 ngàn đồng vì sợ hai người tố giác.

Tại cơ quan điều tra, Hồng và Hà khai khi thấy Trung lấy tiền bỏ đi liền đi theo để xin chút ít. Khi lấy tiền, Trung cũng nhận thấy Hồng và Hà đang nhìn mình.

Trong trường hợp này việc không ngăn cản Trung phạm tội của Hồng và Hà có thể được xem như là có sự thoả thuận ngầm với nhau. Tuy nhiên, Hồng và Hà không phải là người có trách nhiệm phải quản lý tài sản của chị Vân. Do đó, không có đồng phạm xảy ra. Hành vi của Hồng và Hà có thể bị xem là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 Bộ luật hình sự).

- Hai hay nhiều người phải cùng thực hiện một tội phạm có lỗi cố ý:

Tội phạm có thể xảy ra đồng phạm phải là tội phạm có mặt chủ quan là lỗi cố ý. Cố ý ở đây có thể là cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối với những tội phạm có lỗi vô ý thì không thể có đồng phạm. Ví dụ, Dũng chở Hoà đi nhậu. Vì đám bạn đã ngồi trước ngoài quán nhậu và điện thoại thúc giục nên Hoà nói: “Chạy nhanh lên mậy”. Dũng tăng tốc, vượt quá tốc độ cho phép và gây tai nạn dẫn đến làm chết cháu Vy đang đi xe đạp. Trong trường hợp này, chỉ có Dũng bị xem là phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật hình sự) chứ Hoà không có đồng phạm vì tội này có mặt chủ quan là lỗi vô ý.

b) Dấu hiệu mặt chủ quan:

Dấu hiệu mặt chủ quan là dấu hiệu rất quan trọng để xác định có đồng phạm hay không. Dấu hiệu này đòi hỏi phải có sự “cùng cố ý”. Đối với những tội phạm có mục đích thì đòi hỏi những người trong đồng phạm phải có “cùng mục đích” phạm tội. Cùng cố ý trong đồng phạm không chỉ cố ý đối với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn đối với hành vi của những người đồng phạm khác. Cùng cố ý trong đồng phạm thể hiện ở những nội dung sau:

- Về lý trí: mỗi người trong đồng phạm đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và biết hành vi của người khác cũng nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Đồng thời, mỗi người cũng thấy trước được hậu quả của hành vi mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện xảy ra.

- Về ý chí: mỗi người trong đồng phạm đều mong muốn có hoạt động chung, cùng mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nếu có nhiều người cùng phạm tội nhưng không có sự thống nhất ý chí thì không có đồng phạm xảy ra mà chỉ là những trường hợp phạm tội riêng lẻ. Ví dụ, Hun Don Hao, người Hàn Quốc là một tay trùm buôn lậu thuốc lá qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Để có thể vận chuyển được số lớn thuốc lá ngoại qua biên giới, Hao đã thuê những người chạy xe Honda thuê (làm “cửu vạn”) chở từng lượng hàng qua khỏi cửa khẩu, trung bình 1.000 bao/người/chuyến. Tất cả những người lái xe ôm này đều là những người không hề biết nhau trước, cũng không hẹn nhau sẽ vận chuyển hàng lậu. Họ có hoạt động chung lý do là họ được Hao thuê. Vì vậy, dù họ cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng không có đồng phạm xảy ra ở đây.

Đối với những tội phạm luật quy định có mục đích là dấu hiệu bắt buộc thì những người trong đồng phạm phải có cùng mục đích khi thực hiện hành vi phạm tội hoặc tiếp nhận mục đích đó. Ví dụ, Phan Tấn G, Bùi Hữu A và Quách Thanh P là những sĩ quan của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Dù đã được đi học tập cải tạo sau ngày giải phóng nhưng bọn chúng lúc nào cũng mang trong lòng mối thù với chế độ đương thời. Không thể làm gì được nên chúng thường lợi dụng những dịp lễ hoặc những dịp cả nước đón mừng sự kiện gì đó để phá hoại cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa nhằm gây tiếng vang, làm mất an ninh chính trị. Đêm 12-8-1999, sau khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng trận bán kết tại Seagame, dân hâm mộ bóng đá thành phố X đã xuống đường chào mừng. Lợi dụng tình hình đó, G, A và P đã đập phá trụ sở phường Z cho thoả lòng căm ghét chính quyền. Cùng tham gia đập phá còn có Trịnh Minh K và Bạch Kha E là hai dân hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Trường hợp này, G, A và P đã phạm “Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã rõ (mục đích chống chính quyền nhân dân) (Điều 85 Bộ luật hình sự năm 1999). Riêng K và E vì quá khích mà tham gia đập phá nên không là đồng phạm trong vụ phạm tội này mà có thể cấu thành một tội phạm khác, đó là “Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999) vì hai người này không có mục đích chống chính quyền nhân dân.

Tương tự như thế, đối với các tội phạm mà dấu hiệu động cơ là bắt buộc trong cấu thành tội phạm, để được xem là đồng phạm, những người phạm tội phải có cùng động cơ phạm tội. Chẳng hạn, để có đồng phạm đối với tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế đòi hỏi những người đồng phạm phải có cùng động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

II. CÁC LOẠI NGƯỜI ĐỒNG PHẠM

Dựa vào bản chất của hành vi mà từng cá nhân thực hiện thể hiện vai trò của họ trong đồng phạm, Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành đã phân thành bốn loại người đồng phạm. Khoản 3 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 đã thể hiện rất cụ thể vấn đề này.

1. Người thực hành

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Tức là, bằng hành vi của mình, người thực hành thực hiện những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Có hai loại người được xem là người thực hành:

- Người thực hành có thể tự mình thực hiện các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, có thể chỉ một người nhưng cũng có thể nhiều người thực hành. Nếu nhiều người cùng tham gia với vai trò người thực hành thì không cần mỗi người phải thực hiện đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm mà chỉ cần tổng hợp hành vi của những người thực hành này thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, để giết chết một người, ba người thực hành có thể dùng vũ lực mà tổng hợp lại sẽ gây chết người khác. Nếu tách hành vi của từng người, có thể không gây ra được cái chết. Cũng có thể, trong số họ, có một người dùng một đòn chí mạng, những người khác chỉ với vai trò dùng vũ lực hỗ trợ, nhưng tất cả đều có tác động đến người bị hại.

- Cũng được xem là người thực hành trong trường hợp một người tuy không tự mình trực tiếp thực hiện những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nhưng đã sử dụng người khác như một công cụ, phương tiện để thực hiện các hành vi được mô tả trong cấu thành phạm tội thì cũng bị coi là người thực hành. Trong trường hợp này, có thể xảy ra các dạng sau:

+ Sử dụng người không có năng lực trách nhiệm hình sự để người này trực tiếp thực hiện các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm, gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chẳng hạn, A biết được B mắc bệnh tâm thần với đặc điểm luôn muốn đốt nhà người khác. A đã dẫn B đến nhà C (mà A muốn đốt vì ghét C), cung cấp cho B bật lửa để B đốt nhà C. Người bị sử dụng để phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Lợi dụng sai lầm của người khác để gây ra hậu quả của tội phạm mà người gây ra hậu quả không có lỗi hoặc có lỗi vô ý. Chẳng hạn, M biết N hay dùng súng đùa giỡn với bạn mình là P, M đã lén để đạn vào súng của N, lên đạn (trước đó, N đã lấy hết đạn ra, kiểm tra cẩn thận). Khi N đưa súng về phía P, bảo giơ tay lên và bóp cò, thông thường, khi bóp cò, súng chỉ kêu tiếng “cách” gây giật mình vì không có đạn. Tuy nhiên, do hôm nay có đạn nên súng nổ đã giết chết P. Trong trường hợp này, M bị xem là người thực hành tội giết người (Điều 123), N bị xem là phạm tội vô ý làm chết người (Điều 128).

+ Sử dụng người khác bằng cách cưỡng bức, uy hiếp về tính mạng, sức khoẻ hoặc tinh thần để người đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này, người bị uy hiếp, tuỳ theo mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Ví dụ, S viết sẵn đơn tố cáo H phạm tội và cưỡng bức L điểm chỉ vào đơn tố cáo để gửi đến cơ quan Công an. S bị xem là người thực hành tội vu khống (Điều 156). L do bị cưỡng bức, thực hiện hành vi không phù hợp với ý chí của mình mà không có sự chọn lựa nên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Sử dụng người dưới quyền mình bằng cách ra mệnh lệnh trái pháp luật mà người thi hành không biết được tính trái pháp luật của mệnh lệnh, dẫn đến người này thi hành mệnh lệnh, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Khi đó, người ra mệnh lệnh bị coi là người thực hành, người thi hành không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với những tội phạm mà dấu hiệu khách quan đòi hỏi phải chính người thực hành mới có thể thực hiện tội phạm, như tội giết con mới đẻ (Điều 124), tội tham ô tài sản (Điều 353), tội đào ngũ (Điều 402), v.v. thì người thực hành không thể có dạng thứ hai.

Về mặt lý luận, khi xem xét một số tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, nhiều toà án bị lúng túng, như tội giao cấu với trẻ em, tội tham ô tài sản, v.v.. Theo đúng nguyên tắc, kẻ xúi giục là người không có không đủ điều kiện của chủ thể đặc biệt xúi người khác thực hiện tội phạm theo dạng trên thì không thể xem là người thực hành. Thế thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự họ với tư cách là người xúi giục. Điều này rõ ràng là trái với tinh thần của Điều 17 Bộ luật hình sự quy định khái niệm đồng phạm vì không thể có trường hợp đồng phạm mà không có người thực hành. Đây chính là chỗ khuyết mà luật hình sự hiện hành chưa khắc phục được. Về điểm này, có quan điểm cho rằng, phải chấp nhận xem người xúi giục người không có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi phạm tội là người xúi giục, mà không có người thực hành[2]. Cũng có quan điểm cho rằng, không có người thực hành thì không có người xúi giục. Trong quyển “Cá thể hoá hình phạt trong luật hình Xôviết”, Karpext đã viết: “Không có kẻ thực hành thì không có tội phạm, và như vậy thì không có cả hình phạt đối với kẻ cộng phạm[3].

Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận một ngoại lệ. Tức là, dù họ không đủ các đặc điểm của chủ thể đặc biệt song họ vẫn bị xem là người thực hành thực hiện một tội phạm riêng lẻ. Có như thế chúng ta mới có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại người này.

Người thực hành giữ vai trò quan trọng trong vụ án đồng phạm như định tội, lượng hình, xác định giai đoạn phạm tội, v.v.. Nói cách khác, người thực hành và hành vi của họ quyết định tính nguy hiểm cho xã hội của vụ án đồng phạm. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều như vậy. Trong một số trường hợp, người xúi giục hoặc người giúp sức lại nguy hiểm hơn người thực hành. Ví dụ, Trần Văn N vốn là một thanh niên lao động, hiền lành. Hồ Tấn L là một người trộm cắp chuyên nghiệp, có nhiều tiền án. L đã rủ N đi chơi nhiều lần và lần nào cũng trả mọi chi phí cho cả hai. Dần dần xem ra đã thân, L đã gợi ý để có tiền ăn tiêu cần phải thực hiện hành vi trộm cắp. N vốn rất lạ về chuyện này nên khi nghe thế, N từ chối ngay. L không chịu thua, thuyết phục bằng mọi cách và chỉ cho N những hành vi trộm cắp tinh vi của mình. N cảm thấy trộm cắp là một cách kiếm tiền rất dễ và thực hiện hành vi phạm tội nhưng do quá vụng về nên chủ nhà đã phát hiện và bắt được. Xét về mặt nhân thân lẫn hành vi thì rõ ràng L nguy hiểm cho xã hội hơn N.

2. Người tổ chức

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm:

- Người chủ mưu là người chủ động gây ra tội phạm, gợi ra những âm mưu, phương hướng hoạt động phạm tội. Người chủ mưu có thể trực tiếp cầm đầu, điều khiển hoạt động phạm tội hoặc chỉ đứng ngoài để theo dõi hoạt động phạm tội. Ví dụ, muốn có tiền tiêu xài nên A đã rủ các bạn của mình về cướp nhà mình. Đây là ý tưởng do A nêu ra vì không ai khác hơn A hiểu rõ gia đình, cha mẹ mình. Sau khi sắp xếp mọi việc, A không tham gia cướp mà để các bạn mình tiến hành. A bị xem là người chủ mưu trong vụ phạm tội này.

- Người cầm đầu là người đứng ra thành lập các băng, nhóm phạm tội hoặc tham gia soạn thảo kế hoạch, phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn cũng như đôn đốc, điều khiển hoạt động của tổ chức. Họ cũng có thể là người đề xướng việc thành lập nhóm hoặc thực hiện lời đề xướng đó để rủ rê, lôi kéo các đồng phạm khác vào nhóm, lập mối quan hệ giữa những đồng phạm trong tổ chức đó. Chẳng hạn, thấy việc đâm thuê, chém mướn dễ kiếm tiền, G đã rủ ba người bạn (cùng học võ cổ truyền chung) thành lập nhóm đâm thuê, chém mướn do G đứng đầu, chịu trách nhiệm nhận “giao dịch” và cùng vạch phương hướng hoạt động trong từng vụ cụ thể. Khi phạm tội, G bị xem là người cầm đầu của nhóm này.

- Người chỉ huy là người trực tiếp điều khiển tổ chức phạm tội. Người điều khiển có thể là người giữ vai trò điều khiển hoạt động chung của toàn nhóm như vạch ra phương hướng hoạt động, kế hoạch thực hiện, phân công vai trò, nhiệm vụ cho những người đồng phạm. Họ cũng có thể là người giữ vai trò điều khiển việc thực hiện một vụ phạm tội cụ thể của nhóm đồng phạm. Ví dụ, trở lại vụ án cướp tài sản gia đình A do chính A nghĩ ra. Vì A là người hiểu biết về gia đình mình nhiều nhất nên A được bầu làm người chỉ đạo, phân công các bạn mình từng công việc cụ thể trong việc thực hiện hành vi cướp tài sản của nhà mình. Như vậy, trong vụ phạm tội này, A vừa là người chủ mưu, vừa là người chỉ huy.

Người tổ chức có thể đảm nhận đồng thời cả ba vai trò trên, nhưng cũng có thể chỉ đảm nhận một trong ba vai trò. Trong đa số trường hợp, vai trò của người tổ chức được xác định là nguy hiểm hơn cả trong số những người đồng phạm. Chính vì thế, Điều 3 Bộ luật hình sự đã xác định nguyên tắc xử lý đối với loại người này là: Nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy. Dĩ nhiên, cũng có một vài trường hợp, người tổ chức được xem là không nguy hiểm bằng người thực hành tùy thuộc vào nhân thân của họ.

3. Người xúi giục

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm:

- Kích động là dùng hành vi (cử chỉ, lời nói, chữ viết, v.v.) tác động đến tâm lý người khác khiến cho người khác bị căng thẳng, bức xúc mà phạm tội. Chẳng hạn, do thù ghét B nên C thường xuyên nói với S rằng B luôn chửi S, nói xấu S, hăm doạ nếu gặp S sẽ đánh ngay, thậm chí, có thể “cướp” người yêu của S, v.v. với ý muốn là S hãy đánh B. Nghe C nói nhiều chuyện về B, S phát giận và tìm đánh B gây thương tích.

- Dụ dỗ là bằng hành vi hoặc thông qua các lợi ích vật chất, tinh thần cụ thể làm cho người khác thấy mình được thoả mãn mà thực hiện hành vi phạm tội. Chẳng hạn, chị V có chồng tên R là người đã gây thương tích cho người khác và bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố. Vì thương chồng nên chị V đã tìm đến D là người đang phụ trách điều tra vụ án của R. Chị V đã đề nghị D sửa hồ sơ để làm cho chồng chị không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hứa sẽ ngủ lại với anh một đêm. Thấy chị V quá hấp dẫn, D không kiềm chế được và đồng ý. Chị V đã thực hiện lời hứa, ngủ lại với D một đêm. Kết quả, D đã sửa hồ sơ, xác định R không phạm tội mà thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng và đề nghị đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, bên bị hại đã khiếu nại và vụ án được phục hồi điều tra bởi người khác, kết luận R phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 134). D bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 369) với vai trò thực hành, V với vai trò xúi giục (dụ dỗ).

- Thúc đẩy là bằng hành vi của mình làm cho người vốn đã có ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện để cho ý định phạm tội đó biến thành hiện thực. Thúc đẩy khác với kích động, dụ dỗ vì trường hợp này, người thực hành đã có ý định phạm tội rồi, trong khi trong trường hợp kích động, dụ dỗ, ý định phạm tội chưa xuất hiện trong đầu người thực hành. Tuy nhiên, cả ba trường hợp đều giống nhau ở chỗ là nếu không có chúng thì tội phạm không diễn ra trên thực tế. Có thể đưa ra một ví dụ về trường hợp này như sau:

Nguyễn Văn Trường là người làm công của nhà chị Nguyễn Thị Bình. Do Trường không có nhà ở nên chị Bình cho Trường ở nhà của mình để trông nom nhà cửa khi chị đi vắng. Thấy nhà chị Bình có tiền, nhân một lần chị Bình để quên chìa khoá két sắt ở nhà, Trường đã tranh thủ đánh thêm một chìa để dành nhưng chưa lấy tiền.

      Cuối năm 2003, Trường có gặp Hoàng Thị Tình, làm nghề uốn tóc, cùng quê với Trường. Hai người yêu nhau và dự định đầu năm 2004, Trường sẽ về quê để cưới Tình. Trường có nói với Tình về chiếc chìa khoá nhà chị Bình. Đầu tháng 3 năm 2004, Tình nói cần tiền để chuẩn bị cưới. Trường đã mở két sắt lấy 10 triệu đồng đưa cho Tình. Mấy hôm sau, Tình dẫn Trường đi xem một căn nhà ở ngõ H và bảo người ta cần bán gấp với giá 290 triệu đồng và nói Tình đã dùng 10 triệu đồng mà Trường đưa để đặt cọc mua nhà rồi. Trường đã về nhà mở két sắt lấy 30 tờ trái phiếu (10 triệu đồng/tờ) và 50 triệu đồng để đưa cho Tình trả nốt tiền căn nhà và sắm sửa đồ đạc.

Ngày 14-3-2004, chị Bình phát hiện mất tài sản đã đến trụ sở công an để trình báo sự việc và được công an điều tra làm rõ. Trường hợp này, Trường phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 173) với vai trò người thực hành, Tình phạm tội này với vai trò người xúi giục - thúc đẩy.

Có thể nói, xúi giục được thể hiện ở chỗ tác động đến tư tưởng và ý chí người khác, khiến người này phạm tội. Có thể họ trực tiếp tác động hoặc thông qua người khác. Hành vi tác động có thể chỉ thúc đẩy thêm ý định phạm tội vốn có trong ý chí của người thực hành hay là tác giả tạo ra ý định phạm tội ở người thực hành. Dù sao đi nữa cũng cần phải xác định rằng, nếu không có hành vi xúi giục thì không có hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế, như thế mới xem là hành vi xúi giục. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi xúi giục là ở chỗ đó. Nếu một người bằng mọi cố gắng thuyết phục người khác phạm tội nhưng cuối cùng người bị thuyết phục vẫn không phạm tội thì không có đồng phạm xảy ra. Hành vi xúi giục phải nhằm vào một đối tượng cụ thể và nhằm gây ra việc thực hiện tội phạm nhất định. Vì thế, việc hô hào, kêu gọi hướng tới một số người không xác định cũng như không nhằm vào việc thực hiện một tội phạm cụ thể nào cả thì không bị xem là đồng phạm với vai trò xúi giục. Tuy nhiên, hành vi đó trong những trường hợp cụ thể có thể cấu thành một tội phạm độc lập khác (Tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp - Điều 325 Bộ luật hình sự).

Xét về mặt chủ quan, người xúi giục phải có ý định rõ ràng là thúc đẩy người khác phạm tội. Vì vậy, khi một người có hành vi tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm song về chủ quan, người tác động không mong muốn có sự việc phạm tội xảy ra thì không là đồng phạm với vai trò xúi giục. Ví dụ, Trần Văn T là người thích xem phim điều tra. Một hôm, T xem xong một bộ phim rất hay trong đó thể hiện những tinh vi của kẻ trộm và sự thông minh, khéo léo của các điều tra viên và kể cho P nghe. Những thủ thuật của kẻ trộm trong bộ phim đó được Huỳnh Văn P (bạn thân của T) ghi nhớ. P nuôi ý định thực hiện hành vi phạm tội tương tự và một hôm, P đã thực hiện. Khi bị bắt, P khai rõ sự việc và bảo mình phạm tội vì được nghe T kể về bộ phim đó. Nhưng cơ quan Điều tra đã không khởi tố T vì cho rằng, T không là người xúi giục, do đó không có đồng phạm xảy ra.

Tóm lại, để có sự đồng phạm bằng hành vi xúi giục, phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

- Chủ thể bị xúi giục phải được xác định (xúi giục những người nào);

- Đối tượng xúi giục cũng phải được xác định (xúi giục thực hiện tội phạm cụ thể nào);

- Sự xúi giục phải được thống nhất trong nhận thức của người xúi giục và người bị xúi giục;

- Có tội phạm xảy ra (người bị xúi giục phải thực hiện tội phạm);

- Tội phạm được thực hiện phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi xúi giục.

4. Người giúp sức

Người giúp sức là người tạo ra những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Hành vi của người giúp sức thể hiện ở hành vi tạo điều kiện vật chất và tinh thần, tựu chung là để tạo những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm. Nói về việc tạo điều kiện vật chất có thể là cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội, tạo điều kiện về tinh thần có thể là góp ý, chỉ dẫn thủ đoạn thực hiện tội phạm. Hành vi giúp sức có thể thông qua hành động hoặc không hành động. Trường hợp không hành động xảy ra khi một người có nghĩa vụ theo luật định phải hành động nhưng đã không hành động và do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm.

Cũng bị xem là người giúp sức trong trường hợp một người hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tội phạm, sau khi thực hiện tội phạm. Ví dụ, hứa hẹn che giấu tội phạm và người phạm tội, tiêu thụ tài sản sau khi phạm tội, v.v.. Việc hứa hẹn này đòi hỏi phải có trước khi tội phạm diễn ra hoặc tội phạm chưa kết thúc. Nếu việc hứa hẹn khi tội phạm chưa diễn ra thì nó chỉ là điều kiện để củng cố thêm quyết tâm phạm tội đã có sẵn trong ý chí của người thực hành chứ không có ý nghĩa tạo ra ý định phạm tội hoặc thúc đẩy việc thực hiện tội phạm. Đây chính là điểm để phân biệt giữa người giúp sức với người xúi giục và không phải lúc nào cũng dễ xác định. Hành vi hứa hẹn không cần phải được thực hiện. Ví dụ, Nguyễn Phước H, Trần Văn L và Lê Ngọc K đã bàn bạc với nhau đi cướp tiệm vàng Kim T. Bọn chúng đang lo lắng không biết sẽ ẩn náu ở đâu nếu có sự cố bất trắc trong quá trình phạm tội. Bọn chúng kể chuyện này với Trần Văn M (anh ruột của L). M hứa sẽ dành riêng một chỗ ẩn nấp rất an toàn cho chúng nếu cần. Bọn chúng an tâm thực hiện ý định và cuối cùng trót lọt nên bọn chúng không cần ghé vào nhà M vì cho rằng mọi chuyện đã ổn cả. Hai ngày sau đó, bọn chúng bị bắt và M cũng bị bắt trong vụ cướp này với vai trò giúp sức.

Theo lý luận về đồng phạm, trong trường hợp một người hứa hẹn giúp sức cho một tội phạm nhưng kẻ thực hành lại thực hiện một tội phạm khác, không nằm trong ý thức của người giúp sức thì chỉ có thể truy cứu họ với vai trò giúp sức cho tội phạm mà họ đã hứa.

Tương tự như hành vi xúi giục, sự giúp sức cũng cần phải có sự thống nhất trong nhận thức giữa người giúp sức với người được giúp sức. Ngược lại thì không có đồng phạm. Ví dụ, Nguyễn Thái T và Dương Trọng C có mối thù với Trần Văn B. C biết T có súng nên đến mượn nhưng không nói lý do. Lúc đó, T nghĩ rằng C mượn súng để giết B nên cho mượn (giống giúp sức). Nhưng C dùng súng đi cướp tài sản ở nhà anh Hà Thanh M. Công an bắt được C, qua C đã bắt luôn T nhưng không phải lý do T đồng phạm với C “Tội cướp tài sản” (Điều 168) mà vì T phạm “Tội tàng trữ vũ khí quân dụng” (Điều 304). Rõ ràng, ở đây T có giúp sức C phạm tội giết B nhưng C không biết nên T không đồng phạm.

Tóm lại, hành vi của người giúp sức là ít nguy hiểm hơn cả trong vụ phạm tội đồng phạm. Chính vì thế, trong xét xử, Toà án thường tuyên mức hình phạt thấp đối với loại người này so với các đồng phạm khác. Tuy nhiên, nguyên tắc cá thể hoá hình phạt yêu cầu chúng ta không phải lúc nào cũng dập khuôn theo một lối tư duy ấy. Trong một số trường hợp, người giúp sức lại nguy hiểm hơn người thực hành. Ví dụ, Karpext trong quyển “Cá thể hoá hình phạt trong luật hình Xôviết” đã viện dẫn vụ án T và đồng bọn. Hội nghị toàn thể Toà án tối cao Liên Xô lúc bấy giờ đã tuyên phạt 10 năm tước quyền tự do đối với T trong khi đó, S là người thực hành nhưng lại bị phạt tước quyền tự do chỉ 7 năm. Toà án lý luận rằng, dù T là kẻ giúp sức trộm cắp nhưng y đã hai lần phạm tội trộm cắp tài sản. Hành vi giúp sức cho S thực hiện tội phạm của y lần này được xem là tái phạm[4].

III. CÁC HÌNH THỨC ĐỒNG PHẠM

1. Phân loại theo dấu hiệu chủ quan

a) Đồng phạm không có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm trong đó không có sự thoả thuận, bàn bạc với nhau trước giữa những người đồng phạm hoặc có thoả thuận nhưng không đáng kể, có thể họ nhất trí phạm tội ở hiện trường hoặc đồng phạm được hình thành khi có người đang thực hiện tội phạm. Ví dụ, Nguyễn Văn D, Phạm Văn K và Hà Tuấn G là những thanh niên lương thiện nhưng thường hay uống rượu. Một hôm cả ba kéo nhau đi uống rượu. Trên đường về, sinh sự với một thanh niên đi đường tên là C. K và G nổi giận đánh C. D thấy hai bạn mình bị đánh (hai đánh một nhưng do có rượu và C có võ nghệ nên K và G bị đánh té vào hàng rào) nên tìm một khúc gỗ dài khoảng 1 mét đưa cho G. Nhờ khúc gỗ, G đã đánh C trọng thương. Cả Đ, G, K đều bị truy cứu tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự). Đây là trường hợp đồng phạm không có thông mưu trước.

b) Đồng phạm có thông mưu trước: là hình thức đồng phạm trong đó những người trong đồng phạm đã có sự thoả thuận, bàn bạc với nhau về tội phạm cùng thực hiện. Hình thức đồng phạm này nói chung nguy hiểm hơn trường hợp đồng phạm thứ nhất. Ví dụ, Phạm Văn C, Huỳnh Thị Xuân H, Tăng Quốc T là những phần tử lười lao động, chuyên sống bằng nghề cờ bạc, trộm cắp. Cả ba đã để ý nhà anh Lê Quang M, vì anh M thường xuyên vắng nhà. Cả bọn đã quan sát kỹ địa hình, địa vật và lập kế hoạch đêm 30-7-1995, C sẽ đột nhập vào nhà, T ở ngoài canh cửa và trợ lực nếu cần thiết. Đem được tài sản về nhà thì H có nhiệm vụ đi tiêu thụ. Lần trộm đó, cả ba bị bắt gọn và bị Toà án đưa ra xét xử trong một vụ đồng phạm có thông mưu trước.

2. Phân loại theo dấu hiệu khách quan

a) Đồng phạm giản đơn: là hình thức đồng phạm trong đó những người tham gia vụ đồng phạm đều là người thực hành. Ví dụ, trên đường đi nhậu về, Hoàng, Trung, Hải đã gặp chị Lam đang đi trên đường một mình. Cả ba đã dùng vũ lực và thay nhau hiếp dâm chị Lam. Trong vụ phạm tội này, cả ba đều là người thực hành. Trường hợp này gọi là đồng phạm giản đơn.

b) Đồng phạm phức tạp: là hình thức đồng phạm trong đó có một hoặc một số người tham gia giữ vai trò người thực hành, còn những người đồng phạm khác giữ vai trò tổ chức, xúi giục, giúp sức. Chẳng hạn, A thấy bạn mình là H đang ẩu đả với người khác nên đã tìm một khúc gỗ đưa cho H. H đã dùng khúc gỗ đánh gây thương tích cho người khác. Trong vụ phạm tội này, H là người thực hành, A là người giúp sức. Chỉ cần có thêm một vai trò (ngoài vai trò thực hành) thì đồng phạm được xem là đồng phạm phức tạp.

IV. PHẠM TỘI CÓ TỔ CHỨC

Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự nêu rõ: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Phạm tội có tổ chức được hình thành trên cơ sở kết hợp hai dấu hiệu chủ quan và khách quan. Mặt khách quan thể hiện ở sự liên kết có sự phân hoá rõ rệt vai trò, nhiệm vụ của những người trong đồng phạm. Mặt chủ quan thể hiện ở sự liên kết hết sức chặt chẽ về mặt ý chí của những người đồng phạm. Lòng tin và sự mong muốn hậu quả phạm tội xảy ra cao hơn trường hợp đồng phạm thường dựa trên sự quyết tâm cao độ ở mỗi người, lòng tin lẫn nhau, sự chặt chẽ của kế hoạch phạm tội. Nhìn chung, phạm tội có tổ chức bao giờ cũng có sự bàn bạc, phân công thực hiện tội phạm nhưng không phải mọi trường hợp bàn bạc, phân công thực hiện tội phạm trước đều là phạm tội có tổ chức vì phạm tội có tổ chức đòi hỏi phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người trong đồng phạm. Theo Nghị quyết 02-HĐTP ngày 16-01-1988 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, sự câu kết giữa những người trong đồng phạm có thể được thể hiện dưới các dạng sau:

- Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm cướp, v.v. có những tên chỉ huy, cầm đầu. Có thể không có những tên chỉ huy, cầm đầu nhưng có sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội.

- Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã định trước.

- Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch rất chu đáo, tinh vi, kỹ càng, có sự chuẩn bị công cụ, phương tiện hành động và chống trả khi bất trắc.

Phạm tội có tổ chức trong một số trường hợp là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (Điều 171, 175, 178,…Bộ luật hình sự), cũng có thể là tình tiết tăng nặng tại Điều 52 Bộ luật hình sự hiện hành. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức thuộc các tội phạm quy định là tình tiết nặng hơn định khung thì khi xét xử, Toà án không được viện dẫn thêm khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự để xem đó là tình tiết tăng nặng.

Một điểm cần lưu ý là chúng ta cần phân biệt giữa trường hợp phạm tội có tổ chức và tổ chức phạm tội. Tổ chức phạm tội được Bộ luật hình sự quy định thành tội danh độc lập. Chẳng hạn, Điều 183 - Tội tổ chức tảo hôn; Điều 265 - Tội tổ chức đua xe trái phép; Điều 322 - Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, v.v.. Trường hợp này, người phạm tội là người đứng ra tổ chức cho người khác thực hiện tội phạm được quy định thành tội danh riêng chứ không phải là đồng phạm với những người tham gia.

Ví dụ, Dương Minh T đã dành khuôn viên nhà mình cho việc chọi gà (mọi người thường gọi là Trường gà). Vào trung tuần mỗi tháng, T tổ chức cho các “tay” chơi gà cá độ với nhau, T sẽ thu 5% trên tổng giá trị tiền cá cược mỗi độ. Bản thân T cũng có nuôi gà nòi và nếu thấy thích hắn cũng tham gia với những tên chủ mang gà tới. Ít lâu sau Trường gà của T bị phát hiện. Ở đây, rõ ràng T tổ chức cho người khác phạm tội và có khi cả mình cũng thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của T đã được Luật hình sự hiện hành quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự. Những người tham gia chơi bị xem là phạm tội đánh bạc (Điều 321 Bộ luật hình sự) nếu thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản.

Như vậy, để xác định một trường hợp phạm tội trong đó có sự tổ chức là trường hợp phạm tội có tổ chức hay tổ chức phạm tội, chúng ta cần nghiên cứu xem trong Bộ luật hình sự có quy định tội phạm được thực hiện thông qua hành vi tổ chức hay không. Nếu hành vi tổ chức cho người khác phạm tội được Bộ luật hình sự quy định thành một tội phạm độc lập thì hành vi đó không bị xem là đồng phạm hoặc cao hơn là trường hợp phạm tội có tổ chức (như ví dụ trên). Nếu Bộ luật hình sự không quy định hành vi tổ chức cho người khác phạm tội là một tội phạm độc lập thì người thực hiện hành vi đó bị xem là người tổ chức trong đồng phạm. Chẳng hạn, bà Cam là một tú bà. Một hôm có em Trinh, người dưới quê mới lên xin vào làm chỗ bà Cam. Bà Cam đã sắp xếp cho Trinh uống thuốc mê để bán trinh của em cho ông Quang. Trong trường hợp này, ông Quang là người thực hành tội hiếp dâm, bà Cam bị xem là đồng phạm với vai trò tổ chức chứ không phải tội “tổ chức hiếp dâm” vì trong Bộ luật hình sự không quy định hành vi này thành một tội phạm độc lập.

V. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG ĐỒNG PHẠM

Điều 58 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Trường hợp phạm tội do đồng phạm bao giờ cũng có tính nguy hiểm cao hơn cho xã hội so với tội phạm do một người thực hiện. Việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm như thế nào để bảo đảm các nguyên tắc chung của pháp luật hình sự và tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội mà tội phạm đồng phạm đã gây ra là việc làm hết sức cần thiết trong xử lý hình sự. Bởi vì, có như thế thì pháp luật mới bảo đảm được tính nghiêm minh, không những thế còn bảo đảm cho việc áp dụng hình phạt đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã xác định trách nhiệm hình sự chung trong trường hợp đồng phạm và từng người cụ thể trong đồng phạm thông qua quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Dựa trên quy định này, các nhà lý luận luật hình sự đã khái quát thành những nguyên tắc cơ bản mang tính đặc thù trong xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Các nguyên tắc đó là:

1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm

Tội phạm do đồng phạm thực hiện dựa trên sự liên kết giữa nhiều người cùng với sự quyết tâm của họ là mong muốn cho hậu quả của tội phạm đó xảy ra. Vì lẽ đó, ý chí và hành vi của mỗi người trong đồng phạm bao giờ cũng trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể thống nhất của tội phạm. Sự đóng góp của mỗi người vào tội phạm đồng phạm hoặc ít hoặc nhiều cũng có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Hậu quả của tội phạm xảy ra là sự kết hợp không thể phân chia của tất cả các hành vi của từng cá nhân tham gia phạm tội. Nếu hậu quả của tội phạm xảy ra không có mối quan hệ nhân quả với hành vi của một người nào đó tham gia thực hiện hành vi thì không thể xem người đó là đồng phạm. Cho nên, không có cơ sở và chúng ta cũng không thể tách hành vi của từng cá nhân gắn với hậu quả của hành vi đó để truy cứu trách nhiệm hình sự riêng đối với từng cá nhân. Từ những lý luận trên đây, pháp luật hình sự Việt Nam đã xác định nguyên tắc các đồng phạm phải chịu chung trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ cùng thực hiện. Cụ thể:

- Tất cả những cá nhân trong đồng phạm không kể tham gia thực hiện tội phạm với vai trò gì đều phải bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh theo cùng một điều luật và phạm vi chế tài của điều luật ấy. Vì vậy, tất cả họ phải chịu chung những tình tiết của vụ án mà họ ý thức được trong đó có thể là tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 51, 52 Bộ luật hình sự).

- Các quy định chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, v.v. cũng áp dụng chung cho tất cả những người tham gia đồng phạm.

Về điểm này, quan điểm của các nhà lý luận pháp luật hình sự tư sản, đại diện là Phơbách, có một số điểm khác biệt. Họ cho rằng hậu quả nguy hiểm cho xã hội do đồng phạm gây ra cũng giống như hậu quả của tội phạm do một cá nhân thực hiện. Xuất phát từ quan điểm đó, họ coi người thực hành là kẻ chính phạm, phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả của tội phạm. Còn những người khác (tổ chức, xúi giục, giúp sức) là những người đồng phạm (hay tòng phạm), đóng vai trò phụ, không phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả của tội phạm mà chỉ chịu trách nhiệm hình sự vì đã giúp chính phạm thực hiện tội phạm.

Quan điểm trên đây không phù hợp với thực tế khách quan. Hành vi của tất cả những người trong đồng phạm đều góp phần gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả của tội phạm là kết quả chung do hoạt động phạm tội của tất cả những người trong đồng phạm gây ra. Bất kỳ một sự tham gia vào đồng phạm dù là hành động hay không hành động đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra. Do vậy, không chỉ người thực hành mới chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả của tội phạm mà tất cả những người trong đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả của tội phạm đã gây ra.

2. Nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự của từng người trong đồng phạm

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra của vụ phạm tội đồng phạm có nguyên nhân từ sự kết hợp tất cả các hành vi của những cá nhân trong đồng phạm. Chính vì thế, pháp luật hình sự buộc họ phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ có tham gia thực hiện là điều hợp lý. Tuy nhiên, mỗi người trong họ là những cá nhân xác định với ý chí và hành vi độc lập. Trách nhiệm hình sự chung được xác lập trên cơ sở không thể phân chia của tổng thể thống nhất các hành vi đồng phạm nhưng những đặc điểm thuộc về nhân thân hoặc những hành vi dựa trên ý chí của từng người ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được xác định là của riêng cá nhân đó. Cho nên, trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong đồng phạm cũng sẽ được xem xét một cách tương đối độc lập dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và người phạm tội cụ thể. Lý luận này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Trong đồng phạm, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

- Những người trong đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nằm trong khuôn khổ ý thức mà những đồng phạm khác có thể ý thức được. Ngược lại, những người trong đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của những đồng phạm khác thực hiện tự ý, không nằm trong ý thức của mình. Trường hợp đó, các nhà lý luận luật hình sự gọi là hành vi thái quá.

Hành vi thái quá được hiểu là việc người thực hành hoặc một người nào khác trong đồng phạm tự ý thực hiện hành vi phạm tội (hoặc một hành vi nào đó) mà những người đồng phạm khác không ý thức được.

Hành vi thái quá này có thể sẽ tạo nên tình tiết định khung nặng hơn hoặc một tội phạm khác nặng hơn. Thông thường, trường hợp này xảy ra ở người thực hành nhưng không loại trừ nó cũng xảy ra ở những đồng phạm với vai trò khác. Ví dụ, Dương Văn T và Nguyễn Tấn Đ là hai đồng nghiệp làm chung cơ quan. T vốn có mối thù sâu với anh Đặng Hồng L nên xúi Đ đến nhà anh L cướp tài sản và hứa cung cấp một gói thuốc mê để làm cách nào đó anh L có thể mê và Đ sẽ cướp tài sản. Đ đã dùng gói thuốc mê này và thực hiện thành công hành vi cướp, nhưng Đ thật bất ngờ khi nghe tin anh L chết trong đêm đó. Kết luận giám định cho thấy rằng anh L chết do uống phải độc dược. Trường hợp này rõ ràng Đ chỉ có trách nhiệm về tội cướp tài sản (Điều 168). Tội giết người không thuộc phạm vi ý thức của Đ, T phải chịu trách nhiệm về hành vi xúi giục đối với tội “cướp tài sản” (Điều 168) và thực hành đối với tội “giết người” (Điều 123).

Thực tế phạm tội rất đa dạng và khoa học luật hình sự đã khái quát thành hai loại thái quá trong đồng phạm, đó là:

· Thái quá về chất lượng của hành vi: là trường hợp một hoặc một số người trong đồng phạm thực hiện hành vi thái quá đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có thể nhận thức được. Ví dụ, Tuấn, Hùng, Hưng bàn bạc với nhau chặn người đi đường để cướp tài sản. Tuy nhiên, trước khi đi cướp, con của Hưng bệnh nên Hưng không cùng đi. Khi phát hiện người đi xe máy chạy tới, Tuấn và Hùng chặn lại và thấy đây là một phụ nữ. Chúng đã hiếp dâm chị ta, sau đó, cướp đi sợi dây chuyền, nhưng không cướp xe vì sợ không có ai chở chị về nhà (lúc đó trời tối, đường vắng). Hôm sau, khi cả ba mang dây chuyền đi tiêu thụ thì bị bắt. Khi đó, Hưng mới biết Tuấn và Hùng ngoài việc cướp tài sản còn hiếp dâm người bị hại.

· Thái quá về số lượng hành vi: là trường hợp một hay một số người trong đồng phạm thực hiện hành vi thái quá mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có thể nhận thức được. Thái quá về số lượng có thể cấu thành một tội phạm độc lập hoặc chỉ làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà các đồng phạm khác định thực hiện.

Ví dụ, Tuấn Anh, Quốc Bảo và Hồng Cang có thù ghét với Hoà nên chặn đường đánh Hoà. Khi thấy Hoà gục xuống, không còn chống đỡ, Anh bảo thôi đánh, không thì nó chết mất. Sau đó, Anh và Bảo bỏ đi. Tuy nhiên, Cang còn ở lại dùng gót chân thúc vào mạng sườn và dùng chân dậm lên ngực Hoà. Kết quả là Hoà chết do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. Trong trường hợp này, Anh và Quốc bị xem là phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 134), Cang bị xem là phạm tội giết người (Điều 123). Một ví dụ khác, Khắc Thấu là thủ kho, Mai là kế toán, Ban là bảo vệ công ty thương nghiệp tổng hợp. Họ bàn với nhau lấy 100 kg bột ngọt của công ty bán lấy tiền tiêu xài. Thấu và Ban chịu trách nhiệm vào kho lấy bột ngọt, Mai có nhiệm vụ sửa sổ sách để hợp thức hoá 100 kg bột ngọt. Tuy nhiên, khi vào kho, Thấu bàn với Ban lấy thêm 50 kg bột ngọt chia nhau mà không cho Mai biết. Trong trường hợp này, Thấu và Ban có hành vi thái quá, nhưng hành vi này không cấu thành tội độc lập. Cả ba đều bị xem là phạm tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật hình sự hiện hành), nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi của Thấu và Ban cao hơn Mai.

Ngược lại, trong một vụ đồng phạm, khi có một hoặc một số người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì chỉ riêng cá nhân họ được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì những người khác phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành lúc đó mà xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với những người này. Có hai trường hợp:

+ Khi người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu còn người thực hành thì những người đồng phạm khác chịu trách nhiệm hình sự theo người thực hành đó. Trong trường hợp không còn người thực hành thì người thực hành chấm dứt tội phạm ở giai đoạn nào, những người khác phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt).

+ Đối với người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức thì hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện tội phạm và phải có hành vi tích cực khắc phục tác hại của hành vi mà mình đã góp phần trước đó vào việc phạm tội. Thế nào là tích cực khắc phục hậu quả do hành vi mình gây ra sẽ được đánh giá tuỳ thuộc vào mỗi vụ đồng phạm cụ thể. Ví dụ, nếu họ cho mượn hung khí để người khác gây thương tích cho người khác thì họ phải lấy lại hung khí đó trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội hoặc báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm. Khi người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì trách nhiệm hình sự của những người còn lại không bị ảnh hưởng vì trách nhiệm hình sự của họ được xác định dựa theo người thực hành.

Về điểm này, trong quyển “Hình luật tổng quát”, Nguyễn Quang Quýnh, trong mục “Những trường hợp bó tay” đã phân tích, nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì bên cạnh người thực hành, những người còn lại cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Quan điểm này dựa trên pháp luật hình sự của chính phủ Việt Nam cộng hoà, khi đó chịu ảnh hưởng của pháp luật tư sản phương Tây. Ngay cả khi phân tích luận điểm này, tác giả cũng có sự băn khoăn nhất định khi các “tòng phạm” (tổ chức, xúi giục, giúp sức) đều thực hiện hành vi một cách tích cực cho việc thực hiện tội phạm, nhưng khi người thực hành tự ý dừng lại thì họ coi như được vô can[5].

- Mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt của những đồng phạm được quyết định cũng không phải như nhau tuỳ thuộc vào vai trò của họ trong đồng phạm, tác dụng của hành vi của họ đến hoạt động chung trong việc gây ra tội phạm, nhân thân của họ. Thông thường, người tổ chức có tính nguy hiểm cao nhất cho xã hội nên hình phạt của họ cũng cao hơn những người đồng phạm khác. Để vận dụng đúng đắn nội dung này đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải xem xét, đánh giá từng trường hợp phạm tội cụ thể chứ không thể cứng nhắc dẫn đến khuôn mẫu lúc nào cũng cho rằng, người tổ chức nguy hiểm hơn người thực hành hay người thực hành nguy hiểm hơn người xúi giục.

- Tất cả các tình tiết định khung nặng hơn, nhẹ hơn, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết miễn trách nhiệm hình sự của riêng người nào chỉ được áp dụng đối với riêng người đó. Những tình tiết này gồm hai loại:

+ Những tình tiết thuộc về nhân thân (tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội trong thời gian chấp hành hình phạt, là người chưa thành niên phạm tội, v.v..);

+ Những tình tiết xảy ra không thuộc phạm vi ý thức của các đồng phạm khác.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒNG PHẠM

1. Chủ thể đặc biệt trong đồng phạm

Trong Bộ luật hình sự hiện hành, có một số tội phạm đòi hỏi chủ thể thực hiện tội phạm phải có một số đặc điểm nhất định mới thoả mãn được các dấu hiệu cấu thành tội phạm đó. Đó là các đặc điểm tạo nên chủ thể đặc biệt. Ví dụ, “Tội tham ô tài sản” (Điều 353 Bộ luật hình sự), tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn. Đối với những tội phạm yêu cầu chủ thể đặc biệt như vậy, chỉ cần người thực hành có đủ các đặc điểm của chủ thể đặc biệt là đã đủ các yếu tố cấu thành đồng phạm, những người còn lại không cần dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Ví dụ, A là chồng, có chức vụ trong cơ quan Nhà nước, B là vợ, không có chức vụ nhưng có thể tham gia nhận hối lộ với vai trò đồng phạm giúp sức cho chồng. Khi đó, B cũng có thể bị truy trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo người thực hành, là người có chức vụ.

2. Xác định tội phạm, khung hình phạt, giai đoạn thực hiện tội phạm

Việc xác định tội phạm, khung hình phạt, giai đoạn thực hiện tội phạm của tất cả những người trong đồng phạm là dựa vào hành vi khách quan của người thực hành cũng như hậu quả do hành vi của người thực hành gây ra. Điều này đã được làm rõ trong nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Nếu vì một lý do khách quan nào đó mà tội phạm không được thực hiện đến cùng thì người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào, tất cả những đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó. Trong trường hợp người xúi giục, giúp sức người khác phạm một tội nhưng người này không phạm tội đó mà phạm một tội khác thì người xúi giục phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà mình đã xúi giục nếu việc đó đã có sự thống nhất trong nhận thức của người xúi giục, giúp sức với người thực hành.

Về nguyên tắc, việc xác định tội danh, khung hình phạt, giai đoạn phạm tội trong đồng phạm là dựa theo hành vi và hậu quả của người thực hành. Nghĩa là, trong vụ đồng phạm, bên cạnh người thực hành, nếu có thêm người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức thì trách nhiệm hình sự của họ (tội danh, khung hình phạt, giai đoạn phạm tội) sẽ được xác định theo người thực hành.

Tuy nhiên, trên thực tế bắt gặp một trường hợp gây xung đột về quan điểm trong việc xác định trách nhiệm hình sự của những người gọi là đồng phạm. Đó là trường hợp tất cả những người đồng phạm đều là người thực hành, nhưng hậu quả xảy ra rõ ràng đã xác định được là do hành vi của một hoặc một số người, những người còn lại dù có thực hiện hành vi nhưng hành vi của họ không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả. Ví dụ, A, B, C có xảy ra mâu thuẫn với D trên đường đi. Khi thấy A ra tay đánh D, B không nói gì cũng cùng A đánh D. Khi đó, C tìm một cục đá ném về phía D nhưng không trúng. Cùng lúc đó, cả 3 bị bắt. Tỷ lệ thương tật của D được xác định là 15%. Trong vụ án này, có hai quan điểm phổ biến để giải quyết:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, C cũng là đồng phạm nên phải cùng chịu chung hậu quả với A và B.

Quan điểm thứ hai cho rằng, C dù là đồng phạm nhưng không chịu chung hậu quả với A và B vì hành vi của C không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả này.

Theo tác giả cuốn sách, quan điểm thứ hai là có căn cứ: vì C không phải là người tổ chức, xúi giục hay giúp sức mà là người thực hành; bởi vậy, hành vi của C không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả thương tật 15% vì C ném đá mà không trúng D. C cũng không có hành vi nào khiến cho A và B thực hiện hành vi một cách tích cực và hiệu quả hơn. Do đó, chỉ có thể coi hành vi của C là hành vi cố ý gây thương tích nhưng chưa gây ra hậu quả, đồng nghĩa với việc xác định C không phạm tội.

Nếu sự việc xảy ra trong điều kiện cả nhóm có bàn bạc, thoả thuận từ trước thì có lẽ hướng xử lý có khác. Ví dụ, A, B, C có mâu thuẫn với D từ trước và bàn nhau đi đánh D. Khi đó, dù C không ném đá trúng D và hậu quả xảy ra là hoàn toàn do A và B thì C cũng không thể được coi là vô can. Bởi vì, việc tham gia đi đánh D của C đã như một động lực giúp cho A và B có thêm hứng khởi, quyết tâm để gây thương tích cho D. Vì thế, lúc đó C có thể bị coi là một người giúp sức về mặt tinh thần, góp phần tạo ra hậu quả chung của tội phạm và C phải chịu chung với A và B về hậu quả này. Nghĩa là, lúc đó C phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự như A và B.

Một trường hợp khác cũng gây tranh luận không ít. Đó là trường hợp cả nhóm cùng hành động, không bàn trước hậu quả nhưng hậu quả xảy ra rõ ràng là có mối quan hệ nhân quả với một người, những người khác có tham gia nhưng không phải là nguyên nhân của hậu quả đó. Ví dụ: E, F, G có mâu thuẫn với H nên cả bọn cùng nhau đâm và đánh H (E đâm, F, G đánh bằng tay không). Cuối cùng H chết. Kết luận giám định xác nhận H chết là do bị đâm hai nhát dao. Ở đây có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tất cả những người tham gia đều được xem là đồng phạm và phải chịu chung hậu quả cuối cùng vì tất cả mọi người đều tham gia thực hiện hành vi phạm tội.

Quan điểm thứ hai, không chấp nhận buộc cả ba người phải chịu chung hậu quả mà chỉ có E phải chịu hậu quả chết người, F và G chỉ chịu hậu quả thương tích.

Theo tác giả cuốn sách, cả hai quan điểm đều chưa có cơ sở xác đáng. Chúng ta cần phải tìm hiểu xem lỗi của những người trong đồng phạm. Việc E đâm chết H rõ ràng là lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Còn F và G chưa xác định được là lỗi gì đối với hậu quả chết người. Nếu F và G tham gia đánh bất chấp hậu quả thì chứng tỏ lỗi của F và G đối với hậu quả chết người là cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Trường hợp này, F và G cùng gánh chung với E hậu quả chết người là hoàn toàn chính xác. Nghĩa là cả ba đều bị truy cứu về tội giết người (Điều 123). Nếu F và G chỉ cố ý đối với hậu quả thương tích được thể hiện qua việc F và G cảnh báo với E rằng, đâm không được để cho nạn nhân chết thì F và G chỉ có thể chịu trách nhiệm đối với hậu quả thương tích với lỗi cố ý, còn hậu quả chết người là vô ý. Khi đó, E bị truy cứu về tội giết người (Điều 123), riêng F và G phải bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích (khoản 3 Điều 134) với hậu quả chết người xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

VII. NHỮNG TỘI PHẠM ĐỘC LẬP

Chúng ta đã biết, dấu hiệu bắt buộc của đồng phạm là về mặt khách quan phải có hành vi “cùng thực hiện” và về mặt chủ quan phải có hành vi “cùng cố ý. Thực tế, có những hành vi liên quan đến hoạt động phạm tội nhưng không thoả mãn các dấu hiệu của đồng phạm. Dù vậy, đây cũng là những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội nên nó bị Luật hình sự quy định là tội phạm. Theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, những hành vi phạm tội thuộc loại này có các dạng sau:

1. Tội che giấu tội phạm (Điều 18 và Điều 389 Bộ luật hình sự) là hành vi của một người tuy không có hứa hẹn trước nhưng sau khi biết được tội phạm do người khác thực hiện xong đã có hành vi che giấu người phạm tội, các chứng cứ hoặc cản trở việc phát hiện, điều tra, tìm ra sự thật của vụ phạm tội. Tội phạm này có các đặc điểm sau:

+ Hành vi che giấu tội phạm là hành vi tích cực;

+ Hành vi che giấu được thực hiện sau khi tội phạm kết thúc và không phải là trường hợp có hứa hẹn trước;

+ Lỗi là lỗi cố ý trực tiếp với mục đích nhằm làm cho tội phạm, người phạm tội cũng như những gì liên quan đến tội phạm không bị phát hiện.

+ Chỉ những hành vi che giấu các tội phạm đã được liệt kê tại Điều 389 Bộ luật hình sự mới được xem là phạm tội này. Ví dụ, Đoàn Văn S, quê quán Kiên Giang, là Công an xã H.M. Trong lúc hết tiền và sẵn có súng ở nhà, S đã đến khống chế nhà anh Trần Văn T và lấy đi tám lượng vàng. Sáng hôm sau, anh T báo với cơ quan Điều tra và lệnh truy nã được phát đi. Thời gian này, S đã về Minh Hải để trốn và ở nhà một người bà con tên Lê Thị V. Ban đầu V không biết S đã phạm tội nhưng tình cờ một hôm S đã để lộ điều đó cho V biết. Một hôm, Công an địa phương đến hỏi sự có mặt của S trong nhà V vì thấy S ở đây đã lâu thì V nói dối rằng S ở đây để phụ giúp gia đình V. Trường hợp này, V đã phạm tội che giấu tội phạm.

Hành vi che giấu tội phạm không được quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự thì không bị coi là phạm tội che giấu tội phạm. Ví dụ, Lợi điều khiển xe gây tai nạn làm chết người nhưng không bị ai phát hiện, Lợi quăng xe bỏ trốn và đề nghị Hận nhận tội thay mình. Hận đã ra tự thú và khai nhận mình đã gây tai nạn. Trong trường hợp này, rõ ràng hành vi của Hận là hành vi che giấu tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm mà Hận che giấu (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ - Điều 260) không được quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự. Như vậy, hành vi che giấu của Hận không cấu thành tội phạm.

2. Không tố giác tội phạm (Điều 19 và Điều 390 Bộ luật hình sự) là hành vi của một người tuy biết rõ tội phạm chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong mà không tố giác. Dạng tội phạm này có các đặc điểm sau:

+ Hành vi không tố giác được thực hiện bằng không hành động;

+ Lỗi là lỗi cố ý trực tiếp (biết rõ tội phạm chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện hoặc đã thực hiện xong).

+ Chỉ những hành vi không tố giác các tội phạm được quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự mới cấu thành tội phạm. Ví dụ, Phạm Văn C là kỹ thuật viên vi tính. C có một máy photocopy màu. Bằng những xảo thuật của mình, C đã tạo ra được những tờ bạc loại 50.000 đồng Việt Nam giống như thật. Không ai biết được điều đó ngoại trừ một người bạn thân nhất của C là Dương Trọng N. Dù biết rằng đó là hành vi phạm tội nhưng N đã không tố giác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi việc không bị phát hiện cho đến một hôm, Công an quận Y đến đọc lệnh bắt C và thật không may cho N vì lúc đó có mặt anh tại phòng khách. C bị truy tố về “tội làm tiền giả” (Điều 207 Bộ luật hình sự) và N bị truy tố về “tội không tố giác tội phạm” (Điều 390 Bộ luật hình sự).

Tuy nhiên, “Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng” chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII Bộ luật hình sự) hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 Bộ luật hình sự. Đây là điểm sửa đổi mang tính nhân đạo, phù hợp với truyền thống Á đông của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 mà Bộ luật hình sự năm 1985 không có được. Trong Quốc triều Hình luật đã từng có quy định khi những người thân che giấu tội phạm cho nhau thì không bị phạt, dĩ nhiên điều này không áp dụng cho các tội từ mưu phản trở lên (Điều 39, chương Danh lệ). Ngoài ra, để phù hợp với thực tiễn và đạo đức nghề nghiệp, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 còn bổ sung thêm một trường hợp nữa cũng được loại trừ trách nhiệm hình sự, đó là trường hợp của luật sư khi tham gia bào chữa, có thể trong quá trình bào chữa, phát hiện ra thân chủ của mình có thêm tội phạm mới ngoài tội phạm đã bị phát hiện. Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự quy định:

Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”.

Liên quan đến trách nhiệm hình sự của luật sư đối với tội không tố giác tội phạm, tranh cãi đã diễn ra gay gắt giữa hai luồn quan điểm.

Quan điểm thứ nhất đòi loại bỏ luật sư ra khỏi trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Quan điểm này cho rằng: Thứ nhất, luật sư bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật luật sư quy định khác với bào chữa viên là người khác không chịu sự điều chỉnh của luật luật sư và quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể là bố, mẹ, anh, chị, em người phạm tội như dự thảo. Thứ hai, đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự không có sự khảo sát đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội, cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không và trong quá trình thực thi Bộ luật hình sự thì luật sư đã có những vi phạm phải xử lý như thế nào. Thứ ba, quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm Luật luật sư mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư, như cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa. Thứ tư, quy định này là vi hiến và xung đột với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, Điều 73 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án về người bị buộc tội mà mình bào chữa, nhưng Điều 19, Bộ luật hình sự lại quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa.

Quan điểm thứ hai không tán đồng và cho rằng luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự như bao công dân khác. Quan điểm này cho rằng, chúng ta cần xem xét lại suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước ta, từ thời kỳ phong kiến đến nay, đối với tội trước đây thời kỳ phong kiến trong các bộ luật của nhà nước phong kiến đều nói tội "bất trung", tội "đại nghịch" luôn luôn được xem là tội nặng nhất cần trừng trị. Mà hiện nay, trong bộ luật của chúng ta gọi là các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đối với những tội này, không thể lấy bất kỳ lí do nào, kể cả lí do về hoạt động nghề nghiệp để cho rằng phải bảo vệ việc này. Nếu người bào chữa trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, tội gián điệp, phạm vào tội phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp, chúng tôi cũng đặt một vấn đề, một câu hỏi ở đây, nếu như bao che cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp dù đấy là bất kỳ nghề nghiệp nào, không nói đấy là nghề bào chữa.

             Qua nhiều lần lấy ý kiến rộng rãi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án:

Phương án 1: chỉ quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp “không tiết lộ thông tin về tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Điều 108 (Tội phản bội Tổ quốc), Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 112 (Tội bạo loạn), Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) và Điều 123 (Tội giết người) khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang thực hiện hoặc đang chuẩn bị thực hiện mà cần thiết phải ngăn chặn hậu quả xảy ra”. 

Phương án 2: đề nghị bỏ khoản 3 điều 19 của Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Do đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm nên sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý khoản 3 điều 19 của Bộ luật Hình sự 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm. 

Kết quả cuối cùng được Quốc hội thông qua trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tác giả thấy đây là giải pháp hoàn toàn hợp lý. Về nguyên tắc, với tư cách là công dân thì người bào chữa có nghĩa vụ bình đẳng như mọi công dân khác trong việc tố giác tội phạm. Nguyên tắc này đã được Hiến pháp ghi nhận “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” và được thể chế hóa trong các luật về tư pháp từ trước đến nay. Điều 4 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm”; Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “… cá nhân có nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm. Quy định như vậy là đã cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa; nhưng việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa. Mặt khác, vấn đề này cũng đã được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự năm 2015. Kết quả cho thấy, đa số ý kiến nhân dân không đồng ý miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa. 

So với Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sự thu hẹp một cách rất đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa. Cụ thể, nếu như theo Bộ luật hình sự 1999, người bào chữa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm đối với tất cả các tội phạm mà người bào chữa biết được. Trong khi đó, Bộ luật hình sự 2015 chỉ buộc luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm khác là tội đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này đã đẩy một bước cho người bào chữa từ tư cách công dân bình thường (người không có quan hệ) lên làm “ông, bà, cha, mẹ…vợ, chồng” của thân chủ. Không thể đòi hỏi quá đáng theo kiểu “được voi đòi hai bà Trưng” được.

3. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 Bộ luật hình sự) là hành vi của một người không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Như vậy, tội này được đặc trưng bởi những dấu hiệu sau:

+ Có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có;

+ Hành vi này được thực hiện sau khi tội phạm mà từ đó có tài sản kết thúc và không có hứa hẹn trước;

+ Lỗi cố ý trực tiếp (thường là vì động cơ vụ lợi, nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc).

Trong thực tế, có một số trường hợp người tiêu thụ tài sản không có hứa hẹn trước với người phạm tội nhưng sau khi biết được tài sản đó do phạm tội mà có thì đã có hành vi tiêu thụ tài sản này. Dần dần, người tiêu thụ tài sản biết được tài sản đó là do người phạm tội đã trộm cắp tài sản mà có được. Nhiều lần sau đó, người tiêu thụ mặc nhiên tiêu thụ và ngầm hiểu đây là tài sản do phạm tội mà có. Nếu trường hợp này xảy ra, có thể coi người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có là đồng phạm với vai trò giúp sức. Bởi vì, mặc dù việc tiêu thụ này không hề có sự thoả thuận bên ngoài nhưng thực chất, hai bên đã ngầm thoả thuận trước, hễ có tài sản do phạm tội mà có, người tiêu thụ sẽ tiêu thụ.

4. Tội rửa tiền (Điều 324 Bộ luật hình sự) là người thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Như vậy, tội phạm này được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

+ Có một trong các hành vi kể trên;

+ Các hành vi này được thực hiện sau khi tội phạm nguồn kết thúc mà không có hứa hẹn trước. Nếu có hứa hẹn trước hoặc ngầm hiểu thì hành vi này bị coi là đồng phạm giúp sức.

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm đồng phạm.

2. Phân tích các dấu hiệu của đồng phạm.

3. Nêu những loại người đồng phạm.

4. Hãy phân loại đồng phạm và phân tích dấu hiệu phạm tội có tổ chức.

5. Nêu trách nhiệm hình sự trong đồng phạm.

6. Phân tích một số vấn đề liên quan đến đồng phạm.

7. Những tội phạm độc lập là gì.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016.

2.   Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991.

3.   Karpext: Cá thể hoá hình phạt trong luật hình Xôviết, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963.

4.   Vũ Văn Mẫu: Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử.

5.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

6.   Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

7.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

8.   Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

9.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Vũ Văn Mẫu: Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Sđd, tr.64.

[2]. Trường Đại học luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.61.

[3]. Karpext: Cá thể hoá hình phạt trong luật hình Xôviết, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1963, tr.92.

[4]. Karpext: Cá thể hóa hình phạt trong luật hình Xôviết, Sđd, tr.95.

[5]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr. 342.

 

BÀI 12

NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

I. KHÁI NIỆM VỀ NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Nguyên tắc chung của luật hình sự Việt Nam là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã cấu thành tội phạm. Trong thực tế, có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng được thực hiện trong những trường hợp được xem là mất đi tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó. Do đó, hành vi ấy không cấu thành tội phạm (tính chất phạm tội không còn) và dĩ nhiên, người thực hiện hành vi đó không có trách nhiệm hình sự. Khoa học luật hình sự gọi những trường hợp mà hành vi nguy hiểm được loại trừ tính chất phạm tội là những tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi (những tình tiết loại trừ tính chất phạm tội của hành vi) và Bộ luật hình sự 2015 đã dành một chương riêng để quy định về những trường hợp này.

Nguyễn Quang Quýnh khi nghiên cứu pháp luật hình sự của Chính quyền Sài Gòn thời trước ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) đã đưa ra năm trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội không cấu thành tội phạm, do đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Năm trường hợp này gồm: phòng vệ chính đáng (Điều 73), thi hành pháp lệnh và lệnh của nhà cầm quyền chính thức (Điều 72), tình trạng thiết bách (Điều 75), sự điên cuồng (Điều 76), tuổi dưới 13 (Điều 77)[1].

Nghiên cứu Bộ luật hình sự Trung Quốc năm 1979 ta cũng sẽ thấy hai trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị cho là tội phạm, đó là: phòng vệ chính đáng (Điều 17) và tình thế cấp thiết (Điều 18). Bộ luật hình sự của Liên bang Nga năm 1996 quy định sáu trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội không cấu thành tội phạm là: phòng vệ cần thiết (Điều 38), gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội (Điều 39), tình thế cấp thiết (Điều 40), cưỡng bức về thân thể hoặc tinh thần (Điều 41), sự rủi ro chính đáng (Điều 42), thi hành mệnh lệnh hoặc chỉ thị (Điều 43).

Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 quy định hai trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội được loại trừ tính chất phạm tội, đó là phòng vệ chính đáng (Điều 13), tình thế cấp thiết (Điều 14). Bộ luật hình sự sửa đổi năm 1999 cũng ghi nhận hai trường hợp này được loại trừ trách nhiệm hình sự nhưng có sửa đổi chút ít về dấu hiệu của các tình tiết dẫn đến sự loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi và ghi nhận tại Điều 15, 16.

Nghiên cứu Hình luật tổng quát có thể thấy, Bộ luật hình sự hiện hành nên bổ sung một trường hợp nữa cũng được loại trừ trách nhiệm hình sự là hành vi nguy hiểm được thực hiện bởi người chưa đủ 14 tuổi. Trên thực tế, hành vi của người chưa đủ 14 tuổi có thể gây ra nguy hiểm đáng kể cho xã hội nhưng không bị coi là tội phạm vì điều kiện của chủ thể không thỏa mãn. Bởi vậy, thật là có căn cứ khi đưa hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện do người chưa đủ 14 tuổi vào những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Thừa nhận này cũng đồng thời khẳng định hành vi của người chưa đủ 14 tuổi không thể là tội phạm hoặc họ không phải đã phạm tội khi thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hiện vẫn chưa có quy định về trường hợp này như một tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự.

Những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành cần phân biệt với các trường hợp luật quy định hành vi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự cũng như những trường hợp khác được miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong phần chung và phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là đã phạm tội (hành vi của họ là tội phạm) nhưng trong điều kiện nhất định, có những căn cứ cụ thể, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án xét thấy không cần áp dụng biện pháp cưỡng chế và cho họ được miễn trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự thì hành vi gây thiệt hại không bị xem là tội phạm. Tức là, hành vi của người được loại trừ trách nhiệm hình sự không cấu thành tội phạm.

II. NHỮNG TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỤ THỂ

1. Sự kiện bất ngờ

Theo quy định của Điều 20 Bộ luật hình sự thì, “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong sự kiện bất ngờ, hành vi vẫn có gây ra thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi nguy hiểm đó không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây không bị buộc phải thấy trước hoặc không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội gây ra từ hành vi của mình.

Sơ đồ sự kiện bất ngờ

 

 

 

 

 

 

 

Trường hợp sự kiện bất ngờ và lỗi vô ý do cẩu thả có những điểm giống nhau về phương diện ý thức là chủ thể đều không thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, về phương diện ý chí, chủ thể cũng không mong muốn hoặc không để mặc cho hậu quả nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên, lỗi vô ý do cẩu thả, chủ thể có nghĩa vụ và có điều kiện để thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi của mình (bị buộc phải thấy và có thể thấy). Trong trường hợp của sự kiện bất ngờ thì chủ thể không có nghĩa vụ hoặc không có điều kiện để thấy trước hậu quả của hành vi của mình.

Có hai trường hợp gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ:

- Chủ thể không bị buộc phải thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình. Trong trường hợp này, ở chừng mực nào đó, có thể nói, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn có điều kiện để thấy trước được hậu quả đó. Tuy nhiên, trong một điều kiện đặc biệt, người gây thiệt hại không thể tránh khỏi việc gây ra hậu quả đó vì thời gian thấy trước quá ngắn ngủi, không đủ để người này có thể lựa chọn một hành vi khác không gây ra thiệt hại. Ví dụ, một người điều khiển xe tải không vi phạm bất kỳ một lỗi nào về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khi đang lưu thông, có một người say rượu điều khiển mô tô đâm thẳng vào đầu xe tải  do anh điều khiển. Trường hợp này, tai nạn xảy ra, làm chết người điều khiển mô tô. Tài xế xe tải mặc dù có thể thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng quá ngắn để anh ta thay đổi hành vi của mình nên đã gây ra tai nạn, gây hậu quả chết người. Hành vi gây thiệt hại này được xem là một trường hợp của sự kiện bất ngờ.

- Chủ thể không thể thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình. Ở trường hợp này, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có một cơ hội nào để có thể thấy trước hậu quả dù có cẩn thận hết mức. Ví dụ, một chiến sĩ công an đang đuổi bắt một kẻ vượt ngục. Trong khi đuổi bắt, chiến sĩ này đã hô cho kẻ vượt ngục đứng lại. Tuy nhiên, kẻ này vẫn ngoan cố không đứng, anh mới bắn chỉ thiên một phát. Kẻ vượt ngục giật mình đứng lại chịu trói. Viên đang sau khi bay lên trời, lúc rơi xuống đã trúng ngay huyệt bách hội của một phụ nữ đang làm vườn, làm chị này chết ngay tại chỗ. Sự kiện này đã xảy ra ở trại giam Kinh Năm – Tỉnh Hậu Giang mấy năm trước. Trong trường hợp này, rõ ràng khi thực hiện hành vi bắn chỉ thiên, anh cảnh sát không thể có điều kiện để thấy trước được hậu quả từ hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho người khác. Do đó, hành vi này của anh được coi là gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ.

 

2. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

 

Một người phát triển bình thường về sinh lý khi đã đạt một độ tuổi nhất định sẽ có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu sinh lý phát triển không bình thường (mắc các loại bệnh gây mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không có năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có hai dấu hiệu để nhận biết một người không có năng lực trách nhiệm hình sự ở góc độ này là: dấu hiệu y học (bệnh lý) và dấu hiệu tâm lý:

- Dấu hiệu y học (điều kiện cần):

Người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn. Các loại bệnh này có thể là mãn tính hoặc đột ngột nhất thời. Có thể kể đến một số loại bệnh như tâm thần ở các thể trầm trọng, bệnh si ngốc (ngu, đần, thộn), hoặc hoạt động tinh thần bị rối loạn do các bệnh khác như sốt rét ở nhiệt độ quá cao gây mê sảng. Bộ luật hình sự 1999 quy định “bệnh tâm thần hoặc bệnh khác”. Nay Bộ luật hình sự hiện hành thay từ “hoặc” bằng dấu “phẩy”. Tuy nhiên, dấu “phẩy” ở đây được hiểu như “hoặc” chứ không phải “và”. Nghĩa là về mặt y học, dấu hiệu này chỉ cần mắc bệnh tâm thần hoặc bất kỳ một bệnh nào khác.

- Dấu hiệu tâm lý (điều kiện đủ):

Dấu hiệu này đòi hỏi một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Năng lực nhận thức thể hiện ở sự hiểu biết các yêu cầu tất yếu của xã hội liên quan đến hành vi mà mình thực hiện, năng lực suy xét hành vi đó có nên làm hay không. Từ đó, người đó sẽ biết tự điều khiển hành vi của mình, kiềm chế những hành vi không phù hợp với yêu cầu của xã hội. Tiêu chuẩn tâm lý chỉ yêu cầu một người hoặc là mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi, một trong hai dấu hiệu đó đã thoả mãn thì dấu hiệu này coi như thoả mãn. Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận, một người tuy bình thường vẫn nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng trong những điều kiện cụ thể do những xung động bệnh lý mà không còn khả năng điều khiển hành vi của mình thì cũng được xem là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Một người được xem là không thoả mãn dấu hiệu về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi phải bảo đảm đồng thời hai dấu hiệu y học và tâm lý. Hai dấu hiệu này có mối quan hệ chặt chẽ nhau, dấu hiệu y học với vai trò là nguyên nhân và dấu hiệu tâm lý giữ vai trò là kết quả. Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần để xem xét người đó có năng lực trách nhiệm hình sự hay không. Tiêu chuẩn tâm lý là điều kiện đủ để xác định người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, chúng ta không thể kết luận một người mắc bệnh tâm thần là tất yếu phải dẫn đến mất năng lực trách nhiệm hình sự. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phụ thuộc vào loại bệnh đó. Trong trường hợp bệnh chưa dẫn đến người đó mất hoàn toàn khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và coi đó là một tình tiết giảm nhẹ.

Tiêu chuẩn y học là điều kiện cần. Vì thế, trong thực tế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định sẽ cho biết người đó có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Đây là việc làm bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người theo quy định của luật tố tụng hình sự. Và như thế, tất cả những trường hợp không thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự. Và, tình trạng trên phải hiện hữu khi người đó đang thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được thừa nhận là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Có thể tóm tắt những trường hợp mà người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự do thiếu dấu hiệu khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi như sau:

- Bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức;

- Bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức;

- Bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng điều khiển hành vi;

- Bệnh khác dẫn đến mất khả năng điều khiển hành vi.

Một vấn đề đặt ra là, có một số người khi đã quá say rượu hoặc chất kích thích mạnh khác cũng có thể dẫn đến một trong hai khả năng là mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, người thực hiện hành vi phạm tội không được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Chúng ta đã biết, dùng rượu hoặc dùng chất kích thích mạnh ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người đã sử dụng, trong những trường hợp cụ thể có thể dẫn đến mất hẳn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Dù vậy, người bị lâm vào tình trạng hạn chế hoặc mất hẳn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trong trường hợp này không được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Sở dĩ luật quy định như vậy vì, trong trường hợp này người phạm tội đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi nhưng tình trạng đó là kết quả của sự lựa chọn chủ quan người đó. Bản thân họ đã tự tước bỏ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Hay nói đúng hơn họ có lỗi trong việc gây ra tình trạng mất năng lực của mình và do đó cũng bị xem là có lỗi trong khi thực hiện hành vi phạm tội. Đứng ở góc độ xã hội, say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác là một hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Việc buộc người phạm tội trong tình trạng say biểu hiện thái độ nghiêm khắc, sự lên án đối với một hiện tượng tiêu cực này.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là đối với những người đã lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi mà phạm tội thì vấn đề lỗi được xác định như thế nào? Trong luật hình sự Việt Nam hiện hành ghi nhận bốn loại lỗi là cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp, vô ý vì quá tự tin, và vô ý do cẩu thả. Đối với một người say trong trường hợp này, lỗi trong việc thực hiện hành vi phạm tội không thể có loại lỗi cố ý trực tiếp vì khi phạm tội, họ không nhận thức được mình đang làm gì, muốn gì. Đối với lỗi cố ý trực tiếp, khi thực hiện hành vi, người đó phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, hậu quả sẽ xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Hiện nay, trong pháp luật hình sự, lý luận luật hình sự Việt Nam cũng như thực tiễn vẫn chưa thừa nhận một người say bệnh lý dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi mà thực hiện hành vi phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự. Trong thực tiễn xét xử của chúng ta đã từng có kết luận một người phạm tội do say bệnh lý nhưng vẫn bị tuyên án tù chung thân. Đó là trường hợp của Phạm Đình Tứ[2].

Say bệnh lý là trường hợp một người không có lỗi trong tình trạng say của mình, nghĩa là họ không có lỗi trong việc đặt mình vào trạng thái mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Theo tác giả, về mặt lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cần cân nhắc đến vấn đề miễn trách nhiệm hình sự đối với người say bệnh lý mà phạm tội. Ở một số nước thuộc Cộng hoà Liên Xô (cũ) đã coi trường hợp say bệnh lý mà phạm tội được loại trừ trách nhiệm hình sự[3].

Từ lý luận trên, ta có thể đề xuất hai trường hợp bị lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi khi phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự là không có lỗi trong tình trạng say (do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh) và say bệnh lý. Không có lỗi trong tình trạng say của mình là không phải chủ quan đặt mình vào tình trạng say đó mà kết quả của tình trạng say là do một tác động khách quan. Say bệnh lý là trường hợp cơ thể bị phản ứng mạnh với một chất nào đó (có thể là rượu). Khi tác động với cơ thể, chất đó sẽ gây ra tình trạng rối loạn hoạt động bình thường của thần kinh, gây mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Với việc phản ứng này của cơ thể, người sử dụng không biết trước được nên đã vô tình để mình lâm vào tình trạng mất năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu biết trước được thì không được xem là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, xét về vị trí của điều luật (Điều 13) quy định về phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, chưa hợp lý. Trước kia, Bộ luật hình sự 1999, tại Điều 13, quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, Điều 14 ngay sau đó quy định trường hợp phạm tội trong tình trạng say thì hợp lý. Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 đã di chuyển trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự vào chương các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự (Điều 21 Chương IV) thì Điều 13 có vẻ như bị bỏ bơ vơ.

Thêm một vấn đề nữa đặt ra là, những người chưa đủ 14 tuổi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi mà thực hiện những tội phạm không được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã không đưa trường hợp này vào chương những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Về mặt kỹ thuật, đây có thể được coi như một điểm chưa hoàn thiện của Bộ luật hình sự.

 

3. Phòng vệ chính đáng

Bộ luật hình sự các nước trên thế giới có cách gọi không giống nhau về chế định phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, những chế định này đều nhằm để quy định những điều kiện nhất định để một người vì muốn bảo vệ một lợi ích của xã hội mà chống lại một hành vi đang xâm hại đến lợi ích đó, gây thiệt hại cho xã hội nhưng được xem là không cấu thành tội phạm và do đó không có trách nhiệm hình sự.

Điều 36 Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định: “Một hành vi được thực hiện một cách cần thiết (không tránh khỏi việc thực hiện) để chống lại sự vi phạm pháp luật nguy hiểm, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích của mình hoặc của người khác thì không bị xử phạt. Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 quy định: “Không phải là tội phạm việc gây thiệt hại cho người đang có hành vi xâm phạm thân thể và các quyền của người phòng vệ hoặc của người khác, xâm phạm các lợi ích của xã hội hay của Nhà nước, nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích nói trên, nếu trong khi gây thiệt hại không vượt quá giới hạn cần thiết. Bộ luật hình sự Canađa đã dành nhiều điều quy định về phòng vệ chính đáng (từ Điều 27 đến Điều 42). Không giống pháp luật hình sự của các nước thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa, Luật hình sự Canađa quy định rõ ràng những trường hợp nào được xem là phòng vệ chính đáng, như phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, để bảo vệ tài sản, để bảo vệ chỗ ở, v.v..

Nhìn chung, tuỳ vào chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia, tuỳ vào chính sách hình sự, tình hình đấu tranh phòng và chống tội phạm ở mỗi nước mà những quy định về phòng vệ chính đáng có khác nhau.

Ở nước ta, trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, trong pháp luật hình sự chưa có khái niệm phòng vệ chính đáng chung cho mọi trường hợp mà chỉ có một số trường hợp cụ thể của nó. Ví dụ, Bản tổng kết 452-HS2 ngày 10-6-1970 của Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện xét xử các tội giết người, Chỉ thị 07 ngày 22-12-1983 về xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ.

Ngày 27-6-1985, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ luật hình sự năm 1985 đã chính thức ghi nhận chế định phòng vệ chính đáng và Bộ luật hình sự năm 1999 trên cơ sở đó đã sửa đổi vài điểm nhỏ trong chế định này. Khoản 1 Điều 15 Bộ luật này quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết[4] người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Chế định này được xây dựng nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống những hành vi xâm hại các quan hệ xã hội, ngăn chặn hoặc hạn chế những thiệt hại do sự xâm hại đó đe doạ gây ra.

a) Cơ sở lý luận của chế định phòng vệ chính đáng:

Thông thường, một hành vi khi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đó bị coi là tội phạm và bị đe doạ áp dụng hình phạt. Tuy nhiên, luật hình sự lại quy định một số hành vi trên thực tế có đầy đủ các dấu hiệu hình thức của một tội phạm, nhưng không phải là tội phạm, trong đó có phòng vệ chính đáng. Về mặt khách quan, phòng vệ chính đáng đã có các hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ một cách cố ý, nhưng vẫn được Nhà nước khuyến khích thực hiện. Có một số quan điểm lý giải cho quy định này, chẳng hạn như, thuyết cưỡng bách tinh thần cho rằng, “trong trường hợp phòng vệ chính đáng, hành vi phòng vệ vẫn là một tội phạm nhưng người phòng vệ được miễn tội vì đã hành động trong điều kiện bị cưỡng bách tinh thần. Vì bị tấn công trái phép và bất ngờ nên bắt buộc phải chống trả[5].

 Quan điểm thứ hai xuất phát từ yếu tố khách quan cho rằng, “người phòng vệ mặc dù gây thiệt hại cho kẻ tấn công nhưng đã sử dụng một quyền, hơn nữa đã thi hành một bổn phận đối với xã hội. Trước một hành động tấn công xâm hại hay đe doạ trực tiếp lợi ích của xã hội, người phòng vệ không nên và không thể chờ vào sự can thiệp của chính quyền mà cần phải phản ứng kịp thời mới bảo vệ được trật tự xã hội, bảo vệ được tính mạng của bản thân mình hoặc của người khác. Người phòng vệ, nhân danh xã hội thi hành bổn phận, sử dụng một quyền, đó là quyền phòng vệ cho nên học thuyết này còn gọi là học thuyết quyền phòng vệ[6].

Các luật gia xã hội chủ nghĩa tán đồng học thuyết quyền phòng vệ và mở rộng nội dung của nó. Trong một số điều kiện và giới hạn nhất định, xã hội xã hội chủ nghĩa tán thành và khuyến khích mọi người tích cực bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội[7]. Người chống trả trong trường hợp của phòng vệ chính đáng thực hiện hành vi chống trả phù hợp với quy luật tự nhiên và xã hội. Trong thế giới tự nhiên, theo quy luật, bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào khi bị tác động theo hướng phá vỡ sự tồn tại của chúng, chúng sẽ tác động ngược trở lại một lực bằng với lực mà chúng chịu tác động. Ví dụ, chúng ta dùng tay đập vào tường, bức tường sẽ tác động trở lại tay chúng ta làm cho tay chúng ta đau đớn. Về góc độ xã hội, trạng thái tồn tại ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội là ý chí của giai cấp thống trị - Nhà nước. Bất kỳ một sự xâm hại nào đến sự tồn tại ổn định đó đều bị phản ứng từ phía Nhà nước. Trong những điều kiện nhất định, sự phản ứng của Nhà nước có thể hiệu quả, riêng về trường hợp của phòng vệ chính đáng, sự phản ứng của Nhà nước sẽ không mang lại hiệu quả vì sự xâm hại đang diễn ra mà Nhà nước thì không có mặt kịp thời. Do đó, Nhà nước mới nhường quyền này lại cho cá nhân, là chủ thể đang trong trường hợp cũng có ý chí phản ứng như vậy.

Thực ra, hành vi chống trả, gây thiệt hại cho người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của công dân là những việc làm có ích, phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Do đó, luật hình sự Việt Nam và một số nước khẳng định hành vi phòng vệ chính đáng không thể bị coi là tội phạm. Phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi công dân nhưng không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc (trừ những người có chức vụ, trách nhiệm được Nhà nước giao cho nhiệm vụ trong những trường hợp cụ thể phát sinh trách nhiệm). Mỗi cá nhân có thể sử dụng quyền này của mình trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, chế định này không có nghĩa là sự cho phép mọi công dân đều có quyền trừng trị tội phạm mà quyền xử lý tội phạm thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhân danh Nhà nước. Do đó, hành vi phòng vệ chính đáng phải tuân theo những quy định nhất định trong luật hình sự.

 

b) Điều kiện để được xem là phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành):

b1) Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng:

Cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là phải có hành vi xâm hại đến quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức một cách trái pháp luật, nguy hiểm đáng kể cho xã hội, cụ thể:

- Có hành vi xâm hại đến quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

Hành vi xâm hại có thể cấu thành tội phạm hoặc chưa cấu thành tội phạm nhưng đã có dấu hiệu khách quan của một tội phạm cụ thể. Ví dụ, hành vi đâm chém của người không có năng lực trách nhiệm hình sự (bệnh tâm thần hoặc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự). Thực tế không phải lúc nào người (chủ thể phòng vệ) chống trả cũng có thể nhận thức được hành vi tấn công đã cấu thành tội phạm hay chưa. Vì vậy, chỉ cần hành vi xâm hại có một số dấu hiệu khách quan biểu hiện đó là một hành vi phạm tội thì hành vi xâm hại coi như thỏa mãn điều kiện này.

Đa phần, hành vi xâm hại trong phòng vệ chính đáng được thực hiện qua những hành động của kẻ tấn công (như hành động cướp tài sản, hành động hiếp dâm, hành động gây thương tích, v.v.), nhưng cá biệt cũng có thể được thực hiện thông qua không hành động (như hành vi không cứu giúp người đang bị tai nạn của người bác sĩ mà không có lý do chính đáng). Tuy nhiên, trên thực tế, dạng này rất hiếm khi xảy ra để có thể viện dẫn là phòng vệ chính đáng.

Điều 15 Bộ luật hình sự 1999 quy định, để có quyền phòng vệ chính đáng, phải có hành vi xâm hại đến “lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác”. Trong khi đó, Điều 22 Bộ luật hình sự hiện hành đã hoán đổi cụm từ “lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức” ra sau cụm từ “quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác”. Điều này cho thấy các nhà làm luật lần này đã thay đổi quan điểm, coi trọng quyền là lợi ích chính đáng của cá nhân. Hay nói khác hơn, yếu tố cá nhân được đưa lên trên Nhà nước và tổ chức. Việc làm này không phải tự nhiên xuất hiện trong tư duy của các nhà làm luật mà nó có được qua quá trình đấu tranh lâu dài, để cái gọi là “quyền con người” không bị cho là vấn đề nhạy cảm, được đưa vào Hiến pháp 2013 với tư cách là một chương của Hiến pháp. Vì vậy, tư duy cá nhân được đưa lên trên tổ chức và Nhà nước.

 

- Hành vi xâm hại phải trái pháp luật:

Tính trái pháp luật của hành vi xâm hại biểu hiện ở nó là một hành vi không hợp pháp chứ không cần nó phải đến mức trái pháp luật hình sự. Chẳng hạn, A là người cướp giật tài sản của người khác, B là người đi đường phát hiện đuổi theo và có dùng vũ lực để bắt A. Trong trường hợp này, A không có quyền chống trả vì hành vi tấn công của B đối với A không trái pháp luật.

Trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nạn nhân (đối với người phạm tội hoặc người thân của họ), rất khó phân biệt với phòng vệ chính đáng. Trong những những trường hợp cụ thể, người áp dụng pháp luật hình sự sẽ xác định. Theo tác giả, hành vi trái pháp luật trong trường hợp phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh chưa được xem là cần chống trả. Ví dụ, anh A là một trí thức, vô cớ bị một người không quen biết (B) chửi. Không kiềm chế được nên A đã đánh B trọng thương. Nếu hành vi tấn công vừa khiến cho bên bị hại bị kích động mạnh về tinh thần vừa làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng thì việc ưu tiên viện dẫn chế định áp dụng sẽ là phòng vệ chính đáng vì áp dụng chế định này sẽ có lợi hơn cho chủ thể phòng vệ (người chống trả). Dĩ nhiên, yếu tố tinh thần bị kích động mạnh cũng được đưa ra xem xét để đánh giá mức độ cần thiết của hành vi phòng vệ. Có thể xem xét ví dụ dưới đây:

Hai gia đình ông Ánh và Bền tranh chấp nhau trên một phần đất. Ủy ban nhân dân đã thông báo hai bên cứ bình tĩnh, giữ nguyên vị trí chờ chính quyền giải quyết. Bên nhà ông Ánh chấp hành nghiêm chỉnh nhưng bên ông Bền thường xuyên kiếm chuyện và đổ nước bẩn vào sau nhà bếp của ông Ánh. Tuy nhiên, phía gia đình ông Ánh vẫn hết sức kiềm chế.

Ngày 8-11-1987, Nguyễn Đình Quý là con của ông Ánh phát hiện bên nhà ông Bền lại đổ nước sau bếp nhà mình nên chạy sang nhà ông Bền hỏi: “Sao bác cứ đổ nước bẩn sang nhà cháu hoài thế?”. Ông Bền nói: “Mày về gọi bố mày sang đây”, rồi sai con là Dũng cầm dao đến trước mặt Quý đe doạ và tiếp tục đổ nước bẩn sang nhà ông Ánh. Ngay sau đó, ông Bền cầm ống bơm xe đạp đập vào đầu Quý nhưng bị trượt vào tường, một mảng tường văng ra trúng vào đầu ông Bền làm chảy máu.

Quý chạy về nhà cầm dao chạy sang thì em của ông Bền là Bình giằng dao vứt đi. Bền lấy gạch ném trúng vào đầu Quý làm bị thương. Tức quá, Quý xông vào đánh ông Bền nhưng bị Dũng cầm dao chém bị thương phải đưa đi bệnh viện.

Ngay sau đó, Bền chạy sang đạp đổ bức tường ngăn cách đất giữa hai nhà, miệng luôn chửi rủa gia đình ông Ánh. Rồi cùng tám người khác gồm con và em, cháu người cầm thanh sắt, người cầm dao phay, xà beng, xẻng hùng hổ kéo sang nhà ông Ánh.

Đến sân nhà, con của ông Bền xông vào giật đứt bức màn che cửa nhà ông Ánh, miệng hét: “Chúng mày định giết ông già tao à? Tao sẽ giết”. Ông Ánh bước ra cửa để ngăn cản thì bị con của ông Bền túm cổ áo, miệng thét chửi và dùng cán dao thúc vào bụng làm ngã lăn ra đất. Con của ông Ánh nhảy ra kéo cha vào cũng bị con của ông Bền dùng dao chém và đá ngã lăn ra nền nhà.

Lúc ấy, Nguyễn Đình Long (con của ông Ánh) đang nằm ngủ, nghe ầm ĩ liền thức giấc, nhìn ra sân thấy toàn là người nhà của ông Bền, hò reo, trên tay cầm vũ khí vẻ mặt sát khí. Chứng kiến thấy cha mình bị thúc dao vào bụng ngã lăn, em mình cũng thế, mọi lối đi đều bị phong toả, Long lục tủ lấy ra quả lựu đạn mà Long đã lấy của đơn vị lúc xuất ngũ, rút chốt ném ra sân. Lựu đạn nổ làm chết 4 người nhà của ông Bền, bị thương 9 người (trong đó có cả người nhà của ông Bền, ông Ánh và cả Long).

Trong trường hợp này, xét ra hành vi của phía ông Bền diễn ra trong một quá trình lâu dài, kèm theo hành vi tấn công diễn ra hiện tại có thể khiến Long bị kích động mạnh về tinh thần. Vì vậy, Long mới có xử sự thiếu sáng suốt, có hành động chống trả dù biết rằng có thể gây ra thiệt hại cho cả người thân của mình và cả mình. Mặt khác, Long cũng có quyền phòng vệ chính đáng. Do vậy, chúng ta phải ưu tiên áp dụng quy định về phòng vệ chính đáng để xem xét trường hợp của Long, xem hành vi của Long có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, nếu không, Long không phạm tội.

- Hành vi xâm hại phải có tính hiện tại:

Hành vi xâm hại phải có tính hiện tại, tức là hành vi đó đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra ngay tức khắc mà chưa kết thúc mới trở thành là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp hành vi chống trả diễn ra khi hành vi gây thiệt hại đã chấm dứt, thậm chí có khi chống trả sai đối tượng, như nghe tin người thân mình bị đả thương đã tìm người đả thương để trả thù nhưng lầm người. Trường hợp phòng vệ này, khoa học luật hình sự gọi là phòng vệ quá muộn và người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự. Vấn đề đặt ra là phải xác định chính xác hành vi gây thiệt hại chấm dứt khi nào. Điều này cần xem xét, đánh giá trong những trường hợp cụ thể. Tuy vậy, cũng có trường hợp hành vi chống trả diễn ra khi hành vi tấn công đã chấm dứt nhưng vẫn còn khả năng gây thiệt hại và hành vi chống trả đó có ý nghĩa ngăn chặn thiệt hại xảy ra. Chẳng hạn, hành vi đuổi đánh kẻ cướp giật để lấy lại tài sản. Ngược lại với phòng vệ quá muộn là phòng vệ quá sớm. Đây là trường hợp hành vi phòng vệ được tiến hành khi hành vi gây thiệt hại chưa thật sự xảy ra, không có các cơ sở chứng tỏ hành vi gây thiệt hại sẽ xảy ra tức khắc. Chẳng hạn, A và B cãi nhau. Thấy A hùng hổ, B nghĩ rằng, mình phải ra tay trước vì sách có câu “tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tai ương. Nghĩ thế, B đã xông vào đánh A gây thương tích cho A. Trường hợp này, hành vi của B bị xem là phòng vệ quá sớm, khi chưa có hành vi xâm hại xảy ra. Trách nhiệm hình sự trong phòng vệ quá sớm cũng giải quyết như phòng vệ quá muộn.

 

- Hành vi xâm hại phải có tính hiện hữu:

Điều này đòi hỏi hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại có xảy ra trên thực tế và hành vi chống trả là nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích bị xâm hại. Hành vi phòng vệ được xem là hợp pháp khi hành vi tấn công là có thật. Nếu hành vi chống trả một hành vi tấn công không có thật, khoa học luật hình sự gọi là phòng vệ tưởng tượng. Tuy nhiên, ngay cả khi sự tấn công là không có thật, sự chống trả vẫn được thực tiễn xem là phòng vệ chính đáng nếu căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ việc mà nhận thấy rằng trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó, người có hành vi phòng vệ không nhận thức được hoặc không thể nhận thức được rằng không có hành vi tấn công xảy ra. Chẳng hạn, A đi về nhà khuya, B (bạn thân của A) cầm dao tiến đến giả vờ doạ cướp, A phản ứng tự vệ đá B bay vào hàng rào gây trọng thương. Nếu sự tưởng tượng rõ ràng là không có cơ sở thì người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cũng bị xem là phòng vệ tưởng tượng nếu người phòng vệ không chống trả người gây thiệt hại mà chống trả người không gây thiệt hại (nhầm lẫn kẻ tấn công). Phòng vệ tưởng tượng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cả phòng vệ quá sớm, phòng vệ quá muộn và phòng vệ tưởng tượng đều không thoả mãn dấu hiệu làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Do vậy, cả ba trường hợp này không có yếu tố gì để có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo cách viện dẫn của tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Sở dĩ các nhà lý luận dùng cụm từ “phòng vệ” kèm theo “sớm”, “muộn”, “tưởng tượng” ở đây là vì các trường hợp này được tìm ra khi phân tích chế định phòng vệ chính đáng.

Về nguyên tắc, khi có đầy đủ các dấu hiệu làm phát sinh quyền phòng vệ, người phòng vệ có thể dùng vũ lực để chống trả ngay mà không cần phải chờ đợi đến khi không còn cách nào khác. Tuy nhiên, khi sự xâm hại đến từ một người không có năng lực trách nhiệm hình sự (mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi, người chưa đủ 14 tuổi) thì người có quyền phòng vệ phải tháo chạy trước hết. Nếu điều đó không còn hiệu quả thì sự chống trả mới được xem xét. Ví dụ, Tiên là người mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, thường đi lang thang trên đường và đuổi đánh người khác. Một hôm, Tiên thấy Vinh liền cầm cây xông đến tấn công. Vinh biết Tiên mắc bệnh tâm thần nên bỏ chạy. Không may, đang chạy thì Vinh vấp phải đá té sấp. Khi quay lại thì Tiên đã tiến sát, giơ cây định đánh Vinh. Khi đó, Vinh đưa chân đạp một cái, gây thương tích cho Tiên. Trường hợp này, hành vi của Vinh được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng.

Theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, đối tượng để bảo vệ trong phòng vệ chính đáng là quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Như vậy, người phòng vệ có quyền bảo vệ bất kỳ các quyền hoặc lợi ích nào nếu được xem là hợp pháp và đang bị xâm hại mà không cần phải giới hạn đó là quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình. Ví dụ, trên đường đi làm về, Minh phát hiện có hai thanh niên đang hiếp dâm một phụ nữ. Minh xông vào đánh một tên té xỉu, tên còn lại chạy mất. Hành vi của Minh được xem là phòng vệ chính đáng.

Về điểm này, Điều 37 Bộ luật hình sự Canađa năm 1990 quy định: “Mọi người đều có quyền dùng vũ lực để bảo vệ mình hoặc bất cứ người nào mà mình có trách nhiệm chăm sóc khỏi sự tấn công nếu vũ lực được dùng không vượt quá mức cần thiết nhằm ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự tấn công”. Nội dung điều luật là quá rõ, chỉ khi quyền hoặc lợi ích của những người dưới sự chăm sóc của mình bị xâm hại, một người mới có thể viện dẫn quy định về phòng vệ chính đáng để chống trả lại người đang có hành vi xâm hại. Tuy nhiên, điều luật lại không nói rõ trong trường hợp đó, người muốn phòng vệ có đợi đến khi người bị xâm hại chống đỡ không được không rồi mới ra tay phòng vệ (giúp). Theo Ted Truscott, một số quốc gia chỉ cho phép một người phòng vệ giúp người khác sau khi người bị xâm hại đã có hành vi chống đỡ không lại[8]. Nội dung này hạn chế hơn rất nhiều so với phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Việt Nam.

b2) Đối tượng, nội dung và phạm vi của phòng vệ chính đáng:

Khi đã có đủ cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi gây thiệt hại. Đối tượng, nội dung và phạm vi của sự phòng vệ được biểu hiện như sau:

- Đối tượng của sự chống trả là người đang có hành vi xâm hại:

Hành vi chống trả chỉ có thể nhằm vào người đang có hành vi xâm hại cho các lợi ích của xã hội, chứ không cho phép nhằm vào người thứ ba, không liên quan gì đến hành vi xâm hại. Ví dụ, Lê Tám và Tường Vy trên đường đi chơi, Tám cãi vã với Trường Ca. Vốn tính côn đồ, lại muốn chứng tỏ “dòng máu anh hùng” trước mặt người yêu, Tám đã tấn công Ca. Ca có chống trả nhưng không lại. Chịu được mấy đòn, nhảy qua nhảy lại đến gần chỗ Vy, người đang đứng lo lắng và khuyên Tám đừng tiếp tục đánh nhau. Lúc đó, Ca nghĩ nếu mình đánh Vy thì sẽ có thể khiến Tám dừng tay. Vì vậy, Ca vung tay đấm một cái làm gãy 2 cái răng cửa của Vy. Quả thật, Tám dừng, không tấn công Ca nữa và đưa Vy đi bệnh viện. Trong trường hợp này, suy nghĩ và hành động của Ca có vẻ hợp với logíc tâm lý. Tuy nhiên, pháp luật về phòng vệ chính đáng không cho phép như vậy. Hành vi của Ca không được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng.

- Nội dung của quyền phòng vệ phải là gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, quyền tự do của người đang có hành vi tấn công nhưng cũng có thể chỉ nhằm vào phương tiện, công cụ mà người tấn công đang sử dụng để thực hiện hành vi tấn công. Nhưng dù với hình thức nào thì hành vi chống trả vẫn gây ra thiệt hại cho kẻ có hành vi xâm hại. Nếu sự chống trả gây ra các thiệt hại khác thì không thuộc nội dung được viện dẫn quy định của phòng vệ chính đáng mặc dù hành vi xâm hại có thể xâm hại đến bất kỳ quan hệ xã hội nào. Ví dụ, Sơn ghét Khôi và thường xuyên gây sự với Khôi, đặc biệt là khi Sơn có uống rượu. Một hôm, sau khi đi uống rượu với bạn bè về, Sơn đến nhà Khôi gây sự và xông vào dùng một thanh gỗ đập cửa kính, đồ đạc trong nhà Khôi. Khi đó, Khôi kinh hoảng, lẻn ra cửa sau, sang nhà và đốt nhà Sơn. Khi nhà Sơn cháy, Khôi trở về nhà mình và nói với Sơn rằng nhà của Sơn đã bị mình đốt. Sơn chạy về nhà thấy nhà mình bị cháy, tức giận liền qua đập phá nhà Khôi nhiều hơn, đến khi công an đến ngăn chặn Sơn mới dừng. Trường hợp này, hành vi của Khôi không thể được xem là phòng vệ chính đáng. Chỉ có thể viện dẫn tình tiết phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Khôi.

- Phạm vi phòng vệ giới hạn ở mục đích cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại.

Phạm vi của phòng vệ chính đáng là mức độ của hành vi phòng vệ. Điều 22 Bộ luật hình sự hiện hành quy định, hành vi chống trả phải là biện pháp “cần thiết” để ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp. Điều này có nghĩa, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người phòng vệ trên cơ sở tự đánh giá tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tấn công và những yếu tố khác để quyết định biện pháp chống trả mà người đó cho là “cần thiết” nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp. Việc dùng cụm từ “cần thiết” thay cho “tương xứng” (Bộ luật hình sự năm 1985) là phù hợp. Cụm từ “tương xứng” dẫn đến cách hiểu không đúng, máy móc rằng kẻ phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện gì, cách tấn công như thế nào, gây hậu quả thế nào thì người chống trả phải sử dụng tương tự như vậy hoặc thiệt hại mà người phòng vệ gây ra phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại mà người tấn công gây ra hay đe doạ gây ra. Mặt khác, việc sử dụng cụm từ này chỉ thể hiện sự đánh giá hình thức của người thứ ba chứ không phải là của người trong cuộc.

Thực tế ở nước ta cũng như các khảo sát của những nhà nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tâm lý phổ biến của người dân là bàng quan, thờ ơ trước những hành vi phạm tội, ngại phiền toái, liên luỵ mà không khéo lại có thể bị đánh giá là “không tương xứng” (phạm tội) khi chống trả lại một hành vi xâm hại. Việc đánh giá tính tương xứng trong thực tế rõ ràng rất khó khăn, nhất là trong trường hợp người bị tấn công bất ngờ, không thể có điều kiện bình tĩnh lựa chọn một cách xử sự hợp lý. Cụm từ cần thiết cho phép hành vi chống trả có thể không tương xứng với hành vi xâm hại với điều kiện hành vi chống trả phải là cần thiết nhằm loại trừ nguồn gốc sinh ra nguy hiểm cho xã hội. Đánh giá như thế nào là cần thiết hay không cần thiết cần dựa vào những tình tiết, yếu tố cụ thể của những trường hợp cụ thể.

Vấn đề trước tiên trong một trường hợp phòng vệ chính đáng là việc xem xét hành vi chống trả của bị cáo có cần thiết không. Đây là vấn đề không phải dễ, ngay cả đối với các thẩm phán vì đây là vấn đề thuộc đánh giá chủ quan. Có thể xem xét vụ án sau: Gia đình của ông Bắc và bà Liễu là hàng xóm của nhau. Bà Liễu đã ly hôn với chồng cách đây 20 năm, có con tên Tuấn (30 tuổi) đang ở chung với bà. Ông Bắc có hai con tên là Minh (31 tuổi) và Quang (29 tuổi), vợ ông đã chết. Ban ngày, các con của ông Bắc và bà Liễu đều đi làm, hai ông bà thường xuyên qua nhà lẫn nhau và trở nên thân thích. Ông Bắc cảm thấy ăn cơm ở nhà một mình buồn nên mang gạo sang nhà bà Liễu để nấu cơm ăn chung. Minh và Quang phát hiện khuyên can cha nhưng ông Bắc vẫn không nghe. Minh và Quang cho rằng, bà Liễu dụ cha mình mang tài sản sang cho bà nên bàn nhau giải quyết vụ việc.

Vào 3 giờ sáng ngày mồng Một Tết, Minh cầm dao rựa lớn, Quang cầm đuốc sang nhà bà Liễu. Quang châm lửa đốt nhà bà Liễu, Minh thì cầm rựa đứng cản trước cửa với tư thế chuẩn bị tấn công. Thấy cháy nhà, bà Liễu và Tuấn chạy ra cửa thì gặp Minh đang cầm dao. Tuấn lao vào giằng co và giật được dao của Minh, chém đứt tay Minh, sau đó chém tiếp vào đầu Minh làm Minh chết ngay tại chỗ. Thấy thế, Quang cầm đuốc xông vào đánh Tuấn. Trong lúc giằng co, Tuấn và Quang được mọi người can ra.

Trong trường hợp trên, có hai quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tuấn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì sự chống trả như vậy là quá mức cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm thứ hai cho rằng Tuấn không phạm tội mà thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.

Để đánh giá tính cần thiết của hành vi chống trả, chúng ta cần dựa trên các yếu tố sau:

+ Quan hệ xã hội bị xâm hại hoặc đe doạ bị xâm hại. Quan hệ xã hội bị xâm hại càng quan trọng bao nhiêu thì sự chống trả càng cần thiết bấy nhiêu. Chẳng hạn, kẻ tấn công muốn xâm hại đến tính mạng thì sự chống trả gây ra thiệt hại cho tính mạng có thể được xem là cần thiết. Tuy nhiên, nếu kẻ xâm hại muốn cướp tài sản thì hành vi chống trả gây thiệt hại cho tính mạng có thể bị xem là vượt quá mức cần thiết.

+ Tính chất, mức độ của hành vi xâm hại. Tính chất, mức độ của hành vi xâm hại càng nguy hiểm, nghiêm trọng thì sự chống trả càng cần thiết. Chẳng hạn, ba tên cướp dùng súng uy hiếp chủ tiệm vàng để cướp vàng. Con của chủ nhà thoát ra được đã dùng dao chém chết tên cướp đang cầm súng uy hiếp. Hành vi này được xem là phòng vệ chính đáng.

+ Tương quan lực lượng giữa bên xâm hại và bên chống trả. Chẳng hạn, một phụ nữ bình thường tấn công hai người đàn ông. Hai người đàn ông chống trả và làm gãy tay người phụ nữ xem ra là không cần thiết.

+ Công cụ, phương tiện sử dụng để xâm hại và chống trả.

+ Thời gian, địa điểm xảy ra sự việc, v.v..

c) Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:

Khi một người có quyền phòng vệ chính đáng nhưng sự chống trả quá mức cần thiết, tức là sử dụng quyền phòng vệ một cách vượt mức thì phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá đó. Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi chống trả vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trước hết nó phải có yếu tố phòng vệ. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, hành vi chống trả theo sự đánh giá chung là quá mức cần thiết. Người phòng vệ đã dùng những phương tiện, công cụ, phương pháp chống trả gây ra thiệt hại mà tính chất của hành vi xâm hại trong điều kiện đó không đòi hỏi phải dùng đến nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại. Vì vậy, người gây thiệt hại trong trường hợp này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có thể nghiên cứu vụ án sau:

Ông Đ. N. L, 39 tuổi, sinh sống tại tỉnh H. T, là tổ trưởng quản lý điện ở địa phương với chức năng trông giữ, đóng và cắt cầu dao, thu tiền điện. Ông L. Đ. C (năm 1990 bị Toà án nhân dân huyện
H. Đ kết án 24 tháng tù cho hưởng án treo; năm 1995 có hành vi gây rối trật tự công cộng bị xử phạt hành chính) là một chủ hộ sử dụng điện. Tuy nhiên, gần đây, ông C thường xuyên cố tình không nộp tiền điện. Sau nhiều lần ông L đến thu tiền nhưng ông C không nộp, ngày 9-5-2001, ông L đã doạ sẽ cắt điện của gia đình ông C.

Ngày 10-5-2001, ông L đi kiểm tra đường dây điện và tiếp tục đến nhà ông C thu tiền. Ông C vẫn cố tình không nộp nên ông L đã cắt điện nhà ông C. Thấy mất điện, ông C cầm một thanh sắt và cùng L. Đ. M (em trai ông C) cầm một thanh gỗ chạy ra (chỗ ông L đang cúp cầu dao) để đánh ông L. Khi đó, ông L đã dùng dao (mang theo để phát cành cây bảo vệ đường dây điện) chống cự và tấn công lại C, chém ông C. Thấy vậy, M bỏ chạy. Ông L đuổi theo M và chém M một nhát. Biên bản giám định pháp y đã kết luận tỷ lệ thương tật của ông C là 51%, tỷ lệ thương tật của M là 3%, thương tật của ông L là 12%. Trong trường hợp này, hành vi của ông L bị xem là vượt quá mức cần thiết trong phòng vệ chính đáng vì sự chống trả sau khi hành hành vi tấn công đã bị đẩy lùi là quá mức cần thiết.

Tuy nhiên, gây thiệt hại trong vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xuất phát từ mục đích bảo vệ kịp thời lợi ích của xã hội, quyền, lợi ích chính đáng của công dân khỏi sự xâm hại, cho nên tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng giảm đi đáng kể. Do đó, chính sách hình sự của Nhà nước ta có xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội do vượt quá này. Ví dụ, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết định tội ở tội phạm Điều 126 (tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng), Điều 136 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng). Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không phải là tình tiết định tội thì có thể sử dụng như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51 Bộ luật hình sự hiện hành.

4. Tình thế cấp thiết

      Hầu hết các nước trên thế giới đều có quy định tình thế cấp thiết là một tình tiết loại trừ tính chất phạm tội. Đây là một phương thức bảo vệ lợi ích của xã hội theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”. Khi có một nguy cơ đang đe doạ gây ra một thiệt hại nào đó, để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, chúng ta có quyền gây ra một thiệt hại khác nhỏ hơn nếu đó là phương án cuối cùng.

Khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định:

Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.”

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Theo nội dung của điều luật, tình thế cấp thiết là tình thế của một người đứng trước một nguy cơ đang thực tế đe dọa gây thiệt hại về quyền, lợi ích được pháp luật bảo vệ và muốn bảo vệ quyền hoặc  lợi ích này nên không còn cách nào khác phải gây ra một thiệt hại cũng được pháp luật bảo vệ nhưng nhỏ hơn thiệt hại cần tránh trước đó. Điều này có nghĩa là người thực hiện hành vi gây thiệt hại để bảo vệ lợi ích phải cân nhắc, đánh giá và hy sinh một lợi ích nhỏ để bảo vệ một lợi ích lớn hơn. Vì thế, hành động gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết được xem là hành vi tích cực, pháp luật hình sự không coi hành vi này là tội phạm.

Đối tượng cần bảo vệ trong chế định tình thế cấp thiết là cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình người gây ra thiệt hại, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Có thể nói, các quyền và lợi ích đề cập ở đây có thể bao gồm cả lợi ích chung hoặc lợi ích cá nhân, miễn sao nó là hợp pháp và thuộc đối tượng bảo vệ của pháp luật.

Về điểm này, pháp luật hình sự một số nước, chẳng hạn của Vương quốc Anh, nếu vì lợi ích cá nhân mà gây thiệt hại cho người khác hoặc xã hội thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và phải chịu trách nhiệm hình sự. Có thể lấy một ví dụ kinh điển trong tuyển tập các ví dụ về tình thế cấp thiết để minh hoạ cho trường hợp này như sau: Ba thanh niên và một em bé trên một con thuyền bị trôi dạt trên biển, cách bờ biển hơn một nghìn dặm. Sau 9 ngày chịu đói, khát, ba thanh niên đã ăn thịt em bé để sống và sau đó được tàu cứu hộ tìm thấy. Ba thanh niên đã bị Toà án tuyên phạt tử hình về tội giết người[9] trong vụ án Reginav.Dudley & Stephens (1884)).

Việc xem xét một trường hợp gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết cũng không khó lắm, cần phải có các điều kiện sau:

a) Điều kiện về nguồn gây ra nguy hiểm:

Cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền được thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là sự nguy hiểm đang đe doạ gây ra những thiệt hại nhất định về quyền hoặc lợi ích được pháp luật bảo vệ. Nguồn nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại ở đây có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: thiên nhiên, súc vật, sự bất cẩn của con người, v.v.. Thông thường, nguồn nguy hiểm không phải là hành vi của con người đang đe doạ xâm hại đến các lợi ích hợp pháp[10]. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng nguồn nguy hiểm lại là hành vi của con người nhưng không phải đang diễn ra (mà chỉ đe doạ sẽ diễn ra). Ví dụ, một tên tội phạm đe doạ sẽ giết chết ba con tin nếu viên cảnh sát không phá huỷ chiếc xe dùng để đuổi bắt hắn và phải lui ra để hắn tẩu thoát. Đây chính là một điểm khác của tình thế cấp thiết so với phòng vệ chính đáng. Trong phòng vệ chính đáng, nguồn gây ra thiệt hại là hành vi trái pháp luật của con người đang diễn ra.

- Nguồn nguy hiểm phải thoả mãn tính hiện tại: Nghĩa là, nguồn nguy hiểm đang tồn tại khách quan và có khả năng gây ra thiệt hại trên thực tế nếu không được ngăn chặn. Tính hiện tại của nguồn nguy hiểm được đánh giá tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, có thể là nó sẽ gây ra thiệt hại ngay tức khắc hoặc sẽ gây thiệt hại trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Chẳng hạn, một con trâu đang đuổi một người và liên tục quơ sừng húc người đó. Đây là trường hợp mà nguồn nguy hiểm đe doạ sẽ gây ra thiệt hại ngay tức khắc. Tuy nhiên, trong trường hợp khác, nguồn nguy hiểm có thể không gây ra thiệt hại ngay nhưng chắc chắn nó sẽ gây thiệt hại và chúng ta không còn cách nào khác để ngăn ngừa. Ví dụ, một con thuyền đang vận chuyển hàng trên biển thì được tin bão khẩn cấp, sẽ gây chìm tàu nếu nó vẫn còn chở khối lượng hàng nặng như hiện tại. Nói là khẩn cấp nhưng có thể một vài giờ sau bão mới đến. Tuy nhiên, với điều kiện trên biển, việc cho thuyền đậu khẩn cấp vào một bến cảng nào đó cũng không phải dễ, có khi phải mất cả tuần. Trong trường hợp đó, một vài giờ sau nguồn nguy hiểm mới gây ra thiệt hại thực tế cũng được xem là “tức khắc”.

- Nguồn nguy hiểm phải có thật: Nguồn nguy hiểm chẳng những đang tồn tại mà còn phải là nguồn nguy hiểm có khả năng gây ra thiệt hại đến các lợi ích nhất định nếu không được ngăn chặn. Nếu nguồn nguy hiểm không chứa đựng khả năng gây ra thiệt hại thì việc gây ra thiệt hại (để ngăn chặn nguồn nguy hiểm) không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Ví dụ, một thuyền trưởng quan sát thấy chim ưng biển bay nháo nhác, theo kinh nghiệm của mình, ông ta cho đây là loài chim báo bão, nghĩa là bão sắp tới. Thuyền trưởng ra lệnh ném hàng hoá xuống biển để tàu nhẹ, tránh bị bão nhấn chìm. Tuy nhiên, thực tế thì bão không đến. Việc làm này không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

b) Điều kiện về hành vi ngăn ngừa nguồn nguy hiểm:

- Hành vi gây thiệt hại phải là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất:

Trong tình thế cấp thiết, việc hy sinh (gây thiệt hại) một lợi ích nhỏ để tránh một thiệt hại lớn hơn phải là biện pháp sau cùng, duy nhất. Nếu còn biện pháp nào khác không gây thiệt hại mà vẫn có thể tránh được thiệt hại thì chưa phải là tình thế cấp thiết. Biện pháp cuối cùng, duy nhất là biện pháp mà chỉ có nó mới có thể ngăn chặn được sự nguy hiểm đang xảy ra. Điều này đòi hỏi chủ thể rơi vào trường hợp này phải có sự đánh giá thật chính xác, nhanh chóng khả năng gây thiệt hại tức khắc của nguồn nguy hiểm và phải chọn phương án phù hợp. Việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại lớn hơn phải được cân nhắc kỹ lưỡng xem đó có phải là phương án cuối cùng và duy nhất chưa.

Trong thực tế, khi gặp phải trường hợp nguồn nguy hiểm đang đe doạ gây ra một thiệt hại cụ thể, không phải ai cũng có thể sáng suốt đánh giá và cân nhắc để lựa chọn một phương án tối ưu. Thực tế này đòi hỏi khi xem xét một trường hợp viện dẫn là tình thế cấp thiết, chúng ta phải xem xét một cách toàn diện các điều kiện khách quan cụ thể, tránh trường hợp người gây thiệt hại một cách tuỳ tiện, không cân nhắc để rồi sau đó viện lý do là không có điều kiện đánh giá các phương án ngăn ngừa thiệt hại xảy ra, buộc phải gây thiệt hại để trốn tránh trách nhiệm.

Ví dụ, tổ trưởng tổ dân phố chứng kiến khu phố mình bị cháy đã vội yêu cầu phá bỏ một số ngôi nhà trên đường đám cháy đi để tránh cả khu phố bị thiêu rụi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể còn một số phương án khác để có thể dập tắt đám cháy. Chỉ khi nào nỗ lực chữa cháy không phải là cách có thể khống chế được đám cháy thì phương án gây thiệt hại mới được thừa nhận.

- Thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa:

Trong tình thế cấp thiết, thiệt hại không bị giới hạn như trong trường hợp của phòng vệ chính đáng. Trong tình thế cấp thiết, thiệt hại gây ra có thể đối với sở hữu về tài sản, tính mạng, sức khỏe hoặc các thiệt hại khác. Tuy nhiên, thông thường, việc gây ra thiệt hại là đối với sở hữu tài sản. Việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết cũng không bị giới hạn đối với người đang có hành vi xâm hại mà có thể gây thiệt hại cho xã hội hoặc cho một người nào đó không có liên quan.

Một yêu cầu đặt ra ở đây là thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa (xét về cả tính chất lẫn mức độ). Việc so sánh hai lợi ích này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nguồn nguy hiểm gây ra cho xã hội, thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu, đối tượng bị tác động, v.v.. Sự đánh giá này không phải lúc nào cũng dễ, đặc biệt là đối với người không ở vào hoàn cảnh đó. Trên thực tế, thiệt hại đã xảy ra cần đối chiếu với thiệt hại cần được ngăn ngừa (chưa xảy ra). Sự đối chiếu này ở người áp dụng đôi khi mang tính chủ quan, khắt khe. Chính vì vậy, pháp luật hình sự đã có sự bảo đảm bằng cách quy định: chỉ khi nào thiệt hại gây ra rõ ràng là quá đáng (cao hơn một cách rõ ràng) thì trách nhiệm hình sự mới được đặt ra.

Như vậy, nếu hành vi nhằm ngăn ngừa thiệt hại lại gây ra một thiệt hại lớn hơn thì luật quy định trường hợp này vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, do rừng bị chặt phá, môi trường sống bị đe doạ, đàn voi rừng tức giận kéo nhau vào các nương rẫy của người dân giẫm lên hoa màu, lều trại (không có người) của họ. Trước tình hình đó, người dân đã kéo nhau bao vây đàn voi và giết chúng. Rõ ràng, trong trường hợp này, thiệt hại gây ra rõ ràng lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Nếu đàn voi truy đuổi, giết chết người dân thì hành vi giết chúng có thể được chấp nhận.

Hành vi gây thiệt hại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa trong vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết xuất phát từ động cơ, mục đích tích cực nên Bộ luật hình sự xem đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 51.

Điều 23 Bộ luật hình sự hiện hành cũng tiếp thu tinh hoa về quyền con người để đưa yếu tố cá nhân lên trước Nhà nước, cơ quan, tổ chức như đã đề cập khi nói về phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã có một chút sơ suất trong quy định về tình thế cấp thiết khi bỏ cụm từ “một nguy cơ đang thực tế đe doạ” được quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự 1999 ra khỏi khoản 1 Điều 23 dẫn đến nội dung mới có nghĩa không rõ ràng. Về đoạn này, nội dung mới được quy định là “vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác…” khiến cho người đọc không hiểu thiệt hại sắp xảy ra có nguyên nhân từ đâu. Đa số, họ sẽ hiểu là người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết đang chuẩn bị gây ra một thiệt nào đó, nhưng sau đó đã tránh gây thiệt hại này mà chọn thiệt hại khác nhỏ hơn. Ví dụ, A định giết B đề trả thù, nhưng không giết B mà chém C (con của B) để thay vào đó, trả thù B. Cách hiểu này sai. Bởi vậy, theo tôi, nội dung quy định về tình thế cấp thiết tại Điều 16 Bộ luật hình sự 1999 nên được bảo lưu, cộng thêm cụm từ “gây thiệt hại” trong Bộ luật hình sự năm 2015. Nghĩa là, đoạn này trở thành “vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ gây thiệt hại…” Có như thế, người áp dụng mới hiểu được thiệt hại sắp xảy ra đến từ một nguyên nhân khác chứ không phải do ý chí chủ quan của người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

5. Bắt giữ người phạm tội

Bắt người phạm tội là một chế định của pháp luật tố tụng hình sự (bắt quả tang, bắt khẩn cấp, bắt người bị truy nã, v.v.). Vì vậy, tất cả những vấn đề liên quan đến việc bắt người thuộc phạm vi quy định của luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, việc thực hiện những hành vi để bắt người có được xem là hợp pháp hay không là vấn đề đòi hỏi pháp luật hình sự phải xem xét. Sử dụng các biện pháp (dùng vũ lực, các hành vi khác) đối với người phạm tội cần bắt giữ mà không vượt quá phạm vi luật định thì được loại trừ trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định cho phép việc bắt người phạm tội có thể gây ra những thiệt hại cần thiết để bắt  giữ người phạm tội mà không bị coi là hành vi phạm tội. Thực hiện hành vi trong trường hợp này cũng có tính chất như trường hợp phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chế định riêng quy định việc thực hiện hành vi trong bắt người phạm tội. Một số ý kiến khác lại coi trường hợp này là một dạng của phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, việc bắt người phạm tội cũng được Nhà nước xem là hành vi tích cực, có các yếu tố xã hội và pháp lý loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Vấn đề đặt ra là hành vi bắt người mà các nhân viên nhà nước cũng như mọi công dân thực hiện đối với người phạm tội phải tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, phù hợp với những tình tiết khách quan cụ thể, mức độ chống cự của người phạm tội. Nếu hành vi bắt người vượt ra khuôn khổ mà pháp luật cho phép thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng với tư cách là hành vi tích cực, xuất phát từ động cơ tốt là bắt người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm nên pháp luật hình sự có quan tâm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội phạm trong trường hợp này. Chẳng hạn, Điều 127 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội làm chết người trong khi thi hành công vụ có mức hình phạt thấp hơn nhiều so với trường hợp giết người thông thường.

Trở lại vấn đề nội dung của bắt người phạm tội, Điều 111, 112 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cho phép mọi công dân có quyền bắt người phạm tội. Theo đó, một người được thừa nhận là bắt người phạm tội và được loại trừ trách nhiệm hình sự khi thoả mãn hai điều kiện:

- Bắt người thuộc các trường hợp mà Điều 111, 112 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cho phép.

Điều 111, 112 cho phép mọi công dân đều có quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt hoặc đang có quyết định truy nã. Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hay đuổi bắt. Bắt người đang bị truy nã là bắt người có hành vi phạm tội đang trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định truy nã.

- Mục đích của việc bắt người là giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề cập ở đây là cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân (nơi gần nhất so với việc bắt người). Nếu việc bắt được tiến hành thuộc một trong các trường hợp luật định nhưng không kịp thời giao người bị bắt cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà thuộc lỗi của người bắt thì có thể bị coi là phạm tội “giữ người trái pháp luật” (Điều 157 Bộ luật hình sự hiện hành). Dĩ nhiên, việc giữ người phải thuộc chủ quan của người bắt nhằm vào mục đích cá nhân nào đó mới được coi là phạm tội. Ví dụ, Tuấn phát hiện Hương trộm cắp tài sản của người khác liền đuổi theo bắt được. Hương là người mà Tuấn đã đem lòng yêu từ lâu mà không chinh phục được. Nhân dịp này, Tuấn giữ Hương trong nhà mình một ngày để ép Hương yêu mình và sau đó bị phát hiện. Nếu việc tạm thời giữ người vì điều kiện khách quan do chưa có điều kiện dẫn người bị bắt đi giao cơ quan nhà nước thì hành vi giữ người không cấu thành tội phạm.

Việc bắt người thông thường phải sử dụng đến vũ lực. Bởi vậy, khoản 1 Điều 24 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.. Trong thực tiễn bắt người phạm tội, thường xảy ra ba trường hợp sau đâ:

- Người bị bắt không bỏ chạy cũng không có hành vi chống trả lại người bắt. Trường hợp này, người bắt không có quyền dùng vũ lực mà chỉ có quyền bắt người phạm pháp với mục đích là nhanh chóng giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu người bắt dùng vũ lực thì bị xem là không hợp pháp và trường hợp hành vi đến mức cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp khi phát hiện có kẻ trộm, nhiều người thường tập trung lại vây bắt và đánh cho trọng thương, cá biệt có trường hợp dẫn đến tử vong dù kẻ trộm đã đưa tay chịu trói và van xin tha. Cần xác định rằng, gây thiệt hại cho người phạm tội trong trường hợp này là trái pháp luật.

- Người bị bắt bỏ chạy nhưng không chống trả. Khi đó, người bắt có quyền dùng vũ lực. Tính hợp pháp của việc dùng vũ lực ở đây được đánh giá dựa trên cơ sở hành vi dùng vũ lực có cần thiết để ngăn chặn hành vi tẩu thoát hay không. Và nếu người bị bắt đã hết đường tẩu thoát thì việc dùng vũ lực không được xem là hợp pháp. Chẳng hạn, khi anh chứng kiến một tên cướp giật đang giật đồ một cô gái và bỏ chạy. Anh có quyền đuổi bắt và nếu cần thiết có thể đánh ngã, đạp đổ xe hay bất cứ hành vi nào khác nhằm vô hiệu hoá hành vi tẩu thoát của tên tội phạm. Tuy nhiên, nếu do không kiềm chế được mà anh dùng vũ lực sau khi tên cướp giật đã ngã xe và chịu bị bắt thì hành vi của anh bị xem là trái pháp luật.

- Người bị bắt bỏ chạy và sau đó chống trả hoặc trực tiếp chống trả người muốn bắt. Trường hợp này người bắt cũng có quyền dùng vũ lực nhằm đẩy lùi và dập tắt hành vi chống trả với mục đích cuối cùng là bắt được kẻ phạm tội. Tính hợp pháp của việc dùng vũ lực ở đây được xem xét dựa trên những cơ sở giống như hành vi phòng vệ trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Nghĩa là, việc dùng vũ lực phải được xem là cần thiết để chấm dứt hành vi chống trả nhằm bắt được người phạm pháp. Chỉ khi việc dùng vũ lực rõ ràng là vượt quá so với mục đích vừa nêu thì người bắt mới chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 24).

Việc dùng vũ lực trong trường hợp bắt người phạm pháp nhằm mục đích cuối cùng là vô hiệu hoá hành vi tẩu thoát của người phạm pháp. Mọi hành vi dùng vũ lực ngoài mục đích này được xem là trái pháp luật. Tìm hiểu những cơ sở pháp lý của việc bắt người phạm tội một mặt sẽ giúp người dân ý thức được quyền và nghĩa vụ bắt người phạm tội của mình. Qua đó, công dân cũng xác định được phạm vi giới hạn dùng vũ lực của mình khi bắt người sao cho hợp pháp. Điều này giúp mọi công dân mạnh dạn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm. Mặt khác, đây cũng là những cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị bắt trong trường hợp có người lạm dụng quyền đã được pháp luật quy định để trả thù riêng hay để thỏa cơn nóng giận.

Trước Bộ luật hình sự năm 2015, chưa có quy định về việc bắt người phạm tội cũng như trường hợp nào bị coi là vượt quá mức cần thiết trong bắt giữ người phạm tội. Với mục tiêu bảo đảm tối đa quyền con người, Bộ luật hình sự mới đã luật hóa nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để vừa bảo vệ quyền của người bị bắt lẫn người bắt, tránh sự tùy tiện trong bắt giữ người phạm tội mà vẫn đảm bảo mục đích phòng, chống tội phạm.

6. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Trong sản xuất và nghiên cứu khoa học là các lĩnh vực luôn ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đa số sẽ mang lại kết quả tốt, có ích cho xã hội nhưng cũng không thể tránh khỏi những rủi ro nhất định mà không ai là người thực hiện mong muốn. Pháp luật hình sự Việt Nam đã thừa nhận và không đề cập trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi gây thiệt hại do rủi ro trong sản xuất và nghiên cứu khoa học (Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015). Sự thừa nhận này là hợp lý. Không ai trong sản xuất hay nghiên cứu khoa học mà muốn công việc của mình gặp những sự cố dẫn đến thiệt hại.

Để làm rõ nội dung này, Điều 25 quy định: Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Có thể cụ thể các điều kiện này như sau:

- Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự phải liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Ví dụ sau đây không được xem là rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự. A có tài ném ám khí bách phát bách trúng, nhìn thấy tận mắt, B tình nguyện làm bia. Không may, A ném nhưng B run sợ nên né sang một bên vài cen-ti-mét làm ám khí trúng vào mắt B.

- Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự khi mục đích là mang lại lợi ích cho xã hội, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ tính mạng sức khỏe người khác, v.v.. Ví dụ, Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước, vì muốn thực hiện được hợp đồng với phía nước ngoài mà trong hợp đồng đó sẽ mang lợi cho riêng cá nhân ông ta, đã thay đổi quy trình sản xuất, v.v. gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, Giám đốc không được miễn trách nhiệm hình sự.

- Hành vi ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ phải dựa vào thực tiễn và kiến thức khoa học được mọi người thừa nhận và phù hợp với pháp luật hiện hành. Nếu không, việc gây thiệt hại sẽ không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một bác sĩ mới ra trường do quá chủ quan, thực hiện ca mổ mà theo các bác sĩ nhiều kinh nghiệm thì không cần phải làm thế. Việc mạo hiểm đó đã gây hậu quả chết người.

- Sự rủi ro được loại trừ trách nhiệm hình sự khi đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa hậu quả xảy ra. Ví dụ, hầm tôm của hợp tác xã bị lũ tràn vào mà không có các biện pháp be bờ, rào lưới, v.v. để tôm ra hết trong khi có thể làm được việc đó thì không thể được xem là không có lỗi và phải chịu trách nhiệm hình sự.

7. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Trong lực lượng vũ trang, quan hệ mệnh lệnh - phục tùng là quan hệ đặc thù, đòi hỏi phải được tuân thủ nghiêm túc nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên là một yêu cầu bắt buộc đối với cấp dưới. Trong khi người ra mệnh lệnh không phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại cho xã hội thì chính người thi hành mệnh lệnh - người bị bắt buộc phải tuân thủ mệnh lệnh lại là người gây ra thiệt hại cho xã hội. Tuy nhiên, với tính cách là một cá nhân có ý thức của xã hội, người thi hành mệnh lệnh có thể nhận thức được hành vi thi hành mệnh lệnh của mình là đúng hay sai so với các quy định của pháp luật. Vì thế, trong những trường hợp cụ thể, pháp luật đã đặt ra khi người thi hành mệnh lệnh có lỗi thì trách nhiệm hình sự có thể được đặt ra. Ngược lại, người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại đã gây ra. Theo đó, Điều 26 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.”

Mệnh lệnh được đề cập ở đây bao gồm tất cả các quyết định, chỉ thị, bản án, thậm chí là khẩu lệnh trong quân đội hay bất kỳ nội dung nào của chỉ huy hoặc cấp trên được đưa ra mà theo pháp luật buộc cấp dưới phải tuân thủ. Với tính chất bắt buộc của quan hệ mệnh lệnh - phục tùng, đối với những mệnh lệnh hợp pháp thì dù việc thi hành mệnh lệnh gây ra thiệt hại cho xã hội cũng không đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự vì đó là hành vi hợp pháp. Mệnh lệnh hợp pháp nghĩa là mệnh lệnh được đưa ra bởi chủ thể mà theo pháp luật là có thẩm quyền đưa ra mệnh lệnh đó, đồng thời, mệnh lệnh đó phải tuân thủ đúng pháp luật về nội dung, hình thức. Chẳng hạn, Đội trưởng đội chống buôn lậu ra mệnh lệnh: “Khi gặp người buôn lậu, đã hô đứng lại, bắn chỉ thiên... vẫn chạy, có quyền bắn gãy chân...”. Đây là mệnh lệnh đúng pháp luật về các trường hợp được phép nổ súng của những người được giao vũ khí trong khi thi hành công vụ theo Nghị định số 94/HĐBT (02-7-1984). Nếu gặp trường hợp như thế, nhân viên chống buôn lậu có gây hậu quả gãy chân thì được xem là hợp pháp.

Tuy nhiên, nếu mệnh lệnh là hợp pháp nhưng khi thi hành, người thi hành đã có hành vi vượt quá nội dung mệnh lệnh thì tuỳ trường hợp, nếu hành vi vượt quá đã cấu thành tội phạm, người thi hành phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết “thi hành công vụ” (làm chết người/cố ý gây thương tích cho người khác trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ, v.v..). Chẳng hạn, trong ví dụ trên, nếu nhân viên chống buôn lậu sau khi đã hô đứng lại, bắn chỉ thiên nhưng người buôn lậu vẫn không đứng đã không bắn gãy chân mà bắn vào lưng người buôn lậu đang chạy. Hành vi này được xem là hành vi thi hành mệnh lệnh vượt quá so với nội dung mệnh lệnh.

Ngay cả một mệnh lệnh không hợp pháp thì việc thi hành mệnh lệnh cũng có những trường hợp, người thi hành mệnh lệnh được loại trừ trách nhiệm hình sự. Mệnh lệnh không hợp pháp là mệnh lệnh vi phạm một trong các điều kiện để trở thành mệnh lệnh hợp pháp. Có thể xem xét các trường hợp sau:

- Mệnh lệnh là không hợp pháp nhưng người chấp hành không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước mệnh lệnh là trái pháp luật thì việc chấp hành mệnh lệnh gây thiệt hại sẽ không bị coi là có lỗi và không có trách nhiệm hình sự. Ví dụ, quyết định bắt người để tạm giam đòi hỏi có chữ ký phê chuẩn của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Thủ trưởng đã giả chữ ký của Viện trưởng Viện kiểm sát. Người thi hành quyết định này không thể biết được đây là mệnh lệnh trái pháp luật.

- Mệnh lệnh là không hợp pháp mà người chấp hành biết được hoặc buộc phải biết được đó là trái pháp luật, tuy nhiên, do mối quan hệ lệ thuộc họ buộc phải chấp hành và không thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả, họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một y tá của một quân y viện chuẩn bị thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ, thấy có tên thuốc lạ ghi trong đơn thuốc nhưng không tin mình đúng và không nghĩ rằng sẽ có hậu quả xảy ra từ việc làm đó. Khi đó, nếu hậu quả có xảy ra thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Mệnh lệnh là không hợp pháp mà người chấp hành nhận thức được chỉ thị là trái pháp luật, nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra thì có hai trường hợp:

+ Nếu người thi hành mệnh lệnh có báo cáo việc đó với người ra mệnh lệnh theo đúng quy trình nhưng người ra mệnh lệnh vẫn giữ ý chí thì khi có thiệt hại xảy ra, người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự riêng mình.

+ Nếu người thi hành không báo cáo mà vẫn thi hành thì phải cùng với người ra mệnh lệnh chịu trách nhiệm hình sự (quan hệ giữa người thực hành và người tổ chức trong đồng phạm). Ví dụ, Thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định bắt người và giao cho cấp dưới thi hành. Cấp dưới biết việc bắt người này là không đúng mà vẫn im lặng thực hiện. Khi thiệt hại xảy ra cả hai cùng chịu trách nhiệm hình sự.

Việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên được loại trừ trách nhiệm hình sự sẽ không được áp đối với những trường hợp do thi hành mệnh lệnh mà thực hiện các hành vi phạm tội hóa hoại hòa bình, tội chống loài người hoặc tội phạm chiến tranh (khoản 2 các Điều 421, 422, 423 Bộ luật hình sự năm 2015).

 

Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề thực hiện chức năng nghề nghiệp nhưng thực tiễn cũng đã công nhận. Trách nhiệm hình sự của người gây ra thiệt hại do thực hiện chức năng nghề nghiệp không được đặt ra. Xét về mặt chuyên môn và xã hội, việc gây ra thiệt hại trong trường hợp này là tích cực, phù hợp với yêu cầu của xã hội và của chính người bị gây thiệt hại. Ví dụ, thầy thuốc được yêu cầu gây đau đớn cho bệnh nhân để cứu họ thoát chết hoặc phải thực hiện những ca mổ mà khả năng bảo vệ mạng sống là chưa xác định nhưng nếu không thực hiện thì bệnh nhân chắc chắn sẽ chết.

Ở một số nước trên thế giới hiện nay (chủ yếu ở phương Tây), pháp luật của họ còn cho phép một thầy thuốc có thể theo yêu cầu của bệnh nhân mắc bệnh nan y, giúp bệnh nhân này chết một cách nhẹ nhàng nếu được người thân của họ đồng ý (euthanasia). Tuy nhiên, quy định này đã bị lên án vì cho rằng làm như thế là vô nhân đạo dù đó là hành vi mang tính nhân đạo. Thực tiễn hình sự Việt Nam chưa xem xét vấn đề này.

Bộ luật hình sự năm 2015 cũng chưa ghi nhận việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do bị cưỡng bức về thân thể. Hiện nay, phạm tội do bị cưỡng bức (tinh thần hoặc thân thể) được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, theo tôi, phạm tội do bị cưỡng bức về thân thể phải coi là trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị cưỡng bức về tinh thần, người phạm tội có thể còn lựa chọn việc không phạm tội vì trường hợp này cũng có thể coi như một trường hợp bị đe dọa. Ví dụ, một tên cướp bắt con của một người đi đường và yêu cầu người này phải tự tay trói nạn nhân để y cướp tài sản của nạn nhân, nếu không tên cướp sẽ bắt con người đi đường mang đi. Trong trường hợp này, người đi đường có thể lựa chọn việc làm hoặc không làm theo sự sai khiến của tên cướp.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị cưỡng bức về tinh thần, người phạm tội không thể sự lựa chọn việc có phạm tội hay không. Ví dụ, bị cầm tay điểm chỉ vào một tờ đơn tố cáo sai sự thật và trở thành kẻ vu khống. Khi đó, người bị cưỡng bức phạm tội phải được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu để đưa vào Bộ luật hình sự trong chương Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.

Trong Bộ luật hình sự hiện hành, ngoài những trường hợp hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của phần chung, ở phần các tội phạm còn ghi nhận một trường hợp mà hành vi không vị coi là phạm tội, đó là trường hợp của người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác (khoản 7 Điều 304 Bộ luật hình sự). Như vậy, theo quy định này, người bị người khác ép buộc (có thể là người nhận hối lộ hoặc người thứ ba) phải đưa hối lộ thuộc bất kỳ trường hợp nào mà sau khi đưa hối lộ, chưa bị phát giác, đã chủ động đi khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được coi là hành vi không phạm tội, được loại trừ trách nhiệm hình sự, tài sản đưa hối lộ sẽ được trả lại.

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm các tình tiết loại trừ TNHS.

2. Phân tích những vấn đề liên quan đến sự kiện bất ngờ.

3. Phân tích những vấn đề liên quan đến tình trạng không có NLTNHS.

4. Phân tích những vấn đề liên quan đến phòng vệ chính đáng.

5. Phân tích những vấn đề liên quan đến tình thế cấp thiết.

6. Phân tích những vấn đề liên quan đến bắt người phạm pháp.

7. Phân tích những vấn đề liên quan đến rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

8. Phân tích những vấn đề liên quan đến thi hành mệnh lệnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009 và 2017.

2.     Đặng Văn Doãn: Vấn đề phòng vệ chính đáng, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1993.

3.     Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991.

4.     Nguyễn Ngọc Hoà: Mô tả luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991.

5.     Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

6.     Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

7.     Ted Truscott: Canadian Law: Self-defence and The Martial Artist (tiếng Anh), Canada, 1995.

8.     Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

9.     Viện Luật học: Những vấn đề lý luận cơ bản về tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.

10.   Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý: Chuyên đề: Những vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, Nhà in Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, 2002.

11.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.382-439.

[2]. Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Sđd, tr. 84.

[3]. Tâm thần học, Nxb. Y học, Hà Nội, 1980, tr.183.

[4]. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 quy định: “...chống trả một cách tương xứng.

[5]. Nguyễn Ngọc Hòa: Mô tả luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991, tr.8.

[6]. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Sđd, tr.13.

[7]. Đặng Văn Doãn: Vấn đề phòng vệ chính đáng, Nxb. Pháp lý, 1993, tr.15.

[8]. Ted Truscott: Canadian Law: Self-defence and The Martial Artist (tiếng Anh), Canada, 1995, tr.33.

[9]. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý: Chuyên đề: Những vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, Nhà in Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, 2002, tr.76.

[10]. Có thể đó là hành vi nhưng là hành vi của động vật, không có nhận thức xã hội, như: hành vi tấn công của trâu, bò, voi, hổ, v.v.. (TG).

Tác giả: Phạm Văn Beo